Ngày xuất bản: 30-10-2019

Xây dựng ảnh não ba chiều sử dụng phương pháp quang cận hồng ngoại

Nguyễn Hoàng Dũng, Đỗ Anh Khoa, Trần Lê Trung Chánh
Tóm tắt | PDF
Kỹ thuật quang cận hồng ngoại fNIRS (functional near-infrared spectroscopy) là phương pháp không tiếp xúc được dùng để đo nồng độ hemoglobin của tín hiệu não. Độ phân giải về thời gian của của kỹ thuật này cao (xấp xỉ 1 ms). Tuy nhiên, độ phân giải về không gian thì bị hạn chế (xấp xỉ 10 mm) so với các kỹ thuật không tiếp xúc khác. Do đó trong nghiên cứu này, kỹ thuật fNIRS với 32 cặp thu phát cận hồng ngoại được dùng để đo đáp ứng động học não của 5 người đàn ông trưởng thành khi cho họ thực hiện các phép tính số học. Đặc biệt tọa độ của 256 điểm ảnh 3 chiều được tính toán dựa trên sự phân bố hình học của các cặp thu phát. Hệ số về chiều dài đường đi của các quang tử trong phương trình Beer-Lambert được ước lượng như một hàm của khoảng cách để tính toán độ hấp thụ của ánh sáng. Trị trung bình của nồng độ hemoglobin (Oxy-hemoglobin và deOxy-hemoglobin) được tính từ độ hấp thụ ánh sáng thì được dùng để dựng lại ảnh não 3 chiều. Kết quả đạt được cho thấy phương pháp đề nghị có thể phát hiện tính hoạt động của não với độ phân giải không gian cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Cô lập và xác định hàm lượng β-ecdysone từ lá cây thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana) trồng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nguyễn Văn Trí, Lâm Bích Thảo, Cao Ngọc Giang, Tràn Ngọc Hùng, Bùi Thế Vinh
Tóm tắt | PDF
Ngoài các hoạt chất chống ung thư, cây thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana) còn chứa nhiều chất có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, điển hình là hợp chất b-ecdysone có tác dụng kích thích lột xác ở côn trùng và giáp xác. Bằng các phương pháp sắc ký, phân tích phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR một chiều và hai chiều, so sánh với chất chuẩn, nghiên cứu đã phân lập được hợp chất b-ecdysone từ lá cây thông đỏ lá dài trồng tại khu vực thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tách chiết theo phương pháp lắc phân đoạn với ethyl acetate và định lượng bằng quy trình sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC, nghiên cứu đã xác định được hàm lượng β-ecdysone trong lá cây thông đỏ lá dài đạt 55 mg/kg khô.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn trong bùn lắng của bể chứa nước thải nhà máy lọc hóa dầu có khả năng phân hủy hỗn hợp benzene, toluene và xylene

Võ Phát Tài, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Benzene, toluene và xylene (BTX) là các hydrocarbon được sử dụng rộng rãi trong đời sống, đặc biệt các hợp chất này là thành phần chính trong xăng và dầu. Khi lưu tồn trong đất và nước, BTX gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn vi khuẩn bản địa có khả năng phân hủy hỗn hợp BTX. Từ 5 mẫu bùn lắng được thu tại bể chứa nước thải của nhà máy lọc hóa dầu, 21 dòng vi khuẩn có khả năng phát triển tạo sinh khối trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung BTX như nguồn carbon duy nhất đã được phân lập. Kết quả cho thấy 2 dòng vi khuẩn BTX-S21 và BTX-S22 có khả năng tạo sinh khối cao hơn các dòng vi khuẩn còn lại trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung 0,01; 0,025; 0,05; 0,1; 0,25; 0,5 và 1% (v/v) từng hydrocarbon khảo sát, trong đó dòng BTX-S21 có khả năng phân huỷ hoàn toàn benzene và toluene; phân hủy hơn 92% xylene với nồng độ từng hydrocarbon là 0,01; 0,05; 0,1 và 0,25% (v/v) sau 24 giờ nuôi cấy.

Điều kiện bị chặn của hệ phương trình sai phân Volterra phi tuyến với chậm hữu hạn

Lê Trung Hiếu, Hà Mộng Như Chi
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, một số điều kiện đủ mới cho tính bị chặn mũ tới hạn của một lớp hệ phương trình sai phân Volterra phi tuyến phụ thuộc thời gian với chậm hữu hạn được đưa ra. Kết quả đạt được là mở rộng tổng quát của một số kết quả đã có trước đây như là trường hợp đặc biệt của nghiên cứu. Một ví dụ được đưa ra nhằm minh họa cho kết quả đạt được.

Ảnh hưởng của điều kiện ánh sáng và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây mã đề (Plantago major)

Nguyễn Văn Ây, Nguyễn Thị Quới Trâm, Đỗ Tấn Khang, Trần Thanh Mến
Tóm tắt | PDF
Các yếu tố môi trường sống và thời gian sinh trưởng có tác động rất lớn lên quá trình hình thành các hợp chất trong cây. Khảo sát ảnh hưởng của điều kiện ánh sáng và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây mã đề (Plantago major L.) đã được thực hiện. Kết quả cho thấy: (i) Có sự hiện diện của các hợp chất flavonoid, alkaloid, phenolic, tanin, coumarine, terpenoid, saponin và glycoside trong cây mã đề khi định tính bằng các phản ứng màu đặc trưng; (ii) Thời gian sinh trưởng và cường độ ánh sáng có ảnh hưởng lớn đến hàm lượng các hợp chất trong cây mã đề. Trong đó, cây 4 tháng tuổi có hàm lượng phenolic, tanin và flavonoid tổng (lần lượt là 6,58, 9,03 và 5,98 mg/g TLK) cao hơn ở cây 6 tháng tuổi (lần lượt là 2,88, 2,79 và 4,98 mg/g TLK). Cây mã đề trồng ở điều kiện ánh sáng 75% có hàm lượng các hợp chất phenolic, tanin và flavonoid tổng (lần lượt là 7,92, 4,25 và 6,74 mg/g TLK) cao nhất so với các nghiệm thức còn lại. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy có sự tương tác giữa điều kiện ánh sáng và thời gian trồng lên hàm lượng các hoạt chất này.

Cơ sở lý thuyết xác định chênh cao giữa các điểm

Đỗ Minh Tuấn, Huỳnh Nguyễn Định Quốc
Tóm tắt | PDF
Trong công tác đo đạc truyền thống, để xác định chênh cao giữa 2 điểm cần phải thực hiện đo thủy chuẩn hình học, với phương pháp đo này, khi khoảng cách giữa 2 điểm xa (hàng trăm km), chi phí sẽ rất lớn. Trong bài báo này, nhóm tác giả đề cập đến 2 phương  pháp khác để tính chênh cao giữa 2 điểm. Điểm đặc biệt của 2 phương pháp này là sử dụng kết quả đo GNSS để tính chênh cao thông qua: (1) tính hiệu số thế giữa 2 mặt đẳng thế đi qua 2 điểm hay (2) tính hiệu độ cao qua việc xử lý số liệu đo tuyệt đối (tương đối). Hai điểm đo thực nghiệm được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang, hai phương pháp trên cho cùng giá trị chênh cao và sai số nằm trong mức cho phép. Kết quả này cho thấy, trong một số trường hợp, có thể sử dụng GNSS thay thế cho phương pháp đo chênh cao thủy chuẩn hình học.

Thuật toán quy hoạch động cho bài toán xếp ba lô cân bằng {0,1}

Võ Nguyễn Minh Hiếu, Trần Thủ Lễ, Nguyễn Ngọc Đăng Duy
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, một biến thể của bài toán tối ưu cân bằng với ràng buộc có dạng xếp ba lô được nghiên cứu. Để giải quyết bài toán, một cấu trúc đặc biệt của tập các phương án chấp nhận được chỉ ra. Dựa vào đó, một thuật toán quy hoạch động được đề xuất để giải bài toán đã nêu trong thời gian đa thức.

Tổng hợp dẫn xuất quinazolin-4-one

Lê Thị Hồng Búp, Lê Thị Thảo Nguyên, Bùi Thị Bửu Huê, Mai Van Hieu, Danh La Đức Thành
Tóm tắt | PDF
Các hợp chất dị vòng chứa nitrogen, đặc biệt là các hợp chất chứa khung quinazolin-4-one, được biết có hoạt tính sinh học rất đa dạng. Trong nghiên cứu này, sáu hợp chất gồm ba dẫn xuất quinazolin-4-one (3a-c) và ba dẫn xuất N-acetamidyl quinazolinone (8a-c) đã được tổng hợp thành công với hiệu suất khá tốt. Quy trình tổng hợp đơn giản, hiệu quả, sử dụng chất oxy hóa là oxy không khí thân thiện với môi trường.

Hoạt tính chống oxy hóa và bảo vệ gan của cao chiết lá gáo trắng (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser)

Phan Kim Định, Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Cao lá Gáo trắng - GT (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser) có chứa các thành phần hóa học bao gồm alkaloid, flavonoid, glycoside, phenol, tannin, triterpenoid. Hàm lượng polyphenol và flavonoid được xác định lần lượt là 376,43±2,22 mg GAE/g và 613,53±90,39 mg QE/g. Hoạt tính chống oxy hóa của cao lá GT  được khảo sát bằng các phương pháp DPPH và khử sắt (RP). Kết quả cho thấy, cao lá GT có khả năng chống oxy hóa khá tốt với EC50 = 52,69 µg/mL và OD0,5 = 89,68 µg/mL, lần lượt cao hơn chất chuẩn vitamin C và BHA  là 1,13 lần và 2,97 lần. Hoạt động  bảo vệ gan của cao lá GT được khảo sát trên chuột tổn thương gan bằng CCl4 với liều 2,5 ml/kg/ngày bằng đường uống trong thời gian 4 tuần. Silymarin được sử dụng như đối chứng dương. Ở các liều khảo sát cao lá GT 100, 200, 400 mg/kg trọng lượng chuột đều cho hiệu quả làm giảm hàm lượng các enzyme ALT và AST trong huyết thanh rất tốt. Cao lá GT cũng cải thiện được trạng thái stress oxy hóa trong gan qua hiệu quả làm giảm mức MDA và làm tăng mức GSH trong mô gan.

Tổng hợp và đánh giá hoạt tính gây độc tế bào của một số dẫn xuất chalcone

Hứa Hữu Bằng, Lê Thị Thảo Nguyên, Trần Quang Đệ, Bùi Thị Bửu Huê
Tóm tắt | PDF
Các dẫn xuất chalcone có nhiều hoạt tính sinh học bao gồm: kháng sốt rét, kháng viêm, kháng khuẩn và kháng ung thư. Trong nghiên cứu này, quy trình một bước để tổng hợp 5 dẫn xuất chalcone 3A, 3B, 3D, 3E và 3F đã được thực hiện thành công, trong đó có 2 hợp chất mới là (E)-3-(2,5-dimethoxyphenyl)-1-(thiophen-3-yl)prop-2-en-1-one (3E) và (E)-3-(pyridin-4-yl)-1-(1H-pyrrol-2-yl)prop-2-en-1-one (3F). Phương pháp tổng hợp được thực hiện bằng phản ứng ngưng tụ Claisen-Schmidt giữa các dẫn xuất methyl ketone và aldehyde thơm với sự hiện diện của xúc tác NaOH trong dung môi ethanol. Hiệu suất tổng hợp các dẫn xuất 3A, 3B, 3D, 3E và 3F đạt được lần lượt là 70%, 73%, 75%, 90% và 86%. Cấu trúc của các hợp chất được xác định dựa trên các dữ liệu phổ nghiệm bao gồm FT-IR, MS, 1H-NMR và 13C-NMR. Kết quả thử nghiệm độc tính với tế bào ung thư cho thấy hợp chất 3E và 3F có hoạt tính tốt nhất đối với dòng tế bào Hep-G2 với giá trị IC50 tương ứng là 10,46±0,09 μg/mL và 6,82± 0,21 μg/mL.

Tổng hợp dẫn xuất mang khung kết hợp 1,3,4-oxadiazole/benzimidazole

Nguyễn Thị Kim Huyền, Bùi Thị Bửu Huê, Mai Van Hieu, Danh La Đức Thành
Tóm tắt | PDF
Các hợp chất dị vòng chứa khung 1,3,4-oxadiazole hay benzimidazole được biết có nhiều hoạt tính sinh học đáng quý như kháng khuẩn, kháng nấm, giảm đau, kháng viêm, kháng virus, kháng ung thư, hạ huyết áp, kháng đái tháo đường và kháng oxy hóa. Chính vì vậy việc kết hợp hai khung cơ bản này hứa hẹn tạo ra các hợp chất mới có tiềm năng về hoạt tính sinh học có thể ứng dụng trong các nghiên cứu phát triển thuốc mới. Trong nghiên cứu này, quy trình tổng hợp khung kết hợp 1,3,4-oxadiazole và benzimidazole được đề xuất. Ưu điểm của quy trình tổng hợp là tính đơn giản, hiệu quả, sử dụng các tác nhân oxy hóa rẻ tiền, ít độc hại như MnO2 và I2/K2CO3. Áp dụng quy trình này, bốn dẫn xuất 1,3,4-oxadiazole/benzimidazole đã được tổng hợp thành công với hiệu suất cao (63-67 %).

Mô hình PSM và cấu trúc, độ bền của các cluster

Phạm Thị Bích Thảo, Trần Thị Ngọc Thảo, Nguyen Thanh Si
Tóm tắt | PDF
Cấu trúc, cơ chế phát triển và các tính chất về năng lượng của một số closo-hydroborate dianions BnHn2– (n = 5 - 12) và vàng cluster AuN (N = 2 – 20) được nghiên cứu một cách hệ thống bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ DFT. Cấu trúc cân bằng được xác định hoặc xác nhận, và cơ chế phát triển sau đó được thiết lập. Một số thông số nhiệt động bao gồm năng lượng nguyên tử hóa, nhiệt tạo thành, thế ion hóa và ái electron cũng được tính toán để đánh giá xu hướng ổn định của chúng. Kết quả tính toán cho thấy trong số các cluster được khảo sát một số cluster đặc biệt ổn định với cấu trúc electron vỏ kín. Các electron hóa trị của chúng tạo ra các số kỳ diệu có thể được giải thích dựa vào mô hình PSM.

Nghiên cứu lâm sàng bệnh viêm tử cung trên chó và ảnh hưởng của hormone progesterone đến nguy cơ mắc bệnh

Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Thị Hạnh Chi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu lâm sàng bệnh viêm tử cung trên chó và ảnh hưởng của thuốc ngừa thai bằng hormone medroxyprogesterone acetate (MPA) được thực hiện từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2018 bằng phương pháp nghiên cứu bệnh chứng nhằm khảo sát tình hình viêm tử cung trên chó, đánh giá tác động của thuốc ngừa thai lên sự gia tăng nguy cơ viêm tử cung trên chó. Kết quả nghiên cứu cho thấy chó mắc bệnh viêm tử cung tại địa bàn khảo sát là 12,76%, trong đó tỷ lệ chó mắc bệnh có tiêm ngừa thai bằng hormone MPA là 60,22%.  Trong tổng số ca mắc bệnh có tiêm ngừa thai bằng hormone MPA, tỷ lệ chó đã tiêm ngừa thai 1 lần là 23,21%, 2 lần 26,79% và hơn hai lần có sự gia tăng đột biến về tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung là 50%. Về lâm sàng, các triệu chứng uống nhiều nước, chảy dịch âm đạo, bụng to bất thường hay liếm âm hộ là những dấu hiệu bệnh lý lâm sàng khá tin cậy để định hướng chẩn đoán bệnh viêm tử cung ở chó. Kết quả về mô tả sự tương quan của yếu tố nguy cơ dựa vào nghiên cứu bệnh chứng bằng tỷ suất chênh OR cũng cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa yếu tố nguy cơ và sự xuất hiện bệnh, nguy cơ mắc bệnh của chó có tiêm ngừa thai bằng hormone progesterone cao gấp 4,29 lần so với chó không tiêm ngừa thai.

So sánh và đánh giá các phương pháp ly trích DNA trong các sản phẩm có nguồn gốc từ hạt ca cao

Lâm Thị Việt Hà, Trần Nhân Dũng, Hà Thanh Toàn, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Bốn phương pháp trích ly DNA nhanh (kit) được dùng trong nghiên cứu đánh giá và so sánh nhằm chọn phương pháp trích ly DNA tối ưu nhất cho từng nguyên liệu có nguồn gốc từ sản phẩm ca cao (bốn nguyên liệu sử dụng trong thí nghiệm: bột ca cao, bơ ca cao, ca cao lỏng và sô cô la). Các phương pháp trích ly bao gồm: DNeasy Plant kit, DNeasy Plant kit with polyvinyl polypyrrolidone (PVPP), QIAamp DNA Stool kit, và Wizard Genomic DNA Purification kit. DNA ly trích được so sánh nồng độ DNA; độ tinh sạch và so sánh chất lượng sản phẩm tạo thành (sản phẩm PCR dương tính); Wizard Genomic DNA Purification kit cho kết quả tốt nhất đối với bột ca cao và sô cô la [DNA] = 44,83 (ng/µL); A260/A280 = 1,4-1,7, PCR dương tính; và [DNA] = 29,34 (ng/µL) và A260/A280 = 1,4-1,7, PCR dương tính; sản phẩm bơ ca cao không cho kết quả tốt đối với 3 phương pháp ly trích DNeasy Plant kit with PVPP, DNeasy Plant kit without PVPP, và QIAamp DNA Stool kit ([DNA]

Tạo dòng, biểu hiện và tái gấp cuộn prion protein (PrPc) chuột dung hợp với GST

Trương Hà Minh Nhật, Trần Văn Hiếu, Huỳnh Kiến Quang
Tóm tắt | PDF
Vaccine đường uống là chiến lược tiềm năng hiện nay trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa với nhiều ưu điểm nổi bật hơn hẳn so với vaccine truyền thống dạng tiêm. Nhằm giải quyết tình trạng dung nạp miễn dịch và sự phân tán kháng nguyên ở ruột, tế bào M hiện diện trong đường ruột là mục tiêu cần nhắm trúng đích cho việc vận chuyển kháng nguyên uống hiệu quả. Thụ thể PrPC của tế bào M được chứng minh là có tương tác với heat shock protein (Hsp60). Trong nghiên cứu in silico trước, nhóm nghiên cứu đã dự đoán được hai pep-tít đóng vai trò chính trong tương tác của Hsp60 với thụ thể PrPC. Để khẳng định tính bám của các trình tự dự đoán, PrPC tái tổ hợp cần được tạo ra để phục vụ cho nghiên cứu tương tác. Trong nghiên cứu này, gen mã hóa cho PrPC chuột (mPrPc) sẽ được dòng hóa vào vector pET-gst để tạo vector tái tổ hợp pET-gst-mPrPc. Tiếp đó, vector được chuyển vào chủng Escherichia coli (E. coli) BL21 (DE3) để cảm ứng biểu hiện protein. Kết quả phân tích SDS-PAGE và Western blot với kháng thể kháng GST cho thấy protein tái tổ hợp GST-mPrPC biểu hiện ở dạng thể vùi nên được tiến hành hòa tan và tái gấp cuộn. Sau quá trình tái gấp cuộn, protein GST-mPrPC được thu nhận ở dạng tan với hiệu suất tái gấp cuộn 88,33%.

Ảnh hưởng của bã cà phê tươi lên sinh trưởng, năng suất một số cây trồng và đặc tính sinh học đất xám bạc màu từ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Khởi Nghĩa, Nguyen Thi Thu Ha
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của bã cà phê tươi (BCPT) lên sinh trưởng, năng suất bắp, đậu nành, lúa và đặc tính sinh học đất trong nhà lưới. Bắp, đậu nành, lúa lần lượt được trồng luận canh trên cùng nền đất xám bạc màu thu từ Mộc Hóa, Long An với 4 lặp lại và 7 nghiệm thức gồm đối chứng (không bón phân), 2, 4, 6, 8, 10% BCPT (trọng lượng đất) và phân hóa học theo khuyến cáo. Chiều cao cây, số lá, số chồi và mật số vi sinh vật đất được thu thập vào 30, 45 (60), 60 (90) ngày sau gieo (NSG) tùy loại cây. Năng suất mỗi vụ và đa dạng cộng đồng vi khuẩn đất khi kết thúc thí nghiệm cũng được thu thập. Kết quả cho thấy BCPT 6% và 10% giúp, đậu nành, lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn so với phân hóa học, tuy nhiên không làm tăng sinh trưởng và năng suất bắp, giúp tăng mật số vi khuẩn, nấm, vi khuẩn cố định đạm, hòa tan lân, đặc biệt ở cuối vụ bắp và trong suốt vụ đậu nành. Ngoài ra, cấu trúc quần thể vi khuẩn ở hai nghiệm thức này đa dạng hơn so với các nghiệm thức khác. Như vậy, bón 6% hoặc 10% BCPT giúp kích thích sinh trưởng, tăng năng suất đậu nành và lúa, cải thiện đặc tính sinh học đất và có thể sử dụng như một loại phân hữu cơ sạch cho sản xuất bền vững.

Ảnh hưởng của số lần cho ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain)

Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của số lần cho ăn khác nhau trong ương ấu trùng cua biển nhằm xác định số lần cho ăn thích hợp cho sự tăng trưởng và tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng cua biển. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức: (i) cho ăn 4 lần/ngày; (ii) 6 lần/ngày và (iii) 8 lần/ngày; với mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Bể thí nghiệm có thể tích 120 L (chứa 100 L nước), mật độ ấu trùng 450 con/L và nước có độ mặn 30‰. Sau 12 ngày ương (ấu trùng ở giai đoạn zoae­4) thì tiến hành chuyển sang bể 500L (chứa 300L nước). Tỷ lệ sống đạt từ 42,9 – 51,0% nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Sau 26 ngày ương, tỷ lệ chuyển cua 1 ở các nghiệm thức là 100% và chỉ số biến thái của ấu trùng ở các nghiệm thức khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Bên cạnh đó, tỷ lệ sống từ giai đoạn zoae1 đến cua1 đạt từ 2,6 – 3,0 % và giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Phân tích hiệu quả kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi cá ba sa (Pangasius bocourti) trong bè ở tỉnh An Giang

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu mô hình nuôi ba sa trong bè ở tỉnh An Giang được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2018 thông qua phỏng vấn trực tiếp 55 hộ nuôi cá ba sa trong bè ở thành phố Châu Đốc (20 hộ), huyện Tân Châu (20 hộ) và huyện An Phú (15 hộ) tỉnh An Giang với các nội dung về khía cạnh kỹ thuật, tài chính và xác định những thuận lợi khó khăn của mô hình nuôi cá ba sa trong bè. Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi hộ nuôi có 3,36 bè/hộ, với thể tích mỗi bè trung bình là 623 m3. Cá giống thả nuôi có kích cỡ và mật độ thả nuôi lần lượt là 61,9 g/con và 151 con/m3. Sau thời gian nuôi là 308 ngày, cá đạt kích cỡ trung bình 940 g/con, năng suất 1.457 kg/10 m3/vụ, đạt tỉ lệ sống 89,1% và FCR là 1,85. Đầu tư cho mô hình nuôi cá ba sa trong bè rất cao, trung bình 19,8 triệu đồng/10 m3. Với tổng chi phí cho 1 vụ nuôi là 33,3 triệu đồng/10 m3/vụ, người nuôi đạt lợi nhuận là 10,75 triệu đồng/10 m3/vụ và tỉ suất lợi nhuận là 0,32 lần. Khó khăn lớn nhất của nghề nuôi cá ba sa trong bè là nguồn nước bị ô nhiễm, giá bán không ổn định và thiếu vốn đầu tư sản xuất.

Hiện trạng phân bố và nhận diện loài rong mơ thuộc chi Sargassum (phaeophyta) ở Phú Quốc - Kiên Giang

Nguyễn Tấn Phong, Huỳnh Văn Tiền
Tóm tắt | PDF
Một số loài rong mơ thuộc chi Sargassum có giá trị kinh tế cao nhưng chưa có đánh giá hoặc báo cáo về phân bố và các thành phần loài ở ven đảo Phú Quốc, Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu này là cung cấp thông tin cơ bản về hiện trạng phân bố và thành phần loài rong mơ thuộc chi Sargassum ở đảo Phú Quốc. Áp dụng Phương pháp quadrat để thu mẫu, lấy mẫu phân tích phân loại, đánh giá đa dạng loài và đánh giá chỉ số tương đồng thành phần loài. Chín trong 13 địa điểm nghiên cứu có hiện diện của 15 loài: S. henslowianum, S. muticum, S. binderi, S. fusiforme, S. pallidum, Sargassum sp., S. swartzii, S. hemiphyllum, S. ilicifolium, S. ecuadoreanum, S. brachyphyllum, S. polycystum, S. cinereum, S. siliquosum và S. wightii. Chỉ số đa dạng sinh học (H’) của các loài thuộc chi Sargassum ở mức cao với chỉ số biến động từ 0,693 đến 1,380. Hai loài S. polycystum và S. brachyphyllum có tần số xuất hiện đồng thời cùng nhau cao nhất 99,6%. Trong khi đó, chỉ số tương đồng thành phần loài (J’) của các loài này tương đối ở mức cao từ 0,985 đến 1,000. Từ đó, cần có quy hoạch phù hợp nhằm bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên rong mơ Sargarrum ở biển tại Phú Quốc.

Ảnh hưởng của thức ăn có bổ sung chitosan lên một số chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu ở cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Bùi Thị Bích Hằng, Nguyễn Hoàng Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu bổ sung chitosan vào thức ăn cá tra nhằm đánh giá khả năng ảnh hưởng của chitosan lên một số chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu của cá tra. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức (0, 1, 5, 10 g/kg thức ăn), ba lần lặp lại. Tiến hành thu mẫu sau 2 và 4 tuần cho cá ăn thức ăn có bổ sung chitosan. Sau đó, tiến hành cảm nhiễm cá thí nghiệm với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Hiệu quả của chitosan tác động lên đáp ứng miễn dịch của cá được đánh giá thông qua: (i) các chỉ tiêu huyết học và miễn dịch bao gồm mật độ tế bào hồng cầu, tổng bạch cầu, tế bào bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính, lympho và tiểu cầu; hoạt tính của lysozyme trong huyết thanh cá; (ii) tỉ lệ chết của cá sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ tiêu huyết học hoạt tính lysozyme của cá ở các nghiệm thức được bổ sung chitosan tăng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng ở các lần thu mẫu. Sau khi cảm nhiễm với E. ictaluri, tỉ lệ chết của cá ở các nghiệm thức có bổ sung chitosan thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng (60%), nghiệm thức bổ sung 1 g chitosan/kg thức ăn có tỉ lệ chết thấp nhất (40%). Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung chitosan ở mức 1 g/kg thức ăn làm tăng khả năng đáp ứng miễn dịch cá tra và tăng khả năng kháng vi khuẩn ở cá.

Kết quả nuôi vỗ ốc bươu đồng (Pila polita) dưới ảnh hưởng của hàm lượng calcium khác nhau trong thức ăn

Lê Văn Bình, Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của các hàm lượng calcium đến quá trình thành thục và hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita). Ốc được cho ăn 5 hàm lượng calcium khác nhau với 3 lần lặp lại cho mỗi hàm lượng calcium lần lượt là: 1% (Ca1); 3% (Ca3); 5% (Ca5); 7% (Ca7) và 9% (Ca9). Ốc bố mẹ có chiều cao vỏ từ 35,5 - 42,4 mm được nuôi trong bể lót bạt (kích thước 1×1×1 m) với mật độ 60 con/bể và tỉ lệ đực:cái là 1:1. Kết quả sau 90 ngày nuôi vỗ cho thấy, hệ số thành thục (GSI) của ốc bươu đồng ở Ca5 là cao nhất (6,3% ở con đực; 13,0% ở con cái), kế đến Ca7 (5,7%; 10,2%) và khác biệt có ý nghĩa (p

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Tuấn Kiệt, Võ Ngọc Bảo Trân, Trần Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu khoa học (NCKH) không những là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới cho sinh viên (SV) trong các trường đại học. Bài nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 345 SV thuộc các chuyên ngành của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ nhằm phân tích thực trạng NCKH của họ. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều SV chưa biết đến hoạt động NCKH đề tài cấp cơ sở ở các mức độ như sau: có 14% SV không biết đến hoạt động này, 81% SV có nghe nhưng chưa tìm hiểu và 5% SV có nghe và tìm hiểu. Bên cạnh đó, cũng có gần 5% SV đã và đang thực hiện đề tài NCKH cấp cơ sở và có đến hơn 95% SV chưa từng thực hiện nghiên cứu. Nghiên cứu này cũng phát hiện những khó khăn và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của SV Khoa Kinh tế. Từ nghiên cứu này, các giải pháp để thúc đẩy mạnh hoạt động NCKH của SV Khoa Kinh tế được đề xuất, góp phần thực hiện tốt chức năng đào tạo của Khoa, nâng cao năng lực nghiên cứu trong học tập của SV và chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống xã hội.

Đánh giá của du khách về việc khai thác di sản hán nôm phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh An Giang

Đào Ngọc Cảnh, Trương Thị Kim Thủy
Tóm tắt | PDF
Di sản văn hóa là tài sản quý giá của quốc gia và của địa phương, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, văn hóa Hán Nôm đã trở thành bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Trong đó, nhiều tư liệu Hán Nôm được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Di sản văn hóa Hán Nôm ở tỉnh An Giang khá phong phú và đa dạng so với các tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nguồn tài nguyên du lịch rất có giá trị cần được bảo tồn và phát huy. Từ đó, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần đưa An Giang trở thành một trong những địa bàn du lịch trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tính cách việt trong truyện ngắn Thạch Lam

Hồ Thị Xuân Quỳnh
Tóm tắt | PDF
Bài viết làm rõ tính cách Việt trong truyện ngắn Thạch Lam. Đây là một trong những giá trị nổi bật về nội dung của truyện ngắn Thạch Lam, khiến cho truyện ngắn của nhà văn này vừa có giá trị nhân đạo vừa có tính dân tộc sâu sắc. Truyện ngắn Thạch Lam giống như những bài thơ trữ tình ca ngợi vẻ đẹp về tính cách, phẩm chất của con người Việt Nam trong cuộc sống. Thạch Lam đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật để khắc họa những nét tính cách mang đậm bản sắc con người Việt Nam trong truyện ngắn của ông.

Nhận thức nghề nghiệp đối với ngành du lịch của sinh viên ngôn ngữ pháp, Trường Đại học Cần Thơ

Đào Vũ Hương Giang, Huỳnh Văn Đà, Đào Ngọc Cảnh
Tóm tắt | PDF
Nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng lên mạnh mẽ đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch quốc tế, trong đó có nguồn nhân lực du lịch tiếng Pháp. Trên thực tế, nguồn nhân lực du lịch tiếng Pháp ở Cần Thơ hầu hết là sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Pháp. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về du lịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch tiếng Pháp. Nghiên cứu này khảo sát nhận thức nghề nghiệp đối với ngành du lịch của 120 sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp, Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết sinh viên đều thấy rõ cơ hội việc làm trong ngành du lịch, nhưng còn thiếu các kiến thức và kỹ năng du lịch. Do đó, sinh viên cần được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng du lịch, cũng như nên gắn kết đào tạo ngành Ngôn ngữ Pháp với đào tạo ngành Du lịch. Từ đó, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức nghề nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch tiếng Pháp trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Phân tích hiệu quả kinh tế của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Cảnh Dũng, Nguyễn Văn Sánh, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Kim Thoa
Tóm tắt | PDF
Hiệu quả kinh tế của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá bằng hàm lợi nhuận biên Cobb-Douglas kết hợp với hàm phi hiệu quả theo phương pháp ước lượng một bước. Dữ liệu từ 470 nông hộ trồng lúa được phân tích bằng phần mềm Frontier 4.1. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng, hiệu quả kinh tế ở vụ Hè Thu 2017 và Đông Xuân 2017-2018 đạt ở mức khá lần lượt là 77,9% và 82,8% . Giá lúa giống (vụ Hè Thu), giá phân bón (vụ Đông Xuân) và chi phí thuốc nông dược trong cả hai mùa vụ tác động làm giảm lợi nhuận. Các yếu tố về đặc điểm hộ có ý nghĩa đến lợi nhuận gồm: tuổi, kinh nghiệm, trình độ học vấn của người quản lý hộ, mức độ tham gia tập huấn, số lao động gia đình tham gia sản xuất lúa. Bên cạnh đó, đối tượng thu mua lúa, hình thức thanh toán tiền vật tư nông nghiệp và nhóm giống lúa gieo sạ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa ở ĐBSCL, việc sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào tương ứng với giá cả thị trường, lựa chọn hợp lý kênh phân phối sản phẩm đầu ra phù hợp và cải thiện đặc điểm kinh tế - xã hội của nông hộ cần được chú trọng.

Tiếp cận chương trình cho vay mua nhà ở xã hội: Nghiên cứu thực nghiệm ở Cần Thơ

Phan Đình Khôi, Trương Thị Thúy Hằng, Nguyễn Trung Đông
Tóm tắt | PDF
Tiếp cận chương trình cho vay mua nhà ở xã hội được người dân đặc biệt quan tâm nhưng có ít nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam. Bài viết này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và lượng vốn vay từ chương trình cho vay mua nhà ở xã hội ở thành phố Cần Thơ. Kết quả ước lượng từ mô hình Heckman cho thấy các yếu tố như: hôn nhân, trình độ học vấn, thu nhập, số người phụ thuộc, vay không chính thức có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp. Các yếu tố ảnh hưởng đến số tiền vay mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp bao gồm: tuổi, giới tính, hôn nhân, thu nhập, tỷ lệ vốn tự có, diện tích xây dựng. Kết quả còn cho thấy khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội của người thu nhập thấp có tương quan thuận với số tiền vay. Do vậy, các giải pháp huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho người thu nhập thấp vay vốn với thời gian dài, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng và mua nhà ở xã hội cần thực hiện để hiện thực hóa chương trình cho vay mua nhà ở xã hội tại thành phố Cần Thơ.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân tại vùng sinh thái nông nghiệp ven biển Tây Đồng bằng sông Cửu Long

Võ Thành Danh, Võ Đoàn Mỹ Linh, Lê Thanh Sang
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân tại vùng sinh thái nông nghiệp ven biển Tây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu đã khảo sát 224 hộ nông dân với 295 thửa ruộng tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Đề tài sử dụng phương pháp hồi quy đa biến nhằm ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân năm 2017 – 2018 của nông hộ. Qua đó cho thấy, năng suất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm: số lần bón phân, số lần xịt thuốc diệt cỏ, tình trạng canh tác, hệ thống thủy lợi, tình trạng xâm nhập mặn, phương pháp xuống giống, và phương pháp thu hoạch. Trong đó, số lần bón phân và số lần xịt thuốc diệt cỏ làm tăng năng suất lúa. Bên cạnh đó, mô hình độc canh lúa cho hiệu quả cao hơn mô hình xen canh lúa về năng suất. Thửa ruộng có hệ thống tưới tiêu cũng có năng suất cao hơn so với thửa ruộng sử dụng nước trời. Kết quả cũng cho thấy, thửa ruộng sử dụng phương pháp thu hoạch bằng cơ giới và phương pháp sạ trực tiếp cho năng suất cao hơn thửa ruộng sử dụng phương pháp thu hoạch khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy xâm nhập mặn có tác động tiêu cực đến năng suất lúa.

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Việt Nam

Thái Văn Đại, Trần Minh Trang
Tóm tắt | PDF
Kết quả ước lượng dựa trên số liệu điều tra năm 2013 của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy vốn vay được từ các ngân hàng và số lượng lao động có tác động cùng chiều đến đầu tư của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNSNNVV). Ngược lại, giá trị tài sản cố định và nhân tố cạnh tranh của DNSNNVV ảnh hưởng nghịch chiều với đầu tư. Nghiên cứu cũng chỉ ra nhân tố lợi nhuận, trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp (DN), kinh nghiệm và các loại hình DN hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn không có tác động đến quyết định đầu tư. Chỉ riêng DN cổ phần có tác động tích cực đến việc đầu tư.

Các nhân tố ảnh hưởng tới việc thực thi chính sách tiêu dùng xanh của doanh nghiệp (qua thực tiễn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long)

Đặng Viết Đạt, Hoàng Thị Quyên
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là kiểm định mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới việc thực thi chính sách tiêu dùng xanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành năm 2018 trên mẫu là 205 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình hồi quy nhị phân (binary logistic) và mô hình phân tích theo nhóm được sử dụng để kiểm định sự tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Kết quả kiểm định cho thấy việc thực thi chính sách tiêu dùng xanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều nhóm nhân tố như: (1) Yếu tố nhận thức, thái độ của những người đứng đầu doanh nghiệp đối với chính sách tiêu dùng xanh; (2) Yếu tố thể chế và chính sách; (3) Nguồn lực của doanh nghiệp.

Phân tích khả năng thu hút du khách của vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thúy Vy
Tóm tắt | PDF
Vùng liên kết du lịch các tỉnh Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh. Tuy vùng có nhiều tiềm năng du lịch nhưng lượt du khách và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch chưa tương xứng so với tiềm năng du lịch của từng địa phương. Hiểu được các yếu tố cấu thành khả năng thu hút du khách là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động khai thác và phát huy thế mạnh du lịch. Trên cơ sở mô hình nghiên cứu đề xuất kế thừa từ nghiên cứu của Hu and Ritchie (1993) kết hợp với dữ liệu sơ cấp thu được từ 164 phiếu trả lời hợp lệ. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách du lịch của vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL lần lượt theo mức độ ảnh hưởng từ cao đến thấp là: yếu tố tự nhiên, văn hóa xã hội và các đặc tính hỗ trợ.