Ngày xuất bản: 31-08-2018

Ảnh hưởng của sự suy giảm nguồn nước dưới đất đến sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Trần Thị Lệ Hằng, Văn Phạm Đăng Trí, Nguyễn Lê Trạng, Nguyễn Thái Ân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng sự suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp phỏng vấn cấu trúc và bán cấu trúc (hộ gia đình và cán bộ địa phương chuyên trách về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước) được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự suy giảm nguồn tài nguyên nước dưới đất đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng màu, thủy sản) của người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn tài nguyên nước dưới đất tại Vĩnh Châu đang có dấu hiệu suy giảm, từ đó, gây ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng nguồn nước đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cụ thể gây khó khăn trong việc bơm nước tưới cho cây trồng như làm tăng thời gian bơm nước (làm tăng chi phí điện/xăng, dầu), nâng cấp thiết bị bơm (bằng cách mua thêm các thiết bị bơm nước mới). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy rằng sự suy giảm nguồn nước dưới đất còn là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số lượng giếng khoan (khoan thêm giếng sâu hơn để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho hiện tại và tương lai) do giếng khoan trước đó áp lực nước bơm lên rất yếu hoặc bơm không lên nước. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ ra quyết định trong công tác quy hoạch, quản lý và cấp phép khai thác của ngành đặc biệt là các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá hiệu quả của chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 trên giống lúa cao sản OM4218

Ngô Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Chế phẩm đạm sinh học được sản xuất từ sự lên men chủng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis CT1 trong môi trường Burk’s lỏng không đạm (Park et al., 2005), được tồn trữ 3 tháng, sau đó trộn với hạt lúa giống OM4218 đã nẩy mầm. Thí nghiệm đánh giá hiệu quả của chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 được tiến hành trên giống lúa OM4218 trồng trong chậu vào vụ Hè Thu 2016. Kết quả thí nghiệm đã chứng minh chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 có khả năng thay thế đến 50%N sử dụng cho cây lúa cao sản trồng trong chậu, ảnh hưởng có ý nghĩa đến sự tích lũy sinh khối, số chồi hữu hiệu của bụi lúa và năng suất lúa thu hoạch theo từng chậu so với đối chứng. Hiệu quả của chế phẩm cũng tác động có ý nghĩa lên sự tích lũy protein trong hạt gạo và duy trì được N tổng số trong đất sau khi thu hoạch lúa trong chậu. Như vậy, chế phẩm đạm sinh học Burkholderia vietnamiensis CT1 có khả năng cung cấp đến 50% đạm sinh học cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa cao sản OM4218 trồng trong chậu.

Tác động thay đổi lượng mưa đến biến động bổ cập nước dưới đất tầng nông - trường hợp nghiên cứu tỉnh Hậu Giang

Dương Quỳnh Thanh, Nguyễn Hiếu Trung, Phạm Minh Đầy, Nguyễn Đình Giang Nam, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Việc đánh giá tiềm năng bổ cập nước dưới đất (NDĐ) hiện nay vẫn còn hạn chế tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nghiên cứu này được thực hiện để ước tính lượng bổ cập tự nhiên cho nguồn NDĐ và các động thái của nó đối với sự thay đổi lượng mưa trong tương lai ở tỉnh Hậu Giang. Dựa vào phương pháp tiếp cận các dữ liệu được ghi nhận trong 10 năm tại 8 giếng quan trắc, nghiên cứu đã ước lượng tiềm năng bổ cập NDĐ tại địa phương và lập bản đồ tiềm năng bổ cập tại tầng chứa nước nông. Sau đó, bằng phân tích số liệu mô phỏng lượng mưa trong tương lai từ Mô hình khí hậu toàn cầu tại khu vực dựa trên kịch bản báo cáo tổng hợp lần 4 (AR4), phương trình tương quan và phương pháp Kriging đã được áp dụng để xây dựng các bản đồ bổ cập tiềm năng nguồn NDĐ trong tương lai tại các năm 2020 và 2050. Nghiên cứu trình bày cách tiếp cận ứng dụng trong phân tích số liệu và thiết lập một công cụ để ước tính và lập bản đồ bổ cập nước ngầm. Kết quả đề tài đã chỉ rõ mức chênh lệch, mất cần bằng giữa lượng bổ cập (trữ lượng cung cấp) và mức khai thác (trữ lượng ra) hỗ trợ công tác quy hoạch nhằm hướng tới quản lý nguồn tài nguyên này một cách bền vững tại tỉnh Hậu Giang.

Đặc điểm hình thái, giải phẫu thích nghi của một số loài thực vật sống tại núi đá ven biển xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Dương Tiến Thạch, Phan Thị Diệu
Tóm tắt | PDF
Núi đá ven biển là môi trường sống vô cùng khắc nghiệt đối với sinh vật.Các loài thực vật ở đây có nhiều biến đổi về hình thái và giải phẫu để thích nghi. Thực vật núi đá ven biển khu vực xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã có những đặc điểm biến đổi thích nghi với các điều kiện bất lợi như: tác động cơ học mạnh của gió biển, cường độ chiếu sáng mạnh và hạn hán. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu đặc điểm hình thái, giải phẫu của 5 loài thực vật gồm thân bụi nhỏ và thân cỏ thuộc lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) bằng phương pháp hình thái so sánh, vi phẫu, nhuộm kép, đo mẫu trên kính hiển vi, chụp ảnh hiển vi lá, thân và rễ cây. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài thực vật ở khu vực nghiên cứu có mô giậu ở lá phát triển mạnh, chiếm tới 92,70% độ dày lá; biểu bì lá được bao phủ bởi lớp lông dày hoặc có lớp cutin bảo vệ nhằm thích nghi với ánh sáng mạnh và nhiệt độ cao, tầng cutin trên và dưới chiếm đến 4,55% độ dày lá; cây có chiều cao thấp hoặc nằm trườn sát mặt đất, gỗ thứ cấp ở thân (cao nhất chiếm 59,21% bán kính thân) và ở rễ (cao nhất chiếm 78,34% bán kính rễ) phát triển; sợi gỗ và sợi libe phân bố nhiều trong thân giúp cây thích nghi với gió biển thổi mạnh; rễ có số lượng mạch gỗ khá lớn (cao nhất là 183,17 ± 6,15 mạch/mm2) nhằm thích nghi với hạn hán.

Nghiên cứu sự đa dạng và phân bố cây làm thuốc mọc hoang tại Núi Cấm, An Giang

Phùng Thị Hằng, Trần Quốc Hão, Ngô Thanh Phú, Phan Thành Đạt, Huỳnh Thanh Thiên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đa dạng và sự phân bố cây làm thuốc mọc hoang tại núi Cấm – An Giang đã sử dụng phương pháp điều tra thực địa trên tuyến với mục tiêu khảo sát, xác định sự đa dạng và phân bố cây thuốc mọc hoang để tìm kiếm nguồn dược liệu mới và tạo cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý, bảo tồn. Kết quả thu được 120 loài, thuộc 107 chi, 54 họ của 2 ngành thực vật là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Ngọc lan (Magnoliophyta) là ngành đa dạng nhất với 117 loài, 104 chi, 51 họ. Hệ thực vật trong phạm vi nghiên cứu có 4 nhóm dạng sống trong đó nhóm cây dạng thân thảo có số loài nhiều nhất với 44 loài và thấp nhất là nhóm cây thân gỗ với 21 loài. Rễ là bộ phận được sử dụng làm thuốc với tỉ lệ cao nhất. Thấp khớp, nhức mỏi, ho, sốt và tiêu chảy là các nhóm bệnh sử dụng cây thuốc ở đây điều trị hiệu quả nhất. Sáu loài thực vật được phát hiện có trong Sách đỏ Việt Nam (Bộ khoa học và công nghệ và Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, 2007) được xếp vào mức độ sẽ nguy cấp (EN). Các cây làm thuốc mọc hoang ở Núi Cấm tập trung ở độ cao 400 – 500 m tại các sinh cảnh rừng rậm, lối mòn có ít người đi lại.

Tổng hợp và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của một số dẫn xuất naphthalene-1,3,4-oxadiazole

Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Nguyễn Tuấn Vũ, Nguyen Thanh Trung, Bùi Thị Bửu Huê, Võ Trung Hiếu, Ngô Thị Cẩm Tuyết, Mai Van Hieu, Nguyễn Thị Ngọc Yến
Tóm tắt | PDF
1,3,4-Oxadiazole có nhiều hoạt tính sinh học bao gồm kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, giảm đau, hạ lipid máu, kháng ung thư, chống co giật, chống đái tháo đường, kháng virus và chống loét. Trong nghiên cứu này, hai dẫn xuất 2-phenyl-5-(3,4,5-trimethoxyphenyl)-1,3,4-oxadiazole (6a) và 2-(4-methoxy-6-methylnaphthalen-2-yl)-5-phenyl-1,3,4-oxadiazole (8b) đã được tổng hợp thành công với hiệu suất rất cao. Phương pháp tổng hợp được sử dụng là phản ứng ghép vòng dẫn xuất acylhydrazone tạo nhân 1,3,4-oxadiazole sử dụng iodine làm tác nhân oxy hóa dưới sự hiện diện của potassium carbonate. Các điều kiện của phản ứng này cũng áp dụng tốt với chất nền là acylhydrazone thô thu được từ sự ngưng tụ giữa aldehyde và hydrazide. Đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của hai dẫn xuất (6a) và (8b) cho thấy hai hợp chất này có khả năng kháng lại ba chủng vi khuẩn: Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Bacillus cereus.

Đặc điểm hình thái học và sinh học phân tử của loài sán dây chủ yếu gây tác hại trên chó tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định loài sán dây phổ biến nhất gây tác hại chủ yếu trên chó nuôi tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang). Đề tài đã xác định các đặc điểm hình thái và sinh học phân tử của loài sán dây này. Có 882 cá thể chó được mổ khám trong nghiên cứu bằng phương pháp mổ khám toàn diện Skrjabin, chó nhiễm  sán dây với tỷ lệ chung là 26,30%. Kết quả cho thấy, 5 loài sán dây ký sinh trên chó nuôi là Dipylidium caninum, Spirometra mansoni, Taenia pisiformis, Taenia hydatigena và Diphylobothrium latum, trong đó, Dipylidium caninum là loài sán dây thuộc bộ Cyclophylidae, có tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm cao nhất. Đề tài đã mô tả chi các đặc điểm hình thái chi tiết để nhận dạng sán dây qua các bộ phận cấu tạo khác nhau như: đốt đầu, đốt cổ, đốt trưởng thành, đốt chửa và trứng của chúng. Các đoạn sán dây này được giải trình tự gen và so sánh với chuỗi DNA của sán dây Dipylidium caninum khác đã đăng ký trên Ngân hàng gen thế giới (National center  for Biotechnology Information), Mỹ. Kết quả chỉ ra rằng chuỗi DNA của sán dây trong nghiên cứu có độ tương đồng cao (96%) so với loài sán dây Dipylidium caninum của Mỹ trên Ngân hàng gen thế giới với mã đăng ký là AF023120.1.

Giải pháp phát triển chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội

Võ Thị Hải Hiền
Tóm tắt | PDF
Phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học là một trong những hướng quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta. Trong thời gian vừa qua, với xu thế hội nhập, tốc độ phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực. Chính phủ đã khuyến khích người dân kết hợp các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi vịt. Phương thức chăn nuôi này thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống đã cải thiện và mang lại nhiều lợi thế cho người sản xuất. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hiệu quả mang lại tự chăn nuôi vịt an toàn sinh học cao hơn so với phương thức truyền thống; phương pháp chăn nuôi này giúp người dân đạt được nhiều lợi ích, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nghiên cứu điểm trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nghiên cứu này phản ánh thực trạng phát triển chăn nuôi vịt theo hướng nuôi an toàn sinh học ở Huyện, nơi phát triển vịt nhanh nhưng chủ yếu áp dụng phương pháp tự do, không kiểm soát. Để phát triển mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học hiệu quả, bền vững thì   các hộ gia đình cần áp dụng những kĩ thuật mới và mạnh dạn đầu tư vốn. Ngoài ra, người chăn nuôi cần được sự hỗ trợ kĩ thuật và tài chính từ chính phủ và các cơ quan liên quan.

Phân lập và khảo sát sự đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Escherichia coli trên vịt tại tỉnh Vĩnh Long

Cao Thuấn, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 8/2017. Phương pháp phân lập vi khuẩn  Escherichia coli được thực hiện theo quy trình của Barrow and Feltham (2003) và tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 5155-90. Kết quả cho thấy có 2.238 con vịt bệnh /44.750 con khảo sát từ 52 đàn, chiếm tỷ lệ 5%. Kết quả phân lập cho thấy 200 mẫu phân vịt bệnh đều dương tính với vi khuẩn E. coli chiếm tỷ lệ 100%, cao nhất là phổi (80,5%), kế đến tủy xương (75,5%), gan (74%) và thấp nhất ở lách (71%). Bệnh do vi khuẩn E. coli phụ thuộc vào giống vịt: vịt siêu thịt (61%) chiếm tỷ lệ cao hơn vịt cỏ (39%). Vịt dưới 30 ngày tuổi (51%) có tỷ lệ bệnh cao hơn vịt trên 90 ngày tuổi (26,5%) và 31 đến 90 ngày tuổi (22,5%). Các chủng E. coli O1 (12,73%), O78 (10,91%), O111 (8,18%), O35 (8,57%), O18 (7,27%), O92 (5,71%), O36, O81 và O93 đều chiếm tỷ lệ 2,86% và không phát hiện chủng O2. Vi khuẩn E. coli đã đề kháng trung bình với ampicillin (54,44%), streptomycin (53,85%), trimethoprim/ sulfamethazole (53,85%) và tetracycline (52,07%) và đã đa kháng từ 2 đến 12/13 loại kháng sinh kiểm tra với 79 kiểu hình đa kháng rất đa dạng và phức tạp. Các kháng sinh còn nhạy cảm có thể sử dụng điều trị bệnh do E. coli trên vịt là cefuroxime (97,63), doxycycline (91,72%), florphenicol (91,12%), amikacin (90,53%), ciprofloxacin (82,25%), ceftazidime (75,74%), colistin (75,15%), ofloxacin (65,68%), gentamycin (65,09%).

Nhận diện và đánh giá tính chống chịu mặn của các giống lúa mùa dựa trên dấu phân tử SSR (Simple Sequence Repeats)

Trần Hữu Phúc, Nguyễn Lam Minh, Phạm Văn Mịch, Vũ Anh Pháp, Trần Thị Xuân Mai
Tóm tắt | PDF
Để nhận diện dấu phân tử liên kết chặt với gen chịu mặn các giống lúa mùa, cả kiểu hình và kiểu gen chịu mặn giai đoạn mạ, nhóm nghiên cứu đã thanh lọc tính chịu mặn ở mức EC = 12 mS/cm theo quy trình của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế. Kết quả thí nghiệm có 23,7% giống được đánh giá là chịu mặn, 28,9% chịu mặn trung bình, 39,5% nhiễm mặn và 7,9% rất nhiễm mặn. Về kiểu gen, 2 dấu phân tử các chuỗi lặp lại đơn (simple sequence repeats-SSR) là RM493 và RM3412được chọn để nhận diện kiểu gen chịu mặn. Hiệu quả đánh giá  bằng RM493 và RM3412 đạt từ 70% trở lên ở tất cả các nhóm cấp độ chịu mặn. Dựa trên hai dấu SSR này, 36 giống lúa mùa được chia thành 7 nhóm chính theo phương pháp UPGMA. Nhóm I có các giống có khả năng chịu mặn khá. Các giống có kiểu gen chịu mặn trung bình hầu hết thuộc nhóm II và III. Các kiểu gen nhiễm và rất nhiễm mặn thuộc các nhóm từ IV đến VII. Kết quả RM493 và RM3412 là dấu phân tử hữu ích trong chọn lọc các giống lúa mùa chịu mặn.

Đánh giá một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất trên vườn cam sành (Citrus nobilis) bị bệnh vàng lá thối rễ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long

Nguyen Ngoc Thanh, Võ Thị Gương, Mai Thị Cẩm Trinh, Tất Anh Thư, Dương Minh Viễn
Tóm tắt | PDF
Bệnh vàng lá thối rễ trên cam sành phát triển rộng, gây giảm năng suất và chất lượng trái. Nghiên cứu nhằm đánh giá một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất để có thể cung cấp số liệu cơ bản cho nghiên cứu biện pháp kiểm soát bệnh vàng lá thối rễ trên cam sành. Bốn mươi mẫu đất vườn cam sành tại xã Tường Lộc và xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được thu thập để phân tích một số đặc tính lý hóa học và sinh học đất. Kết quả phân tích cho thấy mật số Fusarium spp. cao nhất trên vườn có cấp độ bệnh trung bình và nặng (P

Ảnh hưởng của tỉ lệ C/N và khẩu phần ăn lên sinh trưởng và năng suất sinh khối Artemia franciscana trong điều kiện phòng thí nghiệm

Huỳnh Thanh Tới, Nguyễn Thị Hồng Vân
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm đa nhân tố với 08 nghiệm thức, lặp lại 3 lần cho mỗi nghiệm thức được thực hiện để đánh giá về ảnh hưởng của kết hợp giữa tỉ lệ C/N (5, 10, 15 và không căn bằng C/N), và khẩu phần ăn (tiêu chuẩn (SF) và 2/3 SF) khác nhau lên sinh trưởng và năng suất sinh khối Artemia franciscana trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, tăng trưởng về chiều dài của Artemia giảm khi khẩu phần ăn bị giảm, nhưng khi bổ sung rỉ đường, chiều dài Artemia được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc bổ sung rỉ đường không làm tăng tỉ lệ sống của Artemia. Sản lượng sinh khối Artemia thu được giảm khi giảm lượng thức ăn từ khẩu phần SF xuống 2/3 SF, ngược lại năng suất sinh khối tăng đáng kể ở các nghiệm thức có bổ sung rỉ đường, đặc biệt Artemia cho ăn với khẩu phần SF với C/N 15 và Artemia cho ăn 2/3 SF với C/N 5 có khối lượng sinh khối cao hơn có ý nghĩa (p < 0,05) so với Artemia ở nghiệm thức đối chứng tương ứng. Từ các kết quả của thí nghiệm có thể đưa ra kết luận rằng, chiều dài và khối lượng của Artemia tăng đáng kể khi có bổ sung rỉ đường để đạt từ C/N 5 đến C/N 15, đặc biệt sinh khối Artemia ở các nghiệm thức với khẩu phần ăn 2/3 SF có năng suất sinh khối cao hơn không ý nghĩa so với sinh khối Artemia ở nghiệm thức đối chứng khi C/N 5 áp dụng.

Phân vùng chất lượng nước nuôi trồng thủy sản ở đầm Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trương Văn Đàn, Vũ Ngọc Út, Nguyễn Thành Luân, Mạc Như Bình
Tóm tắt | PDF
Phân vùng chất lượng nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở đầm Cầu Hai được thực hiện bằng cách so sánh với các bộ tiêu chuẩn (QCVN02-19:2014/BNNPTNT,QCVN08-MT:2015/BTNMT,QCVN38:2011/BTNMT) dưới sự hỗ trợ của công nghệ GIS. Các yếu tố nhiệt độ, DO, nitrate thích hợp cho hoạt động NTTS. Giá trị pH phù hợp cho hoạt động NTTS vào mùa khô là 100% diện tích và mùa mưa là 79,4% diện tích. Độ mặn hầu hết phù hợp để lấy nước nuôi tôm. Độ kiềm không phù hợp cho NTTS ở mùa mưa và mùa khô lần lượt là 88,04% và 28,92%. Hàm lượng BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng phosphate không phù hợp cho hoạt động NTTS 91,13% diện tích vào mùa mưa và 53,57% vào mùa khô. Hàm lượng NH3 vượt giới hạn cho phép với 41,68% diện tích (mùa mưa) và 36,55% diện tích (mùa khô). Tổng coliform cao hơn giới hạn cho phép với 63,33% diện tích (mùa mưa) và 44,19% diện tích (mùa khô).

So sánh khía cạnh kỹ thuật và tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu

Lê Văn Chí, Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới kéo ven bờ và lưới rê ven bờ được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12/2017 ở tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai nghề có số lượng tàu và sản lượng nhiều nhất so với các nghề khai thác thủy sản còn lại. Nghề lưới kéo và lưới rê có thể khai thác quanh năm, mùa vụ khai thác thủy sản chính tập trung từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Qui mô tàu lưới rê (41,3±14,2 CV) lớn hơn tàu lưới kéo (36,1±15,1 CV). Sản lượng và tỉ lệ cá tạp của nghề lưới rê (13,5±3,9 tấn/năm; 16,8%) thấp hơn nghề lưới kéo (18,7±2,4 tấn/năm; 41,2%), nhưng lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới rê (429±311 triệu đồng, 1,05±1,03 lần) cao hơn nghề lưới kéo (162±162 triệu đồng, 0,68±0,64 lần). Vì vậy, trong tương lai, cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển nghề lưới rê và hạn chế phát triển nghề lưới kéo. Để nghề khai thác thủy sản ven bờ phát triển ổn định cần đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, và tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác của họ.

Ảnh hưởng bổ sung grobiotic®-a trong thức ăn lên tăng trưởng và sức đề kháng bệnh của cá tra (Pangasianodon hypothalamus)

Phạm Thị Tuyết Ngân, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Vũ Ngọc Út
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các mức bổ sung Grobiotic®-Atrong thức ăn đối với tăng trưởng và sức đề kháng bệnh của cá tra (Pangasianodon hypothalamus). Bốn nghiệm thức thức ăn chứa các mức Grobiotic®-A khác nhau bao gồm 0% (đối chứng), 1%, 2% và 4%, với 5 lần lặp lại. Cá tra có khối lượng trung bình 15,1±2.79 g được nuôi với mật độ 80 con/bể trong hệ thống bể composite 500 L trong thời gian 60 ngày. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của cá được cho ăn thức ăn có bổ sung GroBiotic®-A tốt hơn có ý nghĩa thống kê (p0,05) về tăng trưởng giữa các nghiệm thức thức ăn bổ sung từ 1% đến 4% GroBiotic®-A. Hệ số chuyển hóa thức ăn ở nghiệm thức 4% GroBiotic®-A là thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức khác. Ngoài ra, sau 21 ngày gây cảm nhiễm,  nghiệm thức 4% GroBiotic®-A cho kết quả tốt nhất về kháng bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây ra có thể được xem là mức bổ sung thích hợp trong thức ăn cho cá tra.

Hiện trạng khai thác cá sửu Boesemania microlepis (Bleeker, 1858) trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long

Mai Viết Văn, Nguyễn Ngọc Hiền, Đặng Thị Phượng, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyen Thi Vang
Tóm tắt | PDF
Hiện trạng khai thác cá sửu Boesemania microlepis (Bleeker, 1858) trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long được nghiên cứu từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2017 thông qua phương pháp phỏng vấn 90 hộ ngư dân khai thác cá sửu bằng bảng câu hỏi soạn sẵn. Kết quả cho thấy cá sửu được khai thác quanh năm trên sông Hậu, mùa vụ khai thác tập trung từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 7 đến tháng 11 (ÂL) hằng năm. Sản lượng cá sửu trên sông Hậu hiện nay suy giảm hơn 45% so với cách đây 5 năm. Sản lượng trung bình cá sửu khai thác cao nhất ở đầu nguồn, kế đến là cuối nguồn và thấp nhất ở giữa nguồn sông Hậu. Cá sửu được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng cá tươi cho thương lái tại địa phương. Khó khăn chính của nghề khai thác cá sửu là sản lượng khai thác luôn suy giảm, giá cả sản phẩm biến động không ổn định, ngư dân thiếu thông tin về thị trường nên bị thương lái ép giá. Đa phần các hộ ngư dân làm nghề khai thác lưới kéo đều thiếu vốn để đầu tư cho hoạt động khai thác. Thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng cá sửu trên sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực trạng công tác tổ chức, quản lý khóa học giáo dục quốc phòng và an ninh tại các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khu vực phía Nam

Cao Ngọc Báu
Tóm tắt | PDF
Các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh khu vực phía Nam đã thực hiện mô hình tổ chức, quản lý khóa học tập trung cho sinh viên và đưa ra nhiều phương pháp, biện pháp trong quản lý, tổ chức dạy học khác nhau nhằm nâng cao chất lượng học tập và kỹ năng quân sự cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức, quản lý của các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khu vực phía Nam chưa thực sự thống nhất, khoa học; chưa có một qui trình tổ chức, quản lý khóa học khoa học phù hợp. Để tìm hiểu bức tranh về công tác tổ chức, quản lý khóa học giáo dục quốc phòng và an ninh, nghiên cứu nhằm khảo sát thực trạng, công tác tổ chức, quản lý khóa học giáo dục quốc phòng và an ninh tại các Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, khu vực phía Nam. Từ thực trạng và nguyên nhân, nghiên cứu kế thừa, một số giải pháp được đề xuất nhằm đổi mới công tác tổ chức, quản lý khóa học giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Cần Thơ

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán - nghiên cứu tại Trường Đại học Tiền Giang

Nguyễn Minh Nhã, NguyễN Thị Thanh ThủY
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu này là kiểm định sự ảnh hưởng của một số nhân tố đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Tiền Giang. Mô hình lý thuyết được phát triển dựa trên nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dung (2015) cho các trường cao đẳng, đại học tại thành phố Đà Nẵng. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi qui đa biến được sử dụng trên 205 quan sát từ sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có bốn nhân tố thật sự có ảnh hưởng và tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ đào tạo chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Tiền Giang. Những nhân tố này bao gồm chất lượng đầu ra, trình độ của giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo.

Ngân hàng Đông Dương - Tổ chức bí ẩn của một nhóm trùm tài phiệt

Dương Tô Quốc Thái
Tóm tắt | PDF
Bài viết tìm hiểu Tổ chức của Ngân hàng Đông Dương. Đây là tổ chức của một nhóm “tài phiệt” rất giàu có và nhiều quyền lực. Họ đã mượn Ngân hàng Đông Dương để che đậy cho thân phận và địa vị cao quý của mình hòng đánh lừa dư luận Pháp, từ đó, âm thầm chi phối nền kinh tế Đông Dương, đồng thời, sử dụng các đặc quyền về tài chính, tín dụng mà Nhà nước Pháp ban cho để vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa và làm giàu nhanh chóng.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung tại các khu công nghiệp Đông Nam Bộ

Nguyễn Tiến Thức
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này xem xét tác động của động cơ làm việc, mối quan hệ nơi làm việc, niềm tin vào tổ chức đối với sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung trong các khu công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ. Nghiên cứu sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm nghiên cứu định lượng sơ bộ và nghiên cứu định lượng chính thức. Phương pháp mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết   quả kiểm định trên mẫu gồm 315 đối tượng khảo sát với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên  cho thấy (1) động cơ làm việc và mối quan hệ nơi làm việc tác động cùng chiều vào cả niềm tin vào tổ chức và sự hài lòng trong công việc của nhân viên quản lý cấp trung, (2) niềm tin vào tổ chức tác động cùng chiều vào sự hài lòng của nhân viên quản lý cấp trung. Kết quả kiểm định cũng cho thấy động cơ làm việc và mối quan hệ nơi làm việc là những khái niệm đa hướng.

Phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Đào Ngọc Cảnh, Ngô Thị Ái Thi
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng lên mạnh mẽ đang thúc đẩy du khách tìm về vẻ đẹp bình dị, không khí trong lành và những giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn. Vì vậy, du lịch nông thôn đã trở thành xu thế phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer. Tuy nhiên, hầu hết các tài nguyên du lịch ở đây còn tồn tại dưới dạng tiềm năng, các hoạt động du lịch còn tự phát, kém hiệu quả, chưa tạo được nguồn thu cho người dân. Bài viết này phân tích những tiềm năng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng người Khmer nhằm góp phần phát triển du lịch, cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Thực trạng phát triển quà lưu niệm du lịch ở thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Tú Trinh, Nguyễn Huỳnh Kim Ngân, Khưu Ngọc Huyền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng phát triển quà lưu niệm du lịch ở thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu chủ yếu sử dụng dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn 100 khách du lịch đến Cần Thơ (30 khách du lịch quốc tế và 70 khách du lịch nội địa) nhằm phân tích thực trạng mua sắm cũng như đánh giá mức độ hài lòng của du khách đối với sản phẩm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố tác động đến quyết định mua quà lưu niệm của du khách bằng cách sử dụng phương pháp thống kê mô tả, cụ thể là tính giá trị trung bình của các nhân tố. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch tại thành phố Cần Thơ, góp phần tăng doanh thu ngành du lịch và tạo được ấn tượng mạnh mẽ về điểm đến Cần Thơ trong lòng du khách như đầu tư và phát triển các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Cần Thơ, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ sở sản xuất với các điểm phân phối hàng lưu niệm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới du khách.

Mô hình dự báo giá tôm sú xuất khẩu Việt Nam

Lê Nhị Bảo Ngọc, Thái Anh Hòa, Lê Quang Thông
Tóm tắt | PDF
Dự báo giá xuất khẩu có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà lập chính sách để đưa ra quyết định kinh doanh có tính chiến lược. Mục tiêu của nghiên cứu là sử dụng mô hình SARIMA để dự báo giá giao lên tàu (FOB) thực tôm sú ngắn hạn với nguồn số liệu là chuỗi giá tôm sú có kích cỡ 30-40 con/kg theo thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2016. Kết quả nghiên cứu khẳng định mô hình (2,1,1)(0,1,11)12 là phù hợp để giải thích được sự biến động giá FOB thực của tôm sú trong giai đoạn nói trên. Đồng thời, mô hình dự báo rất đáng tin cậy, giá trị thực của tháng 1 trong năm 2017 nằm trong khoảng tin cậy 95% và gần bằng với giá trị dự báo với điểm sai số dự báo nhỏ.

Các nhân tố ảnh hưởng đến thù lao Tổng giám đốc của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngô Mỹ Trân, Giang Minh Tiến, Bùi Văn Trịnh
Tóm tắt | PDF
Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thù lao cho Tổng giám đốc (CEO) của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bài viết sử dụng số liệu thứ cấp được thu thập trong giai đoạn năm 2012 - 2015 của 187 công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là phương pháp Gernalized Method of Moment (GMM). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả công ty thể hiện thông qua lợi nhuận trên mỗi cổ phần và giá trị thị trường của công ty có mối tương quan thuận với thù lao của Tổng giám đốc công ty (CEO). Bên cạnh đó, quy mô công ty và tỷ lệ sở hữu cổ phần của nước ngoài cũng có mối tương quan thuận với thù lao của CEO. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ của các nhân tố như tỷ lệ sở hữu cổ phần của tư nhân, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước, tuổi của CEO, tỷ lệ sở hữu cổ phần của CEO, quyền nắm giữ chức vụ kép và thù lao của CEO.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Lương, Võ Thành Danh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích phân tích nguồn gốc tăng trưởng nông nghiệp và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 1990 – 2015. Kiểm định Johansen – Jeselius chỉ ra có ba mối quan hệ đồng kết hợp giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập, nghĩa là tồn tại mối quan hệ cân bằng trong dài hạn giữa các biến. Kiểm định Chow cũng được sử dụng để xem xét việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang năm 2004 có ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp không. Kết quả hồi quy hàm sản xuất Cobb – Douglas cho thấy tăng trưởng nông nghiệp thành phố Cần Thơ chủ yếu dựa vào gia tăng vốn vật chất đầu tư vào nông nghiệp, mở rộng diện tích đất canh tác do thuỷ lợi và công nghệ. Vốn vật chất đóng vai trò quan trọng nhất đến tăng trưởng giá trị sản lượng đầu ra ở mức 40,51%, TFP đóng góp 33,28%.

Đề xuất mô hình đo lường tác động của công nghệ thông tin đến các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp

Nguyễn Trung Nhân, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Bài viết này tập trung nghiên cứu đề xuất mô hình đo lường tác động của công nghệ thông tin (CNTT) đến các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) tại thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp bằng cách phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng điều tra là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đối tượng trả lời phiếu điều tra thuộc các vị trí: (1) ban giám đốc, (2) kế toán trưởng, (3) lãnh đạo các phòng ban; đây là các đối tượng đều am hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Ngoài ra, phương pháp phân tích hỗn hợp, kết hợp cả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh có tầm quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với DN, nếu như các DN không có ứng dụng CNTT cũng như thương mại điện tử thì các DN sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh với các DN khác. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT và thương mại điện tử có thể cắt giảm nhiều chi phí, giúp cho các DN phát triển nhanh, tăng cường năng lực cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Mức độ quan tâm của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ về di chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế Asean

Lê Phan Xuân Ngọc, Lê Trần Thiên Ý
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá mức độ quan tâm về di chuyển lao động (DCLĐ) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ ở các lĩnh vực thuộc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN, từ đó đề ra biện pháp phù hợp để nâng cao sự quan tâm của họ về vấn đề này. Nghiên cứu sử dụng lần lượt các phương pháp thống kê mô tả, bảng câu hỏi các giai đoạn của sự quan tâm từ mô hình CBAM (Concerns-Based Adoption Model), phân tích bảng chéo và kiểm định Chi bình phương để phân tích mẫu 680 quan sát. Những kết quả quan trọng từ nghiên cứu bao gồm: thứ nhất, 85% đáp viên biết về AEC, nhưng chỉ khoảng phân nửa số đó biết đến tự do DCLĐ chuyên gia trong AEC; thứ hai, nhìn chung, sinh viên có quan tâm, dù chưa thực sự nhiều, và mong muốn có thêm thông tin về vấn đề; thứ ba, sinh viên có năng lực cá nhân hoặc thái độ càng tích cực về DCLĐ quốc tế thì càng có mức độ quan tâm cao hơn. Từ những kết quả này,  các giải pháp tập trung vào việc nâng cao hoạt động truyền thông về DCLĐ trong AEC cũng như nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho sinh viên cần được xem xét và thực hiện.

Quy định pháp luật về hành vi sai sót trong y khoa đối với bác sĩ tại Bỉ và Anh

Nguyễn Thị Bảo Anh
Tóm tắt | PDF
Người hành nghề khám và chữa bệnh – được gọi chung là bác sĩ trong phạm vi nghiên cứu này – được tôn quý trong số những người hành nghề cao quý. Mặc dù vậy, không khác những cá nhân làm việc có chuyên môn khác, họ cũng phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả từ sai phạm mà họ gây ra. Sai sót y tế được định nghĩa là bất kỳ hành động hoặc sự bỏ sót nào của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nhân lệch khỏi các quy tắc được chấp nhận về thực hành trong cộng đồng y tế và gây ra thiệt hại cho bệnh nhân  (được dịch từ Định nghĩa Medical malpractice, viết tắt MM). MM là một vấn đề xảy ra khắp nơi trên thế giới với những mức độ khác nhau. Trong phần nghiên cứu này, trên nền tảng những quy định chung của MM được áp dụng tại các nước thành viên trong khối Liên Minh Châu Âu, nghiên cứu còn tập trung phân tích và so sánh hai hệ thống pháp luật của Bỉ và Anh. Theo đó, nghiên cứu còn tập trung giới thiệu những nội dung chính sau: lỗi do sự cẩu thả, những yếu tố cấu thành trách nhiệm của bác sĩ, một số loại hành vi vi phạm phổ biến và hình thức bồi thường thiệt hại. Qua nghiên cứu cho thấy, tuy hai hệ thống pháp luật Bỉ và Anh có những điểm tương đồng nhưng cũng có những quy định khác nhau để điều chỉnh hành vi sai sót của bác sĩ.