Ngày xuất bản: 28-10-2024

Nghiên cứu ảnh hưởng của melamine gây hình thành tinh thể sỏi tiết niệu ở ruồi giấm (Drosophila melanogaster) và ứng dụng trong sàng lọc dược liệu có hoạt tính làm tan tinh thể

Huỳnh Hồng Phiến, Trần Thanh Mến
Tóm tắt | PDF
Drosophila melanogaster là sinh vật mô hình mẫu để sàng lọc sơ bộ các hợp chất và dược liệu tiềm năng để điều trị sỏi tiết niệu. Nghiên cứu này sử dụng melamine như một chất tạo tinh thể trong các ống Malpighian của D. melanogaster, đồng thời đánh giá tác động của nó lên các chỉ tiêu khác nhau như vòng đời, sự phát triển, khả năng vận động và khả năng chống chịu stress oxy hóa ở D. melanogaster. Các phát hiện chứng minh rằng melamine ảnh hưởng đáng kể đến vòng đời, sự phát triển và khả năng di chuyển của D. melanogaster. Các phân tích đã xác định nồng độ melamine ở nồng độ 2 mM là phù hợp để tạo ra sự hình thành tinh thể sỏi tiết niệu ở ruồi giấm, với tỷ lệ hình thành tinh thể là 93,33 ± 5,77%. Ngoài ra, chiết xuất dược phẩm có nguồn gốc từ kim tiền thảo đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc làm giảm các tinh thể sỏi tiết niệu do melamine gây ra. Những kết quả này cho thấy sự phù hợp của mô hình sỏi tiết niệu do melamine gây ra ở ruồi giấm để sàng lọc ban đầu các chiết xuất thực vật có khả năng hòa tan các tinh thể sỏi tiết niệu do melamine hình thành.

Tối ưu hóa quá trình tiền xử lý đến chất lượng mít tươi (Artocarpus heterophyllus L.) tách múi chế biến giảm thiểu

Phan Thị Thanh Quế, Lê Duy Nghĩa, Trình Thị Chúc, Dương Thị Phượng Liên
Tóm tắt | PDF
Mít chế biến giảm thiểu không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn tiện lợi khi sử dụng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của quá trình tiền xử lý đến chất lượng và thời gian bảo quản mít tươi tách múi. Thiết kế Box-Behnken được bố trí để xác định các thông số tối ưu cho công đoạn tiền xử lý bao gồm nồng độ acid citric (0; 0,5; 1% w/v), CaCl2 (0; 0,5; 1% w/v) và thời gian tiền xử lý (5; 10; 15 phút). Mô hình đa thức bậc hai được áp dụng để xác định ảnh hưởng của biến độc lập đến sự thay đổi chất lượng sản phẩm bao gồm giá trị L*, chỉ số hóa nâu, hàm lượng vitamin C, b-caroten, polyphenol và khả năng loại bỏ gốc tự do DPPH. Kết quả cho thấy các mô hình có mức độ phù hợp cao với kết quả thực nghiệm (R2>0,947). Từ kết quả các biến đáp ứng, điều kiện tối ưu cho quá trình tiền xử lý mít tách múi là 0,41% acid citric và 0,57% CaCl2, xử lý trong thời gian 10 phút. Với các điều kiện tối ưu, mít tách múi bảo quản được 12 ngày ở nhiệt độ 4oC.

Một giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong gợi ý món ăn cho các nhà hàng

Nguyễn Thái Nghe, Đoàn Hồ Hạnh Nguyên, Trần Trần Quốc Toanh, Nguyễn Hữu Hòa
Tóm tắt | PDF
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Một nhánh của AI là máy học, trong đó có Hệ thống gợi ý (Recommender Systems – RS). RS hiện đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, giáo dục, giải trí,... để dự đoán “sở thích” (thói quen/nhu cầu/…) của người dùng, từ đó gợi ý cho họ những mục sản phẩm (item) phù hợp nhất. Phương pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học cho lĩnh vực kinh doanh nhà hàng được đề xuất, cụ thể là kết hợp phương pháp lọc cộng tác và luật kết hợp cho vấn đề gợi ý món ăn. Hệ thống đưa ra các gợi ý dựa vào các mối liên hệ giữa người dùng, các mối liên hệ giữa món ăn và kết hợp cả hai. Thực nghiệm trên tập dữ liệu thu thập từ một quán ăn thực tế đã cho thấy các gợi ý được đưa ra bởi hệ thống khá phù hợp. Chúng vừa mang tính quy luật chung trên toàn hệ thống, vừa mang tính cá nhân hóa cho từng người dùng.

Sản xuất phân trùn quế từ chất thải hữu cơ và đánh giá hiệu quả ứng dụng trong canh tác một số loại rau ăn lá trên nền đất phèn

Nguyễn Thị Bạch Kim, Phạm Văn Trọng Tính, Phạm Văn Trình, Nguyễn Văn Ý, Trần Thanh Sang, Lê Trần Thanh Liêm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá mức độ ảnh hưởng của mật độ trùn, tỷ lệ phối trộn chất thải hữu cơ làm thức ăn cho trùn đến chất lượng phân trùn (PT); ảnh hưởng của PT đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loại rau ăn lá (rau muống-RM, cải xanh-CX, cải ngọt-CN); khả năng cải tạo đất phèn trong canh tác của PT. Đối với mật độ nuôi, hàm lượng C, N, P và K tổng số giữa các nghiệm thức lần lượt dao động trong khoảng 38,20-49,45%; 2,02-2,27%; 2,02-4,14% và 0,36-1,65%. Về tỉ lệ phối trộn thức ăn, kết quả phân tích C, N, P và K tổng số giữa các nghiệm thức lần lượt biến động từ 30,40-34,55%; 2,14-2,23%; 4,38-4,85% và 0,98-1,46%. Việc sử dụng PT trong canh tác RM, CX và CN đã giúp cải thiện sự sinh trưởng của cây, năng suất tổng lần lượt đạt 1,52-1,60 kg/m2; 1,52-1,60 kg/m2 và 0,98-1,10 kg/m2 cao hơn đáng kể so với không bón phân, nhưng vẫn thấp hơn so với bón phân hoá học. Fe2+ và Al3+ trong đất giảm đáng kể sau khi trồng rau bằng PT.

Phân tích nhu cầu năng lượng và hiệu quả tài chính trong canh tác khoai lang và khoai môn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thị Kim Phước, Lê Trần Thanh Liêm
Tóm tắt | PDF
Sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (NL) thông qua vật tư đầu vào, sự hoạt động của máy móc và sức lao động. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đánh giá vòng đời, kết hợp sử dụng phần mềm MiLCA để định lượng, đánh giá và so sánh mô hình canh tác (MHCT) khoai lang (KL) và khoai môn (KM) về nhu cầu tiêu thụ NL thông qua đầu vào sản xuất (Megajoule-MJ). Hiệu quả tài chính của hai MHCT cũng được phân tích. Mục tiêu thể hiện mức chi trả do tiêu thụ NL của hai MHCT trong các khâu sản xuất khác nhau đã được thực hiện: nông dân canh tác KL phải bỏ ra 746 đồng để có được 1 MJ phục vụ canh tác; chi phí này cao gấp hơn 2 lần so với canh tác KM (360 đồng/MJ). Trong cả hai MHCT, việc đầu tư NL thông qua sản xuất và ứng dụng phân bón chiếm ý nghĩa quan trọng. Chính vì lý do đó, việc sử dụng phân bón hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của hai loại khoai, tránh sử dụng lãng phí phân bón nên là một trong những giải pháp ưu tiên nhằm tiết kiệm năng lượng đối với cả 2 MHCT.

Giá trị tín chỉ carbon dưới góc nhìn pháp lý- hướng đến sự phát triển bền vững

Lâm Bá Khánh Toàn, Nguyễn Văn Mỹ
Tóm tắt | PDF
Một trong các chính sách cam kết tại Hội nghị COP 26 tại Vương Quốc Anh là lộ trình cam kết khung đưa mức phát thải ròng khí (C02) về “0” vào năm 2050. Trong đó, tiềm năng lớn cho kinh tế quốc gia là khoản lợi có được từ việc khai thác thị trường tín chỉ carbon. Cam kết không chỉ đóng góp chung vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn đem lại doanh thu vượt trội cho các nước có ưu thế về sản xuất nông nghiệp như Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy pháp luật liên quan đến việc xác định giá trị tín chỉ carbon và thực tiễn xác định giá trị tín chỉ này vẫn còn nhiều bất cập. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị tín chỉ carbon và quá trình áp dụng trên thực tiễn; từ đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon nói chung và xác định giá trị tín chỉ carbon nói riêng hướng đến sự phát triển bền vững.

Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bền vững ở Việt Nam: Góc nhìn từ thể chế, quản trị tài chính và hành động tập thể

Trần Lâm Duy, Nguyễn Hoàng Giang, Đào Văn Tuyết
Tóm tắt | PDF
Hợp tác xã đóng vai trò nổi bật trong ngành nông nghiệp ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi, hợp tác xã nông nghiệp có vị trí thiết yếu trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của khung pháp lý, quản lý tài chính và hành động tập thể đến sự bền vững của hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam. Các phương pháp nghiên cứu định tính được áp dụng, bao gồm tổng quan lý thuyết, phân tích văn bản pháp luật và nghiên cứu tình huống. Kết quả cho thấy khung pháp lý và chính sách hỗ trợ đóng vai trò tích cực trong phát triển hợp tác xã, nhưng điều quan trọng là hiệu quả thực hiện trên thực tế. Các chiến lược quản lý tài chính hiệu quả và hành động tập thể mang lại lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể. Nghiên cứu đề xuất khuyến nghị cải thiện chính sách, quản trị hợp tác xã và xây dựng năng lực nội tại.

So sánh một số đặc điểm chất lượng của dầu hạt thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) trích ly bằng dung môi n-hexan và ethanol

Phan Thị Thanh Quế, Đỗ Thảo Quyên, Lê Duy Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Hạt thanh long ruột đỏ chứa hàm lượng dầu cao. n-hexan là dung môi được dùng phổ biến để trích ly dầu, mặc dù nó được xếp vào loại có độc tính cao và nguy hiểm cho môi trường. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khai thác khả năng sử dụng ethanol như một dung môi không độc hại để thay thế n-hexan. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá tính khả thi của việc thay thế n-hexan bằng ethanol trong quá trình trích ly dầu từ hạt thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, thời gian trích ly bằng dung môi ethanol cũng được xác định. Kết quả cho thấy ethanol cho hiệu suất trích ly dầu thấp hơn n-hexan, tuy nhiên hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học như vitamin E, polyphenol tổng số và khả năng loại bỏ gốc tự do DPPH cao gần gấp 2 lần so với dầu trích ly với n-hexan. Đồng thời, hạt thanh long được ngâm trích trong ethanol kết hợp 24 giờ (28-30oC) và 2 giờ (45oC) giúp tăng hiệu suất trích ly dầu từ 49,64% (ngâm trích 3 giờ ở 45oC) đến 57,37% w/w chất béo trong hạt.

Ngụ ngôn sinh thái và vấn đề sinh mệnh sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long trong truyện ngắn của Trần Bảo Định

Trần Thanh Huy
Tóm tắt | PDF
Trần Bảo Định là một nhà văn viết về sinh thái Nam Bộ với số lượng tác phẩm lớn, bao phủ từ các loài vật phương Nam đến cả những môi trường sống xung quanh làm nên cảnh quan đặc trưng của miền đất. Nổi bật trong các sáng tác của nhà văn chính là cấu trúc truyện như một ngụ ngôn về sinh thái, nhằm gửi gắm thông điệp về sinh mệnh cỏ cây, loài vật trên vùng đất sau khi đi qua năm tháng. Tác phẩm như một tấm gương nhìn lại chặng đường phát triển, phồn sinh của sinh thái Nam Bộ với đa dạng tri thức về từng giống loài: tri thức về tập tính sinh hoạt, tri thức về nuôi trồng nông nghiệp,… Mục đích của bài viết, là khắc họa môi trường sinh thái qua ký ức của tác phẩm văn chương. Đồng thời, thấy được tiếng nói cất lên từ âm vọng “xanh”mang thông điệp ngụ ngôn, nhằm có được những gợi mở cho việc hình thành và góp phần nâng lên mạnh mẽ sự phát triển bền vững của miền sông nước trong môi trường bản sắc của riêng nó.

Nghiên cứu ảnh hưởng của các thông số vận hành đến hiệu suất lột vỏ lụa hạt sen tươi

Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Cương, Huỳnh Thanh Thưởng, Nguyễn Thị Kim Khánh, Nguyễn Kim Vàng, Nguyễn Hoài Tân
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu hiệu quả của máy lột vỏ lụa hạt sen tươi bằng nguyên lý đĩa ma sát. Hai thông số vận hành là thời gian hoạt động của máy và tốc độ quay của đĩa ma sát được khảo sát để đánh giá ảnh hưởng đến hiệu suất lột vỏ lụa hạt sen tươi ứng với thời gian ngâm hạt sen 30 phút trước khi đưa vào máy lột vỏ hạt sen. Kết quả cho thấy thời gian và tốc độ đĩa quay của máy tác động lớn đến hiệu suất lột vỏ lụa hạt sen tươi. Hiệu suất tăng từ 79% lên 96% khi thời gian chạy máy tăng từ 4 đến 7 phút. Hơn nữa, khi tăng tốc độ quay của đĩa ma sát lên 1600 vòng/phút, hiệu suất lột vỏ lụa có thể đạt 98%. Bên cạnh đó, hạt sen đạt chất lượng tốt hơn sau khi tách vỏ lụa có thể thu được khi sử dụng tốc độ quay 1400 vòng/phút và thời gian hoạt động của máy 6 phút.

Ảnh hưởng của vi sóng và sóng siêu âm đến hiệu quả trích ly chất xơ từ vỏ xoài cát chu (Mangifera indica L.) bằng công nghệ enzyme

Trần Chí Nhân, Kiều Minh Vương, Lê Uyển Nhi, Lưu Thái Danh, Nguyễn Bảo Lộc, Nguyễn Nhật Minh Phương
Tóm tắt | PDF
Một lượng lớn vỏ loại bỏ khỏi quy trình sản xuất các sản phẩm từ xoài gây ô nhiễm môi trường khi không được xử lý hợp lý. Nghiên cứu này nhằm phân tích thành phần, đặc tính nguyên liệu và thu nhận chất xơ bằng trích ly hỗ trợ enzyme tích hợp vi sóng (MEAE: 100÷500 W, 30÷90 giây) hoặc sóng siêu âm (UEAE: 100÷220 W, 15 phút). Kết quả cho thấy vỏ xoài Cát Chu chủ yếu là carbohydrate (74,13±0,47%), trong đó có 37,22±1,61% chất xơ tổng số (TDF), 11,64±1,34% chất xơ hòa tan (SDF) và 25,55±0,78% chất xơ không hòa tan (IDF). Nguyên liệu giữ nước và dầu tương đối tốt (7,55±0,07 và 1,64±0,08 g/g) nhưng khó tan (43,10±0,85%) và trương nở (2,50±0,01 mL/g). MEAE ở 300 W trong 90 giây cho hiệu suất thu hồi (18,39±0,32%) và thành phần chất xơ (71,63±1,22% TDF, 65,15±0,51% SDF và 6,48±0,70% IDF) tốt hơn của UEAE ở 150 W trong 15 phút (17,67±0,27% hiệu suất, 64,53±0,39% TDF, 53,34±0,11% SDF và 11,18±0,5% IDF). Như vậy, vỏ xoài Cát Chu là nguồn giàu chất xơ mà MEAE hỗ trợ khai thác hiệu quả.

Giải pháp áp dụng quy định về thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư để thành lập trung tâm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phan Trung Hiền, Lâm Vĩ Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu gợi ý các giải pháp mang tính khả thi khi áp dụng pháp luật về thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư để thành lập Trung tâm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu là phương pháp nghiên cứu lý thuyết luật học và phương pháp phân tích câu chữ để xác định, giải thích và phân tích các quy định pháp luật liên quan đến giải phóng mặt bằng khi tiến hành dự án. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc xác định phạm vi áp dụng mục đích thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khi triển khai dự án theo Luật Đất đai năm 2024 là vấn đề mang tính cốt lõi. Nguồn vốn giải phóng mặt bằng của dự án có thể vận dụng quy định về giao, cho thuê đất theo tiến độ để thực hiện. Ngoài ra, cần thiết phải lưu ý và nghiên cứu những văn bản hướng dẫn cụ thể Luật Đất đai năm 2024 về bồi thường, tái định cư để việc áp dụng những quy định này khi tiến hành dự án khẩn trương và hiệu quả, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân có đất trong vùng dự án.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của sinh viên ngành thông tin-thư viện trong tiến trình chuyển đổi số

Huỳnh Thị Trang, Trần Khả Hân
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của sinh viên ngành Thông tin – Thư viện Trường Đại học Cần Thơ trong tiến trình chuyển đổi số. Bằng phương pháp nghiên cứu đinh lượng (khảo sát trực tiếp 150 sinh viên đang theo học tại trường), nghiên cứu xác định được 5 nhóm yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của sinh viên. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn đưa ra các đề xuất thiết thực giúp nâng cao khả năng thích ứng của sinh viên trong tiến trình chuyển đổi số nhằm giúp sinh viên đạt được hiệu quả cao hơn trong học tập. Hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu còn là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo để từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Ảnh hưởng của quá trình chế biến đến chất lượng sản phẩm mãng cầu muối ớt sấy dẻo

Tống Thị Ánh Ngọc, Đặng Thị Thu Tâm, Lý Thanh Trúc, Lê Minh Uyên
Tóm tắt | PDF
Mãng cầu xiêm (Annona muricata L.) có nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cũng như hương vị thơm đặc trưng nên được nhiều người ưa chuộng. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu mãng cầu xiêm dồi dào trong chế biến sản phẩm mãng cầu sấy dẻo góp phần nâng cao giá trị và đa dạng hóa sản phẩm từ mãng cầu xiêm. Trong nghiên cứu này, quá trình chần, thẩm thấu và sấy sẽ được khảo sát. Kết quả cho thấy mãng cầu chần (hấp) trong 2 phút thì vô hoạt enzyme peroxidase và vitamin C duy trì cao (112,79 mg%). Thêm vào đó, quá trình ngâm mãng cầu trong dung dịch 50% đường, 2 giờ thì đạt hiệu quả về tách nước và yêu cầu về chất lượng. Tiếp theo, mãng cầu được phối trộn với tỷ lệ muối (1%) và bột ớt (0,1%) và được sấy ở 60oC trong 5,5 giờ cho sản phẩm đạt giá trị cảm quan và dinh dưỡng phù hợp. Cụ thể, sản phẩm có độ hoạt động nước (aw) 0,67±0,04, độ ẩm 19,26±0,97%, vitamin C 20,86±1,02 mg% và mức độ ưa thích 6,80±1,16 điểm (trên 9 điểm).

Sản xuất sinh khối nấm men Saccharomyces Cerevisiae từ dịch thủy phân rong Ulva Lactuca và thử nghiệm dùng trong nuôi lưu hàu Thái Bình Dương thương phẩm

Phạm Thị Minh Hải, Nguyễn Thị Thanh Hải, Lê Nhã Uyên
Tóm tắt | PDF
Rong lục Ulva lactuca thu nhận tại Ninh Thuận, Việt Nam qua xử lý nhiệt 150oC trong 10 phút và thủy phân bằng enzyme Celluclast® 1.5l Novozyme ở 50oC trong 36 giờ đã giải phóng được lượng đường khử là 19,76 ± 0,27% khối lượng khô của bột rong. Với cơ chất ban đầu là dịch rong thủy phân, môi trường sản xuất sinh khối nấm men được nghiên cứu bổ sung 9% (w/V) rỉ đường 70oBrix, điều chỉnh về pH 6. Cấy 10% (v/w) giống nấm men Saccharomyces cerevisiae mật độ 1,2x106cfu/ml vào môi trường và lên men ở nhiệt độ phòng trong 72h, tốc độ khuấy 120 vòng/ phút cho tốc độ sinh trưởng nấm men lớn nhất, lượng sinh khối nấm men ướt thu được cao nhất là 16,61±0,95 g/L. Thử nghiệm nuôi hàu trưởng thành 4 ngày bằng sinh khối nấm men trong rong Ulva lectuca thủy phân lên men cho tỷ lệ sống 93,43±1,46% và có tỷ lệ khối lượng thịt cao nhất, 26,45±0,42%. Như vậy, nấm men Saccharomyces cerevisiae trong rong lục Ulva lactuca lên men thực sự là nguồn thức ăn tiềm năng cho đối tượng hàu trưởng thành.

Số hóa cổ vật bằng công nghệ scan 3D kết hợp thực tế ảo tăng cường: nghiên cứu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Ngọc Thái Anh, Thái Diệp Tấn Đạt
Tóm tắt | PDF
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cổ vật phong phú và đặc sắc, các cổ vật này thuộc nhiều thể loại khác nhau như: văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, dân gian,… Hiện nay, các cổ vật này đã được số hóa trên các website, các ứng dụng mô phỏng để mọi người dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng này còn ít so với số lượng lớn cổ vật mà các bảo tàng ở đồng bằng sông Cửu Long đang lưu trữ. Nghiên cứu này có mục tiêu xây dựng giải pháp công nghệ dựng hình 3D cổ vật bằng kỹ thuật Scan 3D với cảm biến LiDAR trên thiết bị di động, sau đó hiển thị 3D cổ vật trên website và smartphone bằng AR Vuforia. Nghiên cứu này cũng đánh giá ảnh hưởng của vật liệu cổ vật đến quá trình scan 3D và đề xuất giải pháp giảm kích thước 3D cổ vật từ 60% đến 80% bằng Error Quadrics mà vẫn đảm bảo chất lượng hiển thị trên các website. Hướng tiếp cận này mở ra các hướng xây dựng bảo tàng online cho khu vực cũng như toàn Việt Nam.

Di chuyển xanh: các nhân tố ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận và ý định mua xe máy điện của người dân đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Vân Anh, Cao Thị Thuỳ Dương, Nguyễn Ánh Minh, Nguyễn Ngọc Trí, Nguyễn Đinh Yến Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này phân tích tác động của các nhân tố về đặc điểm  sản phẩm (chi phí sở hữu, chất lượng cảm nhận, kiểu dáng thiết kế, thời gian sạc pin), danh tiếng thương hiệu, và ảnh hưởng xã hội đến giá trị cảm nhận, từ đó đánh giá ảnh hưởng của giá trị cảm nhận đến ý định mua xe máy điện của người tiêu dùng tại đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả phân tích PLS-SEM (Partial Least Square – Structural Equation Modeling) dữ liệu khảo sát từ 245 người dân cho thấy, chất lượng cảm nhận, kiểu dáng thiết kế, danh tiếng thương hiệu và ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đến giá trị cảm nhận; giá trị cảm nhận thúc đẩy ý định mua xe máy điện. Song, chi phí sở hữu, thời gian sạc pin không ảnh hưởng đến giá trị cảm nhận. Kết quả nghiên cứu đóng góp vào cơ sở học thuật về hành vi người tiêu dùng đối với các phương tiện di chuyển xanh; đề xuất hàm ý quản trị cho các nhà quản lý, nhà sản xuất xe máy điện nhằm thúc đẩy ý định mua xe máy điện của người tiêu dùng.

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình phá vỡ tế bào thu nhận chiết xuất nấm men dùng trong thực phẩm

Nguyễn Thị Thanh Hải, Phạm Thị Minh Hải, Lê Nhã Uyên
Tóm tắt | PDF
Chiết xuất thu nhận từ tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae là sản phẩm dinh dưỡng được dùng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm. Phương pháp sử dụng quá trình phá vỡ tế bào nấm men bằng nhiệt độ cao tạo ra sản phẩm an toàn và làm tăng hương vị của các sản phẩm thực phẩm. Tế bào nấm men được hoạt hóa ở 50oC trong 120 phút, sau đó hấp ở nhiệt độ và thời gian nghiên cứu khác nhau. Dịch tế bào được làm lạnh nhanh về nhiệt độ phòng và ly tâm thu dịch nổi. Dịch chiết xuất nấm men được sấy phun thu sản phẩm dạng bột có độ ẩm 6,7%. Bột chiết xuất nấm men thu được có hàm lượng protein là 52,1%, hiệu suất thu hồi protein là 71,28% và hàm lượng amino acid là 3,7% khi tế bào nấm men bị phá vỡ ở điều kiện 115oC trong 10 phút. Kết quả đánh giá cảm quan thị hiếu khi bổ sung bột chiết xuất nấm men vào nước luộc rau bắp cải với tỷ lệ 0,3-0,6% cho điểm cảm quan trung bình về mùi vị thuộc nhóm được yêu thích nhất là 8,36-8,55 (theo thang điểm 9) và không có khác biệt thống kê có ý nghĩa so với nước hầm gà (p> 0,05).

Sử dụng thực vật xử lý đạm và lân trong nước thải nuôi trồng thủy sản

Ngô Thụy Diễm Trang, Võ Thị Phương Thảo , Nguyễn Văn Công
Tóm tắt | PDF
Sử dụng thủy sinh thực vật để loại bỏ các chất đạm (N) và lân (P) trong nước thải nuôi trồng thủy sản (NTTS) là biện pháp rẻ tiền, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đất ngập nước (ĐNN) nhân tạo được xem như một trong những công nghệ sinh thái có khả năng ứng dụng cao trong cải thiện chất lượng nước ô nhiễm trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong hệ thống ĐNN, các loài thủy sinh thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ N, P qua cơ chế hấp thu tạo sinh khối. Các loài thực vật có khả năng thích nghi với từng kiểu hình ĐNN khác nhau tùy thuộc vào dạng sống, và có tiềm năng hấp thu N, P khác nhau. Bài báo này được thực hiện nhằm tổng quan các nghiên cứu về khả năng xử lý nước thải NTTS của một số loài thực vật áp dụng trên hệ thống ĐNN nhân tạo, từ đó mở ra các hướng nghiên cứu, sử dụng thực vật cho mục đích xử lý nước thải NTTS theo hướng tiếp cận thân thiện, bền vững trong gia tăng việc tái sử dụng nước thải, giảm phát thải và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Tiềm năng ứng dụng nấm rễ nội cộng sinh trong sản xuất nông nghệp hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính

Đỗ Thị Xuân, Tạ Lâm Tài, Nguyễn Thị Kim Anh, Thái Thị Ngọc Dung, Võ Mộng Thường, Dương Thị Kim Dị, Huỳnh Quốc Huy, Hoàng Tuấn Thanh, Trần Vũ Phương, Nguyễn Thị Pha
Tóm tắt | PDF
Cùng với sự biến đổi khí hậu, sự lạm dụng hóa chất nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến sự bạc màu đất, giảm năng suất và chất lượng của nông sản. Trong canh tác nông nghiệp, nấm rễ nội cộng sinh (arbuscular mycorrhizal fungi, AMF) ký sinh bắt buộc với thực vật và có vai trò như nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cải tạo đất và góp phần tăng năng suất của cây trồng. Mục tiêu của nghiên cứu tổng quan là tóm tắt vai trò có lợi của nấm rễ AMF đối với cây trồng và môi trường đất canh tác. Các kết quả nghiên cứu tham khảo chứng minh được vai trò có lợi của nấm rễ AMF giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng, đối kháng với nguồn bệnh trong đất, hỗ trợ cây trồng trong điều kiện bất lợi của môi trường, giảm ngộ độc kim loại nặng và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, nấm rễ AMF được xem là nhóm vi sinh vật có lợi tiềm năng đáp ứng yêu cầu phục vụ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tác động của các cách thức làm giảm lao động nông nghiệp dư thừa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Hữu Thanh Nhã, Đỗ Phú Trần Tình
Tóm tắt | PDF
Bài báo này nhằm mục đích phân tích thực trạng và tác động của các cách thức làm giảm số lượng lao động nông nghiệp dư thừa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua đó, bài báo làm sâu sắc thêm phần vận dụng lý thuyết về giải quyết lao động nông nghiệp dư thừa. Phương pháp chính được sử dụng trong bài báo là phân tích, tổng hợp và thống kê mô tả dựa vào số liệu thứ cấp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2011 – 2022. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng di cư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tác động làm giảm 1,7 triệu lao động, tương ứng 1/3 lực lượng lao động nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tuy nhiên tác động này chủ yếu ở nhóm lao động trẻ. Còn lại, chính tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã duy trì việc làm và sinh kế cho đa số lao động nông nghiệp, nhất là lao động nông nghiệp lớn tuổi. Thông qua kết quả nghiên cứu, bài báo đề xuất một số chính sách phù hợp nhằm đẩy nhanh việc giảm số lượng lao động nông nghiệp dư thừa ở ĐBSCL.

Hiệu quả của giá thể sinh học lên sinh trưởng, năng suất và chất lượng của xà lách muir (Lactuca sativa var. Muir)

Nguyễn Trường Trinh, Nguyễn Quốc Khương, Phạm Thị Hải Nghi, Nguyễn Thị Trúc Linh, Phan Vương Ái Vy, Trần Thiên Nhã Ái, Trần Thị Giang, Đỗ Thị Xuân
Tóm tắt | PDF
Xà lách Muir (Lactuca sativa Muir) là loại rau ưa mát có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp trồng trong điều kiện nhà màng.Do đó,nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định loại giá thể phối trộn kết hợp với bổ sung dinh dưỡng lên sinh trưởng, năng suất, chất lượng rau trong điều kiện nhà màng. Nghiên cứu được thực hiện liên tiếp hai vụ từ tháng 12/2023 đến tháng 03/2024.Qua kết quả về sinh trưởng, năng suất và chất lượng rau ở 02 vụ khảo sát, các công thức giá thể phối trộn và dinh dưỡng phù hợp được đề xuất là NT6 (GTSH + CPMIX + 10%NPK + DT1), NT7 (GTSH + CP04 + 10%NPK + DT2), NT 8 (GTSH + CP265 + 10%NPK + DT2) và NT9 (GTSH + CPMIX + 10%NPK + DT2).Các nghiệm thức này đã cho số lá, chiều dài, chiều rộng lá, năng suất thương phẩm, hàm lượng vitamin C và mật số vi sinh vật có lợi trong giá thể đạt cao hơn,giúp giảm thiểu hàm lượng nitrate trong rau và giảm tỷ lệ hao hụt sau 15 ngày bảo quản so với các nghiệm thức đối chứng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sử dụng giá thể sinh học kết hợp với bổ sung vi khuẩn có lợi và sử dụng dịch trích từ bả đậu nành hoặc đạm cá giúp giảm 90% phân hóa học trong điều kiện canh tác xà lách xoăn Muir trong nhà màng.

Thiết kế hệ vi hạt từ fibroin tơ tằm ứng dụng dẫn truyền vitamin K1

Phạm Duy Toàn, Nguyễn Ngọc Yến
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu bào chế hệ vi hạt (nanoparticles) từ fibroin tơ tằm, ứng dụng trong vận chuyển vitamin K1. Hệ vi hạt trống được bào chế bằng phương pháp đổi dung môi có kích thước tối ưu là 361 nm ứng với tỉ lệ fibroin:EtOH (v/v) là 1:5. Hệ vi hạt tải vitamin K1 có thông số tối ưu khi được bào chế bằng phương pháp đồng ngưng tụ với kích thước 702 nm, hiệu suất tải 35%, ứng với hàm lượng tải ban đầu là 3 mg. Tương tác của các thành phần trong hệ vi hạt được đánh giá thông qua phổ FT-IR cho thấy các mũi đặc trưng của fibroin và vitamin K1. Quá trình giải phóng vitamin K1 tải bằng phương pháp hấp phụ và ngưng tụ có hiệu suất đạt lần lượt là 92,17% và 90,08%. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ hoạt chất của hệ vi hạt trong các môi trường kiềm, acid, oxi hóa mạnh cao gấp đôi so với hoạt chất tự do. Tóm lại, nghiên cứu đã bào chế thành công hệ vi hạt từ fibroin tơ tằm tải hoạt chất vitamin K1.

Xây dựng quy trình công nghệ chế biến puree bí đỏ (Cucurbita moschata D.) đóng hộp

Nguyễn Nhật Minh Phương, Trần Kim Bảo, Lê Minh Đô, Trần Như Ảnh, Trần Chí Nhân, Tống Thị Ánh Ngọc
Tóm tắt | PDF
Bí đỏ chứa nhiều carotenoid. Thịt bí đỏ thường được sử dụng trực tiếp hoặc chế biến thành các sản phẩm khác, ví dụ như puree. Việc phát triển sản phẩm puree bí đỏ đóng hộp là cần thiết để phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Với mục tiêu này, nội dung nghiên cứu bao gồm (i) khảo sát sự ảnh hưởng của nhiệt độ (80, 90 và 100oC) và thời gian chần (5, 6 và 7 phút) đến chất lượng nguyên liệu bí đỏ; (ii) xác định nồng độ ascorbic acid (0,025, 0,05 và 0,1%) bổ sung và xây dựng chế độ tiệt trùng phù hợp (121°C trong 5, 7, 9 phút; 118°C trong 20, 23, 26 phút; 115°C trong 45, 50, 60 phút) để đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm puree bí đỏ đóng hộp. Mẫu được chần ở nhiệt độ 90oC trong thời gian 7 phút vô hoạt toàn enzyme peroxidase, giữ được màu sắc, hàm lượng carotenoids, cấu trúc mềm phù hợp làm puree.  Sản phẩm puree bí đỏ đóng hộp được tiệt trùng ở nhiệt độ 121°C trong 5 phút duy trì hàm lượng chất dinh dưỡng và đảm bảo an toàn về mặt vi sinh (v.d. bào tử Clostridium botulinum).

Ảnh hưởng của lá mít ủ chua thay thế cho cỏ voi tươi lên tỷ lệ tiêu hóa, lên men dạ cỏ và sinh khí methane in vitro ở dê sữa

Lâm Phước Thành, Võ Thị Phương Tiên, Trần Thị Thúy Hằng
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của thay thế lá mít ủ chua cho cỏ Voi tươi lên tỷ lệ tiêu hóa, lên men dạ cỏ và sinh khí methane (CH4) in vitro sử dụng dịch dạ cỏ dê Saanen lai. Thí nghiệm được thiết kế hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức (NT) là sự thay thế cỏ Voi tươi bởi lá mít ủ chua ở các mức 0, 25, 50, 75 và 100% DM, tương ứng với LMU0, LMU25, LMU50, LMU75 và LMU100. Kết quả cho thấy việc tăng các mức độ lá mít ủ chua làm tăng tỷ lệ acetate và giảm propionate (P

Phân tích vai trò của giới trong quản lý ruồi đục trái trên cây xoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Ánh Minh, Trịnh Thị Xuân, Nguyễn Hải Minh, Lê Hoàng Kiệt, Lư Phạm Thiện Duy, Nguyễn Thanh Bình
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thiết kế nhằm khám phá sự khác biệt về vai trò giới trong quản lý ruồi đục trái ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng phương pháp PRA, trong đó lựa chọn công cụ thảo luận nhóm (FGD) và phỏng vấn người có am hiểu (KIP) để thu thập số liệu tại Đồng Tháp và Trà Vinh. Sau đó, tiến hành mã hóa và xử lý theo các cụm chủ đề có liên quan. Kết quả cho thấy nam giới chiếm ưu thế trong các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao như sử dụng thuốc trừ sâu, trong khi phụ nữ sẽ đảm nhận các công việc ít kỹ thuật hơn. Đồng thời, phụ nữ trong khu vực nghiên cứu gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực bao gồm khả năng tiếp cận với đào tạo và tài chính. Sự phân chia này tồn tại do những khuôn mẫu giới được áp đặt cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Khmer. Vì thế, rất cần có các chính sách được thực thi nhằm trao quyền cho phụ nữ, giúp họ nâng cao vị thế trong canh tác cũng như quản lý ruồi đục trái trên cây xoài tại đồng bằng sông Cửu Long.

Phân tích khía cạnh kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trên bể nổi ở Cà Mau

Phạm Tiến Sĩ, Lê Quốc Việt, Võ Nam Sơn, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hiện trạng kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trên bể nổi lót bạt nhằm cung cấp thông tin góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất của mô hình nuôi. Nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn trực tiếp 60 hộ tại Cà Mau từ tháng 02 đến tháng 10 năm 2023. Kết quả khảo sát cho thấy, thể tích bể nuôi trung bình 969 m3/bể, mật độ tôm 186 con/m3, năng suất 4,18 tấn/1.000 m3/vụ, đạt lợi nhuận 225,7 triệu đồng/1.000 m3/vụ. Mô hình nuôi có thể tích bể nuôi nhỏ hơn 1.000 m3 cho năng suất cao có ý nghĩa thống kê (4,55 tấn/1.000 m3/vụ, p

Khảo sát khả năng kháng vi khuẩn gây mụn của tinh dầu ngải năm ông (Curcuma involucrata (King ex Baker) Škorničk)

Nguyễn Thanh Tố Nhi, Nguyễn Minh Thái, Phan Huyền Trang, Hoàng Đức Thuận, Nguyễn Thành Triết
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện khảo sát khả năng kháng vi khuẩn gây mụn từ tinh dầu của Curcuma involucrata thu hái từ tỉnh Long An. Tinh dầu được chiết bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Hoạt tính kháng khuẩn của dược liệu được khảo sát bằng các phương pháp: đĩa giấy khuếch tán; pha loãng trong môi trường rắn (MIC), trải đĩa (MBC), đĩa ba ngăn (pha hơi). Thành phần hóa học của tinh dầu được xác định bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS). Hiệu suất chiết tinh dầu là 0,29%. Kết quả xác định thành phần hóa học của tinh dầu bằng GC-MS cho thấy sự hiện diện của ít nhất 28 chất, trong đó hai hợp chất chính là isoterpinolen (29,65%) và β-ocimen (11,60%). Tinh dầu thể hiện tác dụng ức chế tốt nhất trên Staphylococcus aureus với MIC = 0,16 µL/mL và tác dụng ức chế trung bình trên Propionibacterium acnes với MIC = 0,63 µL/mL. Tinh dầu thân rễ ngải năm ông thích hợp đối với chế phẩm dạng kem, tác động tại chỗ trong điều trị mụn vì cho hoạt tính kháng khuẩn trên pha rắn tốt hơn so với pha hơi.

Khảo sát tác dụng hạ acid uric máu của cao chiết ethanol phối hợp chứa tía tô và râu mèo trên chuột nhắt trắng

Dương Phan Nguyên Đức, Võ Thanh Phong, Nguyễn Thị Bay, Nguyễn Thành Triết
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu khảo sát tác dụng hạ acid uric máu của cao chiết ethanol 70% tía tô (Perilla frutescens) và râu mèo (Orthosiphon stamineus) (tía tô-râu mèo tỷ lệ 1:1) trên mô hình chuột nhắt trắng gây tăng acid uric cấp tính bằng tiêm phúc mô kali oxonat 300 mg/kg, đồng thời kiểm tra một số chỉ tiêu độ tinh khiết của tía tô và râu mèo, và xác định độc tính cấp của cao chiết theo phương pháp Karber-Behrens. Các chỉ tiêu thử độ tinh khiết của hai dược liệu và cao chiết đạt quy định theo Dược điển Việt Nam V. Cao chiết tía tô râu mèo không thể hiện độc tính cấp. Cao chiết tía tô râu mèo liều 1 g/kg và 2 g/kg làm giảm acid uric máu lần lượt là 13% và 11% so với lô chứng bệnh lý (p < 0,05), sự giảm này không khác biệt so với lô uống hoạt chất allopurinol (10 mg/kg). Nghiên cứu cho thấy tiềm năng của phối hợp tía tô – râu mèo trong điều trị bệnh lý tăng acid uric máu.

Xây dựng công thức và đánh giá ¬hoạt tính kháng vi sinh vật của nhũ tương tạo bọt chứa tinh dầu vỏ bưởi (Citrus grandis)

Nguyễn Đinh Thị Thanh Tuyền, Hoàng Đức Thuận
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng một công thức nhũ tương tạo bọt chứa tinh dầu vỏ bưởi (Citrus grandis) và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của nó. Nghiên cứu đã khảo sát các thông số: tỷ lệ chất tạo bọt, loại chất nhũ hóa, tỷ lệ chất nhũ hóa và ethanol trong Smix, tỷ lệ Smix và tinh dầu cần thiết để đạt được sự hình thành nhũ tương. Kết quả cho thấy tỷ lệ giữa chất tạo bọt cocamidopropyl betaine và decyl glucoside là 1:1 (kl/kl); tỷ lệ tinh dầu vỏ Bưởi sử dụng là 5% với chất nhũ hóa cremophor RH 40 và ethanol lần lượt là 7,59% và 5,10%. Công thức nhũ tương tạo bọt hơi đục, có mùi thơm của tinh dầu vỏ bưởi, pH 7,02, tỷ trọng 1,05 g/mL, mật độ bọt tạo ra 0,103 g/cm3. Sản phẩm nhũ tương tinh dầu vỏ bưởi có khả năng kháng lại các chủng Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus và Candida albicans với MIC lần lượt là 10%, 10%, 20% và 20%.

Ảnh hưởng tỉ lệ bổ sung hỗn hợp ly trích từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn lên tăng trưởng, tỉ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm sú (Penaeus monodon) giai đoạn giống

Trần Nguyễn Hải Nam, Phạm Minh Toả, Lê Quốc Việt, Nguyễn Thị Ngọc Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung hỗn hợp ly trích từ rong bún (Enteromorpha intestinalis) vào thức ăn ương hậu ấu trùng tôm sú gồm: Nghiệm thức đối chứng không bổ sung hỗn hợp ly trích (0%) và 4 nghiệm thức còn lại bổ sung hỗn hợp ly trích vào thức ăn với các mức 0,3%, 0,6%, 0,9% và 1,2%. Sau 30 ngày thí nghiệm, kết quả cho thấy bổ sung chất chiết rong bún không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của tôm. Bổ sung 0,6%, 0,9% và 1,2% chất chiết rong bún cho kết quả tốt hơn về tăng trưởng, năng suất và hệ số tiêu tốn thức ăn (p

Thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống cân đa đầu

Trần Nhựt Thanh, Dương Công Thương, Nguyễn Phước Ân, Đái Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Dũng
Tóm tắt | PDF
Cân đa đầu được xem là giải pháp cân nhanh và chính xác, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống cân này khá cao nên khó áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc nghiên cứu và tự chủ trong việc thiết kế và chế tạo hệ thống cân đa đầu là rất cần thiết. Nghiên cứu này trình bày việc thiết kế và chế tạo toàn bộ một hệ thống cân đa đầu từ phần cứng đến phần mềm để cân sản phẩm có khối lượng trong khoảng 1 kg. Hệ thống đã được thử nghiệm bằng việc cân khối lượng của hạt đậu ngự với sai số trong khoảng 1%. Ngoài ra, một màn hình cảm ứng với giao diện trực quan đã được thiết kế để điều khiển và giám sát hệ thống cân. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống cân đa đầu đã được thiết kế và thử nghiệm thành công. Điều này giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng làm chủ công nghệ chế tạo hệ thống cân nhanh và chính xác này.