Ngày xuất bản: 30-12-2015

Ảnh hưởng của các mức bột lá Trichanthera gigantea trong khẩu phần lên năng suất và chất lượng thân thịt của gà Lương Phượng

Văn Thị Ái Nguyên, Võ Văn Sơn
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện tại trại chăn nuôi, Trường Đại học Cần Thơ để đánh giá ảnh hưởng của các mức thay thế bột lá Trichanthera gigantea (T.gigantea) vào khẩu phần nuôi gà Lương Phượng nuôi thịt từ 5 đến 12 tuần tuổi. 240 con gà Lương Phượng được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào 04 nghiệm thức là 04 mức thay thế bột lá T.gigantea 0% (BTG0), 1% (BTG1), 3% (BTG3), 5% (BTG5) vào khẩu phần cơ sở, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy tăng trọng, hệ số chuyển hóa thức ăn ở gà trong 8 tuần thí nghiệm sai khác không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05) giữa gà ở các nghiệm thức ngoại trừ chi phí/kg tăng trọng giảm khi tăng tỉ lệ thay thế bột lá T.gigantea vào khẩu phần cơ sở. Các chỉ tiêu mổ khảo sát như tỉ lệ thân thịt, ức, đùi không khác biệt giữa gà ở các nghiệm thức tuy nhiên hàm lượng mỡ bụng có khuynh hướng giảm dần theo mức tăng bột lá trong khẩu phần. Thành phần hóa học trong thịt ức và đùi của gà ở các nghiệm thức không khác biệt ngoại trừ hàm lượng béo trong thịt ức của gà ở các nghiệm thức có bổ sung bột lá T.gigantea cao hơn so với nghiệm thức đối chứng (p< 0,05). Việc thay thế ở mức 5% bột lá T.gigantea vào khẩu phần đã giúp giảm chi phí thức ăn nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thịt ở gà Lương Phượng nuôi thịt.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân hủy lông gia súc - lông gia cầm từ các lò mổ gia súc ở ba huyện Tam Bình, Long Hồ và Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long

Quách Thị Thanh Tâm, Bùi Thị Minh Diệu
Tóm tắt | PDF
Hàng năm, tại Việt Nam có hàng ngàn tấn lông gia súc, lông gia cầm thải ra môi trường mà chưa được xử lý. Keratin là thành phần cấu tạo chính của lông gia súc, gia cầm và là hợp chất rất khó bị phân hủy trong tự nhiên. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn một số dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy mạnh các loại cơ chất chứa keratin này từ mẫu đất, mẫu lông và nước thải thu ở lò giết mổ gia súc thuộc tỉnh Vĩnh Long. Các mẫu vật được pha loãng và nuôi cấy trên môi trường chứa bột lông heo như nguồn carbon và nitơ duy nhất để phân lập vi khuẩn. Kết quả phân lập được 47 dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy lông heo với đa số các dòng vi khuẩn có khuẩn lạc màu trắng đục. Tất cả các dòng vi khuẩn phân lập được đều cho hoạt tính keratinase với cơ chất azokeratin ở 50°C sau 15 phút phản ứng. Dòng Kr42 có hoạt độ keratinase cao nhất là 114,3U/ml và khác biệt có ý nghĩa so với các dòng vi khuẩn còn lại. Bên cạnh đó, dòng Kr11 và Kr45 cho kết quả phân hủy lông heo tốt nhất và khác biệt có ý nghĩa so với các dòng còn lại với tỷ lệ phân hủy lần lượt là 37,66% và 29,41%. Dòng Kr45 có khả năng phân hủy lông gia cầm tốt nhất với tỷ lệ 72,79%. Kết hợp giữa phương pháp định danh của Bergey (John et al, 1994) và phương pháp định danh hiện đại dựa vào trình tự của đoạn gen 16S rRNA đã cho kết luận dòng vi khuẩn Kr11 có quan hệ gần với loài Bacillus flexus và dòng vi khuẩn Kr45 có tương quan gần với loài Bacillus megaterium.

Tuyển chọn dòng nấm mốc Aspergillus niger sinh tổng hợp protease hoạt tính cao

Trần Thanh Trúc, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Hai mươi bảy (27) dòng nấm sợi đen có nguồn gốc từ vỏ các loại quả citrus (cam, chanh, bưởi), táo, sung và 2 dòng Aspergillus niger đối chứng được chủng vào môi trường agar – casein (glycerol 0,5 %; dịch chiết nấm men 0,3%; NaCl 0,5 %, agar 2 % và casein 1 %, w/v ở pH 5) để đánh giá khả năng sinh protease. Kết quả cho thấy tất cả các dòng nấm khảo sát đều có khả năng tiết ra protease khi phát triển trên môi trường agar – casein. Trong đó, 4 dòng nấm (ký hiệu N1, R1, R4, Sa2 có nguồn gốc từ chanh núm, bưởi Năm roi và cam sành) được tuyển chọn dựa trên tỷ lệ đường kính vòng thủy phân casein (d) lớn hơn 10 mm và tỷ lệ giữa đường kính vòng thủy phân casein (d) và đường kính vòng phát triển của nấm mốc (D) đều từ 0,62-0,65. Sự kết hợp của 2 dòng Sa2 và R4 với tỷ lệ 1:3 cho kết quả sinh tổng hợp protease tốt nhất, hoạt tính protease sau 2 ngày lên men lỏng trong môi trường Czapeck Dox có bổ sung 1% casein làm cơ chất cảm ứng là 1,26±0,16 U/mL. Kỹ thuật giải trình tự gene 28S rRNA cũng được áp dụng để nhận diện hai (2) dòng Sa2 và R4, kết quả cho thấy, 2 dòng này đều thuộc Aspergillus niger với mức độ đồng hình 99 ÷ 100%.

Khả năng đáp ứng và đột biến của Bacillus subtilis và Pseudomonas fluorescens dưới tác dụng của xung ánh sáng

Nguyễn Bảo Lộc, Nicorescu Irina
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu này là (a) so sánh cơ chế tiêu diệt vi sinh vật và (b) khảo sát khả năng đáp ứng và đột biến của 2 giống vi sinh vật (Bacillus subtilis và Pseudomonas fluorescens) dưới tác dụng của xung ánh sáng. Để đánh giá khả năng đáp ứng, đầu tiên tế bào được xử lý bằng xung ánh sáng với liều năng lượng thích nghi (2x10-5 hoặc 0,06 J.cm-2), sau đó những tế bào này được xử lý tiếp với liều năng lượng tiêu diệt 0,3 hoặc 0,5 J.cm-2. Thí nghiệm thử khả năng kháng kháng sinh được thực hiện trên huyền phù vi sinh vật ở giai đoạn phát triển logarit để xác định khả năng đột biến của các vi sinh vật này. Thí nghiệm được thực hiện với 3 mức độ năng lượng của xung ánh sáng (0,2; 0,3 và 0,4 J.cm-2). Kết quả thí nghiệm cho thấy ở mức độ năng lượng xử lý thấp (0,06 J.cm-2) làm tăng khả năng đáp ứng của vi khuẩn B. subtilis, giúp cho vi khuẩn này chống chịu tốt hơn với liều năng lượng tiêu diệt xử lý tiếp theo. Ngược lại, P. fluorescens không đáp ứng với liều năng lượng thấp và hơn thế, việc tiền xử lý bằng liều năng lượng thấp còn làm tăng mức độ nhạy cảm của loài vi khuẩn này với liều năng lượng cao tiếp theo. Năng lượng xử lý 0,2 J.cm-2 làm tăng đáng kể số lượng vi khuẩn P. fluorescens đột biến so với mẫu không xử lý, trong khi đó kết quả này không được thể hiện ở vi khuẩn B. subtilis. Tóm lại, kết quả thí nghiệm cho thấy cả hai loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương trong thí nghiệm này đều có khả năng đáp ứng với phương pháp xử lý xung ánh sáng, tuy nhiên cơ chế đáp ứng của mỗi loại không giống nhau.

Hiệu quả của liều lượng và phương pháp bón phân xỉ thép đến năng suất lúa và một số đặc tính đất phèn (Điều kiện nhà lưới)

Bùi Thị Trúc Linh, Võ Quang Minh, Lê Việt Dũng, Lê Văn Khoa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của phân bón xỉ thép và phương thức bón phân đến biến động một số đặc tính hóa học và hiệu quả cải thiện năng suất lúa trên đất phèn Hòa An và Bình Sơn. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trên đất Hòa An với 4 nghiệm thức gồm đối chứng, bón 3, 6 tấn/ha phân xỉ thép và 3 tấn/ha phân vôi. Trên đất Bình Sơn với 6 nghiệm thức gồm đối chứng, bón 1,5, 3, 6, và 9,0 tấn/ha phân xỉ thép và 1,5 tấn/ha phân vôi. Kết quả thí nghiệm cho thấy trên đất Hòa An bón phân xỉ thép đã làm gia tăng hàm lượng Ca2+, giúp cải thiện pH đất, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt góp phần gia tăng năng suất lúa so với nghiệm thức đối chứng nhưng việc bón vôi vẫn có hiệu quả hơn việc bón phân xỉ thép. Việc trộn phân xỉ thép vào đất Hòa An cho số chồi/bụi, số hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc và năng suất lúa cao hơn có ý nghĩa so với cách bón phân trên mặt đất. Ở đất Bình Sơn, việc sử dụng phân xỉ thép giúp gia tăng hàm lượng Ca2+, Mg2+, giảm ảnh hưởng của độc chất, giúp cải thiện pH đất, sinh trưởng của cây lúa phát triển tốt, gia tăng chiều cao cây, số bông/chậu, số hạt/bông và gia tăng năng suất lúa so với nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức bón vôi. Việc trộn phân xỉ thép vào đất Bình Sơn đã cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa so với cách bón phân trên mặt về số chồi/bụi, số hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc và năng suất lúa.

Xác định kỹ thuật canh tác thích hợp cho giống lúa Huyết Rồng tại Vĩnh Hưng, Long An

Huỳnh Quang Tín, Trần Thị Hạnh Quyên, Trần Hữu Phúc
Tóm tắt | PDF
Để xác định kỹ thuật canh tác thích hợp và mang lại hiệu quả tài chính cho nông dân trồng lúa Huyết Rồng tại Vĩnh Hưng, Long An, ba thí nghiệm được thực hiện trong thời gian từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2014. Ở thí nghiệm 1, với mức độ sạ 50 kg/ha đạt số chồi, số hạt chắc/bông, số bông/m2, năng suất thực tế cao hơn so với sạ 90 kg/ha rất ý nghĩa thống kê. Ở thí nghiệm 2, nghiệm thức Comcat 150WP tạo nên đường kính lóng 4 và 5 to nhất (7,5 mm) giúp cây cứng chống đổ ngã, đạt năng suất cao (2,8 tấn/ha) so với nghiệm thức Siêu Canxi, Siêu Kali; Comcat 150WP. Ở thí nghiệm 3, nghiệm thức bón phân 0,6 tấn phân hữu cơ/ha + N,P,K (50N-40P2O5-30K2O) kg/ha đạt năng suất thực tế cao nhất (3,3 tấn/ha) và tỷ lệ gạo trắng cao (71,9%), hạt gạo dài (6,8 mm) và hàm lượng amylose thấp (15,4%) so với các nghiệm thức bón phân khác. Kết quả từ các thử nghiệm cần xem xét đề xuất canh tác giống lúa Huyết Rồng tại Vĩnh Hưng tỉnh Long An nên sạ mật độ thưa (50kg/ha), bón phân hữu cơ (0,6 tấn phân hữu cơ/ha) và cân đối phân vô cơ (50N-40P2O5-30K2O kg/ha) kết hợp phun Comcat 150WP (3 lần) sẽ cải thiện chất lượng và đạt năng suất cao.

Định danh xạ khuẩn có triển vọng trong phòng trị bệnh cháy bìa lá hại lúa

Lê Minh Tường, Lý Văn Giang, Phạm Tuấn Vủ
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định đến loài các chủng xạ khuẩn có triển vọng trong quản lý bệnh cháy bìa lá lúa, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo góp phần ứng dụng xạ khuẩn vào biện pháp phòng trừ sinh học đối với bệnh cháy bìa lá lúa. Tám chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng với vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae được phân lập trên những ruộng lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bằng phương pháp khảo sát đặc điểm nuôi cấy, hình thái và sinh lý cũng như phương pháp phân tích trình tự gen 16S-rRNA và so sánh với bộ gen của các loài vi khuẩn trên GenBank đã xác định được: Chủng CT1 có mức tương đồng với loài Streptomyces kanamyceticus, là 99%; chủng CT5 có mức tương đồng với loài Streptomyces willmorei là 99%, chủng HG37 có mức tương đồng với loài Streptomyces bacillaris là 100%, chủng ST10 và ST12 có mức tương đồng với loài Streptomyces campoamus là 98%, chủng VL4 có mức tương đồng với loài Streptomyces lipmanii là 100%, chủng VL10 có mức tương đồng với loài Streptomyces bikiniensis là 99%, chủng VL9 có mức tương đồng với loài Streptomyces ostreogriseus là 99%.

Hiệu quả của bã cà phê và vỏ trứng lên sinh trưởng, năng suất hành tím (Allium ascalonicum) và một số đặc tính hóa và sinh học đất trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Khởi Nghĩa, NGUYEN VU BANG, Lâm Tử Lăng, Đỗ Hoàng Sang
Tóm tắt | PDF
Để đánh giá hiệu quả của bã cà phê và vỏ trứng lên sinh trưởng, năng suất củ hành tím và một số đặc tính hóa và sinh học đất, thí nghiệm trong nhà lưới được thực hiện trong ba tháng với 4 lặp lại. Đất thí nghiệm được thu từ ruộng trồng hành tím thâm canh có thời gian canh tác trên 30 năm tại Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Mỗi vật liệu hữu cơ bón với liều lượng 5% (w/w so với trọng lượng đất khô trong mỗi chậu thí nghiệm). Hỗn hợp bã cà phê và vỏ trứng được bón với 2 mức độ: 10 và 20%. Nghiệm thức không bón phân được xem như là nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức bón phân theo khuyến cáo cho cây hành tím được xem là nghiệm thức tham khảo. Kết quả thí nghiệm cho thấy trọng lượng tươi củ hành tím cao nhất ở 2 nghiệm thức: nghiệm thức 3 (bón 5% bã cà phê + 25% NPK khuyến cáo) và nghiệm thức 5 (bón 10% hỗn hợp bã cà phê và vỏ trứng). Trọng lượng củ hành tím ở hai nghiệm thức này lần lượt là 47,98 và 44,41 g/chậu, cao hơn rất nhiều so với nghiệm thức 1 (đối chứng) và nghiệm thức 2 (bón phân theo khuyến cáo) và có mối liên hệ với sinh trưởng và phát triển của cây hành tím. Thêm vào đó, việc bón hai vật liệu hữu cơ gồm: bã cà phê và vỏ trứng đã giúp gia tăng pH đất và mật số vi khuẩn và nấm trong đất rất đáng kể.

Giải pháp nâng cao vai trò phụ nữ nông thôn trong tham gia tập huấn lĩnh vực sản xuất lúa tại thành phố Cần Thơ

Ông Huỳnh Nguyệt Ánh, Mai Như Ý, Phạm Thị Kim Em, Nguyễn Hồng Huế, Thị Tuyết Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm tìm ra giải pháp nâng cao vai trò phụ nữ trong tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật lĩnh vực sản xuất lúa ở thành phố Cần Thơ, cụ thể là địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn 120 nông dân trong và ngoài lớp tập huấn theo số liệu tách biệt giới. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố như người phụ nữ trình độ học vấn thấp, có ít năm kinh nghiệm sản xuất, bận rộn chăm sóc con cái và mất nhiều thời gian vào các hoạt động kinh tế khác thì thường ít được tham gia tập huấn. Nhằm nâng cao cơ hội tập huấn cho phụ nữ, các đoàn thể địa phương cần tăng cường liên kết tuyên truyền giới trong cộng đồng, các cơ quan khuyến nông cần gắn hiệu quả kinh tế với tập huấn, người phụ nữ cần chủ động nâng cao kiến thức và sự tự tin của bản thân là các giải pháp chính yếu đã được đề ra.

Ảnh hưởng của bón lân phối trộn “Dicarboxylic acid polymer - DCAP” đến sinh trưởng và năng suất lúa trên đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Quốc Khương, Ngô Ngọc Hưng, Nguyễn Văn Nghĩa, TrầN Văn HùNg, Lê Phước Toàn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của các mức lân và bón lân phối trộn “DCAP” đến sinh trưởng và năng suất lúa hè thu trên đất phèn Hòn Đất, Phụng Hiệp và Hồng Dân. Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện trên ba hộ nông dân khác nhau của mỗi vùng. Các nghiệm thức thí nghiệm cho từng hộ là (i) không bón lân; (ii) bón 60 kg P2O5 ha-1; (iii) bón 30 P2O5 ha-1 và (iv) bón 30 kg P2O5 ha-1 trộn DCAP. Kết quả thí nghiệm cho thấy không có sự đáp ứng về sinh trưởng tại Hòn Đất và Hồng Dân và năng suất đối với bón phân lân tại 3 vùng của thí nghiệm. Tuy nhiên, bón 30 kg P2O5 ha-1 trộn DCAP đã làm tăng chiều cao, số bông m-2 và năng suất lúa, đạt tương đương với bón 60 kg P2O5 ha-1 trên đất phèn Phụng Hiệp. Cần đánh giá ảnh hưởng của bón lân trộn DCAP đến khả năng hòa tan lân trong đất và hấp thu lân của cây lúa.

So sánh hiệu quả sản xuất giữa nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng luân canh với lúa ở tỉnh Kiên Giang

Phù Vĩnh Thái, Trần Hoàng Tuân, Trương Hoàng Minh, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 65 hộ nuôi tôm sú - lúa (TS-L) và 62 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng - lúa (TT-L) luân canh ở huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang từ tháng 9-12/2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy, diện tích ruộng nuôi TS-L (1,66 ha/ruộng) lớn hơn TT-L (1,37 ha/ruộng), nhưng có mực nước trên trảng thấp hơn lần lượt là 0,52 m và 0,57 m. Kích cỡ giống thả nuôi ở mô hình TS-L (PL16) lớn hơn TT-L (PL11,9), nhưng mật độ và số lần thả giống thấp hơn (7,8 con/m2 và 3,49 lần) so với TT-L (13,4 con/m2/vụ và 3,74 lần/vụ). Các hộ nuôi có bổ sung thức ăn công nghiệp cho TS-L (89,2% số hộ) và TT-L (95,5% số hộ), với FCR lần lượt là: 0,45 và 0,67. Mô hình TS-L có thời gian thu hoạch lần đầu (125 ngày) dài hơn TT-L (100 ngày), tương ứng kích cỡ thu hoạch là 32,3 và 72,7 con/kg. Tỷ lệ sống và năng suất nuôi TS-L (13,1% và 320 kg/ha/vụ) thấp hơn TT-L (33,0% và 632 kg/ha/vụ). Chi phí đầu tư trong mô hình TT-L là 51,3 tr.đ/ha/vụ, cao gấp 1,89 lần so với TS-L và lợi nhuận tương ứng là 36,1 và 44,4 tr.đ/ha/vụ (tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 0,66 và 1,65 lần). Mô hình TT-L có tỷ lệ hộ lỗ (22,6%) cao hơn so với TS-L (7,7%). Ngoài ra, các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của 2 mô hình cũng được phân tích trong nghiên cứu này.

Nghiên cứu nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nghề lưới rập xếp được thực hiện từ tháng 5/2014 đến tháng 12/2014 tại 2 huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau thông qua phỏng vấn trực tiếp 40 hộ làm nghề đánh bắt bằng lưới rập xếp về khía cạnh kỹ thuật, tài chính, những thuận lợi và khó khăn. Kết quả cho thấy Tàu lưới rập xếp có công sất trung bình 54,1 CV và tải trọng trung bình là 3,13 tấn/tàu. Sản lượng trung bình năm khoảng 12,8 tấn/tàu/năm. Tổng chi phí trung bình là 4,78 triệu đồng/chuyến biển và lợi nhuận trung bình là 2,03 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 1,31 lần. Khó khăn hiện nay của nghề lưới rập xếp là thời tiết xấu, giá bán thấp và nguồn lợi suy giảm. Lưới rập xếp đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân ven biển, là nguồn thu nhập chính cho gia đình, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó trong mô hình tôm sú - lúa luân canh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Thị Phương Mai, Võ Nam Sơn, Trần Ngọc Hải, Dương Văn Ni
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức, ảnh hưởng và giải pháp của người nuôi tôm trong mô hình tôm - lúa luân canh do tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 99 hộ nuôi tôm sú – lúa tại các vùng trọng điểm nuôi tôm lúa ở tỉnh Sóc Trăng (huyện Mỹ Xuyên; 32 hộ), Bạc Liêu (huyện Phước Long; 34 hộ) và Cà Mau (huyện Trần Văn Thời; 33 hộ). Các thông tin được thu thập là hiệu quả sản xuất, các giải pháp ứng phó của người nuôi trong thời gian qua và thời gian tới do sự thay đổi của các yếu tố như mùa mưa, lượng mưa, nhiệt độ, độ mặn và mực nước thủy triều. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất tôm nuôi trung bình là 0,35 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình 24,2 trđ./ha/vụ với tỷ lệ thua lỗ trung bình 9,1%. Năng suất lúa trung bình là 5,2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình 16,5 trđ./ha/vụ với tỷ lệ thua lỗ trung bình (8,1%). Hầu hết (90%) nông dân nhận thức được sự thay đổi và tác động của thời tiết trong thời gian qua và thời gian tới. Giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật được người nuôi lựa chọn (70,1 – 95,5%) để giải quyết các vấn đề khó khăn nhiều hơn so với các giải pháp khác (p

Thử nghiệm trồng rong nho (Caulerpa lentillifera) trong bể với các dạng rong giống và nền đáy khác nhau

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Anh Thư, Đoàn Hồng Vân, Nguyễn Bé Mi, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Thử nghiệm trồng rong nho (Caulerpa lentillifera) trong bể với các dạng rong giống và nền đáy khác nhau được thực hiện gồm 2 thí nghiệm. Thí nghiệm 1, hai dạng rong giống gồm rong nguyên tản (thân đứng (phần chùm nho) và thân bò) và tản rong được cắt bỏ phần thân đứng (phần chùm nho) được bố trí trong cùng bể nhựa hình chữ nhật 70 L với nền đáy cát. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Nước thải từ bể ương ấu trùng tôm sú (độ mặn 30 ppt) được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng cho rong nho. Sau 2 tuần nuôi trồng, giống rong nho được cắt bỏ phần thân đứng có tốc độ tăng trưởng cao hơn có ý nghĩa (p

Ảnh hưởng của giá thể đến kết quả nuôi ốc bươu đồng (Pila polita)

Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện trong 2 tháng nhằm đánh giá ảnh hưởng của các loại giá thể đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và năng suất của ốc bươu đồng (Pila polita) trong giai đoạn nuôi thịt. Thí nghiệm được bố trí với 3 loại giá thể khác nhau là: 1). Không có giá thể (ĐC); 2). Chùm nilon (NL) và 3). Cây lục bình (LB) với 3 lần lặp lại cho mỗi loại giá thể. Số lượng ốc được thả vào mỗi bể (250 L) là 100 con với khối lượng trung bình ban đầu từ 0,73 đến 0,75 g/con. Sau 60 ngày nuôi, tỷ lệ sống của ốc bươu đồng không khác biệt giữa các nghiệm thức (p>0,05). Tuy nhiên giá trị trung bình về chiều cao (32,24 ± 3,90 mm), chiều rộng (23,78 ± 2,16 mm) và khối lượng (7,53 ± 0,23 g) của ốc nuôi với giá thể lục bình đều cao hơn các nghiệm thức khác (p

Thực trạng và giải pháp sử dụng giáo trình điện tử để phát triển năng lực tự học cho sinh viên sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

Lê Văn Nhương
Tóm tắt | PDF
Bài viết đã kết hợp phương pháp nghiên cứu lí thuyết và khảo sát thực tế để phân tích thực trạng sử dụng giáo trình điện tử trong dạy học ở Trường Đại học Cần Thơ nói chung, ở Khoa Sư phạm nói riêng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giáo trình điện tử với sự tăng cường phim, ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bài tập tự học,… là công cụ rất phù hợp để phát triển năng lực tự học cho sinh viên Sư phạm. Tuy nhiên, hầu hết giáo trình điện tử của Trung tâm học liệu và trên Hệ thống quản lí dạy học trực tuyến DOKEOS của Trường Đại học Cần Thơ đều tồn tại dưới định dạng PDF (chuyển từ giáo trình in sang giáo trình điện tử), chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học theo Hệ thống tín chỉ; chỉ có 21,4% giảng viên sử dụng các giáo trình điện tử này như tài liệu chính thức để tổ chức dạy học. Từ thực trạng đó, tác giả đề xuất một quy trình xây dựng và các giải pháp sử dụng giáo trình điện tử phù hợp hơn trong việc nâng cao năng lực tự học cho sinh viên Sư phạm của Trường Đại học Cần Thơ.

Chiêm nghiệm - một biện pháp hiệu quả để phát triển chuyên môn cho giáo viên

Nguyễn Thị Hồng Nam, Trịnh Quốc Lập, Võ Huy Bình
Tóm tắt | PDF
Chiêm nghiệm và vai trò của nó trong việc phát triển chuyên môn cho giáo viên (GV) đã được trình bày trong nhiều nghiên cứu như Dewey (1933), Schon (1983), Zeichner and Liston (1996), Moon (2001), Klentschy (2005), Marland (2006), Larrivee & Cooper (2006) và được đưa vào Chuẩn nghề nghiệp GV của nhiều nước thuộc tổ chức OECD. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chiêm nghiệm là một vấn đề còn rất mới và hầu như chưa có nghiên cứu nào đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Chuẩn nghề nghiệp GV trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2009 cũng không xem chiêm nghiệm là một năng lực cần có của GV. Nhằm giúp GV, những nhà quản lý giáo dục và những người tham gia đào tạo GV hiểu rõ hơn về vấn đề này, trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu liên quan, trong bài viết này, chúng tôi trình bày (1) Thế nào là chiêm nghiệm; (2) Chiêm nghiệm đối với việc phát triển chuyên môn của GV; (3) Bài học kinh nghiệm cho công tác đào tạo GV của Việt Nam.

Tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương và việc sử dụng di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 11 ở các trường trung học phổ thông Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt | PDF
Để giúp học sinh (HS) có những hiểu biết về những giá trị của các di sản văn hóa (DSVH) nói chung, DSVH phi vật thể tại địa phương nói riêng, qua đó giáo dục HS ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản đó, đồng thời góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học Lịch sử ở trường trung học phổ thông (THPT). Trong bài viết này, chúng tôi xin được trình bày vấn đề tìm hiểu DSVH phi vật thể tại địa phương và việc sử dụng DSVH phi vật thể tại địa phương trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 11 ở các trường THPT Đồng bằng sông Cửu Long nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Nghiên cứu cách thức sử dụng suy luận tương tự vào dạy học phương pháp tọa độ trong không gian của giáo viên toán ở trường trung học phổ thông

Bùi Phương Uyên
Tóm tắt | PDF
Dạy học với suy luận tương tự là một chiến lược dạy học hiệu quả trong dạy học môn Toán. Vì vậy, phương pháp này đang được nghiên cứu và vận dụng vào dạy học các chủ đề cụ thể trong chương trình toán ở trường phổ thông. Việc nghiên cứu các tiết dạy của giáo viên giúp tìm hiểu thực trạng và cách thức sử dụng suy luận tương tự của họ. Vì thế, trong bài báo này, chúng tôi đã phân tích cách thức sử dụng suy luận tương tự ở chương Phương pháp tọa độ trong không gian trong năm tiết dạy của các giáo viên toán tại một số trường trung học phổ thông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng giáo viên đã sử dụng suy luận tương tự để giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, gợi động cơ mở đầu bài học, giúp học sinh xây dựng kiến thức mới.

Dạy học tư tưởng tích phân thông qua tình huống tính diện tích hình thang cong

Võ Lâm Ngọc Toán
Tóm tắt | PDF
Khái niệm tích phân là một khái niệm quan trọng của Giải tích. Việc hiểu tư tưởng chính của tích phân lại là chia nhỏ; các khái niệm như “phân hoạch”, “tính tổng” và “chuyển qua giới hạn” góp phần hiểu rõ nghĩa của khái niệm này. Nhưng theo chương trình hiện hành, điều này đã không được học sinh trung học phổ thông Việt Nam biết đến. Qua việc phân tích khái niệm tích phân trong giáo trình Calculus của James Stewart (phiên bản 7), chúng tôi đề xuất một giáo án dạy học tư tưởng tích phân xác định như là giới hạn của một tổng Riemann thông qua dạy học tình huống tính diện tích hình thang cong cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam. Nghiên cứu này có thể góp một phần nhỏ để làm tham khảo cho việc xây dựng chương trình và các sách giáo khoa (SGK) mới sau năm 2015. Tác giả đã dạy thực nghiệm với đối tượng học sinh lớp 11 tại trường trung học phổ thông Tây Đô, tỉnh Hậu Giang. Buổi thực nghiệm được tổ chức vào cuối năm lớp 11, sau khi học sinh học xong chương Giới hạn. Kết quả sau khi dạy thực nghiệm giáo án, cho thấy, học sinh trung học phổ thông có thể tiếp thu được tư tưởng này.

Long Hồ dinh và vai trò kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long dưới thời các chúa Nguyễn

Bùi Hoàng Tân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu quá trình khai khẩn và định hình của vùng Long Hồ dinh không chỉ làm sáng tỏ cội nguồn gần 300 lịch sử hình thành của một vùng đất quan trọng ở phía Nam nước ta mà còn góp phần nhận thức sâu sắc hơn và tôn vinh công lao to lớn của biết bao thế hệ lưu dân người Việt trên vùng đất Long Hồ dinh trong buổi đầu khai hoang mở cõi. Hơn thế nữa, vùng đất Long Hồ dinh nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh về nông nghiệp đã trở thành mắc xích quan trọng trong việc gắn kết với hai vùng thương mại Mỹ Tho và Hà Tiên của người Hoa tạo nên mạng lưới kinh tế hàng hóa ở Nam Bộ vào các thế kỉ XVII – XVIII. Chính vì thế, việc nghiên cứu này sẽ góp phần tìm ra các giá trị tiềm năng cần được phát huy trong sự định hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Vĩnh Long nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn - một thái độ ứng xử thẩm mỹ đối với lớp trẻ giai đoạn 1930-1945

Hồ Thị Xuân Quỳnh
Tóm tắt | PDF
Bài viết luận giải sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn như một thái độ ứng xử thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ mới của thanh niên thế hệ 1930-1945. Sự tương hợp giữa thị hiếu thẩm mỹ mới của thanh niên với sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết hiện đại của nhóm Tự Lực văn đoàn là nhân tố hết sức quan trọng, tạo nên sự phát triển của văn học nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng ở giai đoạn 1930-1945 trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Đa văn bản trong tiểu thuyết Ruồng bỏ của John Maxwell Coetzee

Phạm Tuấn Anh
Tóm tắt | PDF
Coetzee là một trong những nhà văn lớn của văn học hậu hiện đại. Nhắc đến ông, độc giả nghĩ ngay đến các tiểu thuyết nổi tiếng như “Đợi bọn mọi”, “Cuộc đời và thời đại của Michael K”, “Ruồng bỏ”… Trong đó, “Ruồng bỏ” là tác phẩm mang đến cho ông rất nhiều vinh quang: đạt giải Booker (lần hai) và giải thưởng Nobel văn học (năm 2003). Với “Ruồng bỏ”, một lần nữa Coetzee đã khẳng định khả năng bậc thầy trong việc sử dụng các kĩ thuật của văn chương hậu hiện đại như kĩ thuật mảnh vỡ, thủ pháp để ngỏ… Đặc biệt, đặc thù đa văn bản của văn chương hậu hiện đại đã được nhà văn phát huy nhằm gửi gắm nhiều thông điệp đầy tính nhân văn.

Nhu cầu và kỹ năng giao tiếp của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Trần Thị Phụng Hà, Nguyễn Ngọc Lẹ
Tóm tắt | PDF
Giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân. Đề tài tìm hiểu quan niệm về giao tiếp và kỹ năng giao tiếp của Sinh viên Đại học Cần Thơ (SV ĐHCT) được thực hiện từ tháng 10/2013 sử dụng phối hợp các phương pháp định tính, định lượng bao gồm quan sát, phỏng vấn sâu, phỏng vấn bán cấu trúc. Kết quả cho thấy SV có nhu cầu giao tiếp rất lớn nhưng khác nhau phụ thuộc vào nhóm SV khác nhau về ngành học, giới tính, năm học, điều kiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, đề tài dựa vào kết quả tự đánh giá kỹ năng giao tiếp của SV nghiên cứu để đề xuất giải pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp cho SV.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Trọng Nhân, Phan Việt Đua
Tóm tắt | PDF
Để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh Bạc Liêu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 400 khách du lịch bằng bảng câu hỏi. Các phương pháp phân tích dữ liệu bao gồm: thống kê mô tả, phân tích tương quan cặp, đánh giá độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng dịch vụ du lịch có liên quan đến mức độ hài lòng, dự định quay lại và quảng bá du lịch của du khách. Có 4 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh Bạc Liêu “sự tin cậy-tinh thần trách nhiệm-sự đảm bảo-sự đồng cảm”, “cơ sở hạ tầng và hoạt động bổ sung”, “cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ bổ trợ”, “an ninh trật tự và an toàn”. Trong đó, mức độ tác động của nhân tố “an ninh trật tự và an toàn” mạnh nhất.

Đánh giá thực trạng đặc điểm và vai trò của phụ nữ nông thôn trong sản xuất nông nghiệp vùng thâm canh lúa tỉnh An

Nguyễn Hồng Tín, Chưng Cẩm Tú, Châu Mỹ Duyên, Tô Lan Phương
Tóm tắt | PDF
Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đánh giá vai trò phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp giúp nhận ra nhu cầu cải thiện năng lực cũng như phát huy nguồn lực phụ nữ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nghiên cứu này được thực hiện tại hai tỉnh An Giang và Kiên Giang nhằm đánh giá thực trạng đặc điểm của phụ nữ nông thôn trong sản xuất nông nghiệp. Song song đó, vai trò của phụ nữ được xác định thông qua tỷ lệ tham gia và quyết định trong các hoạt động xã hội, sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và hoạt động gia đình. Các kỹ thuật phỏng vấn người am hiểu (KIP), thảo luận nhóm (FGD) và điều tra hộ nông dân được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp là người ở độ tuổi trung niên, trình độ học vấn từ rất thấp đến thấp. Cơ hội được nâng cao năng lực trong sản xuất như tập huấn, hội thảo đầu bờ rất hạn chế. Ở chiều ngược lại, phụ nữ là người trực tiếp tham gia các hoạt động và có ảnh hưởng đến các quyết định trong các hoạt động từ xã hội, nông nghiệp đến gia đình. Phụ nữ nông thôn vùng nghiên cứu không chỉ có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp mà còn là linh hồn của các hoạt động xã hội và quản lý gia đình.

Góp phần xác định cách hiểu đúng về thuật ngữ “tùy bút” và thể loại tùy bút

Trần Văn Minh
Tóm tắt | PDF
Tùy bút là thể loại có đóng góp đáng kể vào thành tựu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm tùy bút đã được giảng dạy ở bậc THPT với ý nghĩa là những trang viết mang đến cho người học nhiều nhã thú văn chương hơn cả (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường). Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu cho thấy cách hiểu nghĩa của thuật ngữ “tùy bút” và cách tiếp cận những đặc trưng nghệ thuật của thể loại tùy bút - còn nhiều bất cập, thiếu nhất quán. Nội dung bài viết này tập trung khảo sát những tầng bậc ngữ nghĩa của thuật ngữ “tùy bút”, cả ở góc độ từ nguyên và trong thực tiễn văn học; đồng thời, góp phần xác định những đặc trưng thể loại, ngỏ hầu phân biệt tùy bút với các loại hình diễn ngôn nghệ thuật khác.

Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa vùng đất Nam Bộ (thế kỉ XVI - XVIII)

Phạm Thị Huệ
Tóm tắt | PDF
Thế kỷ XVI - XVIII, vùng đất phương Nam trở thành vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm. Quá trình cộng cư lâu đời của các dân tộc đã nảy sinh hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa. Người Việt và văn hóa Việt trở thành nhân tố cơ bản của văn hóa phương Nam. Bởi vì người Việt là chủ thể của các văn hóa, tác động đến các khách thể là văn hóa các dân tộc khác. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người ở phương Nam thể hiện qua các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Phần dẫn nhập bài báo nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng viết bằng tiếng Anh: Khảo sát cấu trúc tu từ

Đỗ Xuân Hải
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày một nghiên cứu trên cơ sở thể loại được thực hiện gần đây nhằm khảo sát cấu trúc tu từ trong khối liệu gồm 30 phần dẫn nhập bài báo nghiên cứu thường nghiệm. Các bài báo này được công bố trong khoảng 2011-2013 trong các tạp chí tiếng Anh có hệ số ảnh hưởng cao thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học ứng dụng. Tác giả của các bài báo là người bản ngữ các nước Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc. Công cụ phân tích là mô hình CARS 1990 của Swales. Cũng như nhiều nghiên cứu khác, kết quả phân tích của nghiên cứu này xác nhận giá trị của mô hình CARS 1990 trong việc mô tả chính xác cấu trúc tu từ phần dẫn nhập bài báo nghiên cứu thường nghiệm ở cấp độ hành động tu từ.

Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC 2015: Những cơ hội và thách thức

Nguyễn Minh Quang
Tóm tắt | PDF
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một khối hợp tác kinh tế khu vực của các quốc gia thành viên ASEAN dự định sẽ được thành lập vào cuối năm 2015. AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN 2020 và có ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến kinh tế - xã hội của các nước thành viên. Với vị thế địa chính trị nhạy cảm, sự hình thành AEC 2015 cũng gây sự chú ý đặc biệt đến dư luận quốc tế, nhất là các nền kinh tế lớn có can hệ với khu vực ASEAN hàng thế kỷ qua, như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ,... Trong bối cảnh các nước đang tất bật cho sự kiện trọng đại này, một vấn đề cần được đặc ra là AEC 2015 sẽ tác động như thế nào tới tương lai kinh tế ASEAN? Một cộng đồng kinh tế chung cho cả khu vực sẽ mở ra những cơ hội nào và theo đó là những thách thức ra sao cho con đường hội nhập của mỗi nước, nhất là những nước nghèo? Bài báo này trước hết giới thiệu một cách khái quát về lộ trình xây dựng AEC 2015 cùng các thành phần và mục tiêu mà nó hướng đến. Phần tiếp theo sẽ tập trung vào việc chỉ ra những thời cơ và đánh giá những thách thức mà nó mang lại cho từng nước thành viên, trong đó có Việt Nam.