Ngày xuất bản: 02-04-2025

Phân tích động lực học của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực có xét đến ảnh hưởng của lực dọc trục

Lê Tuấn Tú, Trần Thị Phượng, Nguyễn Lê Kim Ngọc
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích động lực học của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực. Nghiên cứu trình bày cách xây dựng các ma trận độ cứng động lực của phần tử thanh thẳng chịu lực dọc trục, chịu xoắn và chịu uốn có xét đến ảnh hưởng của lực dọc trong thanh. Từ đó, các ma trận trên được sử dụng để xây dựng ma trận độ cứng động lực cho phần tử thanh chịu lực tổng quát và ứng dụng nó vào việc phân tích động lực học của hệ thanh không gian, bao gồm việc tìm tần số dao động riêng và các dạng dao động riêng, phân tích chuyển vị của kết cấu khi chịu tải trọng động dạng điều hòa. So sánh các kết quả tính toán của phương pháp độ cứng động lực với các kết quả của phương pháp phần tử hữu hạn cho thấy độ chính xác của phương pháp độ cứng động lực.

Phát hiện tương đồng hình ảnh trong bài báo khoa học bằng phương pháp xử lý ảnh kết hợp mạng học sâu ResNet50

Trần Thanh Điện, Trần Thị Trúc Linh, Lê Duy Anh, Nguyễn Thị Kim Quyên, Nguyễn Bạch Đan, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thái Nghe
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đề xuất mô hình học sâu ResNet50 để phân loại hình ảnh trong bài báo khoa học, nhằm phát hiện tương đồng và cải thiện tìm kiếm hình ảnh. Mô hình sử dụng ResNet50 đã được huấn luyện trước, kết hợp với tập dữ liệu gồm 12.049 ảnh thuộc 11 lớp, trích xuất từ Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ bằng PyMuPDF. Phương pháp Activation Map Visualization giúp làm nổi bật vùng dữ liệu huấn luyện thông qua sáu kênh đầu tiên của từng lớp khác nhau trên mô hình học sâu. Kết quả cho thấy phương pháp đề xuất đạt độ tin cậy trên 90% trong phát hiện tương đồng hình ảnh, đồng thời xác định được tác giả và năm xuất bản bài báo gốc. Mô hình ResNet50 cũng được so sánh với AlexNet và VGG16, cho thấy khả năng tổng quát hóa vượt trội trong bài toán nhận diện ảnh phức tạp. Nghiên cứu này đặt nền móng cho giải pháp phát hiện tương đồng hình ảnh các ấn phẩm khoa học.

Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện trích ly đến khả năng kháng khuẩn Escherichia coli của dịch chiết tỏi Lý Sơn (Allium sativum L.)

Nguyễn Thị Kim Hương, Phan Khắc Duy, Nguyễn Khởi Nghĩa, Bùi Thị Lê Minh, Nguyễn Hồ Quang Minh, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm nghiên cứu sự ảnh hưởng của điều kiện trích ly đến khả kháng khuẩn đối với vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) của dịch chiết tỏi Lý Sơn (Allium sativum L.). Kết quả cho thấy điều kiện tốt nhất để chiết xuất các hoạt chất diallyl disulfide và trisulfide trong tỏi Lý Sơn là khi được ngâm dầm trong dung môi nước cất:ethanol (1:1, v/v) với tỷ lệ giữa khối lượng khô củ tỏi và thể tích dung môi là 20 mg/ml, được chiết xuất trong 2 giờ ở 30oC và chỉ chiết 1 lần, sóng siêu âm không có tác dụng hỗ trợ tăng hoạt tính sinh học của dịch chiết. Dịch chiết tối ưu có nồng độ ức chế tối thiểu đối với E.coli là 2,5 mg/ml. Những kết quả này đã khẳng định hiệu quả kháng E.coli của dịch chiết tỏi Lý Sơn được chiết xuất ở điều kiện tối ưu.

Tận dụng nước thải sinh hoạt sau xử lý bằng công nghệ bùn hoạt tính để nuôi vi tảo Spirulina platensis

Phạm Công Phú, Trương Vũ Luân, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Nước thải sinh hoạt chứa nhiều chất hữu cơ và vô cơ, trong đó, nitrogen tồn tại dưới dạng ammonium và nitrate. Hàm lượng nitrogen cao trong nước thải là nguyên nhân gia tăng các hợp chất có hại cho động vật thủy sinh và con người. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt bằng mô hình bể bùn hoạt tính kết hợp giá bám hoạt động theo mẻ. Với nước thải trước xử lý có COD trung bình là 437,33 mg/L, BOD5 279,13 mg/L, SS 84,29 mg/L, và NH4+ 31,87 mg/L thì hiệu suất xử lý của mô hình đạt lần lượt là 93,17%, 89,53%, 88,96% và 97,61%. Nước thải sau khi được xử lý có nồng độ NO3- cao (100,57 mg/L) nên được tiếp tục tận dụng để nuôi vi tảo xoắn Spirulina platensis. Sau 3 ngày nuôi cấy trong nước thải đã qua xử lý, kết quả cho thấy với mật độ vi tảo chủng vào nước thải là 40×103 cá thể/mL (ct/mL) hoặc 20×103 ct/mL thì hiệu suất xử lý NO3- đều đạt 100% với sinh khối vi tảo thu được lần lượt là 48,07×103 ct/mL và 30,44×103 ct/mL. Nước thải sau khi xử lý và nuôi vi tảo có các chỉ tiêu như pH, COD, BOD5, SS, NH4+ và NO3- đạt loại A theo QCVN 14:2008/BTNMT.  

Ứng dụng giải thuật trí tuệ nhân tạo phân loại và dự báo sự phân bố lớp phủ thực vật sử dụng ảnh landsat – vùng nghiên cứu tại đới ven bờ của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Lê Minh Ngọc, Nguyễn Hoàng Anh
Tóm tắt | PDF
Việc cập nhật tự động và liên tục cùng với dự báo sự thay đổi lớp phủ thực vật là tiền đề quan trọng giúp xác định các giải pháp quy hoạch, quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên. Nghiên cứu này đã thực hiện phân loại tự động các lớp phủ thực vật khác nhau sử dụng ảnh viễn thám Landsat giai đoạn từ 1988 đến 2024 tại đới bờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giải thuật Rừng ngẫu nhiên (Random Forest - RF) trên nền tảng Google Earth Engine (GEE) đã được áp dụng để phân loại các đối tượng thực phủ. Tiếp đến, mô hình Markov ẩn (Hidden Markov Model - HMM) và mạng Bayes (Bayesian network) được sử dụng để dự báo sự phân bố lớp phủ thực vật trong tương lai (đến 2030). Kết quả phân loại và dự báo lớp phủ thực vật với độ chính xác cao (trên 87%) đã cho thấy tính ưu việt của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trích xuất tự động các đối tượng thực phủ, hỗ trợ công tác theo dõi và ra quyết định lập kế hoạch cho các hoạt động quản lí tài nguyên và hệ sinh thái.

Nghiên cứu điểm kì dị và sự rẽ nhánh Hopf của mô hình Hindmarsh-Rose 3D

Phan Văn Long Em, Đặng Trần Quốc Kỳ, Cao Hoàng Kiệt
Tóm tắt | PDF
Bài báo được thực hiện nhằm nghiên cứu điểm kì dị và sự rẽ nhánh Hopf của một lớp mô hình Hindmarsh-Rose 3D. Đầu tiên, tất cả các điều kiện cần cho các tham số của hệ thống sao cho chỉ có một điểm kì dị ổn định, đại diện cho trạng thái dừng của mô hình này được nghiên cứu. Sau đó, dựa vào định lí Hopf, sự tồn tại của điểm rẽ nhánh Hopf được chứng minyh mà ở đó tính ổn định của hệ thống bị thay đổi và nghiệm tuần hoàn xuất hiện. Chính xác hơn, đó là sự rẽ nhánh địa phương mà tại đó điểm kì dị của hệ động lực mất đi tính ổn định, khi cặp giá trị riêng phức liên hợp đi qua trục ảo của mặt phẳng phức. Hơn nữa, với những giả thiết hợp lí cho hệ động lực, đường tròn giới hạn biên độ nhỏ tách ra từ điểm kì dị.

Tổng hợp cảm biến huỳnh quang đáp ứng đa kích thích ứng dụng để xác định hàm lượng ion sắt (III) trong nước

Phạm Quốc Nhiên, Hồ Cao Khánh, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Từ Thị Kim Cúc
Tóm tắt | PDF
Các hợp chất biến đổi quang ngày càng được ứng dụng nhiều trong thực tế, đặc biệt là lĩnh vực cảm biến hóa học. Trong nghiên cứu này, một cảm biến huỳnh quang thông minh spiropyran azide (SP-N3) được tổng hợp bằng các phản ứng đơn giản và cấu trúc hóa học của hợp chất này được xác định bằng phổ 1H, 13C-NMR và HR-MS. Dưới ánh sáng Vis/UV, dạng đóng vòng SP-N3 không màu, không phát quang có khả năng đồng phân hóa thuận nghịch thành dạng mở vòng merocyanine azide (MC-N3) có màu và phát quang tốt. Hợp chất MC-N3 thể hiện khả năng đáp ứng quang đa kích thích dưới ảnh hưởng của dung môi, tia UV/Vis, pH của môi trường và ion kim loại. Màu và huỳnh quang của MC-N3 dễ dàng bị dập tắt khi tương tác với ion Fe3+, do đó cảm biến MC-N3 được ứng dụng để xác định hàm lượng Fe3+ trong nước bằng cả phương pháp UV-Vis và huỳnh quang với độ chọn lọc và độ nhạy cao (LOD = 1,683 và 0,690 mM).

Phân cụm các bài báo toán học theo nhóm dựa trên từ khóa bằng thuật toán SVD và thuật toán K-means

Phạm Bích Như, Nguyễn Thị Tú Trinh, Lê Thị Huỳnh Như, Lưu Minh Thư, Huỳnh Lan Thanh
Tóm tắt | PDF
Phân nhóm tác giả dựa trên từ khóa bài báo khoa học của họ bằng cách sử dụng thuật toán SVD và K-means. Đầu tiên, các từ khóa sẽ được biểu diễn bằng TF-IDF, sau đó áp dụng SVD để giảm số chiều, giữ lại các đặc trưng quan trọng. Tiếp theo, thuật toán K-means được sử dụng để phân cụm các bài báo theo mức độ tương đồng của từ khóa, từ đó các tác giả có cùng chủ đề nghiên cứu sẽ được nhóm lại với nhau. Sự kết hợp này giúp tối ưu hóa việc phân tích dữ liệu văn bản hiệu quả.

Nghiên cứu hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase của cao chiết từ cây sao nhái tím (Cosmos bipinnatus) trồng ở Cần Thơ

Huỳnh Ngọc Trung Dung, Ngô Thu Thảo, Cao Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Kim Bằng, Nguyễn Thị Như Huỳnh, Lê Phú Nguyên Thảo, Nguyễn Phú Quý
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát hàm lượng polyphenol và flavonoid, hoạt tính kháng oxy hóa, cùng khả năng ức chế α-glucosidase của hoa, lá và thân cây sao nhái tím (Cosmos bipinnatus) khi sử dụng hai dung môi chiết xuất khác nhau là ethanol 96% và ethanol 50%. Kết quả cho thấy ethanol 50% hiệu quả hơn trong việc chiết xuất polyphenol, trong khi ethanol 96% lại thu được nhiều flavonoid hơn. Trong đó, hoa sao nhái tím có hàm lượng polyphenol và flavonoid cao nhất, tiếp theo là lá và thân. Các chiết xuất từ hoa cũng  thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa mạnh nhất, được đánh giá thông qua giá trị IC50 trong các thử nghiệm DPPH (từ 24,78 đến 28,62 µg/mL) và năng lực RP (từ 0,34 đến 0,36 µg/mL). Ngoài ra, hoa và lá cây sao nhái tím còn cho thấy khả năng ức chế hoạt động α-glucosidase tốt hơn so với thân, đặc biệt là chiết xuất từ hoa bằng ethanol 96% (IC50 = 28,92 µg/mL), cao hơn khoảng 1,6 lần so với chiết xuất bằng ethanol 50%. Mối tương quan giữa hàm lượng các hợp chất khảo sát và hoạt tính sinh học đã khẳng định vai trò quan trọng của các chất này trong việc tạo nên hoạt tính sinh học của sao nhái tím (p < 0,01).

Đánh giá tác động của quá trình chần đến chất lượng puree xoài cát chu (Mangifera indica L.) bảo quản lạnh đông

Nguyễn Bảo Lộc, Nguyễn Thị Ngọc Dễ, Trần Chí Nhân, Nguyễn Nhật Minh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả tác động của quá trình chần đến chất lượng puree của xoài cát chu trong điều kiện bảo quản lạnh đông (-20±2oC). Nội dung nghiên cứu bao gồm kích thước nguyên liệu, tỷ lệ nguyên liệu và nước chần (NL:NC), nhiệt độ và thời gian chần. Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm định tính enzyme hóa nâu, hàm lượng carotenoid, vitamin C, polyphenol tổng và khả năng kháng oxy hóa thông qua khả năng bắt gốc tự do (DPPH). Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên liệu xoài có kích thước 7x2x1 và 10x2x1 cm khi được chần với tỷ lệ NL:NC là 1:30 (w/v), nhiệt độ chần là 100oC và thời gian chần là 120 giây, đây là điều kiện tiền xử lý thích hợp. Hàm lượng vitamin C giảm từ 26,40 xuống 19,65 mg%. Trong khi đó, hàm lượng carotenoid giảm không đáng kể. Trong quá trình bảo quản lạnh đông, hầu hết các hợp chất sinh học đều giảm theo thời gian bảo quản, trừ hàm lượng polyphenol tổng thay đổi ngược xu hướng chung. Bên cạnh đó, kích thước của nguyên liệu xoài cũng ảnh hưởng đến hàm lượng các chất dinh dưỡng trong quá trình chần và bảo quản puree.

Đặc điểm lạnh đông và sự thay đổi chất lượng sau tan giá của quả nhãn Idor (Euphoria longan Lam.)

Tô Nguyễn Phước Mai, Trần Thị Cẩm Tiên, Huỳnh Phú Lợi, Trần Thanh Trúc, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Lạnh đông là quá trình làm kết tinh nước trong thực phẩm, được ứng dụng chủ yếu để bảo quản, đồng thời hỗ trợ các kỹ thuật khác như cô đặc lạnh và sấy thăng hoa. Trong nghiên cứu này, sự thay đổi nhiệt độ tâm của nhãn Idor (Euphoria longan Lam.) nguyên quả theo thời gian được theo dõi ở các mức nhiệt độ lạnh đông giảm dần từ -40°C, -50°C, -60°C đến -70°C. Kết quả ghi nhận cho thấy, nhiệt độ đóng băng và nhiệt độ eutectic của nhãn Idor nguyên quả lần lượt là -2,43°C và -29,13°C. Đánh giá chất lượng sau tan giá cho thấy, lạnh đông ở -60°C và -70°C giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn, thể hiện qua độ ẩm (79,06-79,17%) và hàm lượng vitamin C cao hơn (32,45 - 32,74 mg%), đồng thời giảm thiểu tỉ lệ rỉ dịch (1,01-1,16%) và chỉ số hóa nâu BI (13,02-13,18). Tuy nhiên, nhãn đông lạnh ở hai mức nhiệt độ này vẫn có tỉ lệ nứt vỏ cao (82,85-87,54%). Do đó, việc áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật để hạn chế nứt vỏ quả nhãn khi lạnh đông là cần thiết nhằm duy trì chất lượng của quả trong quá trình tồn trữ.

Khảo sát hiện trạng sơ chế và chất lượng của sản phẩm ngành ong trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Nguyễn Thị Quỳnh Như, Nguyễn Phú Thương Nhân, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Dương Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Bảo Việt, Trần Đình Hương, Trần Thị Thanh Trà, Lê Minh Hoàng, Phan Tại Huân, Mai Huỳnh Cang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm phân tích, đánh giá quy mô, tình hình tiêu thụ và chất lượng sản phẩm được tạo ra của ngành ong mật tại các huyện trong tỉnh Tiền Giang. Kết quả khảo sát cho thấy: quy mô có 25.105 tổng số đàn nuôi được thống kê từ năm 2018 đến năm 2022, về cơ cấu sản lượng có 448.120 kg mật, 3.000 kg phấn và 16.144 kg sáp ong. Giá trung bình của sản phẩm được mua bởi thương lái lần lượt là 124.000 VNĐ/1kg mật ong, 135.000 VNĐ/1kg phấn ong, 110.000 VNĐ/1kg sáp ong. Các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chất lượng mật ong tại ba huyện Tân Phước, Cái Bè, Tân Phú Đông bao gồm: hàm lượng nước thay đổi từ 19-22%, hàm lượng chất rắn không tan trong nước từ 0,09 ± 0,003 đến 0,158 ± 0,018%, hàm lượng acid tự do từ 30,49 ± 0,49 đến 46,99 ± 2,29 mg đương lượng acid/1000g, hàm lượng hydroxymethylfurfural (HMF) từ 0,038 ± 0,01 đến 0,98 ± 0,02 mg/100g, hoạt lực diastase từ 4,09 ± 0,16 đến 5,303 ± 0,26 shcade, hoạt tính chống oxy hoá 0,47 ± 0,01 đến 12,8 ± 0,8 mg đương lượng acid ascorbic/g chất khô, hàm lượng đường khử tự do từ 60,55 ± 4,6 đến 67 ± 1,5 g/100g.

Ảnh hưởng của tiền xử lý đến màu sắc và hiệu quả vô hoạt enzyme polyphenol oxidase trong xơ của quả mít Thái giống Changai (Artocarpus heterophyllus L.) ở Cần Thơ

Nguyễn Công Kha, Phan Thảo Như Ý, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của quá trình tiền xử lý nhiệt và sử dụng ascorbic acid đến màu sắc và hoạt tính enzyme polyphenol oxidase trong xơ của quả mít Thái giống Changai ở Cần Thơ. Trong đó, ảnh hưởng của tiền xử lý nhiệt đến hoạt tính của enzyme polyphenol oxidase được đánh giá theo phân tích động học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, động học vô hoạt enzyme polyphenol oxidase tuân theo phương trình bậc nhất với hằng số phân hủy trong khoảng 0,1204 đến 2,9405 phút-1.  Với nhiệt độ chần 90°C và 100°C, thời gian bán hủy tương ứng là 0,87 và 0,24 phút với mức năng lượng hoạt hóa là 117,00 kJ/mol. Ở nhiệt độ 90°C trong thời gian 2,88 phút và ở nhiệt độ 100°C trong 0,78 phút thì hoạt tính enzyme polyphenol oxidase trong xơ mít đã bị vô hoạt đến 90% và màu sắc của xơ mít là phù hợp. Bên cạnh đó, việc tiền xử lý xơ mít bằng acid ascorbic ở nồng độ 0,3% cũng có thể vô hoạt một phần enzyme polyphenol oxidase (xấp xỉ 45%) và cho kết quả tích cực về màu sắc.

Khảo sát sự thay đổi của một số chỉ tiêu sinh lý – sinh hoá máu do Leptospira gây ra trên chó tại trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, Nguyễn Thị Lan Anh
Tóm tắt | PDF
Phản ứng vi ngưng kết (MAT) với bộ kháng nguyên chuẩn gồm 24 serovar được sử dụng để xét nghiệm 257 mẫu huyết thanh trên chó. Tỷ lệ nhiễm Leptospira trên chó là 9,34%. Nghiên cứu đã xác định được 7 serovar, trong đó L. interrogans serovar Bataviae chiếm chủ yếu (46,67%). Ở hiệu giá ngưng kết 1/400, chó nhiễm 4/24 serovar Leptospira tỷ lệ từ 28,57% đến 100%. Ở hiệu giá ngưng kết 1/800 và 1/1600, chó nhiễm 1/24 serovar Leptospira ở serovar bataviae và có tỷ lệ thấp nhất 7,14%. Chỉ số sinh lý máu cho thấy, giá trị trung bình của hồng cầu (5,38 1012/L) và hematocrit (33,64 %) giảm, hàm lượng bạch cầu tổng số và bạch cầu lympho tăng theo thứ tự là 15,23 x 109/L và 23,10%. Trung bình các chỉ số sinh hóa cao hơn bình thường, chỉ số AST là 74,48 U/L, chỉ số ALT là 91,48 U/L, protein tổng số là 7,85 g/dl; albumin là 3,94 g/dl; chỉ số B.U.N là 32,13 mg/dL và ALP là 216,09 U/L. Sự lưu hành của Leptospira trên chó cảnh báo nguy cơ truyền lây sang người.

Xác định tác nhân gây bệnh thối nhũn trên cải bẹ dún và hiệu quả phòng trừ bệnh của chi Bacillus in vitro

Đoàn Thị Kiều Tiên, Trần Võ Anh Phong, Trần Thị Bích Trâm, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tác nhân gây bệnh thối nhũn trên cải bẹ dún và hiệu quả của chi Bacillus trong phòng trừ bệnh. Bảy chủng vi khuẩn thuộc chi Pectobacterium đã được xác định là tác nhân  gây thối nhũn trên cải bẹ dún theo quy tắc Koch và phương pháp sinh hóa. Trong đó, chủng vi khuẩn với kí hiệu AG7 gây hại nặng nhất là do vi khuẩn Pectobacterium carotovorum thông qua giải trình tự gen 16S rDNA so sánh trên ngân hàng gen thế giới kết hợp kiểm tra khả năng sinh trưởng trên môi trường Tween 80. Hiệu quả ba chủng vi khuẩn Bacillus spp. trong phòng trị bệnh thối nhũn cải bẹ dún được xác định với ba biện pháp xử lí (trước khi nhiễm bệnh, sau khi nhiễm bệnh, kết hợp trước và sau khi nhiễm bệnh) trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả đã ghi nhận vi khuẩn Bacillus 41 có chiều dài vết bệnh thấp hơn nghiệm thức đối chứng. Ngoài ra, thời điểm xử lí vi khuẩn Bacillus 41 trước hoặc trước – sau khi nhiễm bệnh cho chiều dài vết bệnh thấp hơn biện pháp xử lý sau khi nhiễm bệnh.

Ứng dụng GIS và phương pháp AHP lựa chọn vùng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trồng rau màu bền vững tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Đoàn Hương Giang
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, việc quy hoạch sử dụng đất và phát triển bền vững là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia. Việc sử dụng phương pháp AHP (Analytic hierarchy process) để phân tích và lựa chọn vùng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phù hợp với cây trồng được ứng dụng ở nhiều công trình nghiên cứu.  Trong bài nghiên cứu này, tích hợp AHP và GIS được sử dụng nhằm xác định đúng các vùng có tiềm năng để tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trồng cây rau màu bền vững. Đồng thời, phương pháp luận về ứng dụng GIS được đề xuất để xác định vùng thích hợp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu thích nghi về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường-sinh thái ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Kết quả nghiên cứu cho thấy vùng giá trị hợp lý đề xuất khoảng 90.562 ha phù hợp trung bình và 1.109 ha phù hợp cao trong quy hoạch vùng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trồng cây rau màu tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Hiệu quả của vi khuẩn vùng rễ trong phòng trừ bệnh chết cây con trên cây bắp (Zea mays L.) do nấm Rhizoctonia solani Kuhn trong điều kiện in vitro và nhà lưới

Đoàn Thị Kiều Tiên, Dương Dương Hoài Phong, Phạm Văn Lực, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Bệnh chết cây con do nấm Rhizoctonia solani trên nhiều loại cây trồng là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Kết quả tuyển chọn được ba chủng vi khuẩn Bacillus 44, Bacillus 49 và Bacillus 52, trong 104 chủng vi khuẩn phân lập. Ba chủng vi khuẩn Bacillus 44, Bacillus 49 và Bacillus 52 có hiệu suất đối kháng tương ứng là 50,00%, 49,17% và 50,58% vào thời điểm 48 giờ. Hiệu quả phòng trừ bệnh chết cây bắp con do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra của ba chủng vi khuẩn Bacillus spp. này đã được khảo sát. Kết quả cho thấy nghiệm thức xử lí vi khuẩn Bacillus 49 và hỗn hợp ba chủng vi khuẩn (Bacillus 44, Bacillus 49 và Bacillus 52) bằng biện pháp tưới đất ngay sau  khi gieo và 7 ngày sau khi gieo có tỉ lệ cây bị bệnh chết gục thấp hơn và khác biệt với nghiệm thức đối chứng không xử lý ở thời điểm 5 và 7 ngày sau khi gieo.

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình Vifish.18 trên tàu cá tỉnh Khánh Hòa

Tô Văn Phương, Mai Phước
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình (Vessel Monitoring Systems-VMS) Vifish.18 trên tàu cá địa phương Khánh Hòa. Nghiên cứu đã được thực hiện từ 11/2023 đến 4/2024, thông qua khảo sát 84 ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá trang bị Vifish.18. Kết quả cho thấy  81,1% tổng số 650 tàu cá trang bị VMS là Vifish.18. Có 54% người khảo sát cho rằng Vifish.18 được sử dụng rất hiệu quả. Nhận định của ngư dân đối với tính năng liên quan báo cáo vị trí tàu cá, lưu vết hành trình, gửi cảnh báo SOS của Vifish.18 ở mức rất hiệu quả, chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 71,4%, 81% và 71,4%. Ở góc độ khác, có tổng cộng 32% ngư dân đánh giá cước phí duy trì hoạt động ở mức cao và rất cao và 15% ngư dân phản ánh các dịch vụ sửa chữa, hỗ trợ khắc phục sự cố Vifish.18 là chậm trễ đến rất chậm trễ. Nghiên cứu đã cung cấp các dữ liệu khoa học quan trọng giúp cho công tác quản lý, kiểm tra và giám sát tàu cá Khánh Hòa hoạt động trên biển được hiệu quả, hỗ trợ tốt vấn đề gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu thời gian tới.

Nhận thức của sinh viên sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ về vai trò của nhóm các học phần lý luận chính trị trong nhận diện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch

Trịnh Thị Hương, Nguyễn Thị Diễm My, Nguyễn Thị Thảo Trúc
Tóm tắt | PDF
Bài viết này trình bày kết quả khảo sát sinh viên (SV) các ngành sư phạm về vai trò của các học phần lý luận chính trị trong việc nhận diện các âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 345 SV các ngành sư phạm thuộc Trường Sư phạm. Kết quả cho thấy SV đánh giá cao vai trò của các học phần này trong việc giúp SV có kiến thức, hiểu biết nhất định để nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời phản ảnh một số khó khăn trong việc học tập các học phần này. Từ kết quả khảo sát, các giải pháp trong việc giảng dạy nhóm học phần lý luận chính trị đã được đề xuất nhằm góp phần nâng cao nhận thức của SV trong việc việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Miền ý niệm “nhiệt độ” trong tiếng việt từ góc nhìn của lí thuyết nghiệm thân

Nguyễn Đình Việt
Tóm tắt | PDF
Trên cơ sở lí thuyết nghiệm thân của Ngôn ngữ học tri nhận, bài viết này đi vào tìm hiểu miền ý niệm “nhiệt độ” trong tiếng Việt. Thông qua phương pháp phân tích và miêu tả, kết quả nghiên cứu đã cho thấy “nhiệt độ” (cùng với một số ý niệm quen thuộc như nóng, ấm, mát, lạnh...) là một miền ý niệm năng động, tồn tại sâu đậm trong tâm thức người Việt. Người Việt hình dung “nhiệt độ” như là những thang đo về cảm xúc, mối quan hệ, tính cách... của con người. Những mô hình ẩn dụ ý niệm như: CẢM XÚC LÀ NHIỆT ĐỘ, CẢM XÚC TIÊU CỰC LÀ NÓNG/ LẠNH, CẢM XÚC TÍCH CỰC LÀ ẤM/ MÁT, VUI/ TỰ HÀO LÀ MÁT, TÌNH CẢM LÀ ẤM ÁP... được xác lập là vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù dân tộc. Chúng đều có cơ sở trực tiếp từ trải nghiệm nghiệm thân với 3 loại cụ thể: (i) nghiệm thân với cơ thể, (ii) nghiệm thân với tự nhiên và (iii) nghiệm thân với văn hoá – xã hội.