Ngày xuất bản: 31-10-2024

Nghiên cứu khả năng hấp phụ màu dầu hạt dưa lưới ép nóng của các loại đất sét

Ngô Trương Ngọc Mai, Lương Huỳnh Vủ Thanh, Đặng Huỳnh Giao, Cao Lưu Ngọc Hạnh
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, màu dầu hạt dưa lưới ép nóng ở 110°C  được xử lý bằng phương pháp hấp phụ với các vật liệu tự nhiên, như đất sét bentonite từ mỏ đất sét Kiện Khê – Hà Nam và đất sét trắng Trúc Thôn, Hải Dương. Đất sét bentonite và đất sét trắng được xử lý sơ bộ thành bốn loại gồm bentonite, bentonite tinh chế, đất sét trắng và đất sét trắng nghiền bi. Khả năng hấp phụ màu dầu hạt dưa lưới của các mẫu đất sét được phân tích dựa trên phương pháp quang phổ hấp thụ phân tử UV-Vis. Kết quả cho thấy các thành phần gây màu dầu hạt dưa lưới hiện diện trong cả hai vùng bước sóng 300 – 350 nm và 400 – 500 nm. Trong đó, khả năng hấp phụ màu của bentonite và bentonite tinh chế là tốt nhất. Khả năng hấp phụ màu của bentonite đạt hiệu suất 27,75% ở bước sóng 315 nm, 77,21% ở 450 nm còn bentonite tinh chế đạt 17,22% ở 315 nm và 92,53% ở 450 nm ở các điều kiện tối ưu về thời gian hấp phụ và khối lượng vật liệu hấp phụ.

Áp dụng mô hình tích hợp BIM và GIS phục vụ quản lý, khai thác, vận hành và bảo trì dự án công trình hạ tầng – nghiên cứu điển hình: ga Tân Cảng, Metro số 1: Bến Thành – Suối Tiên

Nguyễn Nhật Minh Trị, Nguyễn Xuân Tùng, Lê Ngọc Quyết
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này trình bày khái quát một số ứng dụng của mô hình tích hợp BIM và GIS. Từ các nghiên cứu tổng quan tài liệu, ba dạng của mô hình tích hợp BIM và GIS được chỉ ra là: BIM chủ đạo-GIS hỗ trợ, GIS chủ đạo-BIM hỗ trợ, BIM và GIS có vai trò như nhau và được tích hợp bởi nền tảng thứ ba. Qua đó, các đặc điểm của từng dạng được đánh giá và áp dụng dạng ba để xây dựng mô hình tích hợp BIM và GIS cho nghiên cứu điển hình là công trình nhà ga Tân Cảng, thuộc tuyến metro số 1: Bến Thành-Suối Tiên. Kết quả cho thấy mô hình tích hợp BIM và GIS là một công cụ hữu hiệu giúp các bên liên quan đến dự án đưa ra các quyết định tối ưu cho việc lập kế hoạch quản lý, khai thác vận hành, bảo trì dự án và từng bước thực hiện phát triển đô thị bền vững.

Phân tích đặc tính khí động học của dòng xe thể thao trang bị cánh lướt gió sau

Hà Thanh Liêm, Nguyễn Bảo Lộc, Phạm Sơn Tùng
Tóm tắt | PDF
Bài báo này trình bày nội dung nghiên cứu ảnh hưởng của cánh lướt gió sau đến đặc tính khí động lực học của các dòng xe thể thao. Mô phỏng sử dụng Solidworks để thiết kế mô hình xe nguyên bản và xe có gắn cánh lướt gió phía sau, sau đó ứng dụng module Flow Simulation để phân tích đặc tính khí động lực học của mô hình. Kết quả cho thấy hệ số nâng giảm 11,2%, hệ số cản giảm 5,05% và vùng xoáy phía sau đuôi xe có xu hướng xa dần nên giảm sự kìm hãm xe. Các giá trị này được thể hiện thông qua sự phân bố áp suất và vận tốc xung quanh mô hình. Qua đó cho thấy việc gắn thêm cánh lướt gió sau cho các dòng xe thể thao là cần thiết giúp xe ổn định khi chạy tốc độ cao.

Ứng dụng công nghệ song sinh số trong phát triển lưới điện thông minh – khảo sát cho lưới điện của thành phố Hồ Chí Minh

Trần Ngọc Huy Thịnh, Lâm Hoàng Cát Tiên
Tóm tắt | PDF
Bản sao kỹ thuật số, thường được gọi là công nghệ song sinh số (digital twin technology-DTT), là bản sao của một đối tượng thực tế được tạo bằng kỹ thuật số. Các luồng dữ liệu thu thập từ các cảm biến gắn vào đối tượng thực tế ban đầu đã được sử dụng để tạo ra một bản sao trong môi trường ảo và có thể hiển thị tình trạng của thiết bị thực. Công nghệ này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ở nhiều quốc gia trên thế giới và được sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Tuy nhiên, ý tưởng về song sinh số (digital twin-DT) vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là khi nói đến tự động hóa lưới điện phân phối (distribution grid-DG). Các đặc tính của DTT được ứng dụng để phát triển lưới điện thông minh (smart grid-SG) cho DG được thảo luận trong nghiên cứu này. Bài báo này trình bày những hạn chế và ưu điểm sẵn có về cơ sở hạ tầng lưới điện và hạ tầng công nghệ thông tin ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm ứng dụng DTT cho phát triển SG.

Tổng hợp graphene đơn lớp chất lượng cao, diện tích lớn sử dụng lắng đọng hơi hoá học áp suất thấp trên mặt tấm đồng

Huỳnh Hoàng Trung, Võ Quốc Khanh, Phí Công Khánh , Nguyễn Long Vũ , Phan Văn Hoàng, Nguyễn Thành Trung Tuyến, Trần Ngọc Sơn
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, phương pháp lắng đọng hơi hóa học áp suất thấp được sử dụng để chế tạo graphene đơn lớp chất lượng cao với diện tích lớn trên bề mặt tấm đồng. Tốc độ hình thành và chất lượng của graphene bị ảnh hưởng đáng kể bởi nhiệt độ và tỷ lệ khí nền CH4:H2. Graphene đơn lớp tối ưu được chế tạo tại nhiệt độ khoảng 1000oC với khoảng thời gian tăng trưởng là 120 phút và tỷ lệ lưu lượng CH4:H2 là 35:6 sccm. Áp suất tổng trong buồng phản ứng thay đổi trong khoảng 1,0 đến 1,2 Torr. Độ rộng giữa đỉnh (FWHM) của đỉnh 2D (~ 63,43 cm-1) và tỷ lệ cường độ đỉnh I2D/IG (~ 3,10) của quang phổ Raman đã xác nhận graphene đơn lớp. Các khuyết tật không đáng kể và tính đồng nhất cao của graphene được xác nhận bởi đỉnh D phổ Raman thấp. Thông số nhiệt độ và áp suất này đã được nhiều nhà kha học đánh giá là tối ưu để tổng hợp graphene đạt chất lượng cao, hứa hẹn mở ra những ứng dụng mới trong các lĩnh vực quang tử, điện hóa, điện tử và cảm biến khí độc.

Vấn đề mất cân bằng dữ liệu và một số phương pháp xử lý dữ liệu mất cân bằng trong mô hình học sâu

Lê Tống Thanh Hải, Pham Ngọc Giàu
Tóm tắt | PDF
Trong bài viết này, vấn đề dữ liệu mất cân bằng, một hiện tượng phổ biến trong các bài toán phân loại nhị phân, khi mà số lượng mẫu của một lớp nhỏ hơn đáng kể so với lớp còn lại được đề cập đến. Nhiều phương pháp xử lý dữ liệu mất cân bằng trong học sâu được so sánh và đánh giá, bên cạnh đó sử dụng bộ dữ liệu Cat-Dog để nghiên cứu tác động của sự mất cân bằng đến quá trình phân loại. Các giải pháp được so sánh bao gồm cải tiến từ ba phương pháp tiếp cận: Data, Model và Loss, nhằm nâng cao hiệu suất dự đoán của các thuật toán máy học. Phương pháp tiếp cận Model qua việc áp dụng Transfer Learning với mô hình Resnet-18 cũng được đề xuất, đã được huấn luyện trước trên bộ dữ liệu ImageNet, cho kết quả F1-score là 95,19% và độ chính xác là 95,20% chỉ sau 10 epochs. Điều này cho thấy hiệu quả vượt trội so với các nghiên cứu trước đây tập trung vào cải thiện Data và Loss.

Đánh giá các thuật toán lọc hiệu quả trong xử lý dữ liệu lớn

Phan Thượng Cang, Trần Thị Tố Quyên, Triệu Thanh Ngoan
Tóm tắt | PDF
Việc xử lý và phân tích dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả trong kỷ nguyên dữ liệu lớn là thách thức quan trọng. Các thuật toán lọc giúp tăng hiệu suất xử lý dữ liệu lớn bằng cách loại bỏ dữ liệu không liên quan, giảm chi phí tính toán, rút ngắn thời gian xử lý truy vấn. Nghiên cứu này đánh giá hiệu năng của 5 thuật toán lọc phổ biến bao gồm Bloom Filter, Cuckoo Filter, Quotient Filter, Morton Filter và Vacuum Filter trong môi trường Apache Spark. Thông qua thực nghiệm trên các tập dữ liệu lớn, kết quả cho thấy Quotient Filter hiệu quả nhất về lưu trữ, Cuckoo Filter thể hiện sự cân bằng tốt giữa tốc độ chèn, tìm kiếm và xóa. Bloom Filter phù hợp với dữ liệu tĩnh, Morton Filter nổi trội về tốc độ tìm kiếm, Vacuum Filter có thời gian chèn chậm nhưng tìm kiếm và xóa nhanh. Việc kết hợp các thuật toán này với Apache Spark giúp cải tiến đáng kể hiệu suất xử lý nhờ khả năng phân tán và song song. Kết quả nghiên cứu cung cấp lựa chọn thuật toán lọc phù hợp và chỉ ra tiềm năng ứng dụng hiệu quả các thuật toán lọc trong xử lý dữ liệu quy mô lớn.

Nghiên cứu khả năng xử lý chất dinh dưỡng và chất hữu cơ trong nước mặt của một số loài thực vật thủy sinh

Hồ Ngô Anh Đào, Nguyễn Thị Minh Trang, Lê Quang Huy
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, các thí nghiệm nuôi trồng riêng lẻ và kết hợp ba loài thực vật thủy sinh (TVTS), gồm dương xỉ lá hẹp, cú cơm và bèo tai chuột trong các mẫu nước mặt thu tại các hồ cảnh quan (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) được thực hiện nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng nước hồ. Dựa trên phương pháp phân tích chất lượng các mẫu nước theo thời gian và sự sinh trưởng của 3 loài TVTS, nghiên cứu đã chứng minh vai trò của ba loài TVTS trong việc loại bỏ các thành phần hữu cơ và chất dinh dưỡng trong các mẫu nước. Trong đó, cú cơm có hiệu suất xử lý chất dinh dưỡng cao nhất với tổng nitơ (TN) (66,7 – 82,1%) và tổng phốt pho (TP) (86,9 – 92,3%). Dương xỉ lá hẹp có khả năng xử lý chất hữu cơ cao nhất (hiệu suất BOD đạt 3,9 – 14%) và bèo tai chuột có hiệu suất thấp nhất. Nghiên cứu cũng xác định được tỷ lệ nuôi trồng kết hợp tốt nhất giữa  dương xỉ lá hẹp và  cú cơm là 1:2 (theo khối lượng), với hiệu suất xử lý ở cả 2 mẫu nước: BOD5 (29,78%), TN (66,66%), TP (91,67%), Coliform (64,86%) đối với mẫu nước hồ cảnh quan nội vi; và BOD5 (32,08%), TN (60%), TP (92,85%), Coliform (16,67%) đối với mẫu nước hồ cảnh quan ngoại vi.

Tổng hợp, đặc trưng và ứng dụng thu giữ CO2 của viên zeolite không chất kết dính

Phan Võ Vĩnh San, Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trần Đức Thắng, Lê Tứ Hiếu, Nguyễn Quang Long
Tóm tắt | PDF
Để giải quyết vấn đề tạo viên cho zeolite mà không sử dụng chất kết dính vì có thể làm giảm độ xốp, một thử nghiệm bằng việc tạo viên zeolite từ hỗn hợp zeolite X và metakaolin trong môi trường kiềm thực hiện thủy nhiệt được tiến hành. Kính hiển vi điện tử quét (Scanning electron microscopy-SEM) được sử dụng để quan sát cấu trúc hình thái của vật liệu, cùng với nhiễu xạ tia X (X-ray diffraction-XRD) để xác nhận sự chuyển đổi cấu trúc tinh thể của metakaolin và zeolite X. Các loại zeolite khác nhau được phát hiện trong mẫu viên zeolite sau khi thực hiện thủy nhiệt. Sự suy giảm độ bền cơ học được ghi nhận khi nghiên cứu bằng đường cong lực – thời gian của vật liệu, cho thấy sự hình thành cấu trúc xốp với nhiều tâm hấp phụ hơn so với trước khi thủy nhiệt cùng với sự tăng cường tính kỵ nước. Đồng thời, kết quả đo hấp phụ CO2 cho thấy khả năng hấp phụ đã tăng lên sau quá trình thủy nhiệt.

Sự hiện diện một số gene độc lực và kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli phân lập tại cơ sở giết mổ heo tỉnh An Giang

Nguyễn Khánh Thuận, Dương Cẩm Linh, Nguyễn Hồ Thanh Tuyền, Bùi Thị Lê Minh
Tóm tắt | PDF
Bằng phương pháp PCR, trong tổng số 52 chủng Escherichia coli được phân lập từ thịt heo và môi trường giết mổ đã xác định sự hiện diện cao của gene stx2 (42,30%), eae (17,31%) nhưng không tìm thấy gene stx1 và hlyA. Đồng thời, chỉ tìm thấy gene mã hóa yếu tố bám dính F18 (5,77%), F41 (1,92%) nhưng không tìm thấy F4 và F5. Các chủng E. coli được kiểm tra sự nhạy cảm với kháng sinh cho thấy các chủng này đã đề kháng rất cao với ampicillin (92,31%), amoxicillin/clavulanic acid (86,54%), streptomycin (82,69%) và colistin (44,23%). Có 90,38% chủng E. coli đề kháng từ 2 đến 6 loại kháng sinh được kiểm tra, và kiểu hình Am + Sm (21,15%) phổ biến nhất. Kết quả phân tích bằng PCR ghi nhận gene blaTEM (92,30%) và aadA1(48,07%) chiếm tỷ lệ cao. Có 96,15% chủng E. coli mang từ 1 đến 3 gene đề kháng kháng sinh, và kiểu ghép gene blaTEM + aadA1 được tìm thấy phổ biến trên các chủng từ thịt tươi và môi trường. Do đó, việc kiểm soát sự vấy nhiễm các chủng E. coli đề kháng kháng sinh  tại cơ sở giết mổ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Sự vấy nhiễm và nhạy cảm đối với kháng sinh của vi khuẩn Staphylococcus aureus phân lập tại cơ sở giết mổ heo tỉnh An Giang

Nguyễn Khánh Thuận, Trần Thị Lệ Triệu, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Tổng số 252 mẫu thịt heo và môi trường được thu thập tại các lò mổ, ghi nhận tỷ lệ hiện diện của Staphylococcus aureus trên mẫu thịt là 16,67% và trên mẫu môi trường là 39,06%. Tỷ lệ vấy nhiễm S. aureus trên mẫu thịt và môi trường giữa các cơ sở nhỏ lẻ và tập trung không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Mật độ vấy nhiễm trung bình của S. aureus trên mẫu thịt là 7x101CFU/g tại cơ sở nhỏ lẻ và 3x101CFU/g tại cơ sở tập trung. Các chủng S. aureus phân lập được kiểm tra sự nhạy cảm với kháng sinh. Kết quả cho thấy, các chủng này còn nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh nhưng đã đề kháng cao với colistin (73,68%), ceftazidime (57,89%) và tetracycline (52,63%). Có sự hiện diện của một số gene mã hóa đề kháng kháng sinh trên các chủng S. aureus thu thập, trong đó, gene tetA chiếm tỷ lệ cao nhất (26,58%). Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hiện diện cao của các chủng S. aureus đề kháng kháng sinh tại các cơ sở giết mổ là mối nguy cơ đối với sức khoẻ người tiêu dùng.

Đánh giá hiệu quả ứng dụng bộ chế phẩm probiotic BIDI-AGRI và BIDI-AQUA trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm

Lê Hồng Linh, Đặng Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Whiteleg shrimp (Litopenaeus vannamei) farming is a major economic sector in many countries worldwide. Infectious diseases and environmental pollution in shrimp ponds have resulted in significant economic losses for the aquaculture industry. This study presented the effects of a BIDI-AGRI and BIDI-AQUA probiotic blend consisting of Bacillus subtilis, Bacillus tequilensis, Bacillus amilolyquefaciens, Bacillus licheniformis, Lactobacillus acidophilus, Saccharomyces cerevisiae in shrimp cultured water treatment and shrimp growth. The BIDI-AGRI and BIDI-AQUA were applied in three commercial whiteleg shrimp ponds with surface areas ranging from 700 to 1200 m² for 90 days. Results showed that compared to the control, BIDI-AGRI and BIDI-AQUA improved several water quality parameters, including H₂S, NH₃, and COD concentrations, controlled Vibrio spp. populations within acceptable limits and enhanced shrimp immunity. Furthermore, shrimp ponds treated with BIDI-AGRI and BIDI-AQUA exhibited higher growth rates and yields. Due to lower investment costs and higher revenue, shrimp ponds using BIDI-AGRI and BIDI-AQUA achieved approximately 1.6 times higher profits compared to ponds using commercially available probiotics.

Nghiên cứu tách chiết protein thủy phân từ gelatin da cá rô phi (Oreochromis niloticus) bằng enzyme Thermoase GL30

Nguyễn Thị Như Hạ, Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Thị Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu tách chiết protein thủy phân từ gelatin da cá rô phi được thực hiện nhằm xác định chế độ thủy phân gelatin bằng enzyme Thermoase GL30 để thu được protein thủy phân có chất lượng tốt. Bột gelatin được thủy phân bằng enzyme Thermoase GL30 nồng độ 0,3% ở 60°C trong 1 giờ, protein thủy phân thu được có độ nhớt, hiệu suất thu hồi và độ sáng lần lượt là 16,8 mPa.s; 96,4% và L*= 93,1. Protein thủy phân từ gelatin da cá rô phi có hàm lượng amino acid kỵ nước là 596 đơn vị/1.000 đơn vị tương ứng với hoạt tính chống oxy hóa (DPPH) 73,2%. Bên cạnh đó, phổ FTIR cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa số bước sóng trong vùng amide I và vùng amide III đặc biệt là sự ổn định của cấu trúc xoắn bậc ba. Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể tận dụng da cá rô phi để sản xuất protein thủy phân chất lượng cao.

Ảnh hưởng của điều kiện thủy phân đến chất lượng nước uống lên men từ xơ mít (Artocarpus heterophyllus L.)

Phan Thị Thanh Quế, Võ Thị Diệu, Lê Duy Nghĩa, Mai Cát Duyên, Dương Thị Phượng Liên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tận dụng xơ mít để chế biến sản phẩm có giá trị như nước uống lên men. Mục đích của nghiên cứu là xác định điều kiện thủy phân trong quy trình chế biến nước uống lên men từ xơ mít dựa trên việc phân tích hàm lượng ethanol, chất khô hòa tan, polyphenol, flavonoid, hoạt tính chống oxy hóa DPPH và màu sắc sản phẩm. Thiết kế Box-Behnken được bố trí để xác định các thông số tối ưu, bao gồm tỷ lệ nước và xơ mít (1,5; 2,0 và 2,5 lần, v/w), nồng độ enzyme pectinase (0, 0,1 và 0,2% w/v) và thời gian thủy phân (10; 65; 120 phút). Kết quả cho thấy điều kiện tối ưu cho quá trình thủy phân xơ mít với tỷ lệ nước : xơ mít là 1,9; nồng độ enzyme pectinase 0,1% và thời gian thủy phân 65 phút, độ cồn trong sản phẩm đạt khoảng 4,9% (v/v), hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học như polyphenol, flavonoid và DPPH lần lượt là 0,511 mgGAE/mL, 0,022 mgQE/mL và 14,54%. Kết quả nghiên cứu cho thấy xơ mít là nguồn nguyên liệu tiềm năng để chế biến nước uống lên men chứa các hợp chất có giá trị sinh học.

Đánh giá tính chịu mặn của ba dòng đậu nành hồi giao BC3F4 trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Châu Thanh Tùng, Vũ Thị Xuân Nhường , Vũ Phạm Thúy Ngọc, Đặng Quốc Thiện, Nguyễn Thiên Minh, Nguyễn Phước Đằng, Donghe Xu, Ngô Thụy Diễm Trang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và năng suất của ba dòng đậu nành hồi giao BC3F4 trong điều kiện tưới nước nhiễm mặn nhân tạo ở nồng độ 120 mM NaCl. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu thừa số hai nhân tố hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại, gồm nhân tố (A) ba dòng đậu nành hồi giao 1500, 1600-1 và 1600-2 và ba giống/dòng đậu nành bố mẹ MTĐ 176, MTĐ 878-2 (đối chứng mẫn cảm) và NIL72-T (đối chứng chống chịu); và (B) hai nồng độ mặn 0 (đối chứng) và 120 mM NaCl. Mặn làm giảm khả năng sinh trưởng và năng suất hạt của ba dòng đậu nành hồi giao, nhưng làm gia tăng hàm lượng proline và mức độ rò rỉ ion. Chỉ số chống chịu mặn của các dòng đậu nành theo thứ tự giảm dần là 1600-1 (68,2%) > 1600-2 (36,3%) > 1500 (27,9%). Qua đó cho thấy, dòng 1600-1 là dòng chịu mặn có triển vọng cần được thử nghiệm thêm với độ mặn cao hơn.

Đánh giá tác động của trồng rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý rừng (FSC) đến hiệu quả kinh tế của rừng trồng tại Việt Nam

Trương Quang Hoàng, Hồ Lê Phi Khanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động việc trồng rừng theo tiêu chuẩn của hội đồng quản lý rừng (FSC) đến hiệu quả kinh tế của các hộ trồng rừng tại 04 huyện Yên Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang, huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình, huyện Thạch Thành thuộc Thanh Hóa và huyện Ba Tơ thuộc Quảng Ngãi. Số liệu sử dụng cho nghiên cứu này thu thập từ 346 hộ trồng rừng, trong đó có 173 hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và 173 hộ trồng rừng không theo tiêu chuẩn FSC. Bằng phương pháp ghép điểm xu hướng, kết quả cho thấy rằng xác xuất tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC có liên quan đến các yếu tố tuổi, trình độ học vấn, số khẩu, diện tích lâm nghiệp và diện tích rừng trồng. Các hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC có thu nhập hàng năm từ rừng trồng cao hơn hộ trồng rừng không có chứng chỉ FSC. Mặc dù chi phí đầu tư mỗi ha rừng trồng theo FSC lớn hơn rừng trồng thông thường, tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có hiệu quả kinh tế trên mỗi ha của hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC cao hơn hộ trồng rừng không theo FSC với nguyên nhân là do năng suất và giá bán gỗ từ rừng FSC cao hơn rừng thông thường.

Thành phần loài và hiện trạng khai thác tôm tít (Squillidae) ở vùng biển huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Trần Văn Việt, Nguyễn Chí Kha, Huỳnh Huy Quyền, Vũ Ngọc Út, Lê Hoàng Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định thành phần loài và hiện trạng khai thác tôm tít (TT) ở vùng biển huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu từ tháng 5/2023 đến tháng 2/2024. Mẫu được thu 2 tuần/lần bằng ghe cào, đáy và dớn. Mẫu sau khi thu được cân (g), đo chiều dài tổng (mm), chụp ảnh các chi tiết đặc điểm để định danh loài với độ phóng đại 6 đến hơn 50 lần. Ngoài ra, 30 hộ khai thác thủy sản trong khu vực về hiện trạng TT cũng được khảo sát. Kết quả xác định được 7 loài TT bao gồm 2 loài kích thước lớn (Harpiosquilla harpax, H. raphidea), 5 loài kích cỡ vừa và nhỏ (Miyakea nepa, Erugosquilla woodmasoni, Oratosquillina interrupta, Cloridopsis scorpio, Alima orientalis). TT được khai thác quanh năm. Những cá thể kích cỡ lớn được khai thác bằng ghe cào xa bờ và đáy, các cá thể nhỏ chủ yếu ở ven bờ bằng đáy và dớn. Số lượng TT đang giảm do môi trường đang bị ô nhiễm và khai thác quá mức. Giá TT phụ thuộc vào kích cỡ, và tôm sống có giá bán cao hơn tôm ướp lạnh cùng cỡ.

Khảo sát mầm bệnh vi khuẩn gây bệnh xuất huyết đường ruột trên cá lóc (Channa striata) nuôi thương phẩm ở đồng tháp

Nguyễn Thị Thu Hằng, Trương Quỳnh Như, Trần Thị Tuyết Hoa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tác nhân vi khuẩn gây bệnh xuất huyết đường ruột trên cá lóc (Channa striata), từ đó cung cấp những thông tin cho việc chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh hiệu quả. Tổng cộng 250 mẫu cá lóc được thu với 200 mẫu cá bệnh và 50 mẫu cá khỏe ở Đồng Tháp từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2023, có trọng lượng khoảng 226,5 g và chiều dài khoảng 22,8 cm. Cá lóc bệnh xuất huyết đường ruột có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng như màu sắc nhợt nhạt, xuất huyết dạng điểm rải rác; ruột bị xuất huyết, chuyển thành màu hồng đến đỏ. Kết quả phân lập, định danh vi khuẩn và thí nghiệm cảm nhiễm gây bệnh cho thấy, cá lóc bị bệnh xuất huyết đường ruột là do loài vi khuẩn Aeromonas veronii gây ra với giá trị độc lực LD50 của 2 chủng vi khuẩn AV9 và AV39 lần lượt là 4,82×105 CFU/mL và 8,36×105 CFU/mL.

Nghiên cứu hiện trạng khai thác của nghề lưới rê ở tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hiện trạng khai thác của nghề lưới rê đã được thực hiện từ tháng 8 năm 2022  đến tháng 4 năm 2023 ở các huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng nhằm phân tích khía cạnh kỹ thuật, tài chính, những thuận lợi và khó khăn của nghề này. Có 55 hộ ngư dân làm nghề lưới rê được phỏng vấn với nội dung về tàu thuyền khai thác, ngư trường, mùa vụ khai thác, những loài khai thác chính, sản lượng khai thác, hiệu quả tài chính, những thuận lợi và khó khăn. Kết quả cho thấy nghề lưới rê đang được phát triển ở tỉnh Sóc Trăng. Nghề này khai thác quanh năm. Sản lượng khai thác trung bình là 26,5 tấn/tàu/năm và có tỉ lệ cá tạp thấp (4,2%). Các chi phí nhiên liệu và nhân công chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí chuyến biển. Tỉ suất lợi nhuận thấp hơn những năm trước, chỉ đạt 0,26 lần. Khó khăn chính của nghề lưới rê là cạnh tranh ngư trường khai thác, sản lượng khai thác giảm và chi phí chuyến khai thác cao.

Thực trạng năng lực giao tiếp sư phạm của sinh viên ngành sư phạm Vật lý Trường Đại học Cần Thơ và biện pháp phát triển

Trần Hoàng Gia An, Đỗ Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đã khảo sát 125 sinh viên (SV) ngành Sư phạm Vật lý (SPVL) các khóa 46, 47 và 48 nhằm tìm hiểu thực trạng năng lực giao tiếp sư phạm của SV và ý kiến về các biện pháp phát triển các nhóm năng lực này. Phiếu hỏi gồm các câu hỏi theo thang Likert 5 mức độ và các câu hỏi mở nhằm hiểu rõ hơn các điểm mạnh, điểm yếu và biện pháp phát triển. Dựa trên tự đánh giá của SV, điểm trung bình cho năng lực giao tiếp bằng lời nói và bằng văn bản đều ở mức Khá, tuy nhiên SV thể hiện những điểm yếu về giao tiếp phi ngôn ngữ và sự tự tin. Các biện pháp được đề xuất nhìn chung đều nhận được sự ủng hộ của các SV tham gia trả lời khảo sát và SV còn đề xuất thêm những giải pháp khác đa dạng nhằm phát triển các nhóm năng lực này.

Hình tượng lữ khách trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề

Nguyễn Hữu Rạng
Tóm tắt | PDF
Lữ khách là hình tượng nghệ thuật trung tâm trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề. Nổi bật ở hình tượng này là nỗi niềm cô quạnh, bế tắc trước thực tại phiêu bạt. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích làm rõ các đặc điểm của hình tượng lữ khách trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, cụ thể là thái độ, cách ứng xử của lữ khách khi đối diện với nỗi niềm cô quạnh, bế tắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hình tượng lữ khách khi đối diện với nỗi niềm cô quạnh, bế tắc trước thực tại thể hiện ba đặc điểm chính: (1) lữ khách một mình nếm trải nỗi sầu cô quạnh và xu hướng “kéo dài” bi kịch nội tâm, (2) lữ khách gắng gượng hành động với chút hy vọng mong manh thoát khỏi nỗi cô quạnh, (3) lữ khách hướng cái nhìn về tương lai nhằm tìm kiếm giải pháp thoát khỏi thực tại cô quạnh, bế tắc. Nỗi niềm cô quạnh, bế tắc trước thực tại luôn thường trực và chi phối mạnh tâm trí lữ khách khiến con người trở nên đáng thương hơn bao giờ hết.

Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng mỹ thuật đô thị tại thành phố Cần Thơ

Phạm Cẩm Đang, Võ Quang Minh, Lê Minh Khánh, Trần Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân về mỹ thuật đô thị (MTDT) tại thành phố Cần Thơ. Kết quả phân tích cho thấy hệ số KMO = 0,897 (sig. = 0,00), tổng phương sai trích 72,10%; phân biệt 2 nhóm nhân tố: loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc và giá trị lịch sử, văn hoá với 12 tiêu chí; trật tự không gian, tương tác của cộng đồng và nghệ thuật có 08 tiêu chí và ảnh hưởng thuận lớn hơn đến mức độ đáp ứng MTDT của người dân tại thành phố Cần Thơ với β = 0,562. MTDT tại Cần Thơ được đánh giá đáp ứng nhu cầu của người dân (giá trị trung bình là 3,6). Tuy nhiên, MTDT còn hạn chế về kiểm soát vẽ bẩn tường và quảng cáo, cải tạo và làm đẹp các không gian đô thị bị bỏ hoang và xuống cấp. Vì vậy, việc có các giải pháp giải quyết các hạn chế/khó khăn từ đó đáp ứng cao hơn nhu cầu người dân là cần thiết. Nghiên cứu là cơ sở tham khảo bổ sung yêu cầu đối với quy hoạch đô thị về cảnh quan trong thời gian tới.

Ảnh hưởng cô đơn đến trầm cảm ở sinh viên: Vai trò trung gian của khả năng phục hồi

Hoàng Thị Huệ, Phạm Kiều Mai Linh, Trương Quốc Đạt, Lê Thị Quỳnh Anh, Hoàng Khánh Linh, Bạch Lan Anh
Tóm tắt | PDF
Khả năng phục hồi tác động đến mối quan hệ giữa cô đơn và trầm cảm khá phổ biến ở người già nhưng chưa được nghiên cứu rộng rãi ở người trẻ. Nghiên cứu này phân tích mối quan hệ giữa cô đơn và trầm cảm, đồng thời xác minh vai trò trung gian của khả năng phục hồi. Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM được sử dụng để phân tích dữ liệu khảo sát 523 sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy khả năng phục hồi giữ vai trò trung gian, làm giảm tác động tiêu cực giữa cô đơn và trầm cảm. Dựa trên kết quả, một số khuyến nghị được đưa ra nhằm cải thiện tình trạng cô đơn, trầm cảm ở người trẻ, đặc biệt là sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hãng hàng không đến chất lượng dịch vụ, niềm tin và lòng trung thành của khách hàng: Trường hợp nghiên cứu tại Bamboo Airways

Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Cẩm Lệ
Tóm tắt | PDF
Ngành hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, mỗi hãng hàng không không chỉ hướng đến việc giữ chân khách hàng thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là đóng góp vào sự phát triển bền vững. Mục đích nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ của hãng hàng không đến niềm tin và lòng trung thành của khách hàng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần trên bộ dữ liệu gồm 325 khách hàng của hãng hàng không Bamboo Airways. Kết quả cho thấy sự ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đến lòng trung thành của khách hàng. Ngoài ra, vai trò trung gian của chất lượng dịch vụ và niềm tin khách hàng cũng được khám phá. Nghiên cứu cũng đề xuất các hàm ý quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của Bamboo Airways.

Ảnh hưởng của dịch vụ du lịch thông minh đến sự hài lòng của du khách tại điểm đến Cần Thơ, Việt Nam

Huỳnh Diệp Trâm Anh, Hà Nam Khánh Giao, Lê Văn Hoà, Lê Thái Sơn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích ảnh hưởng của dịch vụ du lịch thông minh đến sự hài lòng của du khách tại điểm đến Cần Thơ, Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở mô hình nghiên cứu E-Servqual được vận dụng trong bối cảnh đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch thông minh tại điểm đến Cần Thơ, Việt Nam kết hợp với 400 phiếu trả lời hợp lệ của du khách nội địa và quốc tế đã từng đi du lịch tại Cần Thơ. Kết quả phân tích dữ liệu từ phần mềm SPSS.20 và SmartPLS cho thấy các thành phần của dịch vụ du lịch thông minh bao gồm: (1) Dịch vụ tham quan, (2) Dịch vụ lưu trú, (3) Dịch vụ vận chuyển, (4) Dịch vụ ăn uống và (5) Dịch vụ mua sắm sẽ tác động mạnh đến chất lượng dịch vụ du lịch thông minh, sau đó sẽ tạo nên sự hài lòng của du khách khi đi du lịch ở Cần Thơ. Từ đó, gợi ý các hàm ý quản trị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông minh và sự hài lòng của du khách trong bối cảnh công nghệ và khái niệm thông minh được tích hợp vào tất cả các khía cạnh của du lịch và dịch vụ du lịch.