Ngày xuất bản: 30-10-2021
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Nanotebuconazole: Điều chế trong môi trường nước và khảo sát hiệu quả kháng nấm bệnh gây hại trên cây trồng
Tóm tắt
|
PDF
Tebuconazole được phân tán trong hỗn hợp polyethylene glycol (PEG) và nước theo một tỉ lệ xác định với sự hiện diện của dichloromethane (DCM). Hỗn hợp sau đó được làm bay hơi ở 40oC dưới áp suất 480 mbar để loại bỏ DCM và hình thành nanotebuconazole. Kích thước hạt nanotebuconazole được xác định trong khoảng 27 – 35 nm với kích thước trung bình là 29 nm bằng kĩ thuật tán xạ ánh sáng động (DLS) và kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ PEG:H2O 4:1 là thuận lợi nhất cho quá trình hình thành hạt nhũ nano. Các thử nghiệm in vitro bằng phương pháp MIC (minimum inhibitory concentration) chứng minh rằng dạng nanotebuconazole cho hiệu quả kháng khuẩn, kháng nấm mạnh gấp 2 lần dạng thương mại trên các chủng Ralstonia solanacearum, Fusarium ambrosium và Rhizoctonia solani và gấp 4 lần trên chủng Phytophthora capsici, với nồng độ ức chế tối thiểu lần lượt là 50 ppm và 25 ppm. Chế phẩm nanotebuconazole được đánh giá chất lượng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật theo Tiêu chuẩn Việt Nam 9482:2012 (TCVN 9482:2012).
Phân tích các yếu tố tác động đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích của bài báo là trình bày phân tích Mô hình cấu trúc diễn giải (Interpretive Structural Modeling-ISM) và phương pháp Phép nhân ma trận tác động chéo được áp dụng để phân loại (Cross-Impact Matrix Multiplication Applied to Classification-MICMAC) là một công cụ phân loại mức độ quan trọng cụ thể của các yếu tố và mối quan hệ thứ bậc giữa các yếu tố, giúp cho việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại thành phố Cần Thơ được chặt chẽ và đạt hiệu quả tốt hơn. Các yếu tố chính này bao gồm 04 nhóm yếu tố lớn chứa đựng 14 yếu tố phụ được xác định thông qua các kết quả khảo sát 217 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tham vấn nhiều chuyên gia về khoa học và công nghệ. Kết quả cho thấy các yếu tố trong cụm "Nhân tố định hướng", bao gồm Khả năng thông thạo công nghệ, Tính chất đặc thù doanh nghiệp và Chiến lược và chính sách của Chính phủ có tác động mạnh mẽ nhất đến hoạt động này.
Nghiên cứu thực trạng nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Tóm tắt
|
PDF
Cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất có vai trò hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và giám sát tình hình khai thác, sử dụng đất đai, đặc biệt là quá trình thực hiện các dự án đầu tư công tại các địa phương. Với nhiều phương pháp (như thu thập tài liệu và dữ liệu, phỏng vấn chuyên gia, kế thừa, thống kê, phân tích và tổng hợp, bản đồ và ứng dụng GIS...), cơ sở dữ liệu địa chính và các tài liệu, dữ liệu có liên quan đến quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố Vũng Tàu được phân tích nhằm đánh giá thực trạng nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kết quả đạt được cho thấy nguồn dữ liệu đầu vào của địa phương chứa khá đầy đủ thông tin cần thiết, với độ tin cậy cao và cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất theo quy chuẩn dữ liệu của ngành tại Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT.
Môi trường
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đất ngập nước kiến tạo sử dụng thực vật xử lý nguồn nước mặt ô nhiễm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đất ngập nước kiến tạo có dòng chảy đứng để xử lý nguồn nước mặt ô nhiễm kênh D ở thị xã Thuận An phục vụ canh tác nông nghiệp đã được tiến hành. Hai yếu tố tác động đã được nghiên cứu gồm (1) cây trồng và (2) tải nạp thủy lực. Cỏ sậy (Phragmites australis L.) và cỏ vertiver (Vertiveria zizanioides L.) được sử dụng trong nghiên cứu với đối chứng là không trồng cây. Các tải nạp thủy lực được thử nghiệm lần lượt gồm 500, 1000 và 1500 mL/phút/m2. Kết quả nghiên cứu cho thấy công nghệ đất ngập nước kiến tạo với mức tải nạp thủy lực 500 mL/phút/m2 có hiệu quả xử lý tốt nhất với lần lượt: hàm lượng BOD5 của nước sau xử lý là 10,6±0,8 mg/L, hiệu quả xử lý 94,4±0,4%; COD là 24,3±2,7 mg/L, hiệu quả xử lý 90,6±0,8%; TSS là 23,6±0,2 mg/L, hiệu quả xử lý 84,4±0,6%. Quá trình phân tích thống kê cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả xử lý BOD5, COD, TSS giữa các loại cây trồng (P>0,05). Tuy nhiên, mức độ loại bỏ thông số vi sinh fecal coliform chỉ ra tác động tích cực của các loại cây trồng trong mô hình đất ngập nước kiến tạo. Trong khi đó, yếu tố tải nạp thủy lực có tác động rõ rệt đến hiệu quả xử lý BOD5, COD, TSS (P
Tự nhiên
Hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao chiết ethanol từ lá Cóc trắng (Lumnitzera racemosa Willd)
Tóm tắt
|
PDF
Cóc trắng hay còn gọi Cọc vàng (Lumnitzera racemosa) là một loài thực vật ngập mặn với nhiều dược tính quý. Tuy nhiên, các nghiên cứu về loài cây này không nhiều, đặc biệt ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, thành phần hóa học cũng như hoạt tính kháng oxy hóa in vitro và hoạt tính kháng khuẩn gây bệnh trên thủy sản của cao chiết Cóc trắng đã được khảo sát. Kết quả cho thấy cao ethanol Cóc trắng có hàm lượng polyphenol và flavonid tổng được xác định lần lượt là 138,532 mg GAE/g; 182,014 mg QE/g. Kết quả khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa cho thấy cao ethanol Cóc trắng cho hoạt tính mạnh nhất trên phương pháp thử nghiệm là ABTS●+(IC50=20,461 μg/mL), DPPH (IC50=81,734 μg/mL) và TAC (OD0,5= 86,943 μg/mL), sau đó là năng lực khử sắt (OD0,5=113,108 μg/mL). Cao chiết Cóc trắng thể hiện hoạt tính kháng đối với 4 dòng vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Aeromonas dhakensis, Edwardsiella ictaluri, Streptococcus agalactiae với đường kính kháng khuẩn tương ứng 3,87 mm, 4,93 mm, 4,93 mm, 5,73 mm.
Bài toán vị trí trên cây với trọng số đỉnh hình tròn
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, bài toán vị trí 1-median được xem xét với trọng số đỉnh hình tròn. Đầu tiên các phép toán tập hợp theo nghĩa Minkowski được giới thiệu. Sau đó, điều kiện tối ưu cho một đỉnh 1-median trên cây với trọng số đỉnh hình tròn được chỉ ra. Trên cơ sở đó, một thuật toán để giải quyết bài toán 1-median với trọng số đỉnh hình tròn sẽ được đề xuất.
Tính chất vận chuyển của khí điện tử hai chiều trong giếng thế SiGe/Si/SiGe dưới ảnh hưởng của nhiệt độ và từ trường
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát độ linh động của khí điện tử hai chiều trong một giếng lượng tử SiGe/Si/SiGe tại nhiệt độ bất kỳ khi không có từ trường và khi bị phân cực bởi từ trường, xem xét tới hai cơ chế tán xạ: tán xạ tạp chất xa và tán xạ giao diện nhám có tính tới hiệu ứng tương quan–trao đổi và hiệu chỉnh trường cục bộ. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của mật độ tới hạn vào mật độ hạt tải, bề rộng giếng thế, khoảng cách lớp tạp chất, nhiệt độ và từ trường cũng được nghiên cứu. Tại nhiệt độ dưới 2 K, kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả đi trước. Các kết quả này có thể sử dụng để định hướng thực nghiệm trong việc nuôi cấy mẫu và kiểm soát nhiệt độ của hệ khi đo đạc mật độ tới hạn và thông tin về các cơ chế tán xạ trong giếng lượng tử SiGe/Si/SiGe.
Xây dựng mô hình dự báo chuỗi thời gian cho dữ liệu khoảng dựa vào bài toán phân tích chùm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đề xuất sử dụng khoảng cách chồng lấp trong đánh giá sự tương tự của hai khoảng. Dựa trên khoảng cách này và bài toán phân tích chùm cho các phần tử rời rạc, mô hình dự báo cho chuỗi thời gian với dữ liệu khoảng được xây dựng trong nghiên cứu. Mô hình đề nghị đã trình bày cụ thể các bước và được minh hoạ bởi một ví dụ số. Nó cũng áp dụng trong dự báo đỉnh mặn tại các trạm đo trên các con sông chính của tỉnh Cà Mau. Mô hình đề nghị có thể thực hiện nhanh chóng bởi một chương trình được thiết lập trên phần mềm Matlab.
Khảo sát hoạt tính kháng sinh của cao chiết từ loài hải miên Petrosia (blue) sp.
Tóm tắt
|
PDF
Trong số các loài hải miên của vùng biển Tây Nam Việt Nam, loài Petrosia (blue) sp. có số lượng tương đối phong phú và ít được nghiên cứu. Khảo sát hoạt tính sinh học của các cao chiết từ loài hải miên Petrosia (blue) sp. được thu gom ở độ sâu khoảng 10 m tại vùng biển Kiên Giang đã cho những thông tin hữu ích. Khi thử nghiệm kháng vi sinh vật, trong số 4 mẫu thử có 3 mẫu ức chế tốt các loài vi khuẩn Gram âm lẫn Gram dương, một loài nấm men; đó là các mẫu cao ethanol tổng, cao ethanol còn lại, cao dichloromethane, với IC50 < 40 µg/mL. Tuy nhiên, các cao của loài hải miên này không kháng oxy hóa và không có tác dụng với nấm men Candida albican.
Tính chất điện tử của dãy nano penta-graphene biên răng cưa sai hỏng dạng khuyết
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, tính chất điện tử của các dãy penta-graphene dạng răng cưa (SSPGNR) sai hỏng dạng khuyết (DSSPGNRs) được nghiên cứu bằng cách tính năng lượng liên kết, cấu trúc vùng điện tử và mật độ trạng thái bởi phương pháp nguyên lý ban đầu. Ba kiểu khuyết được khảo sát trong nghiên cứu này là khuyết đơn nguyên tử C1, C2 và khuyết đồng thời hai nguyên tử C2. Kết quả nghiên cứu cho thấy DSSPGNR có độ rộng vùng cấm giảm đáng kể so với mẫu không khuyết. Trong đó, DSSPGNRs khuyết đồng thời hai nguyên tử C2 có độ rộng vùng cấm giảm nhiều hơn so với DSSPGNRs khuyết đơn nguyên tử. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin quan trọng cho việc phát triển ứng dụng penta-graphene trong lĩnh vực vi điện tử.
Sự tồn tại và tính nửa liên tục trên của nghiệm bài toán cân bằng vector theo nón thứ tự có phần trong đại số khác rỗng
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, bài toán cân bằng vector được nghiên cứu theo nón thứ tự có phần trong đại số khác rỗng. Bằng cách sử dụng bổ đề nổi tiếng KKM-Fan cùng với tính nửa liên tục trên theo nón và tính lồi giảm nhẹ của các tập mức, các điều kiện đủ cho tập nghiệm của bài toán đang xét không là tập rỗng và các điều kiện đủ để ánh xạ nghiệm của bài toán là nửa liên tục trên được thiết lập.
Phân tích chùm mờ cho dữ liệu khoảng
Tóm tắt
|
Việc sử dụng khoảng cách chồng lấp để xây dựng thuật toán phân tích chùm mờ cho dữ liệu khoảng được đề nghị trong bài viết, trong đó việc xác định số chùm, những phần tử cụ thể trong chùm và xác suất thuộc vào chùm của mỗi phần tử được thực hiện cùng lúc. Thuật toán đề nghị được trình bày cụ thể từng bước về mặt lý thuyết và được minh hoạ cụ thể bởi ví dụ số. Nghiên cứu cũng xem xét việc trích xuất đặc trưng kết cấu của ảnh thành khoảng hai chiều để nhận dạng và áp dụng thuật toán đề nghị. Ví dụ số và áp dụng cho thấy ưu điểm của thuật toán đề nghị so với nhiều thuật toán phổ biến hiện nay qua các tham số thống kê.
Chăn nuôi
Đặc điểm và phương pháp chẩn đoán bệnh do Ehrlichia canis gây ra trên chó tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định những đặc điểm và phương pháp chẩn đoán hiệu quả bệnh Ehrlichiosis do Ehrlichia canis (E. canis) gây ra trên chó. Tổng số 151 mẫu máu được thu thập từ những con chó nghi nhiễm E. canis. Mẫu máu từ chó nghi bệnh được chẩn đoán bằng kit E. canis-Ab, đồng thời được kiểm tra sự hiện diện của phôi dâu E. canis trên tế bào bạch cầu bằng phương pháp nhuộm tiêu bản máu và đếm số lượng tiểu cầu. Kết quả kiểm tra cho thấy có 103/151 (68,21%) mẫu dương tính với E. canis bằng kit E. canis-Ab. Tình trạng giảm tiểu cầu được ghi nhận ở 69/80 (86,25%) con chó dương tính với E. canis. Tỷ lệ chó nhiễm E. canis tại thành phố Rạch Giá không phụ thuộc vào giới tính, giống, tuổi, hình thức nuôi, và tính trạng lông; nhưng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm ve. Chẩn đoán bệnh do E. canis cần phải kết hợp cả hai phương pháp kiểm tra nhanh bằng kit E. canis-Ab và nhuộm tiêu bản máu đối với tất cả những con chó có biểu hiện lâm sàng. Giảm tiểu cầu là dấu hiệu đặc trưng nhất giúp chẩn đoán xác định chó nhiễm E. canis.
Tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi và đặc điểm di truyền của virus gây bệnh ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) xảy ra lần đầu tiên ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vào tháng 7/2019 và nhanh chóng lây lan khắp 18/18 xã và thị trấn trên địa bàn huyện. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát một số đặc điểm dịch tễ và kiểu gene của virus gây bệnh ASF. Kết quả điều tra hồi cứu thông qua các số liệu được thu thập từ các báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy tỷ lệ các cơ sở xuất hiện ASF là 29,85% và tỷ lệ heo bị tiêu hủy là 27,37%. Có sự khác biệt về tỷ lệ tiêu hủy theo loại heo, trong đó tỷ lệ tiêu hủy cao trên heo giống sinh sản, cao nhất là trên heo đực giống (100%), kế đến là heo nái (34,24%), heo thịt (26,83%) và thấp nhất là heo con (24,96%). Đặc điểm di truyền của virus ASF lưu hành tại huyện Phú Tân được khảo sát trên cơ sở một phần của đoạn gene B646L (p72) của 4 chủng virus đại diện, kết quả cho thấy đoạn gene p72 của 4 chủng virus được phát hiện tại huyện Phú Tân tương đồng 100% với đoạn gene tương ứng của các chủng virus đã được phát hiện trước đó tại Việt Nam, Trung Quốc và cùng thuộc genotype II.
Công nghệ sinh học
Hiện trạng sử dụng, lưu tồn và thử nghiệm xử lý Paclobutrazol trong đất lúa tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện với mục tiêu khảo sát tình hình sử dụng hoạt chất paclobutrazol (PBZ) trong canh tác lúa, đánh giá sự lưu tồn PBZ trong đất lúa và khả năng phân hủy hoạt chất PBZ của chế phẩm vi khuẩn trong đất tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tổng cộng 32 hộ nông dân trồng lúa được phỏng vấn. Sau đó, 10 mẫu đất từ 10 ruộng có sử dụng PBZ được thu, phân tích lưu tồn PBZ và thí nghiệm phân hủy hoạt chất PBZ trong đất của chế phẩm vi khuẩn được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy 100% nông dân khảo sát sử dụng hoạt chất PBZ cho lúa nhằm giảm đổ ngã. Hai sản phẩm thương mại được sử dụng phổ biến nhất là Bidamin 15WP và Bonsai 10 WP với lượng cao hơn nhiều lần so với khuyến cáo. Hàm lượng PBZ lưu tồn trong 10 mẫu đất dao động từ 0,09 đến 1,11 mg/kg đất. Bên cạnh đó, nghiệm thức sử dụng chế phẩm vi khuẩn giúp hủy hoàn toàn lượng PBZ lưu tồn trong đất sau 35 ngày thí nghiệm, tuy nhiên không giúp gia tăng năng suất nếp so với nghiệm thức không sử dụng chế phẩm vi khuẩn sau 1 vụ thí nghiệm. Như vậy, chế phẩm vi khuẩn phân hủy PBZ có hiệu quả phân hủy hoạt chất PBZ trong đất lúa.
Nghiên cứu ứng dụng hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời trong nhân giống in vitro cây hoa lily (Lilium spp.)
Tóm tắt
|
PDF
Lily (Lilium spp.) là cây hoa quan trọng, có giá trị kinh tế cao, được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, giống hoa lily sản xuất ở Việt Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, đa số giống hoa được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong nghiên cứu này, hoa lily được nhân giống in vitro thành công trên hệ thống ngập chìm tạm thời, sử dụng vật liệu ban đầu là mẫu vảy củ. Vật liệu được khử trùng trong 9 phút bằng dung dịch HgCl2 1‰. Vật liệu sạch nấm khuẩn được nuôi cấy trên hệ thống ngập chìm chứa môi trường MS có bổ sung đường 30 g/L BA 2 mg/L, NAA 0,5 mg/L. Khả năng tái sinh chồi cao nhất 83,89%. Kết quả nghiên cứu cho thấy số củ mới được tạo thành trên một mẫu là cao nhất (3,72 củ), thời gian ngập chìm 5 phút với chu kỳ ngập 6 giờ. Số rễ hình thành trên một mẫu là cao nhất (4,52 rễ), thời gian ngập chìm 3 phút với chu kỳ ngập 6 giờ. Kết quả cho thấy hoa lily sinh trưởng và phát triển tốt trên hệ thống ngập chìm tạm thời.
Nông nghiệp
Hoàn thiện quy trình tái sinh in vitro cho giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào
Tóm tắt
|
PDF
Trong công tác chọn tạo giống cây trồng, chuyển gene là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất vì đưa trực tiếp gene mục tiêu vào giống cây nghiên cứu. Cách tiếp cận này cần phải thông qua hệ thống nuôi cấy mô hoàn thiện. Một trong những trở ngại lớn nhất của nuôi cấy mô ở các giống lúa thuộc nhóm indica là quá trình chuyển hóa các mô sẹo thành phôi vô tính và có tỷ lệ tái sinh rất thấp. Chính vì vậy, nghiên cứu được tiến hành nhằm xây dựng và đánh giá hiệu quả quy trình tái sinh cho giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào (NTCD) cũng như mở rộng ứng dụng cho các giống lúa khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong nghiên cứu này, khả năng tạo mô sẹo trên môi trường N6D (N6+2,4D) với giống NTCD đạt hiệu quả từ 95 tới 97%. Môi trường phù hợp với giai đoạn phát sinh phôi soma và tái sinh chồi lần lượt là MS+NAA+kinetin và MS+B, với tỷ lệ tạo chồi đạt 31,01%. Tỷ lệ tạo cây hoàn chỉnh đạt 30,71%, cây tái sinh được chuyển thành công ra trồng và chăm sóc trong điều kiện vườn ươm. Kết quả này là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện quy trình tái sinh và ứng dụng trong việc chuyển gene vào giống lúa NTCD.
Khảo sát đặc điểm sinh trưởng và cấu trúc giải phẫu của cỏ Lông tây (Brachiaria mutica) được trồng trong nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm khảo sát đặc điểm sinh trưởng và giải phẫu của cỏ Lông tây (Brachiaria mutica). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 7 nghiệm thức: T1 (10 ngày), T2 (15 ngày), T3 (20 ngày), T4 (30 ngày), T5 (40 ngày), T6 (50 ngày) và T7 (60 ngày). Sinh trưởng và phát triển của cỏ Lông tây chia làm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn sinh chồi từ T1 đến T3, trong giai đoạn này cây tập trung cho tái sinh chồi; (2) Giai đoạn kéo dài lóng và tăng diện tích lá từ T4 đến T6, là giai đoạn cây phát triển mạnh cả về chiều cao, đường kính thân và dài rộng lá; và (3) Giai đoạn sinh trưởng chậm từ T7 (60 ngày) trở về sau, tại giai đoạn này diện tích lá ngưng tăng trưởng. Kết quả khảo sát vi phẫu cho thấy ở nghiệm thức T7 số lượng tế bào có vách tẩm thêm lignin (chất tạo chất gỗ) nhiều nhất. Cấu trúc các loại mô tạo chất xơ như mô dầy, mô cứng của thân cỏ Lông tây ở nghiệm thức T2 và T4 tương đương nhau và thấp hơn so với nghiệm thức T7. Hình ảnh giải phẫu của lá ở nghiệm thức T7 cũng cho thấy số lượng mô cứng cao hơn so với nghiệm thức T2 và T4 làm cho diện tích mô có khả năng đồng hóa/quang hợp giảm. Sự kết hợp hài hoà giữa năng suất và chất lượng của cỏ Lông tây cần được xem xét trong giai đoạn từ 30 đến 60 ngày sau khi cắt.
Đa dạng đặc điểm hình thái của 147 giống lúa rẫy
Tóm tắt
|
PDF
Lúa rẫy là giống lúa được canh tác trên vùng cao, trong điều kiện hạn chế nước tưới. Đây là nguồn gene quý để nghiên cứu về đặc tính kháng hạn, tuy nhiên ít được quan tâm và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và khảo sát đặc tính hình thái được thực hiện nhằm tìm ra các đặc tính quý mà các nhà chọn giống quan tâm, và cung cấp thông tin cho công tác bảo tồn nguồn gene quý. Sau khi khảo nghiệm 147 giống lúa rẫy, kết quả chọn được 15 giống ưu tú với đặc điểm sau: tất cả các giống đều có màu phiến lá xanh, gốc lá cờ thẳng, độ cứng thân ở mức cấp 1 và hạt không râu; trong đó chia được làm 4 phân nhóm dựa vào kiểu bông và độ trổ bông: nhóm 1 (Ba Cong, Kreng, Mơ Dai Tăng) có kiểu bông túm và trổ bông tốt; nhóm 2 (Bakelao, Cbr, Mơ Dai Gor, Nâm, San Dong và Thong Nong Ếpla) kiểu bông trung bình, độ trổ tốt; nhóm 3 (Gor, Lúa Thơm Rằn, Lúa Xăng, Lúa Dung) kiểu bông trung bình, độ trổ trung bình; nhóm 4 (Lúa đỏ và Pkoih) kiểu bông túm và độ trổ bông trung bình. Kết quả khảo sát đặc tính hình thái là bước đầu góp phần tuyển chọn được giống lúa có các đặc điểm tốt cho nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.
Đánh giá khả năng cung cấp dưỡng chất của đất phù sa trong đê, hấp thu NPK và đáp ứng năng suất mè đen (Sesamum indicum L.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu: (i) xác định ảnh hưởng của bón khuyết NPK lên sinh trưởng, năng suất và hấp thu dinh dưỡng NPK trong cây mè; (ii) đánh giá khả năng cung cấp dưỡng chất bản địa của đất. Thí nghiệm bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức (i) bón đầy đủ N, P, K, (ii) Bón khuyết kali, (iii) bón khuyết lân, (iv) bón khuyết đạm, với 4 lặp lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy đáp ứng năng suất của bón N, P2O5 và K2O được xác định là 34,38, 3,93 và 1,35 g m-2. Bón đạm giúp tăng năng suất hạt mè thông qua tăng số trái trên cây. Ngoài ra, bón lân hoặc kali chỉ tăng chiều cao cây và số trái, nhưng chưa tăng năng suất mè. Lượng hấp thu N, P và K ở nghiệm thức bón đầy đủ NPK lần lượt là 4,43, 2,05 và 5,75 g m-2. Tổng lượng N, P và K đất phù sa có khả năng cung cấp là 2,31, 1,28 và 3,96 g m-2.
Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý lâm sàng bệnh sán lá gan nhỏ trên chó
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được bệnh lý lâm sàng chó bị bệnh sán lá gan nhỏ trong gây nhiễm thực nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh lý lâm sàng chó thường nhẹ ở giai đoạn đầu và nặng ở giai đoạn sau bị bệnh. Một số triệu chứng như sốt nhẹ, lông xù, mệt mỏi, giảm ăn, gầy yếu, bụng chướng, tiêu chảy hoặc táo bón và chết. Bệnh tích đại thể: xác con vật gầy, xoang bụng tích nước, gan viêm, sung huyết và xuất huyết, mặt gan sưng và có nhiều đám hoại tử, túi mật sưng 2-3 lần, dạ dày chứa nhiều thức ăn không tiêu, ruột kết viêm. Bệnh tích vi thể: ở gan, hồng cầu tràn ngập lòng mạch quản, thâm nhiễm tế bào viêm, tế bào gan thoái hóa mỡ và thoái hóa không bào, tế bào gan hoại tử bắt màu hồng đều.
Khả năng hòa tan lân và đối kháng với nấm Fusarium solani của dòng nấm Aspergillus niger H4.7 ở điều kiện phòng thí nghiệm
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát khả năng hòa tan lân dưới một số điều kiện môi trường khác nhau và đối kháng với nấm bệnh Fusarium solani của dòng nấm Aspergillus niger H4.7 (H4.7) được phân lập từ đất nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng ở điều kiện phòng thí nghiệm. Việc khảo sát khả năng hòa tan lân dưới các điều kiện môi trường gồm pH, nồng độ muối NaCl và các dạng lân khó tan khác (FePO4 và AlPO4) được thực hiện trong môi trường NBRIP lỏng, trong khi thí nghiệm khảo sát khả năng đối kháng của dòng nấm H4.7 với dòng nấm Fusarium solani gây bệnh hại cây trồng được thực hiện trên môi trường PDA. Kết quả nghiên cứu cho thấy dòng nấm H4.7 có khả năng hòa tan lân tốt trong môi trường nuôi cấy có pH=7, không bổ sung NaCl và hòa tan tốt các dạng lân khó tan theo thứ tự Ca3(PO4)2 > FePO4 > AlPO4. Ngoài ra, dòng nấm này còn có khả năng đối kháng tốt với dòng nấm Fusarium solani, đặc biệt ở thời điểm 5 ngày sau bố trí với hiệu suất đối kháng đạt 49,2%.
Hiệu quả của dịch trích thực vật đối với nấm Curvularia sp. gây bệnh vết nâu trên lúa
Tóm tắt
|
PDF
Nấm Curvularia sp. là một trong những tác nhân quan trọng gây hại tán lá và hạt lúa, làm giảm năng suất. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả, an toàn trong việc quản lí Curvularia. Kết quả khảo sát sự đa dạng bào tử và đĩa áp của các chủng nấm Curvularia ghi nhận bốn dạng bào tử hình chữ Y, hình trứng, thẳng nhọn một đầu, hình trụ đỉnh cùn; và ba dạng đĩa áp hình chùy, hình trứng, dạng xẻ thùy. Kích thước bào tử trung bình là 4,5-11,5 x 3,5-5,2 µm. Trong ba loại dịch trích gồm tỏi, húng quế, gừng với nồng độ 2%, dịch trích tỏi và gừng cho hiệu quả ức chế in vitro sự phát triển khuẩn ty nấm Curvularia sp. Tuy nhiên, dịch trích tỏi tốt hơn dịch trích gừng trong việc duy trì hiệu quả ức chế. Trong điều kiện nhà lưới, việc xử lí dịch trích tỏi tại thời điểm 1 ngày trước và sau khi lây bệnh cho hiệu quả giảm bệnh so với đối chứng, lần lượt là 86,62% và 87,97%, cao tương đương nghiệm thức đối chứng dương (150 g/L Difenoconazole + 150 g/L Propiconazole).
Xã hội-Nhân văn
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng trong du lịch: Trường hợp thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Cộng đồng là một trong những chủ thể đảm bảo sự phát triển bền vững của điểm đến. Thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đã xác định phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là hướng đi phù hợp ở tương lai. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm làm sáng tỏ các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia trong du lịch của cộng đồng, đồng thời, cung cấp luận cứ cho địa phương trong việc thực thi các giải pháp thu hút sự tham gia của cộng đồng trong du lịch. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ phỏng vấn 100 đáp viên bằng bảng hỏi. Thống kê mô tả và kiểm định χ2 được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 9 nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng trong du lịch (kỹ năng làm du lịch, sự tự tin để làm du lịch, mong muốn tham gia làm du lịch, sở thích làm du lịch, sự cổ vũ của gia đình, cơ hội tham gia du lịch, sở hữu nghề truyền thống, cảm nhận lợi thế của ngành du lịch, chính sách thu hút của địa phương). Để thu hút sự tham gia hơn nữa của cộng đồng trong du lịch, địa phương nên đẩy mạnh phát triển giáo dục và du lịch, thông tin rộng rãi về tầm quan trọng của ngành du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia làm du lịch.
Thiên nhiên trong tập truyện Đất Phương Nam ngày cũ của Trần Bảo Định từ góc nhìn phê bình sinh thái
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu tập truyện Đất phương Nam ngày cũ của Trần Bảo Định từ lý thuyết phê bình sinh thái, bài viết trình bày sự thể hiện thiên nhiên trong mối quan hệ với tâm thức con người của tác giả. Đồng thời, thiên nhiên cũng là hình tượng nghệ thuật chứa đựng những thông điệp giàu ý nghĩa. Từ đó, bài viết chỉ ra quan niệm về thái độ, lối ứng xử của con người đối với không gian văn hóa đặc trưng của Nam bộ trong tập truyện ngắn này.
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến du lịch Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của điểm du lịch. Mục tiêu của nghiên cứu này tập trung xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến du lịch Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 11 nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của điểm đến du lịch Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: (1) Nguồn nhân lực, (2) Vệ sinh và không có tình trạng chèo kéo, (3) Giá cả, (4) Cơ sở vật chất kỹ thuật và quà lưu niệm, (5) Tài nguyên du lịch, (6) An toàn và an ninh, (7) Cơ sở hạ tầng, (8) Quảng bá và xúc tiến, (9) Các di tích và bãi biển, (10) Sự kiện, lễ hội và sinh thái, tự nhiên, và (11) Dịch vụ giải trí về đêm. Từ đó, một số khuyến nghị được đề xuất nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến Phú Quốc hơn nữa trong thời gian tới.
Kinh tế
Tác động của hiệu quả quản trị nhà nước đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các quốc gia Đông Nam Á
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tác động của hiệu quả quản trị nhà nước (bao gồm: ổn định chính trị, kiểm soát tham nhũng, pháp quyền, chất lượng điều hành, quyền phát ngôn và trách nhiệm giải trình, hiệu quả chính quyền) đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2000-2018. Khi kiểm soát các yếu tố khác có tác động đến FDI, kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự ổn định chính trị, quyền phát ngôn và trách nhiệm giải trình, hiệu quả chính quyền là những yếu tố có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn nghiên cứu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Cần Thơ: Ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính PLS-SEM
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là khám phá ra những yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử thông qua vai trò trung gian của thái độ đối với sử dụng sản phẩm. Dữ liệu được thu thập là 201 đáp viên có hiểu biết về ví điện tử Momo, ZaloPay, AirPay, ViettelPay tại thành phố Cần Thơ, đã được phân tích để cung cấp bằng chứng. Kết quả từ mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất một phần (PLS-SEM) chỉ ra rằng nhận thức uy tín, điều kiện thuận lợi, hiệu quả kỳ vọng và ảnh hưởng xã hội có ảnh hưởng tích cực đến ý định sử dụng ví điện tử. Bên cạnh đó, nghiên cứu này đã đề xuất cách tiếp cận mới để dự đoán biến ý định sử dụng ví điện tử thông qua vai trò trung gian của thái độ của khách hàng để dự đoán ý định sử dụng ví điện tử của người tiêu dùng. Cụ thể, biến hiệu quả mong đợi và ảnh hưởng xã hội chỉ tác động gián tiếp đến ý định sử dụng ví điện tử; nhận thức uy tín đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến ý định sử dụng ví điện tử, và điều kiện thuận lợi chỉ tác động trực tiếp đến ý định sử dụng ví điện tử. Cuối cùng, nghiên cứu cũng đã đề xuất một số hàm ý quản trị để nâng cao ý định sử dụng ví điện tử của người dân tại thành phố Cần Thơ.
Lựa chọn mô hình sản xuất của hộ trồng lúa trong điều kiện xâm nhập mặn: Trường hợp Cà Mau và Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Diễn biến xâm nhập mặn có ảnh hưởng rất lớn đến hộ trồng lúa ở các tỉnh ven biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Cà Mau và Sóc Trăng. Bài viết này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn mô hình canh tác trên đất lúa trong điều kiện xâm nhập mặn dựa vào mô hình Ricardian. Kết quả chỉ ra rằng nhiều mô hình trồng lúa kết hợp như lúa cá, lúa tôm, và lúa màu được ghi nhận trên địa bàn của hai tỉnh bên cạnh mô hình chuyên canh cây lúa. Xu hướng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa chuyên canh 2 vụ và 3 vụ sang mô hình lúa kết hợp trong điều kiện xâm nhập mặn được ghi nhận với tỉ lệ khá cao trên 50%. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn giữa mô hình sản xuất lúa chuyên canh và mô hình lúa kết hợp của hộ trồng lúa ở Cà Mau và Sóc Trăng bao gồm: diện tích đất, vay vốn, địa bàn và xâm nhập mặn. Trong đó, xâm nhập mặn là yếu tố quan trọng nhất tác động tích cực trực tiếp đến quyết định lựa chọn mô hình sản xuất từ lúa chuyên canh sang lúa kết hợp. Kết quả này phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của các tỉnh khác ở trong vùng.
Khảo sát thực trạng áp dụng chuỗi cung ứng lạnh nông sản (mặt hàng rau, củ, quả) tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Chuỗi cung ứng lạnh là chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh nhằm kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng áp dụng chuỗi cung ứng lạnh nông sản (mặt hàng rau, củ, quả) tại thành phố Cần Thơ. Dữ liệu được thu thập từ 212 đối tượng đến từ 5 thành phần của chuỗi cung ứng bao gồm: nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ, doanh nghiệp chế biến nông sản và các công ty cung cấp dịch vụ logistics bằng phương pháp khảo sát và phỏng vấn sâu. Sau đó, dữ liệu được phân tích bằng phương pháp phân tích thống kê mô tả. Kết quả phân tích cho thấy quá trình cung ứng nông sản tại thành phố Cần Thơ đã bước đầu áp dụng chuỗi cung ứng lạnh. Từ thực trạng, cơ hội, và thách thức, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất để nâng cao hiệu quả áp dụng mô hình chuỗi cung ứng lạnh nông sản tại thành phố Cần Thơ.
Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng gắn kết doanh nghiệp và hợp tác xã tại tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Sản xuất lúa gạo chất lượng cao nhằm phát triển bền vững ngành hàng là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường. Nghiên cứu này phân tích chuỗi giá trị (CGT) lúa gạo chất lượng cao theo cách tiếp cận của GTZ ValueLinks (2007) sử dụng số liệu thu thập trực tiếp từ 100 nông dân và 31 tác nhân tham gia CGT tại tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ CGT lúa gạo chất lượng cao hiện nay đã có một số cải thiện so với chuỗi truyền thống, trong đó số tác nhân tham gia vào chuỗi giảm, lợi nhuận của nông dân được tăng lên. Phân tích kinh tế chuỗi cho thấy các tác nhân trong chuỗi hiện có giá trị gia tăng khá cao, nhất là công ty lương thực. Đây là điểm quan trọng làm căn cứ thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân. Tuy nhiên, CGT này hiện còn gặp nhiều thách thức như tình trạng phá vỡ hợp đồng và rủi ro về chất lượng. Như vậy, để phát triển và hoàn thiện CGT lúa gạo chất lượng cao hiện nay cần phát triển và hoàn thiện hợp tác xã kiểu mới làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các tổ chức tín dụng để đảm bảo nguồn vốn sản xuất cho nông dân và vốn kinh doanh cho doanh nghiệp tham gia liên kết.