Ngày xuất bản: 27-02-2019
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Thiết kế máy cắt bột và tạo viên trân châu hỗ trợ các làng nghề sản xuất bột truyền thống
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo trình bày một giải pháp thiết kế máy cắt bột tự động cho các làng nghề làm bột gạo nguyên liệu ở Việt Nam. Gạo sau khi ngâm và xay ra thành nước bột sẽ được tách nước, nén và cắt với kích thước định trước. Để phơi mau khô và tạo tính đồng đều cho bột nguyên liệu, cơ cấu cắt bột tự động được đề xuất. Từ kinh nghiệm của các hộ sản xuất bột tại các làng nghề và thử nghiệm thực tế, máy nén bột với cơ cấu vít-me được dùng trong nghiên cứu này. Kết quả thử nghiệm thực tế tại làng nghề huyện Mỹ Tú cho thấy, cơ cấu nén bột dùng vít-me cho bột đầu ra đồng đều và tự nhiên hơn. Năng suất trung bình của máy đạt xấp xỉ 400 kg/ngày. Ngoài ra để tạo tính linh hoạt cho máy cắt bột tự động này, một cơ cấu tạo các viên trân châu được tích hợp như một lựa chọn. Nếu muốn tạo viên trân châu, khung dao tạo khối bột hình trụ được sử dụng. Khối bột hình trụ này được cắt và tạo viên nhờ vào cơ cấu vo viên tự động sử dụng hai ru-lô quay cùng chiều nhưng khác tốc độ. Với kết quả đạt được, máy cắt bột tự động nên được đưa vào sử dụng tại các làng nghề làm bột ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Môi trường
Xác định tính mùa, sự tập trung của mưa phục vụ tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp bền vững, phòng chống thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long: ví dụ cho vùng Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Tính mùa, sự tập trung của lượng mưa theo thời gian và không gian quan trọng đối với nhà quản lý và người sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong quản lý tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững và phòng chống thiên tai. Ở các nước nhiệt đới, các đặc tính này được thể hiện qua chỉ số tính mùa (SI) và chỉ số tập trung của lượng mưa (PCI). Nghiên cứu này trình bày kết quả ứng dụng hai chỉ số SI và PCI dựa trên cơ sở số liệu mưa của trạm khí tượng Cần Thơ giai đoạn 1961-2010. Các kết quả cho thấy, hai chỉ số SI và PCI có thể dùng để đánh giá tính mùa và mức độ tập trung mưa cũng như sử dụng các giá trị khác nhau của độ lệch chuẩn để nhận định mức độ nghiêm trọng của hạn hán, lũ lụt, các cực đoan và thảm họa khí hậu do sự phân bố lượng mưa không đều theo thời gian ở vùng nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu về hai chỉ số này có ý nghĩa trong việc giới thiệu khả năng và cách tiếp cận mới trong sử dụng số liệu mưa phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai ở Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Nghiên cứu xử lý nước thải y tế bằng phản ứng Fenton/ozone kết hợp lọc sinh học hiếu khí
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả xử lý nước thải y tế đạt tiêu chuẩn xả thải. Trong nghiên cứu này, nước thải y tế trước tiên được xử lý qua bể phản ứng Fenton/ozone, tiếp theo qua bể lọc sinh học hiếu khí nền ngập nước, tất cả các mô hình xử lý đều thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Nước thải xử lý qua mô hình Fenton/ozone có hiệu quả loại bỏ các thành phần ô nhiễm khá cao nhưng nồng độ chất hữu cơ chưa đạt tiêu chuẩn xả thải. Tiếp tục cho nước thải qua bể lọc sinh học hiếu khí nền ngập nước vận hành ở thời gian lưu nước 2 giờ, tải nạp trung bình theo thể tích hoạt động của bể là 0,723 kg BOD5/m3.ngày, hiệu suất loại bỏ COD, BOD5, P-PO43- lần lượt 56,1%, 65,5%, 55,0%. Nước thải y tế sau xử lý đạt yêu cầu xả thải theo QCVN 28:2010/BTNMT (cột A) ở tất cả các thông số ô nhiễm khảo sát.
Tự nhiên
Áp dụng hệ Navier-Stokes trong nghiên cứu ảnh hưởng của từ trường lên sự đối lưu nhiệt của dung dịch sắt từ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của từ trường lên sự đối lưu nhiệt trong một rãnh chứa chất lỏng sắt từ. Giải tích tuyến tính và phi tuyến được sử dụng nhằm khảo cứu sự tương tác giữa trọng lực và từ trường trong mô hình rãnh chất lỏng nghiêng được cấp nhiệt từ bên dưới. Mô hình xấp xỉ Landau được xây dựng để khảo sát các hiện tượng vật lí. Nghiệm của bài toán hệ động lực chỉ ra rằng từ trường đã giúp đối lưu nhiệt xảy ra ngay cả khi đối lưu tự nhiên không tồn tại và do vậy đã làm tăng khả năng truyền nhiệt.
Điều kiện tối ưu tập chấp nhận được lồi xác định bởi vô hạn ràng buộc bất đẳng thức
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo này khảo sát điều kiện tối ưu cần và đủ cho bài toán tối ưu lồi có tập chấp nhận được lồi được định nghĩa bởi vô hạn ràng buộc bất đẳng thức cả trong trường hợp trơn và không trơn. Kết quả đã phát triển một số định lý điều kiện tối ưu dạng KKT gần đây bởi Lasserre đối với lớp hàm khả vi và bởi Dutta và Lalitha đối với lớp hàm Lipschitz.
Khả năng kháng oxy hóa của cao methanol rễ me keo (Pithecellobium dulce (Roxb.) Benth.) trên chuột bị stress oxy hóa
Tóm tắt
|
PDF
Khả năng kháng oxy hóa in vitro của cao methanol rễ Me keo (Pithecellobium dulce (Roxb.) Benth.) được xác định thông qua khả năng trung hòa gốc tự do DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl) khả năng khử sắt và khả năng kháng sự peroxyde hóa lipid in vivo được thực hiện ở chuột bị stress oxy hóa bởi alloxan monohydrate (AM). Alloxan monohydrate (AM) được sử dụng với hàm lượng 135 mg/kg trọng lượng để gây tăng glucose huyết dẫn đến stress oxy hóa trên chuột. Kết quả cho thấy hiệu quả trung hòa gốc tự do DPPH của cao methanol rễ Me keo (EC50=54,704 µg/mL) thấp hơn vitamin C (EC50=6,307 µg/mL) 8,7 lần. Khả năng khử Fe3+ thành Fe2+ của rễ Me keo (EC50 = 26,66 µg/mL) thấp hơn chất chuẩn Trolox (EC50 = 11,21 µg/mL) là 1,93 lần. Rễ Me keo có khả năng kháng gốc tự do ABTS+ với hiệu suất đạt 88,7% khi nồng độ cao chiết rễ Me keo là 10 µg/mL. Hàm lượng polyphenol tổng (total polyphenol content, TPC) và flavonoid toàn phần (total flavonoid content, TFC) đo được của cao methanol rễ Me keo lần lượt là 56,682±0,76 mg GAE/g và 380,3±18,9 mg QE/g. Hiệu quả kháng oxy hóa in vivo trên chuột bị stress oxy hóa được xác định trên các cơ quan như tim, não và cơ xương, dựa trên việc xác định sự giảm hàm lượng malonyl dialdehyde (MDA). Kết quả cho thấy cao methanol rễ Me keo có hiệu quả giảm hàm lượng MDA tương đương thuốc thương mại glucophage.
Cơ chế kháng oxy hóa của các polyphenols
Tóm tắt
|
PDF
Lý thuyết phiếm hàm mật độ (DFT) với phiếm hàm B3LYP và bộ cơ sở 6-311++G(d,p) được sử dụng để đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa của baicalein, một polyphenol thuộc nhóm flavonoid. Những tính toán được thực hiện trong pha khí và trong một số dung môi có tính phân cực khác nhau như benzene, ethanol và nước. Các kết quả thu được góp phần làm sáng tỏ cơ chế kháng oxy hóa của các polyphenol đồng thời cung cấp lý thuyết cơ sở cho các nghiên cứu có liên quan trong tương lai.
Ổn định Hölder của bài toán điều khiển tối ưu bang-bang cho phương trình đạo hàm riêng elliptic nửa tuyến tính
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo nghiên cứu sự ổn định Hölder của một lớp các bài toán điều khiển tối ưu bang-bang cho các phương trình vi phân đạo hàm riêng elliptic nửa tuyến tính. Một điều kiện đủ tối ưu bậc hai mới cho lớp bài toán điều khiển tối ưu bang-bang được thiết lập. Điều kiện đủ tối ưu này được sử dụng để chứng minh các kết quả mới về tính ổn định Hölder cho lớp bài toán điều khiển đang khảo sát.
Chăn nuôi
Ảnh hưởng của việc bổ sung dịch tôm thủy phân và dịch mực thủy phân đến tăng trưởng của gà Nòi lai giai đoạn 5 – 12 tuần tuổi
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm khảo sát ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm dịch tôm hay dịch mực thủy phân vào khẩu phần thức ăn hỗn hợp lên tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của gà Nòi lai nuôi thịt 5-12 tuần tuổi. Thí nghiệm tiến hành với 150 gà Nòi Lai, được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, với 5 nghiệm thức, lặp lại 3 lần. Tất cả gà thí nghiệm được cho ăn thức ăn hỗn hợp (TAHH) có 16,02% protein thô và 3020 kcal ME/kg. Các nghiệm thức thí nghiệm gồm: NT1(100% TAHH), NT2(bổ sung 1% (vật chất khô) dịch tôm thủy phân kết hợp với 99% NT1), NT3 (bổ sung 2% (vật chất khô) dịch tôm thủy phân kết hợp với 98% NT1), NT4 (bổ sung 1% (vật chất khô) dịch mực thủy phân kết hợp với 99% NT1), NT5 (bổ sung 2% (vật chất khô) dịch mực thủy phân kết hợp với 98% NT1). Kết quả thí nghiệm cho thấy gà Nòi lai được nuôi bằng khẩu phần có 98% TAHH và bổ sung 2% dịch tôm thủy phân (NT3) có tổng lượng vật chất khô tiêu thụ cao nhất (53,28 g/con/ngày), tăng khối cao nhất (16,44 g/con/ngày) có ý nghĩa thống kê (P
Ảnh hưởng của bột lông vũ thủy phân trong thức ăn đến khả năng sinh trưởng của gà Ross 308 nuôi thịt thương phẩm
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của thí nghiệm nhằm xác định ảnh hưởng của bột lông vũ (BLV) thủy phân trong thức ăn (TA) đến khả năng sinh trưởng và năng suất thân thịt ở gà thịt. Tổng số 1760 con gà trống 1 ngày tuổi (Ross 308) được bố trí vào các nghiệm thức TA theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên. Bốn nghiệm thức là 4 mức sử dụng BLV trong TA, gồm (1) 0% BLV (BLV0, đối chứng-ĐC), 2% BLV (BLV2), 4% BLV (BLV4) và 6% BLV (BLV6). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 11 lần và có 40 con gà/đơn vị thí nghiệm. Kết quả cho thấy trong 2 tuần đầu, gà ăn BLV4 có tăng khối lượng hàng ngày (TKLHN) và hệ số chuyển hóa TA (HSCHTA) tương tự như gà BLV0 (P > 0,05). Qua 5 tuần thí nghiệm, khối lượng cơ thể của gà ăn BLV0 cao hơn gà ăn BLV2, BLV4 và BLV6 (P < 0,001). Tiêu thụ TA hàng ngày (TTTAHN) của gà ăn BLV0 tương tự (P > 0,05) như TTTAHN của gà ăn BLV2 và BLV4, nhưng cao hơn (P < 0,05) TTTAHN của gà ăn BLV6. Gà ăn TA chứa BLV có TKLHN thấp hơn và HSCHTA cao hơn gà ăn BLV0 (P < 0,05). Không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức về tỷ lệ các chỉ tiêu thân thịt, tỷ lệ các nội quan và tỷ lệ nuôi sống (P > 0,05). Tóm lại, sử dụng 2-6% BLV trong TA cho gà thịt trong 5 tuần đã làm giảm khả năng sinh trưởng của gà.
Công nghệ sinh học
Phân lập và tuyển chọn dòng vi khuẩn Lactobacillus có tiềm năng probiotic từ cây môn ngọt (Colocasia esculenta (L.) Schott)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra dòng Lactobacillus có những đặc tính tốt để sản xuất probiotic. Trong 18 dòng vi khuẩn được phân lập từ các mẫu môn ngọt (Colocasia esculenta (L.) Schott) trên môi trường MRS, có 7 dòng vi khuẩn có khả năng sống trong điều kiện pH = 2,5 và kháng được 3 loại kháng sinh: ampicilline, tetracyline và ofloxacine. Ba dòng NKC1, OML1 và OML2 có khả năng kháng vi khuẩn E. coli cao hơn so với 4 dòng còn lại. Khảo sát khả năng sinh enzyme ngoại bào, 7 dòng vi khuẩn trên có khả năng sinh 2 loại enzyme ngoại bào, trong đó, dòng OML2 sinh tổng hợp enzyme amylase cao nhất. Dòng OML2 có tiềm năng probiotic tốt nhất trong 18 dòng đã phân lập, do đó, dòng OML2 được định danh đến tên loài là Lactobacillus plantarum (99%), bằng phương pháp giải trình tự 16S rRNA, kết hợp với đặc điểm hình thái và sinh hóa.
Hiệu quả của vi khuẩn chịu mặn Burkholderia sp. PL9 và Acinetobacter sp. GH1-1 lên sinh trưởng và năng suất lúa LP5 trồng trên nền đất nhiễm mặn mô hình lúa-tôm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của hai dòng vi khuẩn Burkholderia sp. PL9 và Acinetobacter sp. GH1-1 phân lập từ đất lúa trong mô hình lúa tôm ở Sóc Trăng và Bạc Liêu lên sinh trưởng và năng suất lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 10 nghiệm thức và 4 lặp lại. Các chỉ tiêu về sinh trưởng, thành phần năng suất và năng suất lúa được thu thập. Kết quả cho thấy khi chủng với hai dòng vi khuẩn thử nghiệm riêng lẻ kết hợp với bón 50% N khuyến cáo và bón đủ phân lân và phân kali giúp chiều cao cây, chiều dài bông ở thời điểm thu hoạch (không áp dụng cho Acinetobacter sp. GH1-1) tương đương với nghiệm thức NPK khuyến cáo không chủng vi khuẩn. Ngoài ra, hai nghiệm thức này còn cho số bông/m2 tương đương (áp dụng cho Acinetobacter sp. GH1-1) và cao hơn (áp dụng cho Burkholderia sp. PL9) so với nghiệm thức bón NPK khuyến cáo không chủng vi khuẩn. Năng suất lúa thực tế của hai nghiệm thức này tương đương và không khác biệt thống kê so với nghiệm thức bón NPK khuyến cáo. Tóm lại, kết quả này cho thấy cả 2 dòng vi khuẩn thử nghiệm đều có khả năng cung cấp đến 50% phân đạm hóa học khuyến cáo cho cây lúa trồng trên nền đất nhiễm mặn.
Nông nghiệp
Đánh giá hiệu quả của xạ khuẩn và các chất kích kháng trong phòng trừ bệnh rỉ sắt do nấm Puccinia arachidis trên cây đậu phộng ở điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá khả năng phòng trừ của các chủng xạ khuẩn và chất kích kháng đối với bệnh rỉ sắt trên đậu phộng do nấm Puccinia arachidis. Ba chủng xạ khuẩn có khả năng tiết chitinase cao (BM15, 4A1 và 8.11.1) được đánh giá hiệu quả phòng trừ bằng 2 cách xử lý gồm phun trước khi lây bệnh một ngày và sau khi lây bệnh hai ngày. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên 2 nhân tố với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 3 chủng xạ khuẩn BM15, 4A1 và 8.11.1 thể hiện hiệu quả tương đương nhau với phần trăm diện tích lá bệnh thấp hơn và khác biệt ý nghĩa với đối chứng ở thời điểm 11 và 15 ngày sau khi chủng bệnh. Tuy nhiên, về tỉ lệ bệnh, chỉ có chủng xạ khuẩn 8.11.1 thể hiện hiệu quả. Hai phương pháp xử lý xạ khuẩn không khác biệt nhau về hiệu quả phòng trị bệnh. Thí nghiệm đánh giá hiệu quả của hai hóa chất kích kháng ở 3 nồng độ khác nhau gồm salicylic acid ( 0,5 mM; 1,0 mM and 1,5 mM bằng cách phun lên lá ở thời điểm 2 ngày trước khi lây bệnh) và calcium silicate (1,0 g/kg; 1,5 g/kg và 2,0 g/kg đất được tưới vào đất ở thời điểm 7 ngày trước khi lây bệnh). Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên 1 nhân tố với 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy sáu nghiệm thức xử lý đều thể hiện hiệu quả giảm bệnh ở một hoặc nhiều thời điểm, trong đó nghiệm thức calcium silicate nồng độ 1,0 g/kg đất thể hiện hiệu quả cao và ổn định qua các thời điểm.
Thủy sản
Hiện trạng và tiềm năng phát triển nuôi cầu gai ở vùng biển Kiên Giang, Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng khai thác và tiềm năng nuôi cầu gai (nhum) ở vùng biển Kiên Giang, Việt Nam. Để định danh loài, mẫu cầu gai được thu và vận chuyển sống về Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ để phân tích và phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lí, hộ khai thác cầu gai (34 hộ) ở 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải. Kết quả định danh loài bằng phương pháp hình thái và gen cho thấy có 5 loài: nhum sọ dừa (Tripneustes gratilla), nhum trắng (Echinotrix calamaris), cầu gai đen (Diadema setosum), cầu gai Salmacis sphaeroides và cầu gai Salmacis dussumieri phân bố phổ biến tại vùng biển Kiên Giang, trong đó có 3 loài có giá trị kinh tế là nhum sọ, nhum trắng và cầu gai đen. Kết quả điều tra cho thấy nghề khai thác cầu gai bắt đầu từ 2014, sản lượng khai thác trung bình khoảng 36.000 con/ngày, với số lượng 155±188 con/chuyến/hộ. Mùa vụ khai thác quanh năm. Chi phí đầu tư cho nghề khai thác cầu gai thấp khoảng 0,12 triệu đồng/hộ và lợi nhuận dao động lớn (0,15-6,0 triệu đồng/hộ/ngày), tỷ suất lợi nhuận là 23. Hiện nay, việc khai thác cầu gai ở Kiên Giang gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thị trường tiêu thụ không ổn định và nguồn lợi ngày càng suy giảm nên dẫn đến tiềm năng khai thác ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, tiềm năng nuôi cầu gai là rất lớn do điều kiện về diện tích mặt nước (206 km bờ biển) và giá trị kinh tế của loài rất cao.
Khảo sát hiệu suất và đặc tính gel của agar chiết xuất từ rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) thu trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Khảo sát các đặc tính gel của agar chiết xuất từ rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) thu trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau được thực hiện mỗi tháng, từ tháng 10/2016 đến tháng 9/2017. Kết quả cho thấy hiệu suất và chất lượng agar có sự biến động lớn qua các tháng thu mẫu và bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường và hàm lượng nitơ của rong câu chỉ. Hiệu suất agar dao động 18,23-32,97%, các tính chất gel của agar bao gồm sức đông từ 98,9-304,6 g/cm2, độ nhớt dao động 5,43 - 12,67 CPs, nhiệt độ đông 31,3-35,5oC và nhiệt độ tan đông 66,5-79,5oC. Trong đó, các yếu tố môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu suất và chất lượng agar. Kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy nhiệt độ và độ mặn có mối tương quan nghịch rất có ý nghĩa thống kê (p
Nghiên cứu khả năng sử dụng sinh khối Artemia ương cá tai tượng (Osphronemus goramy) giai đoạn giống
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sử dụng nguồn thức ăn sinh khối Artemia đông lạnh thay thế thức ăn viên để ương cá tai tượng (Osphronemus goramy) với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nuôi Artemia bằng việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có thải ra từ các ao nuôi thu trứng cho ương nuôi các loài cá bản địa. Sự thay thế thức ăn viên bằng sinh khối được bố trí tăng dần theo tỷ lệ 25% trong khẩu phần ăn (dựa vào khối lượng khô) tương ứng với 5 nghiệm thức gồm: 100% thức ăn viên (0A, đối chứng); 25% sinh khối +75% thức ăn viên (25A); 50% sinh khối +50% thức ăn viên (50A); 75% sinh khối +25% thức ăn viên (75A) và thay thế hoàn toàn 100% sinh khối (100A). Chiều dài và khối lượng ban đầu của cá là 2,65 cm/cá thể và 0,58 g/cá thể. Kết quả sau 45 ngày ương cho thấy, tăng trưởng về chiều dài của cá trong tất cả nghiệm thức có sự hiện diện của sinh khối Artemia trong khẩu phần ăn tốt hơn có ý nghĩa (p
Phân tích hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng điện trong nuôi tôm sú (Penaeus monodon) và thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh và quảng canh cải tiến ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả sản xuất và sử dụng điện của các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) và tôm sú thâm canh (TC) và quảng canh cải tiến (QCCT) để ước lượng nhu cầu sử dụng điện của các mô hình nuôi tôm này làm căn cứ cho phát triển hệ thống cung cấp và sử dụng điện trong nuôi tôm theo hướng bền vững. Kết quả cho thấy năng suất của mô hình nuôi tôm TCT lót bạt (47±19 tấn/ha/vụ) cao hơn tôm TCT nuôi trong ao đất (10±11 tấn/ha/vụ), mô hình nuôi tôm sú thâm canh (5±3 tấn/ha/vụ), và thấp nhất là mô hình tôm sú QCCT (0.39±0.23 tấn/ha/năm). Mô hình nuôi tôm TCT trong ao lót bạt có tiêu hao điện là 3.235 kW.h/tấn tôm (chi phí điện là 5.085 đồng/kg tôm) cao hơn so với nuôi tôm TCT trong ao đất là 2.914 kW.h/tấn tôm (4.514 đồng/kg tôm), nhưng thấp hơn mô hình nuôi tôm sú TC là 4.173 kW.h/tấn tôm (6.560 đồng/kg tôm); trong khi đó ao nuôi tôm sú QCCT không sử dụng điện.
Tăng trưởng, sinh hóa và huyết học của cá lóc (Channa striata) phân bố ở hạ nguồn sông Cửu Long dưới ảnh hưởng của sự xâm mặn
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá khả năng thích ứng của cá lóc dưới ảnh hưởng của sự xâm mặn ở hai tỉnh hạ lưu sông Cửu Long. Cá lóc (Channa striata) được nuôi thuần dưỡng và phân phối vào 9 vèo nuôi ở Phụng Hiệp – Hậu Giang và Thạnh Phú – Bến Tre để xác định ảnh hưởng của các điều kiện môi trường nuôi gồm nước ngọt (0‰), lợ nhẹ (5,0±1,4‰) và lợ vừa (11,5±2,5‰) lên sự tăng trưởng, huyết học và sinh hóa của cá. Cá được thu mẫu máu và cân đo ở 4 thời điểm: bắt đầu thí nghiệm, sau 30, 60 và 120 ngày nuôi. Kết quả cho thấy cá trong điều kiện lợ nhẹ có tăng trọng và tăng dài tốt nhất, ở mức 239,9±7,25g và 29,5±0,37cm (p
Giáo dục
Vai trò của Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ đối với hoạt động tự học của sinh viên
Tóm tắt
|
PDF
Tự học trong giáo dục đại học về mặt chuyển giao kiến thức, các kĩ năng và nâng cao khả năng tự học, góp phần cải tiến về kết quả học tập của người học ngày càng gia tăng. Nền kinh tế phát triển tạo ra những nhu cầu xã hội khác nhau với những yêu cầu về năng lực, phẩm chất và kiến thức. Vì thế, việc giúp sinh viên (SV) trở nên năng động và sáng tạo trong học tập và làm việc là cần thiết. Nghiên cứu về việc sử dụng thư viện nâng cao được khả năng tự học đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mục tiêu giáo dục của nhà trường trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 300 SV (150 SV năm 1 và năm 2; 150 SV năm 3 và 4), tại Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2018, nhằm trả lời cho hai câu hỏi nghiên cứu: SV nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của tự học đối với hoạt động học tập, nghiên cứu? Vai trò của thư viện với hoạt động tự học của SV? Kết quả nghiên cứu cho thấy SV có thái độ tích cực về hoạt động tự học thông qua việc sử dụng thư viện thường xuyên và dành thời gian tự học tập trung vào mùa thi.
Nhận thức của sinh viên về việc phát triển tư duy phản biện trong dạy học ngành sư phạm địa lí ở Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được dựa vào phương pháp tổng hợp (mixed method) trong việc thu thập và phân tích thông tin. Thông qua việc thu thập thông tin từ hoạt động nghiên cứu tư liệu, khảo sát, phỏng vấn và dự giờ, kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên (SV) có hiểu biết nhất định về tư duy phản biện (TDPB) và họ nhận thức khá tích cực về việc vận dụng TDPB trong dạy học chuyên ngành của mình. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng làm rõ một số khó khăn trong quá trình phát triển TDPB cho SV ngành Sư phạm (SP) Địa lí bao gồm việc vận dụng phương pháp dạy học truyền thống còn phổ biến, thiếu kiến thức chuyên ngành, hạn chế tư liệu học tập và yếu về kĩ năng mềm. Mặt khác, bài viết cũng phân tích một số đề xuất của SV về việc nâng cao nhận thức, bổ sung tư liệu, tạo môi trường học tập thuận lợi và rèn luyện kĩ năm mềm nhằm giúp họ có thể phát triển TDPB hiệu quả hơn.
Xã hội-Nhân văn
Các nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch tại quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại quần đảo Nam Du. Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp điều tra xã hội học, gồm thu thập dữ liệu thứ cấp từ Ủy ban nhân dân xã Nam Du và khảo sát 116 khách du lịch nội địa tại quần đảo Nam Du bằng bảng câu hỏi. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS qua công cụ thống kê mô tả, và phân tích nhân tố khám phá. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sáu nhân tố tác động đến sự phát triển du lịch ở quần đảo Nam Du. Nơi đây có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi như cảnh quan thiên nhiên đẹp, sóng êm đềm, bãi cát trắng cùng với ánh nắng tốt để phát triển du lịch biển. Ngoài ra, quần đảo Nam Du còn gìn giữ những phong tục tâm linh của cư dân vùng biển, có các lễ hội truyền thống của địa phương và nhiều di tích lịch sử - văn hóa khác góp phần thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch biển ở đây còn tự phát, tình trạng rác thải từ sinh hoạt, du khách và nước ngọt sử dụng là các vấn đề cần quan tâm cho vùng đảo này.
Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Bài nghiên cứu trình bày mức độ hài lòng và các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Thông tin học Trường Đại học Cần Thơ. Dựa trên các cơ sở các khái niệm, các văn bản pháp quy của Nhà nước về chất lượng đào tạo và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo và Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của mạng lưới các trường đại học hàng đầu Đông Nam Á (AUN-QA), nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (kết hợp khảo sát 53 nhà tuyển dụng và phỏng vấn 20 lãnh đạo các đơn vị có tuyển sinh viên làm việc đúng chuyên ngành). Nghiên cứu đã xác định 3 nhân tố có ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng. Đó là kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, và kiến thức. Nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao mức độ hài lòng và chất lượng đào tạo ngành Thông tin học Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu không những cần thiết cho riêng Trường Đại học Cần Thơ mà còn là cơ sở tham khảo hữu ích cho các đơn vị có đào tạo ngành Thông tin – Thư viện trong cả nước.
Thơ Trần Huiền Ân trên tạp chí Bách Khoa
Tóm tắt
|
PDF
Trần Huiền Ân là một trong số những cây bút đáng chú ý ở đô thị miền Nam trước 1975. Ông có khá nhiều thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, một tờ tạp chí rất nổi tiếng ở miền Nam lúc ấy. Bài viết nàykhảo sát thơ của Trần Huiền Ân trên Bách Khoa để đánh giá giá trị tác phẩm cũng như những đóng góp của tác giả đối với văn học ở đô thị miền Nam trước năm 1975. Thơ ông là tiếng nói của một trái tim chân thành, nồng ấm và cũng lắm suy tư. Ở đó, chúng ta bắt gặp những tình cảm về mái trường, gia đình, bạn bè, về quê hương, đồng bào... Thơ ông góp phần điểm tô thêm hương sắc cho thơ ca và cho văn học ở đô thị miền Nam, một bộ phận của văn học nước nhà.
Yếu tố kỳ ảo trong Kể Xong Rồi Đi của Nguyễn Bình Phương
Tóm tắt
|
PDF
Sử dụng yếu tố kỳ ảo là một trong những thủ pháp nghệ thuật giúp các nhà văn thể hiện quan niệm về cuộc sống và con người. Chất liệu kỳ ảo đã tạo nên những bước đột phá trong nghệ thuật tự sự đương đại. Nhiều cây bút văn xuôi Việt Nam đương đại những năm gần đây vẫn nỗ lực tìm kiếm và thể nghiệm sức biểu hiện cuộc sống của “cái kỳ ảo” trong văn học. Nguyễn Bình Phương là một trong số đó. Đặc biệt là trong tiểu thuyết ngắn Kể xong rồi đi, yếu tố kỳ ảo xuất hiện một cách đậm đặc, chi phối và ảnh hưởng đến nhiều phương diện của tác phẩm như: nghệ thuật xây dựng nhân vật; sự xuất hiện của các yếu tố, đồ vật, hiện tượng đặc biệt, kỳ lạ; thế giới biểu tượng và không gian, thời gian nghệ thuật. Với Nguyễn Bình Phương, yếu tố kì ảo đã trở thành một công cụ đắc dụng trong việc chuyển tải ý tưởng, một yếu tố không thể thiếu trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.
Kinh tế
Trách nghiệm xã hội doanh nghiệp: Mối quan hệ với hiệu quả hoạt động ở các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm xây dựng và kiểm định mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bằng cách sử dụng phương pháp kiểm định mô hình kết cấu trúc tuyến tính (structural equation modeling - SEM). Mối liên hệ này được xác định cả trực tiếp và gián tiếp, đồng thời kiểm định mối quan hệ phức hợp giữa các khái niệm nghiên cứu: trách nhiệm xã hội, hiệu quả hoạt động, lãnh đạo và lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có tác động tích cực đến lợi ích kinh doanh, lợi ích kinh doanh có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, lãnh đạo có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động khi sử dụng phong cách lãnh đạo chuyển đổi.
Tác động của văn hóa doanh nghiệp và quản trị chất lượng đến hiệu quả dự án tại các công ty lắp máy ở khu vực miền Trung
Tóm tắt
|
PDF
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được nghiên cứu từ năm 1992 với khái niệm đầu tiên là văn hóa nhóm, đến nay dưới tác động của toàn cầu hóa, VHDN đã được nghiên cứu thường xuyên ở các công ty đa quốc gia gọi là quản lý bằng văn hóa. Sự mở rộng thị trường mới trong lĩnh vực lắp máy đã tạo nên sự phát triển vượt bậc của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA), trong đó có sự góp công của các công ty Lắp máy khu vực miền Trung. Bài nghiên cứu này khảo sát mối quan hệ giữa VHDN, quản trị chất lượng toàn diện và hiệu quả dự án tại các công ty lắp máy khu vực miền Trung nơi mà các công ty trúng thầu các dự án lớn về lắp máy với những hợp đồng có giá trị cao. Dữ liệu thu thập từ 251 lao động tại các công ty lắp máy khu vực miền Trung của LILAMA được phân tích bằng cách sử dụng mô hình Sem. Kết quả cho thấy VHDN và quản lý chất lượng toàn diện có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả dự án, từ đó đề ra những biện pháp về công tác quản trị tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty lắp máy khu vực miền Trung của LILAMA và ứng dụng các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Kinh tế xã hội
Giải pháp hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Dựa vào cách tiếp cận chuỗi giá trị của Kaplinsky and Morris (2001), nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ 92 quan sát, bao gồm các tác nhân nông hộ, thương lái, nhà máy xay xát, công ty lương thực và tác nhân bán lẻ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chuỗi giá trị lúa gạo được vận hành thông qua 4 kênh thị trường chính. Trong đó, kênh 1 và kênh 4 là 2 kênh có vai trò quan trọng trong thị trường xuất khẩu (chiếm 47,83% sản lượng lúa gạo). Kênh 2 và kênh 3 tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa và tạo ra giá trị gia tăng (GTGT) khá cao. Trong các tác nhân tham gia chuỗi thì nông hộ luôn là tác nhân tạo ra GTGT và nhận được sự phân phối GTGT thuần cao nhất so với các tác nhân còn lại. Ngoài ra, nghiên cứu đề xuất 3 giải pháp hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo cho ngành nông nghiệp huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ bao gồm: (1) Xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao, (2) Nâng cao hệ thống dự báo nông nghiệp và thông tin thị trường; (3) Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông hộ.
Giá trị cảm nhận của du khách đối với dịch vụ du lịch hang động tại vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này tìm hiểu các yếu tố thành phần và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố thành phần này đến giá trị cảm nhận của du khách đối với dịch vụ du lịch hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Trên cơ sở mô hình nghiên cứu đề xuất kế thừa từ nghiên cứu giá trị cảm nhận của Petrick (2002) kết hợp với dữ liệu sơ cấp thu được từ 147 phiếu trả lời hợp lệ, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính cho thấy, chất lượng cảm nhận, giá cả hành vi, giá cả tiền tệ và phản ứng cảm xúc đều có tác động đến giá trị cảm nhận của du khách đối với dịch vụ du lịch hang động, trong đó chất lượng cảm nhận là yếu tố tác động lớn nhất và phản ứng cảm xúc là yếu tố ít tác động nhất đến giá trị cảm nhận tổng thể của khách du lịch.
Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng xoài tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Tịnh Biên là huyện có diện tích trồng xoài lớn thứ hai của tỉnh An Giang nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ xoài còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nông dân. Do vậy, nhu cầu nghiên cứu về tình hình sản xuất, tiêu thụ cũng như phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân, đặc biệt nông dân là rất cần thiết. Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn trực tiếp 56 nông dân trồng xoài, 03 thương lái/chủ vựa, 10 người bán lẻ và 11 người tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi xem xét về tổng lợi nhuận của từng tác nhân thì tổng lợi nhuận của tác nhân thương lái/chủ vựa là cao nhất với 94,91 tỷ đồng/năm chiếm 97,05%, kế đến là người sản xuất 2,090 tỷ đồng/năm, chiếm 2,14%, cuối cùng là người bán lẻ đạt 0,797 tỷ đồng/năm, chiếm 0,81%. Qua phân tích 5 kênh phân phối xoài cho thấy kênh tiêu thụ từ người sản xuất=>thương lái=>thương lái khác=>xuất khẩu=>người tiêu dùng ngoài nước là kênh có quy mô thị trường lớn và có tổng giá trị gia tăng thuần của toàn kênh cao, đạt 8.120 đồng/kg, trong đó người sản xuất hưởng được 5.700 đồng/kg, do đó kênh này được xem là kênh phân phối hiệu quả và cần tập trung phát triển. Bên cạnh đó, kênh tiêu thụ trực tiếp từ nông dân trồng xoài đến người tiêu dùng nội địa cũng cần được quan tâm thông qua gắn kết với phát triển du lịch sinh thái.
Quy trình chuẩn hóa, tính toán trong đánh giá mức độ phát triển bền vững tổng hợp cấp địa phương dựa trên bộ chỉ thị - Trường hợp tỉnh Hà Tĩnh
Tóm tắt
|
PDF
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng bộ chỉ thị giám sát, đánh giá phát triển bền vững cấp địa phương bao gồm nhiều chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực và biến động có ý nghĩa khác nhau. Đo lường thực trạng mức độ phát triển bền vững tổng hợp là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu đưa ra quy trình chuẩn hóa, tính toán trong đánh giá phát triển bền vững tổng hợp cấp địa phương: (i) Sử dụng phương pháp chuẩn hóa Min-Max để đưa giá trị các chỉ tiêu về miền giá trị [0,1] và có cùng ý nghĩa biến động trong đánh giá, sử dụng giá trị tham chiếu là mục tiêu hoặc giá trị xu hướng; (ii) Sử dụng số bình quân nhân giản đơn để tính toán chỉ số thành phần đại diện cho các nhóm chỉ tiêu; (iii) Sử dụng số bình quân nhân giản đơn tính chỉ số phát triển bền vững tổng hợp từ các chỉ số thành phần. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất thang chia 5 mức độ trong đánh giá phát triển bền vững. Nghiên cứu tính toán, đánh giá thử nghiệm cho trường hợp tỉnh Hà Tĩnh cho thấy tỉnh phát triển bền vững tổng hợp ở mức tương đối bền vững, nhưng mất cân đối giữa các chỉ số riêng. Quy trình chuẩn hóa, tính toán có cơ sở khoa học rõ ràng, có tính khả thi, hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi.