Ngày xuất bản: 29-08-2016
Công nghệ
Đánh giá một số giải thuật lấy nét tự động cho kính hiển vi quang học
Tóm tắt
|
PDF
Việc lấy nét ở các loại kính hiển vi quang học thông dụng thường được thực hiện thủ công nên mất nhiều thời gian và gây mỏi mắt cho người sử dụng. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng một hệ thống có thể điều chỉnh lấy nét tự động dựa vào các ảnh chụp của mẫu vật quan sát tại các vị trí lấy nét liền kề dọc theo trục quang học. Đề tài thực hiện đánh giá một số giải thuật lấy nét tự động thông dụng để có thể lựa chọn giải thuật phù hợp cho việc thiết kế hệ thống điều chỉnh lấy nét tích hợp vừa nêu. Tám giải thuật phổ biến đã được đánh giá dựa trên hai bộ ảnh sợi sơ dừa và sợi tảo được chụp khi quan sát bởi kính hiển vi quan sát ngược với thấu kính có độ phóng đại 10x. Kết quả cho thấy giải thuật sử dụng hàm tự tương quan để xác định độ nét cho kết quả tốt và có thể được sử dụng cho hệ thống điều chỉnh lấy nét tự động.
Công nghệ khử mặn hiệu quả cấp nước sinh hoạt cho các cụm dân cư nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Trong tình hình hạn và xâm nhập mặn như hiện nay, nghiên cứu này sẽ phân tích, đánh giá và lựa chọn loại công nghệ khử mặn hiệu quả nhất để làm ngọt hóa nguồn nước ngầm đang bị nhiễm mặn, nhằm đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt một cách đầy đủ và an toàn cho các cụm dân cư nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với việc kết hợp phân tích, so sánh các loại công nghệ khử mặn đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới, trong điều kiện và hoàn cảnh của ĐBSCL, nghiên cứu chỉ ra rằng công nghệ điện thẩm tách (Electrodialysis – ED) có tiềm năng ứng dụng cao nhất.
Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu lá trầu không (Piper betel L.), họ hồ tiêu (Piperace)
Tóm tắt
|
PDF
Lần đầu tiên, thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu lá Trầu không (Piper betel L.) thu hái tại tỉnh Hậu Giang được khảo sát. Tinh dầu lá trầu không được ly trích thành công bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước đạt hiệu suất 0,63%. Bằng phương pháp phân tích sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS), thành phần hóa học chính trong tinh dầu lá Trầu không được xác định là hợp chất 4-Allyl-1,2-diacetoxybenzene với hàm lượng 34,55%. Hoạt tính kháng vi sinh vật của tinh dầu được đánh giá bằng phương pháp pha loãng đa nồng độ để xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Kết quả thử hoạt tính kháng vi sinh vật cho thấy tinh dầu Trầu không có khả năng ức chế sự tăng trưởng của 3 chủng vi sinh vật: B. subtillis, F. oxysporum và A. niger với giá trị MIC lần lượt là 100, 200 và 200 μg/mL.
Xây dựng quy trình tính toán cấp phối bê tông thường và bê tông có sử dụng tro trấu
Tóm tắt
|
PDF
Phương pháp tính toán cấp phối theo phương pháp lèn chặt cho hai nguồn vật liệu phổ biến cho bê tông thường và phương pháp cho bê tông có sử dụng tro trấu được xây dựng trong nghiên cứu. Sự khác biệt cơ bản của phương pháp tính toán so với các phương pháp khác đó là thay vì sử dụng phương pháp thay thế một phần xi măng bằng các vật liệu pozzolan, phương pháp tính toán sử dụng các vật liệu pozzolan để lấp các lỗ rỗng giữa cốt liệu; kết quả là có thể tăng độ chặt của cốt liệu. Việc sử dụng phương pháp tính cấp phối bê tông theo phương pháp nghiên cứu là nhằm giảm lượng vữa xi măng xuống mức thấp nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về tính lưu động, cường độ cũng như độ bền của bê tông. Việc ứng dụng phương pháp tính toán sẽ mang lại nhiều ưu điểm như cải thiện cường độ và độ bền cho bê tông, và những ưu điểm cho môi trường như tận dụng những vật liệu phế thải, giảm lượng khí thải cacbonic.
Hệ thống ươm rau mầm sạch tự động
Tóm tắt
|
PDF
Rau mầm là sản phẩm nông nghiệp sạch cung cấp nhiều dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể con người và góp phần ngăn ngừa bệnh tật. “Hệ thống ươm rau mầm sạch tự động đa năng” có thể ươm tự động được nhiều loại rau mầm sạch khác nhau với chất lượng đảm bảo và rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm công sức lao động. Để xây dựng mô hình ươm rau mầm hoạt động hiệu quả cần phải nắm rõ các thông số về môi trường sinh trưởng lý tưởng của từng loại rau mầm để từ đó thiết kế hệ điều khiển tự động có thể điều khiển giả lập môi trường sinh trưởng nhân tạo và qui trình tưới nước hợp lý cho rau mầm. Hệ thống có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động theo nhiệt độ và độ ẩm môi trường được thiết lập sẵn hoặc hoạt động theo chu trình do người dùng thiết lập theo thời gian thực. Hệ thống được thiết kế mở cho phép người dùng có thể sử dụng mô hình này để làm thí nghiệm trong giảng dạy thực hành ươm mầm hoặc thực nghiệm một số loại rau mầm mới đang nghiên cứu.
Công nghệ thông tin
Đề xuất mô hình quản lý và trực quan hóa kết quả thống kê văn bản trực tuyến - ứng dụng trong phân tích xu hướng nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của bài viết là đề xuất mô hình quản lý và khai thác hữu hiệu các dữ liệu phong phú, đa dạng đang tồn tại dưới dạng các văn bản, bảng tính của một tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất giải pháp công nghệ cụ thể dựa trên các nền tảng Big Data phổ biến, bao gồm: (1) HDFS (Hadoop Distributed File System) của Hadoop dùng trong quản lý tập tin, (2) Lucene để lập chỉ mục nghịch đảo (Inverted Index) cho văn bản và (3) Apache Solr hỗ trợ cơ chế quản lý chỉ mục nghịch đảo, tìm kiếm toàn văn và một số chức năng tìm kiếm nâng cao. Bài viết cũng trình bày kết quả thực nghiệm, tổng hợp kết quả và trình bày biểu đồ thống kê của việc áp dụng mô hình trong phân tích xu hướng nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Cần Thơ.
Môi trường
Đặc tính bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy sản xuất bia và chế biến thủy sản
Tóm tắt
|
PDF
Việc để tồn đọng các chất thải từ nhà máy bia và chế biến thủy sản sẽ gây tác hại cho môi trường. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá đặc tính hóa học và dinh dưỡng của bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia và chế biến thủy sản để tái sử dụng làm phân hữu cơ. Các mẫu bùn thải bia được thu tại nhà máy bia ở tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Bạc Liêu; bùn thải thủy sản được thu ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, và Bạc Liêu để phân tích các chỉ tiêu hóa học và dinh dưỡng. Kết quả phân tích cho thấy, giá trị pH của bùn thải bia đạt ở mức gần trung tính (6,15-7,6), độ dẫn điện EC dao động từ 2,1 đến 4,56 mS/cm phù hợp cho ủ phân hữu cơ. Hàm lượng chất hữu cơ khá cao (21,53-42,81%C). Hàm lượng đạm tổng số và lân tổng số cao nhưng K tổng số thấp với các giá trị lần lượt là 1,81-4,65%N; 3,31-7,29%P2O5; 0,16-0,74%K2O. Độc tố Cd, Pb và mật số Salmonella trong bùn thải đều dưới ngưỡng cho phép theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng mật số E.coli và Coliform vượt ngưỡng cho phép. Hàm lượng của các nguyên tố vi lượng (Mnts, Znts, Cuts) đều được đánh giá phù hợp cho ủ phân hữu cơ. Do đó, bùn thải bia và bùn thủy sản được thu tại một số nhà máy sản xuất bia và chế biến thủy sản trong nghiên cứu này phù hợp cho việc nghiên cứu tái sử dụng làm phân hữu cơ.
Ứng dụng ảnh viễn thám modis trong phân vùng canh tác lúa có ảnh hưởng của điều kiện khô hạn và ngập lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài ứng dụng chỉ số khác biệt thực vật NDVI để giám sát biến động cơ cấu mùa vụ; chỉ số khô hạn thực vật TVDI để ước lượng độ ẩm của đất bề mặt; và phân loại chuỗi đa thời gian các giá trị EVI, LSWI và DVEL để thành lập bản đồ phân bố ngập lũ. Thông qua việc phân loại chuỗi dữ liệu MODIS đa thời gian từ năm 2000 đến 2011, nghiên cứu đã xác định được các vùng canh tác lúa thường xuyên chịu ảnh hưởng của khô hạn hay ngập lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu cũng xác định được các mô hình canh tác lúa phù hợp trên 9 phân vùng sinh thái nông nghiệp đồng thời đưa ra giải pháp theo hướng tiếp cận mới áp dụng tích hợp các thuật toán tính toán các chỉ số NDVI, TVDI và LSWI để giám sát các biến động về cơ cấu mùa vụ liên quan đến những tác động do khô hạn và ngập lũ. Bộ dữ liệu về cơ cấu mùa vụ, khô hạn và ngập lũ vùng ĐBSCL và phương pháp tiếp cận bằng công nghệ viễn thám được đề xuất trong nghiên cứu này là hữu ích và có thể áp dụng được trong thực tiễn quản lý nông nghiệp và qui hoạch sử dụng đất của vùng.
Đánh giá việc sử dụng ba loại ảnh có độ phân giải trung bình và thấp trong việc xác định sự phân bố và ước tính sinh khối bốn loại rừng ngập mặn khu vực xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Rừng ngập mặn có vai trò và chức năng to lớn trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng ven biển, đồng thời rừng còn có vai trò điều hòa khí hậu, giảm lượng khí nhà kính và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó việc ước tính sinh khối rừng là rất cần thiết trong công tác quản lý rừng. Nghiên cứu thực hiện sử dụng 03 loại ảnh viễn thám độ phân giải thấp gồm ảnh MODIS, SPOT và LANDSAT với phương pháp tạo ảnh chỉ số thực vật NDVI (Normalized Difference Vegetation Index) nhằm xác định hiện trạng phân bố rừng ngập mặn thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với 4 loại rừng gồm rừng đước, rừng mắm, rừng hỗn giao và rừng kết hợp thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy với 3 loại ảnh được sử dụng để xác định hiện trạng rừng, ảnh SPOT và ảnh LANDSAT có độ tin cậy là 94,72% và 96,14% cao hơn so ảnh MODIS với độ tin cậy 34,3%. Tổng diện tích rừng phân bố là 9.555,21 ha trong đó rừng đước kết hợp với thủy sản chiếm diện tích cao nhất chiếm 48,48%; kế đến là diện tích rừng đước và rừng mắm chiếm 27,2% và 20,6% tổng diện tích và thấp nhất là rừng hỗn giao với 4,25% tổng diện tích phân bố. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định hàm lượng sinh khối tươi của từng loài rừng dựa theo các cấp tuổi và cấp đường kính khác nhau, trữ lượng sinh khối cao nhất phân bố trên rừng mắm với khoảng 214,92 kg/ha/năm, kế đến là sinh khối của rừng đước với 188,42 kg/ha/năm và thấp nhất phân bố trên rừng đước kết hộ với thủy sản là 113,05 kg/ha/năm (với tỉ lệ rừng:tôm là 6:4).
Ứng dụng mô hình thủy lực một chiều (1D) kết hợp với hai chiều (2D) trên đoạn Sông Hậu
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu trình bày việc phát triển mô hình thủy lực hai chiều (2D) kết nối vào trong mô hình 1 chiều (1D) bằng phần mềm HEC-RAS mới (phiên bản 5.0) trên một đoạn sông thuộc nhánh sông Hậu chảy dọc thành phố Cần Thơ. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá khả năng áp dụng mô hình thủy lực 2D kết nối trong mô hình thủy lực 1D trên đoạn sông nghiên cứu, nhằm cung cấp thông tin cụ thể hơn về đặc tính thủy lực của dòng chảy (hướng dòng chảy, vận tốc dòng chảy tại từng vị trí) vào mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2012). Các thông số đầu vào của khu vực 2D được xuất từ kết quả của mô hình 1D (đã hiệu chỉnh và kiểm định). Nghiên cứu cũng là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp sau về tác động của dòng chảy đến địa mạo của sông.
Tự nhiên
Phân tích hồi quy xu thế và một áp dụng thú vị
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết giới thiệu một phương pháp phân tích thống kê được áp dụng phù hợp cho các dữ liệu có tính tuần hoàn, “mùa vụ”. Dữ liệu sẽ được mô hình hoá theo dạng mô hình hồi quy xu thế, được thiết lập dựa trên biến thời gian và các biến “giả mùa”. Phương pháp được áp dụng minh họa rất thú vị trên bộ dữ liệu kinh doanh của căn tin Văn phòng Đoàn Trường Đại học Cần Thơ. Chúng tôi cũng thử áp dụng bộ dữ liệu này với mô hình ARIMA, một mô hình rất hay dùng trong phân tích chuỗi thời gian.
Nghiên cứu chiết xuất, khảo sát thành phần hóa học và bước đầu ứng dụng tinh dầu tràm trà (Melaleuca alternifolia) trong sản xuất nước súc miệng
Tóm tắt
|
PDF
Từ lá và thân non của cây Tràm trà (Melaleuca alternifolia) trồng tại tỉnh Tiền Giang, tinh dầu Tràm trà (TTO) được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Quy trình chiết xuất được khảo sát theo thời gian, nhiệt độ chưng cất và thời gian lưu trữ nguyên liệu. Thành phần hóa học và hàm lượng các hoạt chất trong tinh dầu đã được xác định bằng phương pháp phân tích hiện đại GC-MS. Tinh dầu sau chưng cất được sử dụng làm thành phần sát khuẩn chính trong sản phẩm nước súc miệng. Kết quả cho thấy, nhiệt độ và thời gian tối ưu để chưng cất tinh dầu là ở 100oC, trong 100 phút, hiệu suất chưng cất trung bình đạt 4,91% (wt/wt). Các thành phần chính trong tinh dầu gồm Terpinen-4-ol (36%), γ-Terpinene (17,8%), 1,8-Cineole (10%), các thành phần này đều đạt tiêu chuẩn ISO 4730:2004. Sản phẩm nước súc miệng thu được có khả năng kháng khuẩn trên các chủng Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa tương đương với nước súc miệng thương mại. Kết quả này góp phần tạo hướng ứng dụng mới cho tinh dầu Tràm trà, qua đó giúp tăng giá trị cây Tràm trà ở Việt Nam.
Dẫn liệu đầu tiên về ốc cạn ở một số đảo thuộc huyện Kiên Hải - tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Mẫu ốc cạn được thu định tính và định lượng vào tháng 10, 11 năm 2013 và tháng 10 năm 2014, ở 49 địa điểm trên 3 đảo (Hòn Tre, Lại Sơn và An Sơn), trong 4 sinh cảnh (rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây ngắn ngày). Qua phân tích 4.471 cá thể ốc cạn, trong đó có 833 cá thể thu ở 102 ô định lượng, đã xác định được 25 loài thuộc 20 giống, xếp vào 12 họ, 3 bộ và 2 phân lớp. Trong số các loài trên, có 2 loài mới gặp ở Việt Nam (Quirosella knudseni Clench, 1958; Pleurodiscus balmei (Potiez & Michaud, 1838)), 9 loài mới được ghi nhận lần đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long và 6 taxa chưa xác định được tên khoa học đến loài (Platyraphe sp., Megaustenia sp., Haploptychius sp.1, Haploptychius sp. 2, Oxyloma sp., Semperula sp.). Phân lớp ốc có phổi có số loài phong phú nhất (chiếm 76% tổng số loài), họ Cyclophoridae và Camaenidea có nhiều loài nhất (mỗi họ có 5 loài). Khu hệ ốc cạn các đảo ở khu vực nghiên cứu có xu hướng gần với khu hệ ở các nước lân cận hơn phía Bắc nước ta. Thành phần loài, chỉ số đa dạng và mật độ ốc cạn giảm dần ở các đảo từ gần đến xa đất liền, 2 loài Cyclotus fasciatus Von Martens, 1864 và Quantula striata (Gray, 1834) chiếm ưu thế tuyệt đối về mật độ trên tất cả các đảo trong khu vực nghiên cứu.
Nghiên cứu lý thuyết sự tương tác của oxaliplatin với guanine và guanosine
Tóm tắt
|
PDF
Việc nghiên cứu tìm ra các dẫn xuất mới của platinium có hiệu quả hơn trong điều trị ung thư đã nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Oxaliplatin được đánh giá là dẫn xuất có hoạt tính kháng u trên các loại ung thư đề kháng với cisplatin thông qua các thử nghiệm in vitro và in vivo. Tuy nhiên, các nghiên cứu về cơ chế hoạt động của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong nghiên cứu này, các phương pháp tính toán hóa lượng tử sẽ được sử dụng nhằm khảo sát sự tương tác giữa các sản phẩm thủy phân của oxaliplatin với phần base trong DNA cụ thể là guanine và guanosine. Phiếm hàm B3LYP cùng với các bộ hàm cơ sở thích hợp được sử dụng để khảo sát các tham số nhiệt động, cấu trúc điện tử, đặc điểm liên kết và tính chất quang phổ của các phức này. Kết quả tính toán cho thấy các tương tác này bị chi phối bởi các hiệu ứng có đặc trưng tĩnh điện cụ thể ở đây là liên kết Hydro. Hơn nữa, còn tồn tại một dòng điện tích dịch chuyển từ nguyên tử hydro của các phối tử sang nguyên tử oxy của guanine giúp ổn định các cấu trúc tạo thành.
Chăn nuôi
Khảo sát ảnh hưởng của việc bổ sung premix khoáng - vitamin lên sinh lý máu và tăng trọng heo thịt từ 40 kg đến xuất chuồng
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của việc bổ sung premix khoáng – vitamin lên các chỉ tiêu sinh lý máu và tăng trọng của heo thịt. Thí nghiệm được khảo sát trên 2 nhóm heo (08 con) có hoặc không có bổ sung premix khoáng-vitamin. Heo có khối lượng trung bình đầu kỳ 40 ± 1,26 kg. Các chỉ tiêu theo dõi gồm có chỉ số huyết học và các chỉ tiêu về tăng trưởng: khối lượng cuối thí nghiệm, sinh trưởng tích lũy, sinh trưởng tuyệt đối, hệ số chuyển hóa thức ăn. Kết quả thí nghiệm được ghi nhận như sau: Số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu không có sự khác biệt (p>0,05) giữa 2 nhóm heo, trong khi đó số lượng hồng cầu (p= 0,14) và dung tích hồng cầu (p= 0,13) có khuynh hướng cao hơn ở nhóm heo có bổ sung premix khoáng – vitamin. Khối lượng cuối thí nghiệm (kg/con), sinh trưởng tích lũy (kg/con), sinh trưởng tuyệt đối (g/con/ngày) của heo ở NT bổ sung premix khoáng-vitamin cao hơn so với NT ĐC (p< 0,05), lần lượt là 90 kg/con, 58,67 kg/con và 733,33 g/con/ngày so với 96,33 kg/con, 56,67 kg/ con và 708 g/con/ngày. Ngược lại, hệ số chuyển hóa thức ăn của nhóm heo có bổ sung premix (2,9) thấp hơn NT ĐC (3,0). Tóm lại, bổ sung premix khoáng và vitamin vào khẩu phần của heo thịt không những cải thiện khả năng tăng trọng, hệ số chuyển hóa thức ăn của heo, mà còn thay đổi số lượng và dung tích hồng cầu.
Công nghệ sinh học
Ứng dụng bromelain để sản xuất bột giàu đạm amin từ vỏ đầu tôm (Litopenaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài nghiên cứu “Ứng dụng bromelain để sản xuất bột giàu đạm amin từ vỏ đầu tôm thẻ Litopenaeus vannamei)” được thực hiện nhằm sản xuất bột giàu đạm amin từ protein vỏ đầu tôm. Kết quả khảo sát (nguyên liệu thô ban đầu cho thấy hàm lượng protein tổng số và ẩm độ của vỏ đầu tôm thẻ nguyên liệu lần lượt là 15,31% và 74,78%, và dịch trích bromelain từ vỏ khóm có hoạt tính đặc hiệu là 10,68 U.mg - 1. Việc khảo sát sự ảnh hưởng của nồng độ, nhiệt độ, thời gian và pH đến quá trình thủy phân protein vỏ đầu tôm cho thấy rằng 2 gram cơ chất vỏ đầu tôm được thủy phân bằng bromelain (10,68 U.mg – 1) từ vỏ khóm trong môi trường dung dịch đệm phosphate pH 8, nhiệt độ 450C trong 4 giờ là điều kiện thích hợp với hàm lượng đạm amin và đạm ammoniac sinh ra lần lượt là 4,679 ± 0,101 mgN/mL và 0,256 mgN/mL. Kết quả phân tích khối lượng phân tử protein bằng phương pháp điện di SDS - PAGE cũng cho thấy phần lớn protein vỏ đầu tôm được thủy phân hiệu quả bởi bromelain vỏ khóm và tạo ra sản phẩm thủy phân với những đoạn polypeptide ngắn có khối lượng phân tử phần lớn nhỏ hơn 14,4 kDa.
Công nghệ thực phẩm
Thay đổi đặc tính lý hóa của củ tỏi trong quá trình thuần thục và tồn trữ
Tóm tắt
|
PDF
Hoạt động thu hoạch và sau thu hoạch củ tỏi đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp sản phẩm tỏi chất lượng cho thị trường rau củ tươi và chế biến. Các nghiên cứu tiến hành khảo sát ảnh hưởng của (i) thời gian tăng trưởng (120-140 ngày sau khi gieo), (ii) nhiệt độ tồn trữ (0, 5 và 20oC cùng với nhiệt độ phòng 28-30oC) và (iii) các loại bao bì (vải lưới, polyethylene và thùng carton) đến chất lượng củ tỏi (trồng ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian thu hoạch tỏi phù hợp (tốt nhất) trong khoảng 130 đến 135 ngày sau khi gieo, củ tỏi có cấu trúc săn chắc và tốc độ hô hấp thấp. Trong suốt các giai đoạn thuần thục, chất lượng củ tỏi có những biến đổi đáng kể. Củ tỏi được bảo quản trong bao bì vải lưới ở nhiệt độ 0oC có khả năng duy trì tốt chất lượng khoảng 6 tháng.
Nông nghiệp
Hiệu quả của liều lượng tia gamma 60Co trên sự sinh trưởng của cụm chồi hoa huệ (Polianthes tuberosa L.) in vitro, sự xuất hiện các cấu trúc bất thường và xác định LD50
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu “Hiệu quả của liều lượng tia gamma 60Co trên sự sinh trưởng của cụm chồi hoa huệ (Polianthes tuberosa L.) in vitro, sự xuất hiện các cấu trúc bất thường và xác định LD50” được thực hiện nhằm đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của chồi hoa huệ được xử lý tia gamma 60Co. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các liều chiếu xạ ảnh hưởng trên sự sinh trưởng của chiều cao chồi, số chồi và số lá. Liều chiếu càng cao sự sinh trưởng các thông số này càng giảm. Trừ liều 5 Gy, hầu hết các liều còn lại đều gây ra các cấu trúc bất thường trong nuôi cấy in vitro. Điều này hy vọng sẽ có nhiều biến dị kiểu hình khi trồng ngoài đồng. Giá trị LD50 đạt được ở các liều xử lý chiếu xạ tia gamma 60Co là 21,88 ± 3,52 Gy.
Nghiên cứu tạo chế phẩm từ Trichoderma sp. kiểm soát bệnh thán thư do Colletotrichum spp. gây ra trên cây ớt (Capsicum frutescens)
Tóm tắt
|
PDF
Bệnh thán thư là nguyên nhân gây thiệt hại lớn trên ớt cay (Capsicum frutescens) hằng năm. Trong xu hướng nông nghiệp hữu cơ, kiểm soát bệnh thán thư bằng Trichoderma là giải pháp đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Kết quả phân lập từ các mẫu ớt bệnh thán thư cho thấy Colletotrichum truncatum và Colletotrichum acutatum là các tác nhân gây bệnh thán thư phổ biến trên cây ớt tại Bình Dương. Trong số 16 chủng Trichoderma spp. phân lập được từ các khu vực trồng rau màu tại Bình Dương, ba chủng Trichoderma (Trichoderma koningii T2.2, T. koningii T4 và T. koningii T5.1) có khả năng đối kháng tốt nhất với các chủng Colletotrichum spp. phân lập được. Chế phẩm bào tử từ các chủng Trichoderma chọn lọc có khả năng hạn chế bệnh thán thư trên trái ớt cao hơn 58,4 % so với việc sử dụng các chế phẩm phòng trừ nấm khác. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tính khả thi của việc ứng dụng chế phẩm từ bào tử nấm Trichoderma trong việc phòng trừ bệnh thán thư trên cây ớt.
Nghiên cứu chọn giống lúa thơm không ảnh hưởng quang kỳ, năng suất cao, phẩm chất tốt
Tóm tắt
|
PDF
Giống lúa Nàng Thơm là giống lúa mùa được trồng phổ biến tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Giai đoạn trổ hoa, giống lúa này bị ảnh hưởng bởi ánh sáng đèn cao áp dọc đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Để giải quyết vấn đề trên, một bộ giống lúa thơm gồm 10 giống/dòng lúa đã được trồng thử nghiệm. Thí nghiệm được thực hiện trong 3 vụ mùa từ năm 2012 đến năm 2014 theo quy phạm khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa (10 TCN 558-2002). Kết quả thí nghiệm chọn được 2 dòng lúa ưu tú TLA1 và TLA4, năng suất từ 5,80 đến 6,50 tấn/ha, hàm lượng amylose thấp < 20%, hàm lượng protein cao > 7% và các dòng này đều thể hiện tính chống chịu với sâu bệnh tốt.
Hiệu quả của Benzyl Adenine (BA) và Indole-3-Butyric Acid (IBA) trên sự tái sinh chồi từ gốc t
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện nhằm tìm ra nồng độ chất điều hòa sinh trưởng (BA và IBA) phù hợp cho sự tái sinh chồi từ tử diệp trên 3 giống khổ qua khác nhau. Nghiên cứu được thực hiện trên ba thí nghiệm. Thí nghiệm 1 tái sinh chồi trực tiếp từ tử diệp khổ qua. Thí nghiệm 2 nhân chồi. Thí nghiệm 3 tạo rễ. Kết quả thí nghiệm cho thấy: (1) Môi trường MS bổ sung BA 1,0 mg/Lvà giống khổ qua Jupiter 25 cho hiệu quả tái sinh chồi tốt. (2) Môi trường MS bổ sung BA 0,2 mg/L cho hiệu quả nhân chồi tốt. (3) Môi trường MS + than hoạt tính 2 g/L + IBA 1,0 mg/L thích hợp tạo rễ cho chồi khổ qua giống Jupiter 25 in vitro.
Thực trạng sản xuất và định hướng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp và định hướng quy hoạch sử dụng đất tại huyện Ba Tri, Bến Tre. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra thu thập số liệu, đánh giá thích nghi đất đai FAO và mô hình toán để xây dựng kế hoạch sử dụng đất tối ưu. Kết quả đánh giá thích nghi đã chia đất nông nghiệp của huyện Ba Tri thành 3 vùng thích nghi đáp ứng cho 5 kiểu sử dụng đất đai hiện tại như lúa 3 vụ, chuyên màu, chuyên dừa, chuyên tôm và muối. Đề tài đã đề xuất được phương án kế hoạch quy hoạch sử dụng đất với tối ưu hoá tổng thu nhập và định hướng cho sản lượng sản phẩm nông nghiệp bố trí cho 5 kiểu sử dụng đất: Vùng I thích nghi cho lúa 3 vụ, chuyên dừa khoảng 12.091 ha. Vùng II thích nghi cho lúa 3 vụ, chuyên màu khoảng 4.475 ha. Vùng III thích nghi cho chuyên màu khoảng 4.983 ha. Vùng IV thích nghi cho lúa 3 vụ khoảng 1.572 ha. Vùng V thích nghi cho chuyên màu, chuyên dừa khoảng 507 ha. Vùng VI thích nghi cho chuyên tôm khoảng 5 ha. Vùng VII thích nghi cho chuyên tôm, muối khoảng 2.143 ha. Kết quả nghiên cứu giúp địa phương hoạch định chính sách tốt nhất cho quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp trong tương lai. Thêm vào đó, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho nông dân để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Chọn lọc các dòng mô sẹo chống chịu mặn của giống đậu nành MTĐ 760-4 bằng xử lý tia gamma
Tóm tắt
|
PDF
Stress mặn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, năng suất và phẩm chất của đậu nành. Sự tạo đột biến bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma kết hợp với chọn lọc in vitro trên môi trường nuôi cấy có bổ sung muối NaCl đã được thực hiện trên mô sẹo giống đậu nành MTĐ 760-4 nhằm tạo nên các dòng mô sẹo có khả năng chống chịu mặn. Kết quả cho thấy, ở nồng độ mặn 2,5 g/L mô sẹo đậu nành sinh trưởng bình thường. Sự chống chịu mặn 5 g/L đạt được khi nuôi cấy mô sẹo không chiếu xạ và mô sẹo được chiếu xạ với liều từ 5-40 Gy trên môi trường chọn lọc với muối NaCl 5 g/L sau 4 lần chọn lọc. Mô sẹo chống chịu mặn đến 7,5 g/L khi được chọn lọc ở liều chiếu xạ 5 Gy. Hàm lượng proline tích lũy cao trong các dòng mô sẹo chịu mặn ở môi trường chứa muối 5 và 7,5 g/L.
Đánh giá hiệu quả của thực khuẩn thể trong phòng trừ bệnh thối hạt trên lúa do vi khuẩn Burkholderia glumae
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thực khuẩn thể (TKT) trong phòng trừ bệnh thối hạt lúa gây ra bởi vi khuẩn Burkholderia glumae được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới. Trong điều kiện in vitro, khi đánh giá khả năng thực khuẩn của sáu dòng TKT bao gồm ФHG17, ФVL30, ФVL34, ФVL39, ФAG58 và ФAG60 đối với vi khuẩn Burkholderia glumae Bur CT4, kết quả cho thấy hai dòng TKT ФHG17 và ФVL34 có đường kính phân giải vi khuẩn cao hơn so với bốn dòng TKT còn lại. Trong điều kiện nhà lưới, tất cả sáu dòng TKT đều thể hiện hiệu quả giảm bệnh thối hạt khi phun huyền phù TKT với mật số 108 pfu/ml hai giờ trước khi lây bệnh nhân tạo. Dòng TKT ФVL34 cho hiệu quả giảm bệnh thối hạt ổn định cao nhất thông qua tỷ lệ bệnh và cấp bệnh thấp kết hợp với năng suất cao hơn, hiệu quả tiếp theo là dòng TKT ФVL39 và ФAG58. Hiệu quả giảm bệnh liên quan tới sự nhân mật số của TKT trên bề mặt cây trồng sau khi áp dụng.
Ảnh hưởng của canxi clorua phun qua lá đến hiện tượng nứt trái, năng suất và phẩm chất chôm chôm Rongrien (Nephelium lappaceum Linn)
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của canxi clorua phun qua lá đến hiện tượng nứt trái, năng suất và phẩm chất chôm chôm Rongrien (Nephelium lappaceum Linn) tại xã Nhơn Ái – huyện Phong Điền – Thành phố Cần Thơ, mùa vụ 2015 trên cây chôm chôm 5 năm tuổi. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm có 5 nghiệm thức là 5 nồng độ CaCl2 (0; 0,5; 1,0; 2,0 và 4,0%), mỗi nghiệm thức có 10 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại tương ứng một cây. Lượng phân vô cơ sử dụng trên tất cả các nghiệm thức là như nhau, được chia làm 4 lần bón: đợt 1 (sau thu hoạch) 0,32 kg N-0,23 kg P2O5/cây, đợt 2 (trước khi ra hoa 1 tháng): 0,1 kg N-0,1 kg P2O5 -0,075 kg K2O/cây, đợt 3 (khi cây đậu trái): 0,1 kg N-0,1 kg P2O5-0,075 kg K2O/cây, và đợt 4 (khi cây mang trái): 0,12 kg K2O/cây. Kết quả cho thấy thấy phun CaCl2 qua lá có ảnh hưởng đến hiện tượng nứt trái qua việc gia tăng hàm lượng Ca2+ tổng số và độ dày vỏ trái. Phun 2,0-4,0% CaCl2 sau khi hoa nở 8 tuần (phun 4 lần, khoảng cách hai lần phun là 15 ngày) làm giảm tỷ lệ nứt trái chôm chôm Rongrien 1,7- 2,2 lần, đồng thời làm giảm tỷ lệ rò rỉ ion 1,62 -1,73 lần so với đối chứng. Tuy nhiên, phun nồng độ CaCl2 4,0% làm giảm năng suất và độ Brix thịt trái so với nghiệm thức đối chứng.
Phytophthora cinnamomi Rands gây thối rễ và loét thân cây bơ ở miền Đông Nam Bộ
Tóm tắt
|
PDF
Bệnh thối rễ và loét thân gây bởi Phytophthora là dịch hại quan trọng của cây bơ (Persea americana Miller) và là yếu tố giới hạn sản xuất đối với nhiều vùng trồng bơ trên thế giới. Nghiên cứu này nhằm xác định loài Phytophthora gây bệnh thối rễ và loét thân trên cây bơ ở một số khu vực trồng ở miền Đông Nam bộ. Một đợt khảo sát tình hình bệnh trên vườn bơ ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (BRVT) và Đồng Nai đã được tiến hành trong năm 2015. Từ 980 cây khảo sát, đã ghi nhận được 48 cây có các triệu chứng của thối rễ và loét thân với tỷ lệ nhiễm trung bình 4,90%. Cây bị nhiễm bệnh bao gồm các giống địa phương và nhập nội. 48 mẫu bệnh, trong đó có 15 mẫu rễ và 33 mẫu vỏ thân cây, được thu thập và phân lập trên môi trường chọn lọc BNPRAH. Từ các mẫu phân lập, một loài Phytophthora được xác định là Phytophthora cinnamomi Rands dựa trên hình thái học, trắc nghiệm khả năng lây nhiễm theo quy tắc Koch và phân tích DNA. Sản xuất bơ đã được mở rộng nhanh chóng trong 5 năm qua ở nước ta và hiện nay đây là cây trồng cho thu nhập cao của nhà vườn địa phương. Bệnh thối rễ và loét thân có thể trở thành yếu tố đe dọa đến sự phát triển bền vững của sản xuất bơ ở Việt Nam.
Thủy sản
Sự phát triển và ảnh hưởng của vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens trong môi trường nuôi Artemia ở độ mặn cao
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đánh giá sự phát triển của vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens ở điều kiện độ mặn cao và ảnh hưởng của việc bổ sung vi khuẩn này trong môi trường nuôi Artemia franciscana. Trong thí nghiệm 1, vi khuẩn B. amyloliquefaciens được nuôi ở các độ mặn 15‰ (đối chứng), 80‰, 85‰, 90‰, 95‰ và 100‰ với mật độ 106 CFU/mL. Kết quả sau 10 ngày nuôi cho thấy vi khuẩn B. amyloliquefaciens có khả năng sinh trưởng và phát triển ở độ mặn cao nhất là 90‰ (3,02±0,01 log CFU/mL). Thí nghiệm 2 nghiên cứu khả năng cải thiện các yếu tố môi trường nước và nền đáy của vi khuẩn B. amyloliquefaciens trong điều kiện nuôi Artemia ở độ mặn 90‰, có nền đáy bùn hoặc không có nền đáy bùn. Artemia được nuôi với mật độ 100 con/L và cho ăn bằng thức ăn tôm sú số 0. Sau 15 ngày nuôi, tỉ lệ sống của Artemia (74,8%) và tỉ lệ bắt cặp (83,3%) ở nghiệm thức bổ sung vi khuẩn B. amyloliquefaciens và không có nền đáy bùn cao hơn (p
Nghiên cứu ương giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trong hệ thống biofloc với các chế độ che sáng khác nhau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra cường độ ánh sáng thích hợp cho sự hình thành biofloc, tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm chân trắng ương nuôi siêu thâm canh trong bể để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức: (1) không che lưới chắn sáng (đối chứng), (2) che một lớp lưới chắn sáng, (3) che 3 lớp lưới chắn sáng, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, cách bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Bể composit sử dụng trong thí nghiệm có thể tích 500 L và độ mặn được duy trì ở 15‰. Tôm chân trắng có khối lượng ban đầu trung bình là 0,03g/con được nuôi với mật độ 2.000 con/m3 trong điều kiện sục khí mạnh. Bột mì và bột đậu nành được bổ sung vào hệ thống nuôi để đảm bảo tỉ lệ C:N là 15:1. Sau 6 tuầnương tôm thẻ trong hệ thống biofloc với cường độ ánh sáng khác nhau cho thấy có ảnh hưởng đến sự hình thành biofloc, tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm. Đặc biệt chiều dài và khối lượng tôm đạt lớn nhất ở nghiệm thức 2 (5,35 cm và 1,4 g) và thấp nhất ở nghiệm thức đối chứng (4,5 cm và 0,85 g). Thêm vào đó, ở nghiệm thức 2 tỉ lệ sống của tôm cao nhất là 58,07% và năng suất cao nhất 1.161 con/m3. Kết quả cho thấy nghiệm thức che một lớp lưới với cường độ ánh sáng dao động trung bình (43- 308 Lux) có sự hình thành biofloc, tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm tốt nhất.
Kết quả thử nghiệm lưới rê hỗn hợp cải tiến ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ
Tóm tắt
|
PDF
Lưới rê hỗn hợp cải tiến và lưới rê hỗn hợp đối chứng được sử dụng để đánh bắt thử nghiệm ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ với 28 mẻ lưới ở mùa gió Đông Bắc và 17 mẻ lưới ở mùa gió Tây Nam. Kết quả cho thấy, sản lượng đánh bắt trung bình của lưới cải tiến là 555,6 kg và lưới truyền thống là 1.197,4 kg. Thành phần loài có trong mỗi mẻ lưới của cả hai loại lưới cải tiến và đối chứng là tương đối giống nhau, trong đó chủ yếu là cá thu vạch chiếm 57% tổng sản lượng đánh bắt. Năng suất khai thác trung bình của lưới cải tiến là 1,96±0,23 kg/10.000m2 cao hơn lưới đối chứng (1,54±0,12 kg/10.000 m2). Năng suất khai thác cá thu vạch của lưới cải tiến đạt 1,74±0,24 kg/10.000m2 đồng thời cũng cao hơn so với lưới đối chứng (1,45±0,13 kg/10.000 m2)
Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới kéo đơn ven bờ và xa bờ ở tỉnh Bạc Liêu
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới kéo ven bờ và xa bờ được thực hiện từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2015 ở tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo đơn gần bờ của tỉnh Bạc Liêu có 168 chiếc (12,83%) và có 215 chiếc lưới kéo xa bờ (16,42%). Tàu lưới kéo đơn gần bờ có công suất trung bình là 57,68 CV/tàu và tàu lưới kéo đơn xa bờ là 249 CV/tàu. Lưới kéo đơn gần bờ và xa bờ đều có thể khai thác quanh năm. Sản lượng khai thác trung bình của nghề lưới kéo đơn gần bờ và xa bờ là 104,19 tấn/tàu/năm và 346,40 tấn/tàu/năm, trong đó cá tạp tàu gần bờ chiếm 42,67% và xa bờ chiếm 43,67%. Tổng thu nhập bình quân của tàu lưới kéo đơn gần bờ là 145,33 triệu đồng/chuyến và lợi nhuận là 68,27 triệu đồng/chuyến với tỷ suất lợi nhuận 104%. Đối với lưới kéo đơn xa bờ tổng thu nhập bình quân là 1.228 triệu đồng/chuyến và lợi nhuận là 539 triệu đồng/chuyến với tỷ suất lợi nhuận là 65%.