Ngày xuất bản: 10-08-2023

Đề xuất thuật toán ước lượng độ cao bờ sông sử dụng máy ảnh ba chiều

Nguyễn Văn Khanh, Phạm Đan Điền, Lê Trần Đăng Khoa, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đề xuất thuật toán ước lượng độ cao ven bờ sông sử dụng máy ảnh 3 chiều (3D - 3 Dimension) Astra Pro của hãng Orbbec. Máy ảnh 3D được sử dụng để thu thập trực tiếp dữ liệu độ sâu trường ảnh của khu vực cần đo. Sau đó, các phương pháp hình học trong thị giác máy tính được áp dụng để ước lượng độ cao của điểm cần đo trong trường ảnh. Độ cao trong trường ảnh sẽ được chuyển đổi sang hệ tọa độ thực và hệ tọa độ địa lý để tăng tính ứng dụng. Kết quả thử nghiệm cho thấy phương pháp ước lượng độ cao được đề xuất có sai số MAE là 0,025 m. Kết quả đo thực địa chứng minh được phương pháp đề xuất đã ước lượng thành công độ cao của bờ sông. Tuy nhiên, sai số ước lượng thực địa chưa được đánh giá do không đủ điều kiện bố trí thí nghiệm đo độ cao đối chứng.

Nghiên cứu chế tạo mô hình dạy lái ô tô

Võ Lâm Kim Thanh, Nguyễn Khôi Nguyên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này trình bày phương pháp chế tạo mô hình tự học lái ô tô thông qua mô phỏng các thao tác lái trên sa hình theo tiêu chuẩn cấp bằng lái xe quốc gia. Phần cứng của mô hình gồm các hệ thống truyền lực, hệ thống hệ thống chuyển động và điều khiển được bố trí tương tự xe thực tế. Ngoài ra, thiết bị được bố trí màn hình có kích thước 32 inch, dây đai an toàn, ghế ngồi có thể điều chỉnh được, âm thanh cảnh báo khi có va chạm. Sa hình trong thiết kế được mô phỏng tương tự sa hình thực tế thông qua phần mềm Euro Truck Simulator 2. Sản phẩm của nghiên cứu này giúp người sử dụng rèn luyện các kĩ năng: lái, điều khiển bàn đạp ly hợp, bàn đạp ga, bàn đạp phanh và kĩ năng xử lý tình huống lái xe trên đường. Đặc biệt, mô hình giúp tiết kiệm thời gian, chi phí học lái và giá thành thiết bị thấp mà vẫn đạt hiệu quả lái tương đương.

Dự báo ngắn hạn công suất phát của tuabin gió sử dụng mạng nơron truyền thẳng

Nguyễn Phương An, Đỗ Nguyễn Duy Phương
Tóm tắt | PDF
Do các vấn đề môi trường toàn cầu ngày càng nóng lên và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, các công nghệ năng lượng gió đã được nghiên cứu và phát triển rộng rãi. Dự báo ngắn hạn công suất phát của tuabin gió chính xác và nhanh chóng là rất quan trọng để tích hợp quy mô lớn sản xuất điện gió vào lưới điện. Tuy nhiên, đặc điểm ngẫu nhiên của tốc độ gió khiến việc dự báo trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức. Bài báo đề xuất mô hình dự báo được thực hiện bằng mô hình ANN (mạng nơron nhân tạo). Hơn nữa, bài báo nghiên cứu so sánh, đánh giá các mô hình huấn luyện máy học nhằm nâng cao độ chính xác của kết quả dự báo. Mô hình được đề xuất đã được huấn luyện và thử nghiệm trên dữ liệu thu thập được từ một tuabin gió được lắp đặt tại trang trại gió Hacom Hòa Bình – Bạc Liêu với hai khoảng thời gian dự báo: chu kỳ ba mươi phút trong 12 giờ liên tục và chu kỳ một giờ trong 24 giờ liên tục. Kết quả thử nghiệm chỉ ra rằng mô hình được đề xuất vượt trội so với các mô hình khác với sai số thấp và tiết kiệm thời gian.

Thiết kế và phát triển máy cắt vải tự động

Ngô Quốc Vinh, Phạm Thành Tâm, Phạm Phương Tùng, Nguyễn Quốc Chí
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, ngành sản xuất các sản phẩm may mặc đóng góp một phần không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các công đoạn sản xuất ở nước ta hiện nay đều được thực hiện thủ công. Để nâng cao chất lượng và sản lượng các sản phẩm may mặc, việc tự động hóa các quy trình sản xuất là vấn đề cấp thiết. Bài báo này giới thiệu một thiết kế của hệ thống máy cắt vải tự động. Máy được thiết kế bao gồm một bàn máy ba bậc tự do và một hệ thống dao cắt rung, được dẫn động bởi hệ thống các động cơ AC servo. Một mô hình thực nghiệm được xây dựng để kiểm tra hệ thống bàn máy được thiết kế. Trong các hệ thống cắt vải, việc bố trí các mảnh cần cắt lên trên một tấm vật liệu để giảm thiểu vật liệu hao phí, được gọi là bài toán giác sơ đồ, là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Trong nghiên cứu nay, hệ thống máy cắt vải sử dụng công cụ mã nguồn mở Deepnest, dựa trên thuật toán No Fit Polygon và giải thuật di truyền được, để xây dựng sơ đồ cắt tối ưu cho hệ thống. Kết quả nghiên cứu cho thấy thiết kế máy cắt vải được đề xuất trong bài báo này có thể đạt được hiệu năng cao với chi phí đầu tư thấp.

Nghiên cứu xây dựng phương pháp phân tích Abamectin trên nền mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép hai lần khối phổ

Trịnh Công Chức, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Nguyễn Trọng Tuân, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định hàm lượng abamectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng trên các nền mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản phục vụ nhu cầu kiểm tra, kiểm soát chất lượng trên đối tượng thủy sản nuôi. Trong nghiên cứu này, abamectin trong các nền mẫu tôm nguyên liệu, cá tra và tôm tẩm bột được chiết bằng kỹ thuật QueChERS (Quick-Easy-Cheap-Effective-Rugged-Safe) và phân tích bằng UPLC/MS/MS. Các thông số cần thiết như khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng LOQ, độ nhạy, độ chọn lọc, độ lặp lại, độ tái lặp và độ đúng được tiến hành khảo sát dựa trên các tiêu chí của các tổ chức trong nước và quốc tế. Phương pháp được xây dựng đã đáp ứng tốt nhu cầu phân tích, kiểm soát dư lượng trên thủy sản nuôi và sản phẩm sau chế biến.

Sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Minh Thuận, Trần Thảo Nguyên, Phan Thị Thanh Ngân, Trương Danh Nghiệp, Nguyễn Hoàng Nhân, Trịnh Thị Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng phân hữu cơ và hiệu quả đối với cây trồng. Vật liệu ủ là chất thải hữu cơ được phân loại và có sử dụng nấm Trichoderma. Thí nghiệm thực hiện trên mẻ ủ thể tích 0,144 m3, ở hai nghiệm thức có bổ sung nấm Trichoderma với liều lượng 20 g/m3 và không dùng chế phẩm. Sau 60 ngày ủ, các chỉ số như nhiệt độ, ẩm độ, pH, sụt giảm thể tích, cac-bon tổng, ni-tơ tổng ở hai nghiệm thức giảm dần theo thời gian; ngược lại, tổng đạm, tổng lân dễ tiêu tăng. Sản phẩm phân sau ủ có pH, độ ẩm, tổng cacbon, tổng nitơ, tổng phốtpho theo thứ tự là 7,93, 34,2%, 15,18%, 1,52%, 2,65%. Mẻ ủ quy mô lớn ngoài thực tế với khối lượng ủ xấp xỉ 9,0 tấn cũng được thực hiện và cho kết quả tương đồng với kết quả ghi nhận ở thí nghiệm. Quy trình sản xuất phân compost được đề xuất thông qua kết quả nghiên cứu này.

Đánh giá tác dụng hạ lipid huyết của viên nang cứng bào chế từ đài hoa bụp giấm (Hibiscus sabdariffa L.) tại Đắk Lắk

Phạm Thị Nhật Trinh, Lê Tiến Dũng
Tóm tắt | PDF
Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong việc hình thành bệnh vữa xơ động mạch và động mạch vành. Có nhiều loại thực vật đã được chứng minh có tác dụng điều hoà lipid máu. Bài báo công bố kết quả đánh giá độc tính cấp và tác dụng hạ lipid máu cấp tính của viên nang cứng bào chế từ đài hoa bụp giấm thu hái tại Đắk Lắk. Kết quả cho thấy viên nang cứng không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt với liều tối đa có thể cho uống qua kim là 30 g/kg. Viên nang bụp giấm liều 155; 310 và 620 mg/kg thể hiện tác dụng điều hòa lipid cấp trên mô hình chuột nhắt gây rối loạn lipid máu cấp bằng tyloxapol. Trong đó  liều 155 mg/kg thể hiện tác dụng dược lý tương đương so với thuốc đối chứng fenofibrat liều 50 mg/kg trong việc làm thay đổi các chỉ số lipid máu (p < 0,05).

Tối ưu hóa điều kiện thí nghiệm đánh giá độc lực in vivo của vi nấm sử dụng ấu trùng của bướm Galleria mellonella

Lê Ngọc Mai, Đỗ Thị Thanh Hoa, Đỗ Thị Hồng Quyên, Triệu Anh Trung
Tóm tắt | PDF
Mucormycosis đang nổi lên là một trong những bệnh nhiễm trùng nấm nguy hiểm với tỷ lệ gây chết cao, đặc biệt là với các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, như các bệnh nhân HIV, ghép tạng, tiểu đường, hay Covid-19. Các nghiên cứu về cơ chế gây bệnh, sự tương tác giữa tác nhân gây bệnh và kí chủ đang được các nhà khoa học quan tâm. Tuy nhiên, điều kiện thí nghiệm đánh giá độc lực của vi nấm in vivo chưa được thống nhất trong một số nghiên cứu gần đây. Báo cáo này nghiên cứu tối ưu hóa điều kiện thí nghiệm và nuôi cấy sử dụng đối tượng mô hình là ấu trùng bướm Galleria mellonella được gây nhiễm bởi bào tử của vi nấm gây bệnh Mucor lusitanicus.

Thuật toán kiểm soát sự tách biệt trong số liệu mô phỏng theo mô hình hồi quy logistic

Phạm Thị Thu Hường, Phạm Thi Thu Hoa
Tóm tắt | PDF
Sự tách biệt xuất hiện trong số liệu theo mô hình hồi quy logistic có ảnh hưởng lớn đến giá trị ước lượng của các tham số hồi quy. Đối với thống kê cổ điển, ước lượng cực đại của hàm hợp lý sẽ không tồn tại khi số liệu xuất hiện sự tách biệt. Đối với thống kê Bayes, sự tồn tại của giá trị trung bình hàm hậu nghiệm phụ thuộc vào phân phối tiên nghiệm và kiểu dạng của số liệu. Do đó, trong nghiên cứu mô phỏng số liệu, việc kiểm soát xác suất xuất hiện của sự tách biệt là có ý nghĩa để nghiên cứu tác động của dạng số liệu này trong phân tích thống kê. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày những thuật toán để mô phỏng số liệu theo mô hình hồi quy logistic mà sự xuất hiện tách biệt trong số liệu được kiểm soát với bất kỳ cỡ mẫu và số chiều của biến độc lập. Những thuật toán này được kiểm chứng có hiệu quả rất tốt qua kết quả mô phỏng.

Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ly trích Anthocyanin từ hoa đậu biếc tươi (Clitoria ternatea)

Trần Ngọc Hùng
Tóm tắt | PDF
Hoa đậu biếc (Clitoria ternatea) chứa hàm lượng cao anthocyanin, chất có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được sử dụng nhiều trong thực phẩm. Nhằm nâng cao hiệu quả thu nhận anthocyanin, một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quá trình ly trích đã được khảo sát như hình dạng hoa, thời gian thu hái, nhiệt độ và thời gian ly trích, pH dung dịch. Hiệu quả ly trích anthocyanin tốt nhất đạt được khi sử dụng hoa tươi dạng đôi với tỷ lệ 7,5% (w/v) được thu hái vào khoảng 6 đến 8 giờ sáng. Thí nghiệm tối ưu theo phương pháp đáp ứng bề mặt (Response surface methodology, RSM) cho thấy dung dịch ly trích với nước ở nhiệt độ 70 oC trong thời gian 20 phút có hàm lượng anthocyanin cao nhất, đạt 20,1 mg/L. pH phù hợp cho quá trình ly trích trong khoảng từ 5,0 đến 7,0. Dung dịch giàu anthocyanin có thể được bổ sung vào các loại thức uống để nâng cao sức khỏe hoặc tạo ra những màu sắc hấp dẫn cho sản phẩm.

Đánh giá biểu hiện của phân tử Microrna Osa-mir162a trên các giống lúa chống chịu và mẫn cảm với nấm gây bệnh đạo ôn - Magnaporthe oryzae

Nguyễn Bằng Phi, Nguyễn Đoàn Nguyên Phượng, Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Nguyễn Bảo Quốc
Tóm tắt | PDF
Nấm Magnaporthe oryzae được xem là tác nhân chính gây bệnh đạo ôn trên lúa và gây thiệt hại rất lớn về năng suất ở các vùng trồng lúa. Gần đây vai trò của microRNAs được mô tả là có liên quan đến khả năng chống chịu của cây trồng với các tác nhân gây hại. Trong nghiên cứu này, sự biểu hiện của osa-miR162a trên các giống lúa thuộc nhóm mẫn cảm và chống chịu với nấm M. oryzae trồng phổ biến tại Việt Nam được phân tích bằng kỹ thuật Real-time qRT-PCR. Mặc dù có sự đa dạng trong biểu hiện của osa-miR162a trên các giống lúa ở các thời điểm sau lây nhiễm (hpi) khác nhau, sự biểu hiện tăng của osa-miR162a trên các giống lúa chống chịu bệnh đạo ôn ở thời điểm 48 và 72 hpi thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các giống lúa mẫn cảm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phân tử microRNA osa-miR162a hứa hẹn là một chỉ thị phân tử tiềm năng trong việc phân biệt tính kháng với nấm M. oryzae của các giống lúa trồng tại Việt Nam hiện nay.

Xác định đặc tính hóa lý của bưởi da xanh (Citrus maxima) và bưởi năm roi (Citrus grandis l.) theo khối lượng

Trần Bạch Long, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Thị Kim Tươi, Hà Thanh Toàn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định đặc tính hình thái, hóa lý của bưởi da xanh và Năm Roi. Nghiên cứu được tiến hành thông qua việc đánh giá tính chất hóa lý của bưởi, khảo sát mối tương quan giữa đường kính và khối lượng của 2 giống bưởi. Kết quả nghiên cứu cho thấy 6 hạng bưởi có sự khác biệt về tỷ lệ phân bố thành phần, chỉ tiêu chất lượng nhưng khó có thể phân biệt bằng màu sắc. Tỷ lệ thịt quả phần ăn được của bưởi Năm Roi lớn hơn 50% và tỷ lệ thịt quả phần ăn được của bưởi da xanh lớn hơn 55%. Khối lượng và đường kính quả có tương quan tỷ lệ thuận, sự tương quan có khác biệt giữa 2 giống bưởi da xanh và bưởi Năm Roi. Thịt quả của hai giống bưởi ở cả 6 hạng bưởi có chất lượng tốt, chất khô hòa tan cũng như tỷ lệ chất khô hòa tan/ độ acid tăng dần từ loại bưởi bi đến bưởi ngoại cỡ, đối với hàm lượng vitamin C thì ở phân loại bưởi đặc biệt chiếm ưu thế hơn các hạng bưởi khác.

Ảnh hưởng của thời gian thu hoạch đến thành phần dinh dưỡng của cây rau mầm cải ngọt (Brassica integrifolia)

Trương Việt Hoài, Nguyễn Chí Toàn, Lê Đang Hạ, Vũ Thị Hà An, Trương Thị Tuyết Nhi, Huỳnh Ngọc Thành, Ngô Thị Minh Thu, Pham Thi Nga, Phạm Hoài Doanh, Nguyễn Ngọc Hiếu
Tóm tắt | PDF
Rau mầm là loại rau thu hoạch sau khi hạt nảy mầm được từ 5 - 10 ngày tùy thuộc vào từng loại rau để đảm bảo năng suất và thành phần dinh dưỡng chứa trong chúng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi khảo sát vitamin, protein, tro, hợp chất sinh học và hợp chất kích thích sinh trưởng có trong cây rau cải mầm ở ngày thứ 5, 7 và 9. Kết quả cho thấy, năng suất, hàm lượng protein, tro, vitamin A, B3 và K tăng theo thời gian thu hoạch. Trong khi đó, vitamin B6 không có mặt trong cây rau mầm cải ngọt và vitamin B3 mới bắt đầu xuất hiện ở ngày thứ 7. Hai hợp chất Glucosinolate và Isothiocyanate giảm mạnh theo thời gian thu hoạch. Rau mầm cải ngọt ở tất cả các ngày thu hoạch đều không chứa chất kích thích sinh trưởng IAA và cytokinin 6-BA. Thu hoạch rau mầm cải ngọt vào ngày thứ 7 sau khi gieo trồng để đảm bảo trong cây chứa đầy đủ các chất cần thiết cho con người.

Nghiên cứu bổ sung bột vỏ Sầu Riêng giống ri6 (Durio zibethinus Murr.) trong chế biến sản phẩm bánh quy

Phạm Hoàng Phong, Ngô Thị Mỹ Lâm, Huỳnh Lê Xuân Ái, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Phần phụ phẩm trong quá trình chế biến sầu riêng chiếm khoảng 75÷80% tổng khối lượng, trong đó phần vỏ chiếm khoảng 60÷70%. Phần vỏ này chứa lượng lớn protein, chất xơ, cellulose, saponin và tinh bột. Tuy nhiên, thường chỉ được sử dụng trong phát triển vật liệu có tính hấp phụ hay thu hồi pectin. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm vỏ sầu riêng trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm. Nghiên cứu đánh giá tỷ lệ bột vỏ sầu riêng bổ sung thích hợp vẫn đảm bảo duy trì các đặc tính cấu trúc, chất lượng và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm bánh quy, ngoài ra nghiên cứu còn khảo sát chế độ nướng thích hợp cho sản phẩm bánh quy bổ sung bột vỏ sầu riêng giống Ri6 (Durio zllbethinus Murr.). Kết quả thu được cho thấy, sản phẩm bánh quy bổ sung bột vỏ sầu ở mức 20% nướng ở nhiệt độ 130°C trong thời gian 12 phút đảm bảo duy trì các đặc tính cấu trúc (độ cứng đạt 3814,5 g), chất lượng (chỉ số hoá nâu BI là 15,65; độ sáng L* đạt 55,56) và nhận được sự chấp nhận của người tiêu dùng.

Ảnh hưởng của loại hóa chất và phương pháp xử lý đến khả năng loại bỏ vị đắng vỏ cam sành (Citrus sinensis) bổ sung vào sản phẩm Marmalade

Nguyễn Đức Tùng, Trần Hứa Hồng Nhạn, Nguyễn Việt Thuận, Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trần Ngọc Nhã Trân, Tống Thị Ánh Ngọc
Tóm tắt | PDF
Vỏ cam là nguồn tài nguyên tiềm năng để sử dụng trong quá trình chế biến sản phẩm, đặc biệt là marmalade từ trái cam. Tuy nhiên khi ứng dụng vào sản phẩm, vỏ cam gây ra vị đắng và giảm giá trị cảm quan. Do đó việc nghiên cứu loại bỏ vị đắng vỏ cam là vấn đề cần thiết. Với mục tiêu là (i) xác định ảnh hưởng của loại hóa chất được chọn (dung dịch NaOH 100 ppm, dung dịch NaCl 20%, dung dịch NaOH 100 ppm + NaCl 20%, dung dịch phèn chua 20% [K2SO4.Al2(SO4)3.24H2O], (ii) phương pháp xử lý (chần trong dung dịch, ngâm trong dung dịch và chần nước) đến khả năng giảm hàm lượng naringin, giảm vị đắng vỏ cam, duy trì giá trị dinh dưỡng và (iii) ảnh hưởng của tỉ lệ vỏ cam bổ sung đến chất lượng sản phẩm. Kết quả nghiên cứu cho thấy vỏ cam được chần trong dung dịch NaOH 100 ppm với thời gian 2 phút rồi ngâm trong dung dịch NaOH cùng nồng độ trong 1 giờ giúp giảm được hàm lượng naringin cao (từ 16,58 giảm còn 3,70 mg/100g). Bên cạnh đó, hàm lượng polyphenol trong vỏ cam còn được duy trì ở mức cao, cụ thể là 15,26 mgGAE/gCBK. Sản phẩm của marmalade có chất lượng tốt nhất khi bổ sung 2% vỏ cam.

Nghiên cứu điều kiện bảo quản puree bí đỏ (Cucurbita moschata d.) ở nhiệt độ lạnh

Nguyễn Cẩm Tú, Phan Nguyễn Trang, Đoàn Anh Dũng, Tống Thị Ánh Ngọc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát các điều kiện bảo quản đối với puree bí đỏ ở nhiệt độ lạnh nhằm duy trì chất lượng, đảm bảo an toàn và kéo dài thời gian bảo quản. Đường và kali sorbate được bổ sung ở các nồng độ khác nhau và theo dõi các biến đổi về chất lượng hóa lý và vi sinh vật của puree khi bảo quản ở 10±2oC. Kết quả cho thấy, puree bí đỏ được bảo quản ở điều kiện đối chứng (không bổ sung phụ gia) có hạn sử dụng là 3 ngày. Puree bổ sung 10% đường và 0,05% kali sorbate có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản của puree bí đỏ đến ngày thứ 9. Sự sai biệt màu sắc tổng thể, a* và b* của puree bí đỏ có xu hướng tăng khi kéo dài thời gian bảo quản trong khi L*, oBrix và aw có xu hướng giảm. Nhìn chung, hàm lượng carotenoid của puree không thay đổi đáng kể sau quá trình bảo quản. Nghiên cứu cũng cho thấy sự phát triển của vi sinh vật là nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng và ảnh hưởng đến hạn sử dụng của puree bí đỏ.

Nghiên cứu mầm bệnh ký sinh trùng và vi khuẩn trên Lươn (Monopterus albus) giai đoạn giống và nuôi thương phẩm

Nguyễn Thị Thu Hằng, Trương Quỳnh Như, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu mầm bệnh vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh trên lươn giai đoạn giống và nuôi thương phẩm. Mẫu lươn được thu từ tháng 12/2021 đến tháng 08/2022. Kết quả ghi nhận có 6 giống trùng thuộc ngành giun sán ký sinh trong ruột lươn gồm: Camalanus, Carassotrema, Caryophyllaeus, Clonorchis, Pallisentis và Proteocephalus. Không tìm thấy ký sinh trùng trên lươn giống. Đối với lươn nuôi thương phẩm, giống giun tròn Camalanus có tỷ lệ nhiễm cao nhất (38,9%). Giống sán dây Caryophyllaeus có tỷ lệ nhiễm thấp nhất (23,3%). Kết quả phân tích lươn bệnh cho thấy vi khuẩn được phân lập phổ biến nhất trên các mẫu thận của lươn bệnh. Các dấu hiệu bệnh đặc trưng bao gồm: bụng trương, hậu môn đỏ, sưng to, da có những mảng trắng, xuất huyết, lỡ loét, gan, thận, tỳ tạng đỏ bầm, mềm nhũn. Kết quả định danh bằng kit API 20E đã xác định loài vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy các chủng A. hydrophila nhạy rất cao với các kháng sinh ciproloxacine, norloxacine, cefotaxime, enroloxacine, flumequine và florfenicol.

Thử nghiệm đực hóa cá thần tiên (Pterophyllum scalare) bằng phương pháp ngâm Spironolacton

Lê Thế Lương, Đinh Thế Nhân, Diệp Nhựt Thái
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách ngâm đàn cá thần tiên con giai đoạn 7 ngày tuổi sau khi nở trong dung dịch có chứa Spironolacton (SP) với các liều lượng khác nhau. Cá con được ngâm riêng trong các túi polyethylen với thể tích 100 mL nước cho 100 cá con có pha sẵn SP với hàm lượng 0 mg/L, 5 mg/L, 10 mg/L và 15 mg/L, túi được bơm oxy tươi và giữ trong vòng 2 giờ, sau đó cá con được cho vào các bể và nuôi riêng. Sau khi cá đạt 90 ngày tuổi, xác định giới tính cá dựa vào hình thái bên ngoài và mổ cá, quan sát cơ quan sinh dục. Hiệu suất đực hóa cao nhất ở liều 15mg/L với 86,59 ± 2,1%, thấp nhất ở liều 5 mg/L với 74,12 ± 1,9%, sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê (p

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu

Tăng Thị Ngân, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Tấn Hưng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Dữ liệu nghiên cứu được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát ý kiến từ 210 hộ nuôi tôm trên địa bàn nghiên cứu. Mô hình hồi qui hai bước của Heckman (1979) được sử dụng để ước lượng các nhân tố ảnh hưởng. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của hộ nuôi tôm, bao gồm: số người phụ thuộc, tổng lượng vốn vay, số vụ nuôi, tổng tài sản, mục đích sử dụng vốn vay và kinh nghiệm nuôi tôm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, các yếu tố: trình độ học vấn, tổng tài sản, số lần đáo hạn và diện tích nuôi tôm ảnh hưởng đến số tiền trả nợ vay đúng hạn của hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tác động của bảo hiểm y tế đến sử dụng dịch vụ y tế của người dân vùng trung du và miền núi phía bắc

Nguyễn Thị Thu Thương
Tóm tắt | PDF
Từ dữ liệu của cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 2020, phương pháp so sánh điểm xu hướng (PSM) đã được sử dụng để đánh giá tác động của bảo hiểm y tế (BHYT) đến sử dụng dịch vụ y tế (DVYT) của người dân vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB). Kết quả ước lượng cho thấy BHYT đã làm tăng tần suất sử dụng dịch vụ KCB ngoại trú của người dân tham gia bất cứ loại BHYT nào lên 0,505 lần, và người dân tham gia BHYT bắt buộc lên 1,009 lần trong năm. Tương tự, BHYT làm tăng tần suất sử dụng dịch vụ KCB nội trú lên 0,150, 0,199, 0,082 và 0,150 lần cho các nhóm tham gia BHYT chung, BHYT bắt buộc, BHYT hỗ trợ và BHYT tự nguyện, tương ứng. Ngoài ra, BHYT tự nguyện làm tăng khả năng sử dụng dịch vụ KCB ngoại trú, nội trú của cư dân trong vùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy BHYT tiếp tục là công cụ quan trọng góp phần tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam.

Phân tích khả năng thoát nghèo của hộ nghèo ở nông thôn và thành thị

Trịnh Thanh Nhân, Trịnh Anh Khoa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm làm sáng tỏ khả năng thoát nghèo của hộ nghèo ở nông thôn và thành thị Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu gồm 2.918 hộ từng là hộ nghèo năm 2019 từ bộ dữ liệu điều tra dân số (Vietnam Household Living Standard Survey - VHLSS) năm 2020. Mô hình hồi quy logit nhị phân và phương pháp phân rã Blinder-Oaxaca được sử dụng để đánh giá tác động của các nhân tố và sự khác biệt về khả năng thoát nghèo giữa hộ nghèo ở nông thôn và thành thị. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao hơn so với thành thị nhưng khả năng thoát nghèo của hộ nghèo ở nông thôn cao hơn so với thành thị. Tác động của các nhân tố đặc điểm nhân khẩu, kinh tế - xã hội của hộ đến khả năng thoát nghèo của hộ nghèo ở nông thôn rõ ràng hơn so với hộ nghèo ở thành thị. Bên cạnh việc cung cấp thông tin cho các nhà làm chính sách trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, nghiên cứu này còn cung cấp phương pháp nghiên cứu mang tính khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo về chủ đề phân tích sự khác biệt giữa hai nhóm.

Nghiên cứu xử lý nước thải chế biến vỏ đầu tôm bằng công nghệ Air Stripping kết hợp Anaerobic-anoxic-oxic

Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đắc Cử, Lê Hoàng Việt, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Ô nhiễm phát sinh từ nước thải giàu dưỡng chất của ngành thủy sản nói chung, và công nghiệp chế biến thủy sản nói riêng tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang gia tăng áp lực cho môi trường trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phát triển xuất khẩu thủy sản. Nghiên cứu thử nghiệm kết hợp mô hình cột AS và bể AAO quy mô phòng thí nghiệm để xử lý nước thải chế biến vỏ đầu tôm đạt yêu cầu xả thải. Nước thải đầu vào có nồng độ ô nhiễm rất cao COD » 7.500 mg/L, BOD5 » 2.000 mg/L, N-NH4+ » 1.500 mg/L, N-NO3- » 205 mg/L, TP » 180 mg/L và pH6,8. Kết quả nghiên cứu cho thấy cột AS có thể sử dụng làm công đoạn tiền xử lý ni-tơ trong nước thải với hiệu suất loại bỏ N-NH4+ xấp xỉ 90%. Cụm xử lý chính AAO có hiệu suất xử lý cao với TSS đạt 86,2%, BOD5 98,42%, COD 98,91%, N-NH4+ 95,36%, N-NO3- 98,43%, và TP 93%. Sau khi qua hệ thống AS kết hợp AAO thì nước sau xử lý đạt chuẩn xả thải của QCVN 11-MT:2015/BTNMT.