Ngày xuất bản: 28-02-2020

Mô phỏng máy phát điện tuabin gió PMSG sử dụng phần mềm PSIM

Phạm Đại Thắng, Trần Anh Nguyện, Đào Minh Trung, Quách Ngọc Thịnh
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, máy phát điện tuabin gió đã được phát triển và sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về loại máy phát điện này, đặc biệt là máy phát điện tuabin gió không hộp số sử dụng máy phát điện nam châm vĩnh cửu (PMSG). Do đó, bài báo này sẽ mô phỏng hoạt động của máy phát điện tuabin gió PMSG công suất 2 MW nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm kiến thức về loại máy phát điện này. Trước tiên, bài báo sẽ trình bày về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy phát điện tuabin gió PMSG. Việc thiết kế các bộ điều khiển sẽ được thực hiện sau đó. Kết quả mô phỏng trên phần mềm PSIM với các trường hợp vận hành khác nhau sẽ minh họa hoạt động của máy phát điện tuabin gió PMSG cũng như hiệu quả của bộ điều khiển vừa thiết kế.

Điều khiển và phân loại vật thể dựa trên màu sắc sử dụng cánh tay robot 3 bậc tự do của Fischertechnik

Phạm Thế Thịnh, Đỗ Vinh Quang
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày phương pháp xây dựng bộ điều khiển cho mô hình cánh tay robot 3 bậc tự do của Fischertechnik. Ứng dụng phần mềm Inventor thiết kế mô hình 3D cho cánh tay, sau đó sử dụng công cụ SimMechanics hỗ trợ liên kết từ Matlab với Cad 3D Inventor để mô hình hóa, mô phỏng. Nguyên lý điều khiển hồi tiếp và bài toán động học thuận, động học nghịch đã được áp dụng vào cánh tay robot 3 bậc tự do để điều khiển vị trí các khớp cũng như khâu chấp hành. Cánh tay được tích hợp thêm camera để thực hiện quá trình xử lý ảnh phân loại màu dựa trên thư viện xử lý ảnh của LabVIEW. Một giao diện được thiết kế (sử dụng LabVIEW), có chức năng cho phép người điều khiển quan sát trực tuyến các chế độ của mô hình đang hoạt động. Kết quả thực nghiệm cho thấy cánh tay gắp vật đến vị trí mong muốn với sai lệch tương đối thấp (

Mô hình tích hợp Fuzzy-AHP-TOPSIS đánh giá các website bán hàng online

Trần Thị Thắm, Đỗ Thị Kiều Hoanh, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trần Thị Mỹ Dung
Tóm tắt | PDF
Thương mại điện tử đã và đang không ngừng phát triển và ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Với sự ra đời ồ ạt của các website bán hàng online, việc đánh giá và lựa chọn được website phù hợp cho quyết định mua sắm thông minh luôn là vấn đề người tiêu dùng quan tâm. Nghiên cứu này đề xuất mô hình đánh giá lợi thế cạnh tranh của các website bán hàng online tại Việt Nam, bao gồm A, B, C và D. Trong nghiên cứu, phương pháp phân tích mô hình mạng trong môi trường số mờ (Fuzzy Analytic Hierarchy Process_FAHP) được sử dụng để xây dựng bộ trọng số các tiêu chí. Tiếp đến, đề tài sử dụng mô hình xếp hạng đối tượng theo tính tương đồng với giải pháp lý tưởng (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution_TOPSIS) để đánh giá xếp hạng các website, tìm ra website có lợi thế nhất dựa trên khoảng cách so với các giải pháp lý tưởng. Kết quả đánh giá trên 18 tiêu chí cho thấy B được đánh giá cao nhất trong số bốn website được đề xuất, theo sau lần lượt là A, D và C.

Phương pháp phát hiện dị thường trên ảnh viễn thám quang học ứng dụng trong công tác tìm kiếm cứu nạn

Nguyễn Văn Phương, Cao Thị Vinh, Tống Minh Đức, Đào Khánh Hoài
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về khả năng sống sót của con người sau tai nạn máy bay cho thấy rằng, người bị nạn có khả năng sống sót nhỏ hơn 10% nếu việc cứu hộ bị trễ quá 2 ngày, và tỷ lệ sống sót lên tới 60% nếu việc cứu hộ được thực hiện kịp thời trong vòng 8 tiếng (Xuân Đông, 2014). Sự khẩn cấp tương tự cũng được áp dụng trong các tình huống cấp cứu hàng hải hay trên đất liền. Vì vậy, thời gian tìm ra người bị nạn và tổ chức giải cứu là nhân tố quyết định đến sự thành công của chiến dịch đó. Để giảm thời gian tìm kiếm, một cách tiếp cận ngày càng được sử dụng phổ biến là ứng dụng phát hiện dị thường trên ảnh viễn thám độ phân giải cao. Ngoài ra, kích thước của người mất tích hoặc vật cần quan tâm rất nhỏ so với cảnh và dễ dàng bị trộn lẫn với địa hình. Vì vậy, cần có các phương pháp tự động để định vị các đối tượng hỗ trợ nâng cao hiệu suất và tốc độ tìm kiếm. Trong bài báo này, một số phương pháp phát hiện dị thường trên ảnh viễn thám sẽ được trình bày để giải quyết vấn đề đã đề cập ở trên.

Khảo sát thời gian lưu nước của bể AAO phù hợp để xử lý nước thải sau hầm ủ biogas

Lê Hoàng Việt, Nguyễn Võ Châu Ngân, Võ Thanh Trường
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá quy trình xử lý AAO có khả năng loại bỏ chất hữu cơ, đạm và lân đến mức thấp nhất, đồng thời khảo sát một số thông số vận hành phù hợp để xử lý nước thải hầm ủ biogas đạt quy chuẩn xả thải cho phép. Nghiên cứu được tiến hành trên mô hình AAO ở quy mô phòng thí nghiệm với thể tích là 42 L. Các kết quả vận hành mô hình AAO với nước thải có nồng độ COD, TKN, TP đầu vào lần lượt là 983,53 ± 14,80 mg/L, 134,73 ± 4,20 mg/L và 39,63 ± 2,15 mg/L, tải nạp BOD trung bình 1,12 kg/m3.ngày-1, nước thải đầu ra đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT (cột A) và QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) với hiệu suất xử lý COD, TKN, TP lần lượt là 90,05%, 89,12% và 93,21%. Ở thời gian lưu nước 9 giờ, tải nạp BOD trung bình 1,25 kg/m3.ngày-1, nồng độ nước thải đầu ra chỉ đạt cột B do chỉ tiêu BOD5 và COD chỉ đạt cột B của QCVN 62-MT:2016/BTNMT. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng thời gian lưu nước của bể AAO để xử lý nước thải sau biogas khả thi nhất là 10 giờ để đạt tiêu chuẩn xả thải của các thông số ô nhiễm hữu cơ và dưỡng chất.

Khảo sát khả năng ức chế virus viêm gan C của các hợp chất cô lập từ loài địa y Parmotrema tinctorum (Nyl.) Hale

Nguyễn Thị Thu Trâm, Vu Thi Huyen, Lohézic-Le Dévéhat Françoise, Trương Hoài Phong, Tống Hồ Đạt, Le Seyec Jacques
Tóm tắt | PDF
Viêm gan C là mối hiểm họa lớn cho loài người, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Hiện nay, chưa có vắc xin ngừa viêm gan C. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh các hợp chất cô lập từ cây cỏ có khả năng kháng virus viêm gan C (HCV), tuy nhiên có rất ít nghiên cứu tìm kiếm các hoạt chất này từ địa y. Mục tiêu của nghiên cứu này là cô lập và xác định cấu trúc của các hợp chất tinh khiết từ địa y Parmotrema tinctorum mọc phổ biến ở Lâm Đồng; thử nghiệm hoạt tính ức chế HCV trên các hợp chất cô lập được. Các phương pháp sắc ký cột, sắc ký lớp mỏng, kết tinh lại được sử dụng để cô lập hợp chất tinh khiết. Cấu trúc các hợp chất được xác định bằng phương pháp phổ nghiệm như khối phổ độ phân giải cao ESI-HRMS, phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR. Hoạt tính ức chế HCV của các hợp chất cô lập được đánh giá bằng thử nghiệm Renilla Luciferase. Kết quả đã cô lập và xác định cấu trúc của 5 hợp chất gồm (1) methyl β-orcinolcarboxylate, (2) orsellinic acid, (3) lecanorol, (4) atranorin và (5) salazinic acid. Hợp chất (4) ức chế mạnh HCV với IC50 22,3 µM.  Nghiên cứu này đánh dấu một phát hiện mới trong tìm kiếm hoạt chất kháng HCV từ địa y mọc tại Việt Nam.

Sự phát triển nòng nọc và đặc điểm hình thái loài ếch nhẽo (Limnonectes bannaensis Ye, Fei, Xie, Jiang, 2007) trong điều kiện nuôi ở Nghệ An

Cao Tiến Trung, Nguyễn Thị Thảo, Đỗ Văn Thoại
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu sự phát triển, biến thái nòng nọc của loài Limnonectes bannaensis trong điều kiện nuôi ở Nghệ An. Các cá thể trưởng thành được nuôi theo cặp để sinh sản, sau đó theo dõi sự phát triển của nòng nọc. Nòng nọc loài L. bannaensis ở Nghệ An có đặc điểm nhận dạng: thân trung bình, hình elip khi nhìn từ phía trên, dẹp theo hướng trên dưới, mắt trung bình, lỗ mũi nhỏ, miệng dưới hoặc gần trước dưới, ở mép có một hàng gai thịt, môi dưới có hai hàng gai thịt, môi trên không có gai thịt, LTRF I(1+1)/(1+1)II, lỗ thở dạng đơn nằm bên trái, đầu và thân có màu vàng xám, đuôi có từ 4 đến 5 vạch đen vắt ngang. Quá trình biến thái của nòng nọc trong điều kiện nuôi kéo dài từ 70 – 72 ngày, thời kì phôi từ giai đoạn 1 đến 19 có thời gian biến thái ngắn nhất (231 giờ), thời kì ấu trùng từ giai đoạn 26 đến 40 có thời gian biến thái dài nhất (527 giờ).

Một mô hình dự báo chuỗi thời gian mờ cải tiến

Võ Văn Tài, Nguyễn Văn Quang, Lê Đại Nghiệp, Huỳnh Văn Hiếu, Trang Thị Mỹ Kim, Nguyễn Thị Hồng Dân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đề xuất một mô hình dự báo cho chuỗi thời gian dựa trên những cải tiến trong việc xác định tập nền và việc thiết lập các mối quan hệ mờ. Mô hình đề nghị được minh họa cụ thể các bước thực hiện bởi ví dụ số và được thực hiện một cách hiệu quả bằng một chương trình được thiết lập trên phần mềm thống kê R. Nó có ưu điểm hơn các mô hình dự báo phổ biến hiện tại như ARIMA và Abbasov-Manedova (2003) qua nhiều bộ số liệu đối chứng quan trọng. Mô hình đề nghị cũng được áp dụng trong dự báo đỉnh mặn cho một tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Các ví dụ và áp dụng đã cho thấy tiềm năng trong thực tế của vấn đề được nghiên cứu.

Thành phần loài, đặc điểm phân bố hải miên (Porifera) tại vùng biển ven đảo Cồn Cỏ - tỉnh Quảng Trị

Tran Van Huong, Đinh Thanh Đạt, NguyễN KhắC BáT, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Hữu Thiện
Tóm tắt | PDF
Kết quả nghiên cứu thành phần loài hải miên tại vùng ven biển đảo Cồn Cỏ năm 2013 và năm 2014 đã xác định được 112 loài thuộc 60 giống, 38 họ, 17 bộ, 03 lớp hải miên. Lớp hải miên mềm Demospongiae có 109 loài (chiếm 97,32%) thuộc 57 giống, 35 họ, 14 bộ; lớp hải miên đá vôi Calcarea có 2 loài (chiếm 1,79%); lớp Homoscleromorpha có 1 loài (chiếm 0,89%). Hải miên phân bố rộng từ 0 đến 21 m nước nhưng tập trung nhiều nhất ở dải độ sâu 3 m đến 10 m. Chỉ số tương đồng Bray-Curtis về sự phân bố hải miên giữa các trạm nghiên cứu chia thành 7 nhóm với mức tương đồng giữa các trạm nghiên cứu là 75%. Sự phân bố hải miên có quan hệ mật thiết với nền đáy. Độ phủ trung bình của hải miên trên nền đáy khoảng 3,13%. Nền đáy chiếm độ phủ cao nhất là nền đáy đá (51,6%). Phân bố độ phủ chung của hải miên tương đối đồng đều và không thể hiện rõ tương quan chặt đối với các hợp phần đáy.

Phân tích mối liên quan giữa bệnh ung thư và thức ăn

Trần Thanh Thảo
Tóm tắt | PDF
Trong bối cảnh số lượng người tử vong vì ung thư ngày càng cao trên toàn cầu, các nghiên cứu để tìm ra giải pháp phòng ngừa ung thư ngày càng được mở rộng. Mặc dù một vài loại ung thư  được phát sinh do bất thường gen được di truyền, hầu hết ung thư phát sinh do kết quả tương tác giữa kiểu gen và các yếu tố của môi trường sống, bao gồm các yếu tố vật lý, hoá học và sinh học. Trong số các yếu tố từ môi trường có khả năng gây ung thư, thực phẩm chiếm đến tỉ lệ 30%. Thực phẩm có thể xúc tác quá trình phát triển của ung thư qua ba cơ chế: di truyền biểu sinh, tổn hại DNA do phản ứng stress oxy hoá và sự phát sinh đột biến. Ngược lại, một số nhóm thực phẩm chứa các chất có hoạt tính sinh học có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các cơ chế gây ung thư trong tế bào. Bài báo này phân tích các cơ chế phân tử của thức ăn trong quá trình làm phát sinh và phát triển ung thư, đồng thời tổng hợp một số nhóm thức ăn có chức năng thúc đẩy hoặc ngăn ngừa ung thư. Từ các nghiên cứu trên, các lưu ý về lựa chọn dinh dưỡng và duy trì lối sống hợp lý trong việc phòng và tránh các nguy cơ ung thư cũng được đề nghị.

Khả năng phân giải protein, lipid, tinh bột, chitin và ức chế nấm của vi khuẩn vùng rễ được phân lập từ cây tiêu (Piper nigrum L.) trồng ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Đặng Thị Ngọc Thanh, Hà Bảo Sơn, Châu Kimxuyến
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trên 22 chủng vi khuẩn đã được phân lập từ vùng rễ cây tiêu và đã xác định khả năng cố định đạm, hòa tan phosphate, tổng hợp IAA và sản xuất siderophore trong một nghiên cứu trước đây. Khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ bao gồm tinh bột, protein, lipid, chitin và sự ức chế nấm của các vi khuẩn này đã được nghiên cứu bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả cho thấy số lượng các chủng vi khuẩn có khả năng phân giải tinh bột, protein, chitin và lipid lần lượt là 21, 20, 12 và 10 chủng. Hai chủng vi khuẩn bao gồm MH13 và ML17.1 có thể ức chế nấm chỉ thị, trong đó MH13 có thể ức chế Fusarium sp. và ML17.1 có thể ức chế tất cả các loại nấm chỉ thị bao gồm Fusarium sp., Penicillium sp., Aspergillus niger, A. flavus và Cladosporium sp. Bốn chủng tốt nhất đã được xác định là Bacillus subtilis (ML17.1 và MH13) và Alcaligenes sp. (CT5 và TT5) bằng phương pháp khối phổ MALDI-TOF. Đây là các vi khuẩn thúc đẩy tăng trưởng thực vật đã được báo cáo về các ứng dụng tiềm năng trong nông nghiệp.

Đặc tính probiotic và khả năng làm tan huyết khối của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis natto

Đoàn Thị Ngọc Thanh, Phạm Nguyễn Kim Lài, Phạm Thị Thúy Ngoan
Tóm tắt | PDF
Bacillus subtilis natto là dòng vi khuẩn thuộc nhóm vi khuẩn an toàn và có khả năng tổng hợp nattokinase, một enzyme phân giải huyết khối. Chúng có tiềm năng ứng dụng làm probiotic trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch. Nghiên cứu này kiểm tra đặc tính probiotic như khả năng chịu muối mật, khả năng chịu đựng điều kiện dịch dạ dày nhân tạo và khả năng làm tan huyết khối của B. subtilis natto. Kết quả cho thấy chủng vi khuẩn chịu được các điều kiện khảo sát. Sau 3 giờ ủ trong môi trường chứa 0,3% và 0,6% muối mật; mật độ duy trì lần lượt là 96,8% và 85,5% so với ban đầu tương ứng với 7,87± 0,08 và 6,95± 0,10  log CFU/mL. Sau 3 giờ ủ ở môi trường pH 2, vi khuẩn có khả năng tồn tại với mật độ đạt 6,73±0,04 log CFU/mL tương ứng tỷ lệ sống là 79,11% so với ban đầu. Sau 3 giờ ủ trong môi trường dịch dạ dày nhân tạo pH 2,5 có bổ sung 0,3% enzyme pepsin, mật độ duy trì 6,71±0,02 log CFU/mL ứng với tỷ lệ 83,31% so với mật độ ban đầu. B. subtilis natto có khả năng kháng lại 4 loại vi khuẩn gây bệnh trong nghiên cứu này Escherichia coli ATCC 8739, Salmonella typhimurium ATCC 14028, Staphylococcus aureus ATCC 6538, Pseudomonus aegurinosa ATCC 25853 với vòng vô khuẩn tương ứng là 8,0; 9,0; 10,0 và 8,0 mm. Khả năng hòa tan huyết khối được khẳng định khi dịch nuôi cấy sau 36 giờ có khả năng làm tan 25% lượng huyết khối tươi sau 2 giờ ủ.

Nghiên cứu chiết xuất hoạt chất chống oxy hóa từ củ tỏi (Allium sativum L.) theo cách tiếp cận công nghệ xanh

Nguyễn Thị Yến Phượng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện chiết xuất với sự hỗ trợ siêu âm đến hàm lượng flavonoid tổng số, hàm lượng hợp chất phenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết từ củ tỏi (Allium sativum L.) dựa vào hoạt tính khử gốc tự do DPPH và tổng năng lực khử. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất với sự hỗ trợ của sóng siêu âm làm tăng hiệu quả chiết xuất. Loại dung môi, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi, thời gian chiết, nhiệt độ chiết có ảnh hưởng đến hàm lượng flavonoid tổng số, hàm lượng hợp chất phenol tổng số và hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết từ củ tỏi. Điều kiện tốt nhất để chiết xuất hoạt chất chống oxy hóa từ củ tỏi là dùng nước cất với tỷ lệ 10 ml/g củ tỏi chiết xuất trong 15 phút ở 30oC, chiết 2 lần.

Ảnh hưởng của dịch trích methanol từ tám giống lúa (Oryza sativa L.) OM lên cỏ lồng vực nước (Echinochloa crus-galli L.) và cải xoong (Lepidium sativum)

Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hồ Lệ Thi, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng đối kháng thực vật của tám giống lúa (Oryza sativa L.) OM (2395, 3536, 4498, 5451, 5930, 6976, 7347 và N406) bằng cách sử dụng dịch trích methanol (MeOH) từ lá thân và rễ trong giai đoạn 60 ngày sau khi sạ của từng giống lúa lên cỏ lồng vực nước (Echinochloa crus-galli L.) và cải xoong (Lepidium sativum) ở các nồng độ khác nhau lần lượt là 0,01; 0,03; 0,1; 0,3; 0,5 và 1,0 g/mL. Chiều dài thân và rễ của cỏ lồng vực nước và cải xoong được ghi nhận sau 48 giờ ủ tối ở 250C. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch trích từ thân, lá, rễ của giống lúa OM 5930 có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của cỏ lồng vực nước và cải xoong cao hơn dịch trích của các giống lúa còn lại. Giống OM 5930 ở nồng độ dịch trích 0,3 g/mLức chế 100% chiều dài thân và rễ của cải xoong trong khi các giống lúa OM còn lại chỉ đạt tỉ lệ ức chế từ 76,14 đến 91,97%. Đối với cỏ lồng vực nước, giống OM 5930 gây ức chế trên 50% chiều dài thân (57,39%) và rễ (66,93%) ở nồng độ dịch trích là 0,3 g/mL; 98,77% và 99,39% chiều dài thân và rễ ở nồng độ 1,0 g/mL. Kết quả này cho thấy, giống lúa OM 5930 có thể được ưu tiên sử dụng trong quá trình nghiên cứu tính đối kháng cỏ dại hoặc trong chương trình lai tạo giống lúa kháng cỏ dại nhằm tiến tới một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Thành phần loài tảo khuê bám họ Eunotiaceae (Kützing, 1844) trong vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp

Huỳnh Trường Giang, Huỳnh Phước Vinh, Dương Văn Ni, Nguyễn Thị Kim Liên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về thành phần loài tảo khuê bám thuộc họ Eunotiaceae trên 5 sinh cảnh ở Vườn quốc gia Tràm Chim là (1) kênh vùng đệm, (2) kênh lõi, (3) rừng tràm Melaleuca sp., (4) lung năn Eleocharis sp., và (5) lung sen Nelumbo sp. trong mùa mưa và mùa khô cho thấy đã định danh được 20 loài thuộc 3 giống là Actinella, Desmogomium và Eunotia. Trong đó, vào mùa mưa mỗi giống Actinella và Desmogomium có 1 loài và giống Eunotia có 16 loài; vào mùa khô giống Actinella có 1 loài, giống Desmogomium có 2 loài và giống Eunotia có 16 loài. Giống Eunotia có mật độ cao nhất ở kênh vùng đệm cả hai mùa mưa và khô, lung năn có mật độ thấp nhất vào mùa mưa, trong khi lung sen có mật độ thấp nhất vào mùa khô. Về mặt tương đồng, sự phân bố họ Eunotiaceae có thể chia thành 3 khu vực: lung năn - kênh vùng lõi/lung sen - rừng tràm/kênh vùng đệm vào mùa mưa và 2 khu vực: kênh vùng đệm - kênh vùng lõi/lung sen/lung năng/rừng tràm vào mùa khô.

Biến động mật độ Bacillus, Lactobacillus và Vibrio trong bùn ở tuyến sông Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út, Nguyễn Hoàng Nhật Uyên, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu biến động mật độ Bacillus, Lactobacillus và Vibrio trong bùn ở tuyến sông Mỹ Thanh: đầu nguồn (Nhu Gia) giữa nguồn (Mỹ Thanh 1) và cuối nguồn (Mỹ Thanh 2). Mẫu được thu mỗi tháng một lần từ tháng 7/2017 đến 6/2018 vào lúc nước ròng. Mật độ vi khuẩn được xác định bằng phương pháp đếm khuẩn lạc trên đĩa thạch. Kết quả cho thấy, mật độ tổng vi khuẩn cao nhất ở Nhu Gia (5,3×104 CFU/g) thấp nhất ở Mỹ Thanh 2 (5,3×104 CFU/g) và có xu hướng giảm từ tháng 1 đến tháng 6. Mật độ Bacillus và Lactobacillus cao nhất ở Nhu Gia, tiếp đến Mỹ Thanh 1 và thấp nhất là ở Mỹ Thanh 2. Bacillus ổn định qua các tháng trong năm ở cả 3 điểm thu mẫu, nhưng mật độ giảm khi độ mặn tăng. Ở Mỹ Thanh 2 luôn thấp hơn và thấp nhất vào tháng 5 (8,3×103 CFU/g) trong khi đó ở Nhu Gia đạt cao nhất (1,9×106 CFU/g). Lactobacillus biến động thấp nhất (3,4×102 CFU/g) vào tháng 6 và cao nhất (2,7×105 CFU/ml) vào tháng 2. Mật độ tổng vi khuẩn Vibrio spp. ở cửa sông Mỹ Thanh 2 luôn cao hơn 2 điểm còn lại trong suốt quá trình thu mẫu và cao nhất (2,6×105 CFU/g) vào tháng 4. Vibrio có khuynh hướng tăng theo độ mặn và vượt quá 103 CFU/g. V. harveyi, V. parahaemolyticus có khuynh hướng biến động tương tự Vibrio.

Ảnh hưởng của hàm lượng protein lên chất lượng nước, tăng trưởng của lươn Monopterus albus (Zwiew, 1793) và cải thìa (Brassica chinensis) trong mô hình aquaponic

Hứa Thái Nhân, Dương Nhựt Long, Phạm Minh Đức
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thức ăn có hàm lượng protein khác nhau lên chất lượng nước, tăng trưởng của lươn đồng Monopterus albus (Zwiew, 1793) và năng suất của rau cải thìa (Brassica chinensis) trong mô hình aquaponic. Lươn giống (47,4 g/con) được cho ăn thức ăn với bốn hàm lượng protein khác nhau là 25% (NT1), 30% (NT2), 35% (NT3) và 40% protein (NT4). Lươn được nuôi trong hệ thống tuần hoàn aquaponic kết hợp trồng rau cải thìa. Thí nghiệm được thực hiện trong 60 ngày với hai chu kỳ rau. Kết quả cho thấy NT thức ăn có hàm lượng protein càng cao thì lượng nitrogen càng tăng, đặc biệt là TAN, NO3-N. Tăng trọng tốt nhất của lươn là ở NT3 (0,68±0,36 g/ngày) và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại. Tỷ lệ sống của lươn cao nhất ở NT2 là 63,33% và thấp nhất là ở NT4 (45,73%). FCR thấp nhất (2,55±1,24) ở NT3 và khác biệt có ý nghĩa thống kê (P

Đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má Rastrelliger kanagurta (Cuvier, 1816) phân bố ở vùng ven biển từ Tiền Giang đến Sóc Trăng

Mai Viết Văn, Trần Đắc Định, Võ Thành Toàn, Nguyễn Ngọc Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá bạc má phân bố tại vùng ven biển từ Tiền Giang đến Sóc Trăng được thực hiện từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2018. Kết  quả phân tích 253 mẫu cá đực và 225 mẫu cá cái cho thấy chiều dài tổng và khối lượng thân cá có mối quan hệ hồi quy theo các phương trình Wcá đực = 0,0067L3,161  và R2 = 0,9291 (khối lượng thân dao động 71,48-186,65 g/cá thể) và Wcá cái=0,0059L3,2112  và  R2 = 0,9276 (khối lượng thân dao động 80,47-201,97 g/cá thể). Mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá bạc má ở vùng nghên cứu diễn ra quanh năm và tập trung từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. Sức sinh sản tuyệt đối của cá bạc má dao động 14.082-137.308 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối của cá 393±92 trứng/g cá cái với khối lượng thân dao động 80,47-201,97 g/cá thể. Mối quan hệ hồi quy rất chặt chẽ đã được tìm thấy giữa sức sinh sản tuyệt đối và khối lượng thân cá theo phương trình F=0,4654W2,374 (R²=0,9319).

Hiện trạng và giải pháp nâng cao ứng dụng phương tiện công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học của giáo viên - Nghiên cứu tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Lê Trần Thanh Liêm, Nguyễn Tí Hon, Sử Kim Anh, Cao Hoàng Tiến, Nguyễn Thị Bạch Kim
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động giảng dạy của giáo viên (GV) tiểu học, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng tại một số trường tiểu học ở thành phố Cần Thơ. Phương pháp nghiên cứu xã hội học thông qua phỏng vấn bằng bảng hỏi và phương pháp cho điểm đã được sử dụng. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu phi xác suất đối với GV và lựa chọn ngẫu nhiên các trường tham gia nghiên cứu. Mô hình hồi quy nhị phân đã được lựa chọn để xác định yếu tố tác động, dựa trên dữ liệu từ 60 GV thuộc 12 trường tiểu học ở quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Theo kết quả nghiên cứu, hiệu quả ứng dụng mô hình phụ thuộc vào hai yếu tố bao gồm: kỹ năng sử dụng các phần mềm nâng cao và quan điểm của GV về việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Kết quả đánh giá từ GV cũng đã đề xuất được chín nhóm giải pháp. Trong đó, hai giải pháp có điểm trung bình cao nhất bao gồm: mỗi GV nên tự trang bị máy tính cá nhân và nhà trường trang bị hệ thống âm thanh, trình chiếu tại các phòng học.

Thực trạng dạy và học môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin ở Trường Đại học Cần Thơ hiện nay

Lê Ngọc Triết, Phan Thị Phương Anh
Tóm tắt | PDF
Theo cải cách dạy và học lý luận chính trị gần 10 năm trở lại đây, các môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học đã gộp chung lại thành lý luận chính trị và được định danh là “Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin”. Điều này dẫn đến những bất cập: tầm thường hóa khoa học trong thực tiễn giảng dạy, làm mất đi tính chuyên môn sâu, tínhchuyên nghiệp bền vững trong giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin. Hậu quả là dẫn đến sự phiến diện trong truyền thụ tri thức ảnh hưởng chất lượng dạy và học do giáo viên thiếu tự tin khi giảng dạy những học phần không thuộc chuyên môn, sinh viên thiếu tích cực, xem thường môn học lý luận chính trị.... Nghiên cứu thực trạng dạy và học môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Trường Đại học Cần Thơ hiện nay sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc giảng dạy học phần này và đây là cơ sở khoa học để triển khai chương trình lý luận chính trị theo nội dung đổi mới hiện nay.

Sắc phong và đối tượng được ban sắc ở tỉnh Đồng Tháp

Đỗ Thị Hà Thơ
Tóm tắt | PDF
Sắc phong là loại hình văn bản độc bản, là nguồn tài nguyên quý, có giá trị trên nhiều phương. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp may mắn lưu giữ được số lượng tương đối các văn bản sắc phong có niên đại thuộc nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Qua khảo cứu, sắc phong chủ yếu ban cho thần linh và những nhân vật có công trạng với đất nước. Nghiên cứu này cung cấp tư liệu bổ sung hành trạng của các nhân vật lịch sử cùng tín tục của người Đồng Tháp nói riêng và người miền Tây nói chung trong tình hình khan hiếm tư liệu hiện nay. Từ đó cho thấy những tác động trực tiếp của sắc phong đến đời sống văn hóa, tâm linh cũng như hoạt động thờ tự của người dân địa phương thời hiện đại.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với tổ chức của nhân viên trong các ngân hàng thương mại cổ phần tại thành phố Long Xuyên

Trần Thị Tuyết Nhi, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự gắn bó với tổ chức của nhân viên tại các ngân hàng thương mại cổ phần khu vực thành phố Long Xuyên. Nghiên cứu được thực hiện trên 300 nhân viên làm việc tại các ngân hàng bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Trong nghiên cứu này kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) kết hợp với phân tích ANOVA được sử dụng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó của nhân viên đối với ngân hàng. Kết quả phân tích chỉ ra sự gắn bó của nhân viên bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: tiền lương, phong cách lãnh đạo, chính sách đào tạo và phát triển. Trong đó, tiền lương là yếu tố tác động mạnh nhất đến sự gắn bó của nhân viên. Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề ra một số kiến nghị đối với các ngân hàng tại thành phố Long Xuyên trong công tác phát triển nguồn nhân lực có trình độ của đơn vị cũng như các biện pháp để giữ chân người lao động.

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Cần Thơ

Võ Thành Danh, Trương Thị Thúy Hằng, Ong Quốc Cường
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu của bài viết là: (i) nhận dạng và đánh giá những yếu tố tác động đến hiện trạng ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Cần Thơ, và (ii) phân tích các yếu tố đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đề xuất các hàm ý chính sách phát triển ngành này trong thời gian tới. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích định tính để đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ. Kết quả khảo sát 326 doanh nghiệp thuộc 12 ngành công nghiệp chủ yếu của Thành phố Cần Thơ về nhu cầu và năng lực cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại chỗ cho thấy rằng ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ chưa phát triển nhiều. Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Thành phố Cần Thơ cũng được phân tích dựa theo Mô hình Kim cương của Michael Porter bao gồm các điều kiện về nhân tố đầu vào, các điều kiện về cầu, các ngành công nghiệp liên quan và môi trường kinh doanh. Trên cơ sở kết quả phân tích, bài viết đã đề xuất các hàm ý chính sách và một số giải pháp nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ.