Ngày xuất bản: 26-07-2019

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của cựu sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học An Giang

Nguyễn Thị Diễm Hằng, Ngô Mỹ Trân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của cựu sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang. Số liệu được thu thập thông qua khảo sát 200 cựu sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2012 - 2015. Kết quả phân tích hồi quy nhị phân cho thấy có năm yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm bao gồm quan hệ xã hội, xếp loại tốt nghiệp, kiến thức, kỹ năng cơ bản và kỹ năng ứng dụng. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, một số hàm ý chính sách được đề xuất nhằm nâng cao khả năng tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với sinh viên, khi đang học, sinh viên cần phấn đấu để tốt nghiệp ra trường đạt kết quả thật cao. Ngoài ra, việc giữ mối liên hệ thường xuyên với thầy cô, bạn bè và anh chị sinh viên khóa trên cũng tạo thuận lợi cho quá trình tìm việc. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần thường xuyên xây dựng, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Đồng thời, giảng viên cần chú ý hơn các hoạt động rèn luyện kỹ năng cho sinh viên trong quá trình giảng dạy.

Tác động của kết quả thực hành trách nhiệm xã hội đến thành tích kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

Châu Thị Lệ Duyên, Nguyễn Phạm Tuyết Anh, Nguyễn Trường Anh Thi
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày ..... Kết quả phân tích cho thấy tác động thuận chiều giữa kết quả thực hành trách nhiệm xã hội và kết quả nguồn doanh thu thuần đạt được của doanh nghiệp. Cụ thể, khi doanh nghiệp đảm bảo thu nhập trên cổ phần cho cổ đông; tiến bộ trong xoay vòng thanh toán các khoản phải trả người bán; thực hiện tốt trách nhiệm sản phẩm với khách hàng; tích cực công tác hoạt động xã hội và đầu tư hợp lý chế độ đãi ngộ nguồn nhân lực thì doanh nghiệp có thể gia tăng nguồn doanh thu thuần đạt được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.  Nghiên cứu cũng đã chỉ thêm rằng quy mô tài sản hỗ trợ tốt đến chất lượng thi hành trách nhiệm xã hội cũng như quan hệ tích cực doanh thu thuần đạt được của tổ chức. Trong khi đó, tỷ lệ nợ dài hạn trên vốn chủ sở hữu có khả năng tác động nghịch chiều đến quyết định đẩy mạnh thực hành trách nhiệm xã hội và gây rủi ro cho việc thúc đẩy kinh doanh tạo doanh thu thuần. Với kết quả phân tích đạt được, nghiên cứu ngụ ý mong muốn được bổ sung thêm cơ sở dẫn chứng với thành ý giúp cải thiện dần quan điểm nhìn nhận về trách nhiệm xã hội đối với giá trị lợi ích đạt được của doanh nghiệp.

Nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Phạm Phát Tiến, Nguyễn Thị Kiều Ny
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam. Tác giả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến với dữ liệu dạng bảng được thu thập từ 29 NHTM trong giai đoạn 2013-2017. Nghiên cứu gồm 7 biến độc lập là quy mô ngân hàng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, thu nhập lãi thuần, vốn chủ sở hữu trên tài sản, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ lệ nợ xấu. Kết quả ước lượng cho thấy nhân tố quy mô ngân hàng và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản tỷ lệ thuận đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng có tỷ lệ nghịch đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Nghiên cứu này chưa tìm thấy bằng chứng tác động của thu nhập lãi thuần, tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản và tỷ lệ nợ xấu đến biến phụ thuộc.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Lý Phương Thùy, Vương Quốc Duy, Phạm Lê Thông
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này ước lượng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bài viết sử dụng dữ liệu bảng của 1.561 doanh nghiệp thuộc các ngành:  nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; và tài chính ngân hàng và bảo hiểm, được trích từ Điều tra Doanh nghiệp Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện giai đoạn 2010 – 2014 bao gồm 4.683 quan sát. Hàm sản xuất biên ngẫu nhiên Cobb-Douglas được sử dụng để ước tính hiệu quả hoạt động với doanh thu thuần là biến số chỉ đầu ra và vốn, lao động, chi phí là các yếu tố đầu vào. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức hiệu quả hoạt động trung bình của các doanh nghiệp đạt được tương đối cao, 86,76%. Tuy nhiên, hiệu quả giữa các doanh nghiệp có sự chênh lệch rất lớn. Kết quả này cho thấy tiềm năng cải thiện doanh thu của các doanh nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động bao gồm: cấu trúc vốn, quy mô doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và tài sản hữu hình.

Tác động của công nghệ thông tin đến các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ

Nguyễn Trung Nhân, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định mức độ tác động của công nghệ thông tin (CNTT) đến các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh (NLCT) của doanh nghiệp . Thông qua số liệu điều tra 350 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; đối tượng trả lời phiếu điều tra thuộc các vị trí Ban Giám Đốc, Kế toán trưởng, Lãnh đạo các phòng ban, đây là các đối tượng đều am hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Ngoài ra, phương pháp phân tích hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính SEM được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy tác động CNTT đến 06 yếu tố cấu thành NLCT của doanh nghiệp, đó là Năng lực định hướng thị trường, Năng lực huy động vốn, Năng lực marketing, Năng lực tổ chức quản lý, Năng lực huy động nguồn lực, Năng lực quan hệ xã hội.

Mối quan hệ phụ thuộc giữa giá vàng và tỷ giá ngoại tệ ở Việt Nam

Văn Công Hiền, Phan Đình Khôi
Tóm tắt | PDF
Mối tương quan tuyến tính giữa biến động giá vàng và tỷ giá ngoại tệ qua thời gian dựa vào giả định chuỗi thời gian có phân phối chuẩn mặc dù mối quan hệ này có thể bị sai lệch trong điều kiện biến động bất thường. Bài viết này áp dụng phương pháp copula để ước lượng mối quan hệ phụ thuộc giữa tỷ suất sinh lợi của vàng và tỷ giá ngoại tệ USD/VND trong điều kiện nền kinh tế bình thường và cả trong nền kinh tế biến động cực biên. Kết quả cho thấy không có sự phụ thuộc giữa vàng và tỷ giá USD/VND; và vàng không phải là công cụ phòng ngừa rủi ro cho biến động của tỷ giá USD/VND trong điều kiện thị trường ít biến động. Trong khi đó, vàng lại là kênh trú ẩn an toàn đối với biến động tỷ giá USD/VND trong điều kiện thị trường biến động bất thường. Kết quả hàm ý rằng để giao dịch ngoại tệ và vàng ổn định trên hai thị trường trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động hiện nay, các sàn giao dịch vàng và sàn giao dịch ngoại tệ cần được kết nối để tạo kênh lưu thông và trú ẩn cho nhà đầu tư.

Tác động của tín dụng chính thức đến thu nhập trồng lúa của nông hộ: Bằng chứng thực nghiệm tại Cần Thơ

Tô Thị Bích Ngọc, Nguyễn Tuấn Kiệt
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu bài nghiên cứu nhằm đánh giá những tác động của tín dụng chính thức đến thu nhập của nông hộ trồng lúa trên địa bàn Thành phố Cần Thơ. Để thực hiện đánh giá tác động, đầu tiên cần xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ. Vì vậy, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Probit và sau đó là phương pháp phân tích điểm xu hướng (PSM) trên mẫu gồm 364 nông hộ, trong đó có 147 nông hộ có vay vốn chính thức và 217 nông hộ không vay vốn. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ trồng lúa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Tuổi và học vấn của chủ hộ; quy mô nông hộ, học vấn trung bình hộ, hộ có làm nghề khác ngoài làm lúa, diện tích đất sản xuất và chi tiêu cho lúa của nông hộ. Quan trọng nhất, thu nhập của nông hộ trồng lúa tham gia chương trình tín dụng chính thức cao hơn đáng kể so với các nông hộ trồng lúa không tham gia, tuy nhiên kết quả phân tích PSM cho thấy tác động của tín dụng chính thức đến thu nhập trồng lúa của nông hộ là không có ý nghĩa thống kê.

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ tiểu thương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Hữu Đặng, Trần Thị Kiều Tiên
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ tiểu thương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bằng mô hình hồi quy Binary logistic, dựa trên số liệu khảo sát 140 hộ tiểu thương kinh doanh tại tỉnh Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố như tuổi, trình độ học vấn, số năm buôn bán của chủ hộ, doanh thu, tài sản đảm bảo và lịch sử quan hệ tín dụng đều có ảnh hưởng tích cực đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của các hộ tiểu thương. Dựa trên các phát hiện, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách đối với các tổ chức tín dụng như đơn giản hóa các thủ tục và quy định vay vốn, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ khách hàng, tăng cường công tác phối, kết hợp với chính quyền địa phương để tiếp cận các hộ tiểu thương, tạo điều kiện cho hộ tiểu thương tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, các hộ tiểu thương cần tăng cường tài sản đảm bảo và giữ quan hệ với các tổ chức tín dụng sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ tiểu thương.

Ứng phó của nông dân đối với rủi ro trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ

Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Tấn Phát
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu về lựa chọn ứng phó của nông dân đối với rủi ro trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ (TPCT). Dựa vào số liệu điều tra ngẫu nhiên 80 hộ nông dân, kết quả phân tích cho thấy nông hộ nhận diện được một số loại rủi ro thường gặp phải trong sản xuất nông nghiệp, có thể phân thành 03 nhóm là rủi ro thời tiết, sâu dịch bệnh, và rủi ro về kinh tế, trung bình số rủi ro gặp phải là 3,67 loại/năm. Kết quả khảo sát về sự lựa chọn chiến lược ứng phó tích cực với rủi ro cho thấy đa số nông dân lựa chọn ít nhất một chiến lược để ứng phó với rủi ro. Đồng thời, các chiến lược ứng phó được lựa chọn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: trình độ, thu nhập, nhận thức, khuyến nông, quy định, và diện tích đất sản xuất. Kết quả kiểm chứng cũng cho thấy có sự khác biệt trung bình về thu nhập của nhóm ứng phó tích cực và nhóm không ứng phó. Nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng thực nghiệm về thực trạng nhận diện rủi ro và cách lựa chọn ứng phó với rủi ro trong sản xuất nông nghiệp qua đó đưa ra một số khuyến nghị giúp nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó rủi ro.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Võ Kim Nhạn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ của các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua đó, bài viết đã xác định các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách và sự quay trở lại của du khách bao gồm cơ sở hạ tầng du lịch, an toàn du lịch và an ninh, nguồn lực con người, môi trường tự nhiên, giá dịch vụ, và động cơ của du khách. Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố quyết định sự hài lòng và sự quay trở lại của khách du lịch dựa trên cả hai phương pháp nghiên cứu là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn chuyên gia, thảo luận nhóm tập trung và điều tra khảo sát.  Nghiên cứu được điều tra khảo sát 350 đáp viên là các khách du lịch nội địa để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo địa bàn bằng cách phỏngvấn trực tiếp du khách.

Nghiên cứu ảnh hưởng đặc điểm của người quản lý đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các khách sạn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ngô Mỹ Trân, Đoàn Thanh Ngọc
Tóm tắt | PDF
Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng đặc điểm của người quản lý khách sạn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các khách sạn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên mẫu nghiên cứu thu thập từ 169 người quản lý khách sạn từ 1 đến 4 sao. Kết quả phân tích hồi quy OLS cho thấy những khách sạn có người quản lý có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm nhiều năm, giới tính nữ và có nhiều mối quan hệ xã hội có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy những khách sạn có tiêu chuẩn khách sạn cao, hoạt động lâu năm, có khả năng tiếp cận tài chính tốt và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ cũng có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, giá trị thương hiệu và hiệu quả tài chính: Trường hợp các ngân hàng thương mại tại Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Phước Hương, Lưu Tiến Thuận
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của trách nhiệm xã hội (TNXH) và giá trị thương hiệu đến hiệu quả tài chính (HQTC) ngành ngân hàng dựa vào lý thuyết các bên liên quan. Số liệu thu thập từ 356 khách hàng của 29 ngân hàng thương mại cổ phần tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Dữ liệu thu thập được phân tích bằng thống kê mô tả, Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA và mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Kết quả cho thấy nhận thức của khách hàng ở khía cạnh nhân viên, cổ đông và đạo đức pháp lý của TNXH có tác động tích cực đến HQTC, trong khi khía cạnh khách hàng và cộng đồng của TNXH có tác động tiêu cực đến HQTC. Thêm vào đó, nhận thức về khía cạnh khách hàng, nhân viên và cộng đồng tác động tích cực đến giá trị thương hiệu và giá trị thương hiệu tác động tích cực đến HQTC. Nghiên cứu đưa ra bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và HQTC với vai trò trung gian của giá trị thương hiệu. Từ đó, đề xuất một số hàm ý quản trị cho quản lý ngân hàng, giúp tăng cường giá trị thương hiệu và HQTC thông qua các hoạt động TNXH.

Ảnh hưởng của minh bạch và công bố thông tin đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Lê Xuân Thái, Trương Đông Lộc
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đo lường ảnh hưởng của mức độ minh bạch và công bố thông tin (CBTT) đến hiệu quả tài chính của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Số liệu sử dụng trong nghiên cứu là số liệu dạng bảng được thu thập từ các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị công ty và các tài liệu được công bố công khai có liên quan của 289 công ty niêm yết trên HOSE trong giai đoạn 2014 - 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ minh bạch và CBTT có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính của công ty. Ngoài ra, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng đòn bẩy tài chính, số thành viên HĐQT và việc kiêm nhiệm có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tài chính của công ty. Ngược lại, sở hữu quản trị lại có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính của công ty.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các hộ trồng lúa Jasmine tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang

Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Đặng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là ước lượng hiệu quả kỹ thuật và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của hộ trồng lúa Jasmine tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang dựa vào bộ dữ liệu được thu thập từ 101 hộ trồng lúa Jasmine ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Hàm sản xuất biên Cobb – Douglas kết hợp với hàm phi hiệu quả kỹ thuật được sử dụng để phân tích bằng chương trình Frontier 4.1. Kết quả phân tích cho thấy, hiệu quả kỹ thuật trung bình của nông hộ trồng lúa Jasmine là 89,42%; với mức độ sử dụng các yếu tố đầu vào và kỹ thuật hiện có thì sản lượng của nông hộ còn có khả năng tăng thêm 10,58%. Bên cạnh đó, các yếu tố như quy mô trồng lúa và số lao động nhà có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kỹ thuật của nông hộ. Ngược lại, thâm niên trồng lúa của chủ hộ và tập huấn kỹ thuật là yếu tố làm hạn chế khả năng cải thiện hiệu quả kỹ thuật của nông hộ.

Ảnh hưởng của quy mô đất đến tỷ suất lợi nhuận của hộ trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Lan Duyên, Nguyễn Tri Khiêm
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày kết quả ước lượng mô hình hồi quy tuyến tính dựa trên số liệu thu thập từ mẫu ngẫu nhiên gồm 263 nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy quy mô đất có ảnh hưởng cùng chiều đến tỷ suất lợi nhuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê cao. Bên cạnh yếu tố chính là quy mô đất, nghiên cứu cũng tìm được các yếu tố khác có ảnh hưởng ngược chiều đến tỷ suất lợi nhuận trong cả ba vụ bao gồm chi phí đầu tư cho các yếu tố đầu vào, khoảng cách từ nhà nông hộ đến ruộng lúa lớn nhất, địa bàn cư trú ở An Giang với Đồng Tháp và các yếu tố có ảnh hưởng cùng chiều đến tỷ suất lợi nhuận là số thành viên trong tuổi lao động của hộ (chỉ có ý nghĩa thống kê trong vụ Thu Đông), lượng vốn vay. Từ đó, bài viết đề xuất giải pháp giúp nông hộ sử dụng và đầu tư quy mô đất hợp lý ứng với từng vụ canh tác lúa nhằm tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận.

Các nhân tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý ngân quỹ cá nhân của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Lê Long Hậu, Lê Tấn Nghiêm, Nguyễn Lê Trang Anh
Tóm tắt | PDF
Trên cơ sở dữ liệu thu thập trực tiếp 688 sinh viên ở các khoa tại Trường Đại học Cần Thơ và kết hợp với mô hình hồi qui tuyến tính, nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý ngân quỹ cá nhân của sinh viên đang theo học tại Trường. Trong nghiên cứu này, kỹ năng quản lý ngân quỹ được đánh giá thông qua kỹ năng quản lý tiết kiệm và chi tiêu của sinh viên. Kết quả cho thấy các yếu tố gồm giới tính, khóa học, có đi làm thêm, nhận được sự hướng dẫn tài chính từ cha mẹ, và kiến thức tài chính có tác động tích cực đến cả hai kỹ năng này. Trạng thái chung sống cùng gia đình có ảnh hưởng tích cực đến kỹ năng quản lý chi tiêu, nhưng lại không ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý tiết kiệm; tuy nhiên, ảnh hưởng của việc tham gia các lớp về kỹ năng quản lý tài chính đến hai kỹ năng này là ngược lại. Cuối cùng, kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt giữa sinh viên ở các khóa và ngành học khác nhau đối với kỹ năng quản lý tiết kiệm, nhưng không có sự khác biệt đối với kỹ năng quản lý chi tiêu. Dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển kỹ năng quản lý ngân quỹ trong sinh viên nói chung và sinh viên của trường nói riêng.