Ngày xuất bản: 26-06-2017

Điều khiển thích nghi theo mô hình tham khảo dựa trên mạng nơ-ron RBF

Nguyễn Đình Tứ, Lê Hoàng Đăng, Trần Chí Cường, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Trong các hệ điều khiển, các tham số của hệ thống thường không biết giá trị chính xác vì các tham số này thường bị thay đổi sau một thời gian, hay không đủ thông tin về các thông số đó. Để giải quyết vấn đề này, một phương pháp điều khiển thích nghi dựa trên mạng nơ-ron hàm bán kính cơ sở xuyên tâm được đề xuất để điều khiển mô hình cầu cân bằng. Đồng thời, tính bền vững của bộ điều khiển được đánh giá bằng cách thay đổi về tín hiệu tham chiếu, khối lượng hòn bi và nhiễu do cảm biến sinh ra. Kiểm nghiệm và mô phỏng trên thông qua phần mềm MATLAB®/Simulink cho thấy hệ thống đáp ứng được tính bền vững khi thay đổi các thông số về khối lượng hòn bi, nhiễu tác động do cảm biến sinh ra và tín hiệu tham chiếu. Kết quả mô phỏng cho đáp ứng bám theo tín hiệu mong muốn. Ngoài ra, nghiên cứu còn là cơ sở để phát triển bộ điều khiển thích nghi cho các mô hình phức tạp như robot ba bánh đa hướng trong tương lai.

Xây dựng mô hình chuỗi cung ứng hợp tác thông qua hệ thống tồn kho do nhà cung cấp quản lý (VMI)

Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tăng Thị Huyền Trân, Trần Thị Mỹ Dung
Tóm tắt | PDF
Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng hợp tác được đề cập như một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu về xây dựng mô hình tồn kho do nhà cung cấp quản lý (VMI) cho một chuỗicung ứng với một nhà cung cấp và nhiều nhà bán lẻ. Ban đầu, mô hình truyền thống được tính toán với việc nhà bán lẻ chịu trách nhiệm ra quyết định đặt hàng. Sau đó, nghiên cứu cho thấy rằng VMI mang lại một giá trị tối ưu hơn hẳn mô hình truyền thống của chuỗi cung ứng thông qua phân tích mô hình quản lý tồn kho bởi nhà cung cấp và ứng dụng phần mềm Lingo để giải tốiưu hóa bài toán chi phí.

Ứng dụng Fuzzy Analytic Network Process và Goal Programming trong lựa chọn nhà cung ứng xanh

Trần Thị Nhật Hồng, Trương Hoàng Thơ, Lê Thị Diễm Phương, Huỳnh Tấn Phong, Trần Thị Mỹ Dung
Tóm tắt | PDF
Lựa chọn nhà cung ứng là một bài toán ra quyết định đa tiêu chí bao gồm các yếu tố định tính và định lượng và có tính quan trọng chiến lược với các công ty. Mục tiêu của đề tài là ứng dụng phương pháp Fuzzy Analytic Network Process và Goal Programming (FANP và GP) để lựa chọn nhà cung ứng xanh và phân bổ đơn hàng. Trước tiên, các nhà cung ứng xanh được lựa chọn bằng phương pháp FANP trong đó số mờ được sử dụng để đánh giá và được chuyển về số thực, phần mềm Super Decision được ứng dụng để giải FANP và từ đó trọng số giữa các tiêu chí và nhà cung ứng được tìm ra. Sau đó, mô hình GP để phân bổ đơn hàng cho các nhà cung ứng được xây dựng từ kết quả của mô hình FANP và được giải bằng phần mềm Lingo. Một nghiên cứu trường hợp điển hình sử dụng dữ liệu của một công ty gỗ được thực hiện để kiểm tra mô hình. Kết quả cho thấy tính khả thi của mô hình được đề xuất.

Đánh giá hiệu quả vận hành hệ thống công trình thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phan Kỳ Trung, Nguyễn Văn Bé, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, dẫn đến những thay đổi của tài nguyên nước mặt. Xâm nhập mặn gia tăng do nước biển dâng đã làm nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng. Số liệu thu thập từ phỏng vấn trực tiếp được xử lý thống kê mô tả, phân tích SWOT và phân tích không gian. Bảng khảo sát được xây dựng trên cơ sở khối 8 của bộ “Mười khối tiêu chí đánh giá quản trị nước”. Kết quả cho thấy, hệ thống canh tác nông nghiệp của Sóc Trăng phụ thuộc lớn vào các công trình thủy lợi, nhất là điều tiết nguồn nước cho sản xuất. Hệ thống thuỷ lợi ngăn cản các tác động phức tạp của mặn, từ đó hệ thống làm suy giảm thiệt hại cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, mật độ các công trình phân bố không đồng đều, một số công trình đã xuống cấp và không thể điều tiết nước hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua việc vận hành hệ thống thuỷ lợi, bối cảnh kinh tế - xã hội và môi trường đã có sự thay đổi lớn. Hiệu quả về các khía cạnh kinh tế, xã hội được cải thiện đáng kể, song các tiêu chí môi trường có xu hướng suy giảm do các công trình thủy lợi đã làm thay đổi đặc tính môi trường tự nhiên, nhất là chất lượng đất và nước.

Sinh khối và khả năng hấp thụ CO2 của rừng tràm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Bùi Thị Thu Thảo, Lê Anh Tuấn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định sinh khối và lượng CO2 hấp thụ của hai cấp tuổi rừng tràm (nhỏ hơn 10 và lớn hơn 10 năm tuổi) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, từ đó thiết lập cơ sở ban đầu cho các nhà quản lý rừng thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường và đề xuất các giải pháp phát triển ổn định rừng tràm. Các thông số về đường kính thân cây ngang ngực cả vỏ, chiều cao vút ngọn, mật độ, sinh khối, tầng cây bụi dưới tán Tràm và thành phần vật rụng của tràm được thu thập ở 18 ô tiêu chuẩn (kích thước 10 m x 10 m). Mật độ của rừng tràm ở cấp tuổi nhỏ hơn 10 (4.550 cây/ha) cao hơn mật độ của rừng tràm ở cấp tuổi lớn hơn 10 (3.510 cây/ha). Rừng tràm ở cấp tuổi nhỏ hơn 10 có giá trị đường kính và chiều cao nhỏ hơn rừng tràm ở cấp tuổi lớn hơn 10. Giữa đường kính ngang ngực và sinh khối cây tràm có mối tương quan chặt chẽ với nhau (hệ số tương quan R = 0,93). Thành phần vật rụng ở hai cấp tuổi rừng tràm nhỏ hơn 10 và lớn hơn 10 không khác biệt. Mười loài thực vật dưới tán tràm được ghi nhận tại các ô tiêu chuẩn, trong đó sậy (Phragmites vallatoria (L.) Veldk) và choại (Stenochlaena palustris (Burm. f.) là những loài cây chủ yếu. Hàm lượng CO2 hấp thụ ước tính của rừng tràm theo hai cấp tuổi nhỏ hơn 10 và lớn hơn 10 đạt giá trị lần lượt là 200 tấn/ha và 250 tấn/ha.

Ảnh hưởng của nhiệt độ nung lên khả năng hấp phụ lân của bột vỏ sò huyết

Ngô Thụy Diễm Trang, Phạm Việt Nữ, Lê Anh Kha, Trần Sỹ Nam, Triệu Thị Thúy Vi, Lê Nguyễn Anh Duy
Tóm tắt | PDF
Một trong những phương pháp tiền xử lý vật liệu hấp phụ để làm tăng khả năng hấp phụ lân của vỏ sò là gia nhiệt. Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của 3 mức nhiệt độ 550, 750 và 950°C lên khả năng hấp phụ lân của bột vỏ sò huyết (kích cỡ hạt ≤2,0 mm). Quá trình hấp phụ lân được tiến hành trong 24 giờ ở nồng độ 20 mg PO43-/L. Kết quả cho thấy vỏ sò sau khi qua xử lý nhiệt thì có khả năng hấp phụ lân tốt hơn so với không nung, tuy nhiên mức gia nhiệt đòi hỏi phải đạt >750°C. Hiệu suất hấp phụ lân của nghiệm thức 950°C đạt 99,2%. Hay nói khác đi, lượng lân hấp phụ bởi 1 g vỏ sò là 0,07 mg P. Ngoài ra, nhiệt độ nung còn ảnh hưởng đến màu sắc, hình dạng và cấu trúc bề mặt của bột vỏ sò.

Kết hợp keo tụ hóa học với tuyển nổi điện hóa xử lý sơ cấp nước thải sản xuất mía đường

Lê Hoàng Việt, Nguyễn Việt Đức, Trần Tố Uyên, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm nâng cao hiệu quả giai đoạn xử lý sơ cấp nước thải sản xuất từ nhà máy mía đường. Kết quả cho thấy bể tuyển nổi điện hóa vận hành với góc nghiêng điện cực 45o, mật độ dòng điện 238 A/cm2, khoảng cách điện cực 2 cm, thời gian lưu 30 phút và hiệu điện thế 12 V cho hiệu suất loại bỏ độ đục và COD lần lượt là 69,44% và 38,58%. Nếu nước thải được keo tụ hóa học ở pH = 7,5, thêm lượng PAC = 240 mg/L và polymer anion A110 = 5 mg/L trước khi đưa vào bể tuyển nổi điện hóa sẽ làm tăng hiệu suất loại bỏ độ đục, SS, COD, BOD5, TKN, TP lần lượt là 99,24%, 94,27%, 57,74%, 58,51%, 88,07% và 98,39%. Có thể kết hợp công đoạn keo tụ hóa học với bể tuyển nổi điện hóa để góp phần giảm tải lượng nạp chất ô nhiễm cho công đoạn xử lý sinh học trong hệ thống xử lý nước thải ngành công nghiệp mía đường.

Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Văn Bé, Trần Văn Triển, Văn Phạm Đăng Trí, Trần Thị Lệ Hằng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của xâm nhập mặn (mùa khô năm 2016) đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (trường hợp nghiên cứu tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn nông hộ (sản xuất lúa và nuôi tôm) và chính quyền địa phương nhằm điều tra về ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đầu năm 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xâm nhập mặn (mùa khô năm 2016) ảnh hưởng chủ yếu đến sản xuất lúa 02 vụ. Trong khi đó, để giảm ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, người nuôi tôm đã pha loãng nước trong vuông tôm vì độ mặn trong nước trên hệ thống kênh tại địa phương cao hơn so với nhu cầu và khả năng thích nghi của tôm nuôi. Người dân thực hiện bằng cách pha thêm nguồn nước dưới đất và nước cấp để làm giảm nồng độ mặn trong nước. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xâm nhập mặn còn một số tác động đáng kể đến số lượng lao động di cư tự do (đến vùng khác làm thuê) của người dân gây ra sự biến động nguồn lao động tại vùng nghiên cứu.

Tổng hợp vật liệu khung cơ kim cấu trúc zeolite dựa trên hỗn hợp hai dẫn xuất imidazole và khả năng tương tác của vật liệu với CO2

Liêu Anh Hào, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Thị Diễm Hương, Nguyễn Ngọc Khánh Anh, Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Tóm tắt | PDF
Vật liệu khung cơ kim cấu trúc zeolite-HL1 (ZIF-HL1) được tạo thành từ phản ứng nhiệt dung môi của kẽm nitrate với hỗn hợp hai linker imidazole, 2-methylimidazole và 5-benzimidazole, trong dung môi N,N-dimethylformamide. Cấu trúc của ZIF-HL1 được xác định bằng phân tích nhiễu xạ tia X, cho kết quả của hệ tinh thể lập phương với các thông số mạng cơ sở a = b = c = 17.45 Å và Vô mạng = 5314.64 Å3. Vật liệu ZIF-HL1 còn thể hiện là một vật liệu có độ xốp cao, bền trong nước và có ái lực tốt với CO2. Nhiệt hấp phụ CO2 của ZIF-HL1 là 29 kJ mol-1, được xếp vào hàng các vật liệu ZIF đã công bố có ái lực tốt nhất với CO2.

Phân tích thống kê trọng lượng trẻ sơ sinh

Võ Văn Tài, Danh Ngọc Thắm, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Hồng Dân, Lê Thị Mỹ Xuân
Tóm tắt | PDF
Từ số liệu thực tế được thu thập tại Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ, bằng các phương pháp phân tích thống kê đơn biến và đa biến, bài viết xác định các nhân tố và nhóm các nhân tố có ý nghĩa thống kê ảnh hưởng đến trọng lượng trẻ sơ sinh. Dựa trên các mô hình phân loại, bài viết cũng xây dựng mô hình tối ưu trong dự báo trọng lượng trẻ sơ sinh đủ cân. Kết quả nghiên cứu là thông tin hữu ích trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và có thể áp dụng cho nhiều vấn đề khác trong thực tế.

Tổng hợp chất hoạt động bề mặt không ion N,N dihydroxyethyl alkanamides

Bùi Thị Bửu Huê, Tu Thi Kim Cuc, Khưu Lê Hải Yến
Tóm tắt | PDF
Các loại dialkanolamide béo hay mạch carbon được biến tính với các nhóm phân cực (dihydroxy) được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến hoạt tính bề mặt của chất hoạt động bề mặt dialkanolamide, là những chất hoạt động bề mặt rất tốt. Khi cho methyl oleate phản ứng với diethanolamine ở nhiệt độ cao, N,N-dihydroxyethyloleamide được tạo thành với hiệu suất cao. Bằng phản ứng oxy hóa sử dụng hệ HCOOH/H2O2, các vị trí C=C trên khung sườn carbon của methyl oleate đã được epoxy hóa và tiếp theo là mở vòng epoxy tạo ra sản phẩm dihydroxy stearate. Hỗn hợp này sau đó được cho phản ứng trực tiếp với diethanolamine tạo ra sản phẩm 9,10-dihydroxy-N,N-dihydroxyethyloctadecanamide với hiệu suất rất tốt.

Sự hội tụ của dãy lặp hỗn hợp kiểu Ishikawa cho họ ánh xạ thỏa mãn điều kiện trong không gian Hilbert

Nguyễn Trung Hiếu, Trương Cẩm Tiên
Tóm tắt | PDF
Bài báo này, một định lí về sự hội tụ của dãy lặp hỗn hợp kiểu Ishikawa cho họ ánh xạ thỏa mãn điều kiện  trong không gian Hilbert được thiết lập, từ đó suy ra một số kết quả về sự hội tụ của dãy lặp hỗn hợp kiểu Ishikawa cho ánh xạ không giãn và ánh xạ thỏa mãn điều kiện  Đồng thời, nghiên cứu cũng xây dựng ví dụ minh họa cho sự hội tụ của dãy lặp kiểu Ishikawa cho ánh xạ thỏa mãn điều kiện  trong không gian Hilbert.

Khảo sát sự dịch chuyển cấu trúc từ 2D sang 3D, so sánh độ bền của các cluster vàng AuN (n = 2 - 14) bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ

Phạm Vũ Nhật
Tóm tắt | PDF
Cấu trúc, cơ chế phát triển và các tính chất về năng lượng của các cluster Aun (n = 2 – 14) được nghiên cứu một cách hệ thống bằng phiếm hàm meta-GGA BB95 kết hợp với bộ hàm cơ sở phù hợp-tương quan thế năng giả cc-pVDZ-PP. Nhìn chung, trạng thái electron cơ bản là singlet đối với cluster có số electron chẵn và doublet đối với cluster có số electron lẻ. Về mặt cơ chế phát triển cấu trúc, các cluster với n = 2 – 10 có xu hướng tồn tại dưới dạng phẳng 2D; sự chuyển đổi từ cấu trúc 2D (phẳng) sang 3D (ba chiều) bắt đầu xảy ra tại Au11. Kết quả tính toán còn cho thấy năng lượng nguyên tử hóa, năng lượng tách một nguyên tử và chênh lệch năng lượng bậc hai biến thiên theo qui luật chẵn lẻ; các hệ với n chẵn bền hơn các hệ với n lẻ.

Khảo sát tỷ lệ nhiễm và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli trên vịt tại tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Hồng Sang, Hồ Thị Việt Thu, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 09 năm 2016 ở 4 huyện tại tỉnh Đồng Tháp. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tỷ lệ nhiễm Escherichia coli trên mẫu xét nghiệm, định týp huyết thanh vi khuẩn gây bệnh và thử kháng sinh đồ trên E. coli phân lập từ đàn vịt bệnh ở tỉnh Đồng Tháp. Chăn nuôi vịt tại tỉnh Đồng Tháp với phương thức nuôi chạy đồng chủ yếu là vịt chuyên trứng nuôi lấy trứng, phương thức nuôi nhốt chủ yếu là vịt chuyên thịt nuôi lấy thịt. Kết quả khảo sát 60.135 con vịt cho thấy tỷ lệ nghi mắc bệnh là 18,36%. Tần suất xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy phân trắng-xanh, mắt sưng, và thần kinh tương ứng là 99,07%, 68,22%, và 20,69%. Tỷ lệ nhiễm E. coli của đàn vịt là 99,53%, trong đó, tần suất xuất hiện bệnh tích túi khí mờ đục là 81,22%, gan sưng to là 71,36%, gan có màu xanh lục và phổi sung huyết là 12,21%. Tỷ lệ hiện diện bệnh E. coli theo các phương thức nuôi, lứa tuổi, mục đích sử dụng hay theo mùa khác nhau không có ý nghĩa thống kê. Vi khuẩn E. coli hiện diện trên mẫu phân tích rất cao, chủ yếu thuộc týp huyết thanh O78 (9,29%) và đề kháng với nhiều loại kháng sinh với nhiều kiểu hình đa kháng.

Sự lưu hành và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli trên vịt tại thành phố Cần Thơ

Lê Văn Lê Anh, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ nhiễm E. coli trên vịt tại bốn quận, huyện của thành phố Cần Thơ gồm: Ô Môn, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2016. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm E. coli trên vịt là 5,55%, tỷ lệ chết là 2,14%. Trong tổng số 200 vịt nghi bệnh, tỷ lệ dương tính với vi khuẩn E. coli là 100% tỷ lệ dương tính với E. coli từ mẫu phân, gan, lách, tủy xương và phổi lần lượt là 100%, 81%, 74,5%, 67,5% và 67%. Tỷ lệ nhiễm E. coli phụ thuộc lứa tuổi, cao nhất là ở vịt con dưới 5 tuần tuổi và thấp nhất ở là vịt lớn trên 12 tuần tuổi. Tỷ lệ nhiễm E. coli không khác biệt giữa hình thức nuôi chạy đồng và nuôi nhốt nhưng phụ thuộc vào mùa nắng và mùa mưa, giống vịt. Kết quả kiểm tra sự nhạy cảm với kháng sinh cho thấy E. coli đề kháng cao với ampicillin (75,16%) và trimethoprim/sulfamethoxazole (64,71%). Các loại kháng sinh còn nhạy cảm với E. coli ở tỷ lệ cao từ 76,47% đến 99,35% là ceitazidime, fosfomycin, colistin, gentamycin và norfloxacin. Có 114/153 chủng có hiện tượng đa kháng cùng lúc nhiều loại kháng sinh với 59 kiểu ghép khác nhau. Kiểu đa kháng phổ biến nhất là kiểu ghép gồm ampicillin - streptomycin - trimethoprim/sulfamethoxazole.

Khảo sát sự lưu hành và sự đề kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Escherichia coli gây bệnh trên vịt tại tỉnh Hậu Giang

Lê Thị Thùy Trang, Hồ Thị Việt Thu, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2016 với mục tiêu khảo sát sự lưu hành bệnh, xác định sự phân bố các chủng và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli phân lập được từ đàn vịt bệnh tại tỉnh Hậu Giang. Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp phân lập vi khuẩn E. coli theo TCVN 5155-90. Đồng thời, sự phân bố của type huyết thanh O1, O18, O78, O111 của 110 chủng vi khuẩn E. coli đã phân lập được khảo sát bằng phản ứng ngưng kết nhanh trên phiến kính  và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli được khảo sát qua việc thực hiện kháng sinh đồ với 10 loại kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. Kết quả cho thấy có 38 đàn vịt dương tính với E. coli chiếm tỷ lệ 95%. Kết quả phân lập từ 200 mẫu bệnh phẩm (phân, gan, lách, phổi, tủy xương) có 158 mẫu dương tính với vi khuẩn E. coli chiếm 79%. Kết quả định type huyết thanh cho thấy nhóm O78 chiếm tỷ lệ cao nhất (8,18%), tiếp đến O1 (6,36%), O18 (5,45%) và thấp nhất là O111 (3,63%). Vi khuẩn E. coli đề kháng cao với các loại kháng sinh như streptomycin và ampicillin,.. và vi khuẩn E. coli nhạy cảm cao với amikacin, fosfomycin. Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh do vi khuẩn E. coli trên vịt ở tỉnh Hậu Giang khá phổ biến.

Khảo sát kháng thể kháng virus dại trên chó ở một số lò mổ tại thành phố Cần Thơ

Trần Ngọc Bích, Nguyễn Đức Hiền, Trương Phúc Vinh, Nguyễn Minh Hải
Tóm tắt | PDF
Khảo sát kháng thể kháng virus dại trên chó ở một số lò mổ tại thành phố Cần Thơ được tiến hành từ tháng 02/2015 đến tháng 11/2015, bằng phương pháp ELISA với bộ Kit SERELISA® Rabies Ab Mono Indirect. Qua xét nghiệm 184 mẫu huyết thanh chó ở các lò mổ của 6 quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ thu được kết quả tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ là 14,13%. Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ cao nhất ở khu vực nội thành (16,7%) và thấp nhất là ngoại thành (10,53%). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ thấp nhất là chó < 1 năm (8,5%), kế đến là chó 1 – 2 năm (17,51%) và cao nhất là chó > 2 năm (31,25%), tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ trên giống chó nội (13,25%) thấp hơn so với giống chó ngoại (22,22%), tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ trên chó đực và chó cái gần bằng nhau (14%). Tuy nhiên những khác biệt đó không có ý nghĩa thống kê.

Khảo sát sự hiện diện và xác định các gene gây bệnh của vi khuẩn Salmonella Weltevreden trên thằn lằn tại tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Bến Tre

Huỳnh Tấn Lộc, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự lưu hành của chủng Salmonella Weltevreden trên thằn lằn ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Bến Tre từ tháng 8/2015 đến 7/2016. Từ 805 mẫu phân thằn lằn được thu thập ở các trại chăn nuôi heo, hộ gia đình có chăn nuôi và hộ gia đình không có chăn nuôi heo tìm thấy 132 mẫu dương tính với vi khuẩn Salmonella chiếm tỷ lệ 16,40%, trong đó chủng Salmonella Weltevreden là chủng phổ biến nhất với 50/132 chủng (37,88%). Tỷ lệ dương tính với vi khuẩn Salmonella trên thằn lằn không có sự khác nhau giữa trại chăn nuôi (21,25%) và hộ dân có chăn nuôi (15,87%) nhưng có sự khác nhau giữa trại chăn nuôi và hộ dân không có chăn nuôi (11,88%). Có sự lưu hành của các chủng S. Weltevreden tại các trại chăn nuôi (19 mẫu), hộ dân có chăn nuôi (17 mẫu) và hộ không có chăn nuôi (14 mẫu). Có 4/4 gene gây bệnh được phát hiện,  các gene gây bệnh hilD, sifA, sopB và pefA được tìm thấy với tỷ lệ 100%. Không có sự đề kháng với kháng sinh ở các chủng S. Weltevreden phân lập được.

Xác định Actinobacilus pleuropneumoniae dựa trên gene độc tố apxIVA và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo tại tỉnh Kiên Giang

Phan Kim Thanh, Lý Thị Liên Khai, Pham Hồng Chi
Tóm tắt | PDF
Gene apxIVA là một gene độc tố được dùng để xác định vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae (A. pleuropneumoniae) gây bệnh viêm phổi, viêm màng phổi trên heo. Một trăm ba mươi lăm mẫu dịch xoang mũi, hạch hạnh nhân và phổi heo ở các lứa tuổi tại các hộ, trại chăn nuôi và lò giết mổ gia súc tại Kiên Giang được thu thập, phân lập trên môi trường chocolate và làm kháng sinh đồ dựa trên phương pháp khuếch tán trên thạch của Bauer et al. (1966). Tỷ lệ heo bệnh hô hấp ở Kiên Giang là 11,14%. Kỹ thuật PCR sử dụng gene độc tố apxIVA xác định được A. pleuropneumoniae là 27,69% (18/65). Vi khuẩn A. pleuropneumoniae phân lập được trên heo ở tỉnh Kiên Giang đề kháng với các loại kháng sinh amoxicillin (88,89%), streptomycin (72,22%), gentamicin (66,67%), ampicillin (50,00%) và colistin (50,00%). Tỷ lệ các gene kháng kháng sinh blaROB-1, strA, strB, aadB, pmrA, pmrB của vi khuẩn lần lượt là 33,33%; 27,78%; 72,22%; 38,89%; 33,33% và 33,33%.

Phân lập, nhận diện vi khuẩn phân hủy cellulose từ sùng (Holotrichia parallela) và trùn đất (Lubricus terrestris)

Mai Thi, Nguyễn Hữu Hiệp, Dương Ngọc Thúy
Tóm tắt | PDF
Cellulose trong rác thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Vì vậy, phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng phân hủy cellulose là việc làm rất cần thiết. Năm mươi mốt dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy cellulose đã được phân lập từ ruột của sùng (Holotrichia parallela) và trùn đất (Lubricus terrestris), bao gồm 15 dòng phân lập từ tỉnh Hậu Giang và 36 dòng phân lập từ tỉnh Sóc Trăng. Đa số các dòng vi khuẩn phân lập có dạng hình que, có khả năng chuyển động, khuẩn lạc có màu trắng đục, dạng bìa nguyên và độ nổi mô. Khảo sát khả năng phân hủy cellulose của vi khuẩn cho thấy có 25 dòng vi khuẩn phân lập hoạt tính enzyme cellulase. Đặc biệt, 3 dòng vi khuẩn CS2, CH8 và TS3 có hoạt tính enzyme cellulase mạnh được nhận diện theo thứ tự là Bacillus cereus strain L5, Bacillus flexus strain KJ1-5-910 và Bacillus subtilis strain 168.

Nông dân sử dụng kiến thức bản địa để thích nghi với lũ ở tỉnh An Giang

Phạm Xuân Phú, Nguyễn Ngọc Đệ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm hệ thống hóa và đánh giá tính phù hợp của kiến thức bản địa trong thích nghi với lũ của nông dân ở tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả sử dụng kiến thức bản địa trong việc giảm tính dễ bị tổn thương của nông dân vùng lũ. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân ở địa bàn nghiên cứu có nhiều kiến thức bản địa có giá trị trong thích ứng với lũ. Tuy nhiên, những kiến thức này chưa được ghi chép cụ thể và lưu trữ phù hợp để truyền lại cho các thế hệ sau và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có một số kiến thức bản địa của người dân không còn phù hợp và đã sai lệch so với hiện nay nên cần xem xét trong điều kiện hiện tại. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số tổn thương sinh kế (Livelihood Vulnerability Index-LVI) của khu vực nghiên cứu giảm dần theo các yếu tố chính là mạng lưới xã hội, kiến thức - kỹ năng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu nhập và tài chính, chiến lược sinh kế, thảm họa thiên nhiên và khác nhau ở vùng đầu, giữa và cuối nguồn. Vì thế, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp bảo tồn kiến thức bản địa có giá trị, ứng dụng kết hợp kiến thức bản địa với các biện pháp thích nghi hiện tại để nâng cao khả năng chủ động thích nghi với lũ trong điều kiện khí hậu biến đổi.

Định hướng sử dụng đất nông nghiệp trên cơ sở tương tác các chủ thể ở cấp độ chi tiết

Phạm Thanh Vũ, Tôn Thất Lộc, Phan Hoàng Vũ, Lê Quang Trí, Vương Tuấn Huy, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Một phương án quy hoạch sử dụng đất khả thi phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của cộng đồng sống tại địa phương và các bên liên quan, qua đó giải quyết được mâu thuẫn trong quá trình sử dụng đất. Nghiên cứu được thực hiện nhằm gắn kết sự tham gia của các chủ thể vào hoạch định chiến lược sử dụng đất nông nghiệp để giải quyết những thách thức đang phải đối mặt về rủi ro của thị trường và biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn và hạn), góp phần sử dụng đất hiệu quả và bền vững. Phương pháp được thực hiện dựa trên thu thập các dữ liệu, báo cáo kỹ thuật, điều tra nông hộ, đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng (PRA), và so sánh tương tác giữa các Quy hoạch sử dụng đất tiếp cận từ dưới lên (PLUP), đánh giá đất đai FAO (1976, 2007) và Quy hoạch phân bổ từ trên xuống của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự mâu thuẫn trong định hướng sử dụng đất đai, nhưng sự tương tác của các chủ thể đã giúp tìm ra các giải pháp để giải quyết mâu thuẫn, đi đến sự thỏa thiệp của các bên liên quan trong lập quy hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả và khả thi cao; từ đó, đề xuất phương án sử dụng đất đai một cách hợp lý nhất đáp ứng điều kiện thực tế của địa phương, thỏa mãn các nhu cầu của cộng đồng, yêu cầu sinh thái và mục tiêu phát triển của địa phương. Kết quả nghiên cứu đã giúp nâng cao phát triển kinh tế - xã hội ấp Trà Hất bền vững.

Đánh giá hiệu quả của phân bón tan chậm đến sinh trưởng và năng suất lúa vụ Hè Thu 2016 trên vùng đất nhiễm phèn, tỉnh Đồng Tháp

Vũ Anh Pháp, Nguyễn Thanh Mỹ, Nguyễn Văn Sánh, Trần Hữu Phúc, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Trong thâm canh lúa, phân bón chiếm 30% chi phí, ngoài ra bón dư phân sẽ tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của phân bón tan chậm đến sinh trưởng và năng suất lúa” được thực hiện tại hợp tác xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trong vụ Hè - Thu 2016, trên nền đất phèn nhẹ nhằm tìm ra công thức tối ưu nhất và xác định hiệu quả kỹ thuật, tài của loại phân bón này. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên 3 lần lặp lại với 6 nghiệm thức phân bón. Phân tan chậm là phân hóa học N-P-K thông thường được baopolymer để điều khiển phân tan theo nhu cầu cây lúa trong suốt thời gian sinh trưởng nên chỉ bón 1 lần trước khi làm đất lần cuối để vùi phân vào đất. Kết quả thí nghiệm cho thấy phân tan chậm cung cấp đủ dinh dưỡng để cây trồng phát triển qua các giai đoạn sinh trưởng. Nghiệm thức phân tan chậm với công thức N-P-K: 60-46-39 cho hiệu quả cao nhất dù chỉ sử dụng 50% đạm, 57% lân và 65% kali so với công thức phân bón truyền thống của nông dân nhưng lại đạt năng suất và chất lượng tương đương, đồng thời ít nhiễm sâu bệnh.

Khả năng phát triển của tảo Chlorella sp. trong điều kiện dị dưỡng

Trần Sương Ngọc, Huỳnh Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Tuyết Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra điều kiện dinh dưỡng và hàm lượng glucose sử dụng thích hợp cho sự phát triển của tảo Chlorella sp. Nghiên cứu gồm hai thí nghiệm được tiến hành trong phòng với nhiệt độ 26-28°C, tảo được nuôi trong bình thủy tinh 8 lít với mật độ ban đầu 2×106 tế bào/mL ở độ mặn 25‰ và môi trường nuôi cấy là Walne. Thí nghiệm 1 được tiến hành gồm 3 nghiệm thức với 3 lần lặp lại trong điều kiện: quang dưỡng, quang dị dưỡng và dị dưỡng, trong đó nguồn carbon hữu cơ cung cấp trong điều kiện quang dị dưỡng và dị dưỡng là glucose với hàm lượng 10g/L. Ở thí nghiệm 2, tảo Chlorella sp. được nuôi trong điều kiện quang dị dưỡng với hàm lượng glucose khác nhau: 5g/l, 10g/L và 15g/L. Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy tảo Chlorella sp. phát triển tốt nhất ở nghiệm thức quang dị dưỡng, mật độ cao nhất 106,53±0,69×106 tế bào/mL, khác biệt có ý nghĩa thống kê với các nghiệm thức còn lại. Ở thí nghiệm 2, tảo Chlorella sp. ở nghiệm thức glucose 10g/L đạt mật độ 99,66±1,77×106 tế bào/mL, cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại.

Đánh giá khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính trong nuôi tôm sú theo mô hình tôm - lúa luân canh ở tỉnh Cà Mau

Trương Hoàng Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 8 - 12/2014 thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 30 hộ nuôi tôm sú theo mô hình tôm-lúa luân canh ở huyện U Minh (UM) và 30 hộ ở huyện Thới Bình (TB), tỉnh Cà Mau. Các thông tin được thu thập là (1) các khía cạnh kỹ thuật và tài chính và (2) những thuận lợi và khó khăn của mô hình này. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, huyện UM có diện tích nuôi (2,62 ha/hộ) và độ sâu mực nước mương bao (1,05 m) nhỏ hơn huyện TB lần lượt là 1,66 ha và 1,25 m. Mật độ thả giống ở UM là 5,23 con/m2/vụ thấp hơn so với TB 6,02 con/m2/vụ. Tỷ lệ sống tôm nuôi ở UM (30%) cao hơn TB (25%), nhưng kích cỡ tôm thu hoạch (42,5 con/kg) và năng suất (340 kg/ha/vụ) thấp hơn TB tương ứng là 37,5 con/kg và 352 kg/ha/vụ. Tổng chi phí đầu tư là khá thấp (7,47 ở UM và 8,39 tr.đ/ha/vụ ở TB) và giá thành sản xuất chỉ từ 42,7- 45,2 nghìn.đ/kg. Giá bán cao (142 ngàn.đ/kg ở UM và 156 ngàn.đ/kg ở TB) nên lợi nhuận đạt 43,1 tr.đ/ha/vụ ở UM và 43,9 tr.đ/ha/vụ ở TB, với tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 5,72 và 4,25 lần. Số hộ thua lỗ ở mô hình này chỉ 12,3% ở tỉnh Cà Mau (10% ở UM và 13,3% ở TB). Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi trong mô hình này là mật độ và yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận là mật độ và năng suất.

Quá trình phát triển của nghề nuôi cá trê lai ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhận thức của người nuôi về vấn đề con lai

Dương Thúy Yên, Nguyễn Văn Cầu, Dương Nhựt Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu quá trình phát triển nghề nuôi cá trê lai ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận định của các bên liên quan về tác động của cá trê lai đối với cá trê vàng. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1-3 năm 2015, thông qua việc phỏng vấn các cán bộ chủ chốt ở 13 tỉnh (5 người/tỉnh), 150 nông hộ nuôi cá trê lai ở 5 tỉnh  An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang và 23 trại sản xuất và ương giống. Kết quả cho thấy cá trê phi được di nhập vào các tỉnh từ năm 1975-1980, nghề nuôi thương phẩm cá trê lai bắt đầu từ cuối những năm 80 và phát triển nhất trong giai đoạn 2002-2010 ở tất cả các tỉnh. Tuy nhiên, phong trào nuôi sau đó giảm dần, năm 2014 cá trê chỉ còn được nuôi ở 5 tỉnh nêu trên với tổng diện tích nuôi 250 ha và sản lượng đạt 16.840 tấn. Sản xuất giống tập trung ở Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long. Cá trê lai được khẳng định có thất thoát ra ngoài tự nhiên nhưng tác động của chúng đối với nguồn lợi cá trê vàng được đánh giá khác nhau giữa các đối tượng được phỏng vấn. Đa số cán bộ quản lý (88%) cho rằng không có ảnh hưởng tiêu cực của con lai, trong khi đó theo người dân, cá trê lai có thể gây ảnh hưởng đến cá trê vàng như cạnh tranh thức ăn, lây bệnh, lai ngược lại với cá trê vàng và cạnh tranh không gian sống.

Nghiên cứu sử dụng cà rốt (Daucus carota) thay thế thức ăn viên trong nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) theo công nghệ biofloc

Lê Quốc Việt, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Phú, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ thay thế thức ăn viên bằng cà rốt (Daucus carota) thích hợp cho tăng trưởng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng (Liotopenaeus vannamei) (TTCT) nuôi theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với các mức thay thế cà rốt khác nhau gồm: (i) 100% thức ăn viên (đối chứng); (ii) thay thế 10%; (iii) 20% và (iv) 30% thức ăn viên bằng cà rốt. Tôm có khối lượng ban đầu 0,37±0,09 g và chiều dài 3,49±0,32 cm được nuôi trong hệ thống biofloc với tỉ lệ C:N=15:1, độ mặn 15‰­­và mật độ nuôi 150 con/m3. Sau 60 ngày nuôi, khối lượng tôm ở các nghiệm thức dao động 8,2-9,0 g và khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tỷ lệ sống và sinh khối của tôm ở nghiệm thay thế 30% đạt cao nhất (86,7% và 1,1 kg/m3), khác biệt có ý nghĩa so nghiệm thức đối chứng (56,3% và 0,8 kg/m3), nhưng không khác biệt so với hai nghiệm thức còn lại. Tương tự, chi phí thức ăn cho 1 kg tôm thương phẩm thấp nhất ở nghiệm thức thay thế 30% (49.702 đồng/kg), khác biệt có ý nghĩa (p0,05) so với nghiệm thức thay thế 10% và 20%. Bên cạnh đó, màu sắc tôm nuôi ở các nghiệm thức có bổ sung cà rốt đậm hơn so với nghiệm thức đối chứng, nhưng thành phần sinh hóa của tôm nuôi khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức.

Sử dụng kết hợp thức ăn xanh và thức ăn công nghiệp để nuôi ốc bươu đồng (Pila polita) trong giai lưới

Lê Văn Bình, Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong 4 tháng nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay thế thức ăn xanh với tỷ lệ khác nhau lên tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, năng suất và hiệu quả kinh tế của ốc bươu đồng (Pila polita) trong giai đoạn nuôi thịt. Thí nghiệm gồm có 5 nghiệm thức thức ăn và được lặp lại 3 lần là: (i) Thức ăn công nghiệp-100% (CN100); (ii) Thức ăn công nghiệp 75% kết hợp thức ăn xanh 25% (X25); (iii) Thức ăn công nghiệp 50% kết hợp thức ăn xanh 50% (X50); (iv) Thức ăn công nghiệp 25% kết hợp thức ăn xanh 75% (X75) và (v) Thức ăn xanh 100% (X100). Khối lượng, chiều cao và chiều rộng ban đầu của ốc giống là (1,32 g; 19,71 mm và 13,81 mm), ốc được nuôi trong giai với mật độ 150 con/m2. Sau 4 tháng nuôi, tỷ lệ sống của nghiệm thức X100 (71,9%) cao hơn so với X75 (71,1%), X50 (69,9%) và khác biệt (p

Nghiên cứu sử dụng rong xanh (Cladophora sp.) làm nguồn thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus)

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Thúy An, Trần Ngọc Hải, Phạm Thị Tuyết Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sử dụng rong xanh (Cladophora sp.) làm thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus). Thí nghiệm gồm 7 nghiệm thức được lặp lại 3 lần, mỗi ngày cá được cho ăn thức ăn viên hoặc rong xanh tươi/khô: (1) thức ăn viên mỗi ngày là nghiệm thức đối chứng; (2 và 3) rong xanh tươi/khô mỗi ngày; (4 và 5) 1 ngày rong xanh tươi/khô_1 ngày thức ăn viên; (6 và 7) 2 ngày rong xanh tươi/khô_1 ngày thức ăn viên. Cá rô phi giống có khối lượng ban đầu là 3,49±0,26 g được nuôi trong bể 250 L ở độ mặn 10‰ và sục khí liên tục. Sau 60 ngày nuôi, tỉ lệ sống của cá không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, dao động 93,3-98,3%. Tốc độ tăng trưởng của cá cho ăn luân phiên 1 ngày rong xanh tươi/khô_1 ngày thức ăn viên khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).  Áp dụng cho ăn luân phiên rong xanh và thức ăn, lượng thức ăn viên có thể được giảm từ 29,6% đến 38,6% đồng thời chất lượng nước tốt hơn so với nghiệm thức đối chứng. Thành phần sinh hóa thịt cá cho thấy hàm lượng lipid giảm trong khi hàm lượng nước, protein và tro không khác biệt (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy rong xanh tươi/khô có thể được sử dụng làm nguồn thức ăn thay thế một phần thức ăn thương mại để nuôi cá rô phi góp phần giảm chi phí thức ăn.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Tổng kết một số chủ đề và đề xuất hướng nghiên cứu

Lê Phước Hương, Lưu Tiến Thuận
Tóm tắt | PDF
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là khái niệm được chú ý nhiều. Các nghiên cứu lý luận hay thực nghiệm đề cập đến chủ đề này từ những năm 1950. Xét thấy tầm quan trọng của CSR ngày càng tăng, các học giả cũng như nhà quản lý cần tập trung nghiên cứu các khía cạnh của CSR.Bài viết tổng kết các nghiên cứu trước đây (135 bài báo khoa học) liên quan đến các chủ đề về CSR, cụ thể là thảo luận nguồn dữ liệu, các khung lý thuyết, đánh giá kết quả nghiên cứu, đo lường CSR theo các bên liên quan và đề xuất các hướng nghiên cứu trong tương lai. Qua lược khảo cho thấy nhiều lý thuyết được sử dụng trong nghiên cứu CSR nhưng lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết Carroll được sử dụng phổ biến nhất. Trong nước, CSR được quan tâm nhiều để hoàn thiện về mặt thể chế chung, chưa đi sâu từng ngành nghề. Trong khi các nghiên cứu nước ngoài phân tích theo từng khía cạnh khách hàng, nhân viên và thương hiệu nhằm đưa ra các chiến lược kinh doanh hợp lý theo từng ngành. Nghiên cứu đề xuất tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung các biến trung gian, cũng như tập trung vào đối tượng khách hàng nhằm tối đa hóa lợi ích từ các hoạt động CSR.

Đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2001-2015

Đỗ Văn Xê, Nguyễn Hữu Đặng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang bằng phương pháp hàm sản xuất Cobb-Douglas, dựa trên bộ dữ liệu thời gian trong giai đoạn 2000-2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số đóng góp của vốn (α) là 0,4359, hệ số đóng góp của lao động (β) là 0,5461; tốc độ tăng trưởng TFP bình quân của tỉnh Kiên Giang trong mỗi giai đoạn 5 năm 2001-2005, 2006-2010 và 2011-2015 lần lượt là 1,85%/năm, -4,10%/năm và 2,55%/năm và đóng góp của TFP trong tăng trưởng kinh tế tỉnh lần lượt là 13,21%, -36,55 và 25,63%.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tái sử dụng dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến tại thành phố Cần Thơ

Ngô Mỹ Trân, Lê Thị Hồng Vân
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tái sử dụng dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến tại thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu tiến hành khảo sát 312 hành khách trên địa bàn thành phố. Các phương pháp phân tích chính được sử dụng là phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy hài lòng tiện lợi tác động trực tiếp và thuận chiều đến lòng trung thành; hài lòng tiện lợi tác động trực tiếp và thuận chiều đến quyết định tái sử dụng. Bên cạnh đó, hài lòng tiện lợi còn có tác động gián tiếp đến quyết định tái sử dụng dịch vụ thông qua lòng trung thành. Các nhân tố giá, thói quen và trung thành có ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều đến quyết định tái sử dụng. Đặc biệt, nhân tố giá và thói quen có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quyết định tái sử dụng. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy hài lòng phục vụ không tác động trực tiếp đến quyết định tái sử dụng mà tác động gián tiếp thông qua lòng trung thành. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị được đề xuất góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách có thể đề ra những chính sách giúp khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ.

Phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất lúa của chương trình cùng nông dân ra đồng với doanh nghiệp tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Nguyễn Tuấn Kiệt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu chính là phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất vụ Hè Thu của hộ sản xuất lúa tham gia chương trình cùng nông dân ra đồng với doanh nghiệp ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Kết quả so sánh với nhóm hộ “tương đồng” nhưng không tham gia chương trình cho thấy, các nông hộ tham gia chương trình cùng nông dân ra đồng sản xuất đạt hiệu quả cao hơn cả về doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Kết quả này được khẳng định qua phân tích hồi quy. Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận trồng lúa của nông hộ ở Vĩnh Hưng bằng hồi quy đa biến cho thấy, các yếu tố như chi phí phân, thuốc, tập huấn kỹ thuật, trình độ, diện tích, kinh nghiệm ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi lợi nhuận của nông hộ sản xuất lúa. Có thể thấy rằng "chương trình cùng nông dân ra đồng" đã mang lại lợi ích cao hơn cho người trồng lúa cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Thị Thu Thương
Tóm tắt | PDF
Bài viết ứng dụng phương pháp phân tích bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis – DEA) để đánh giá hiệu quả hoạt động của 21 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011-2015. Kết quả cho thấy các NHTM sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn lực đầu vào với chỉ số hiệu quả kỹ thuật trung bình đạt 94%. Chỉ số Malmquist cũng được sử dụng để phân tích sự thay đổi năng suất của các NHTM theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy, tiến bộ công nghệ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi Chỉ số Malmquist. Bài viết cũng sử dụng mô hình Tobit để ước lượng tác động của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngoài các nhân tố lợi nhuận/tổng tài sản, nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng và tổng tài sản  ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các NHTM trên địa bàn tỉnh, thì việc tăng số lượng các doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kỹ thuật của các NHTM.

Đánh giá kinh tế về khả năng áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nước giải khát không cồn tại Việt Nam

Trương Ngọc Phong, Phạm Thành Thái
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định khả năng áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nước giải khát không cồn tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng dựa trên khung phân tích kinh tế học về thuế được Stiglitz (1986) đề xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặt hàng nước giải khát có cầu co giãn mạnh theo giá, và không phải là mặt hàng xa xỉ. Trong ba tính chất quan trọng của chính sách thuế hiệu quả có 2 tính chất mà chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nếu áp dụng lên mặt hàng nước giải khát sẽ không đạt được là (i) tính kinh tế và (ii) tính công bằng; tiêu chí (iii) tính đơn giản sẽ khó đạt được khi Chính phủ sử dụng các mức thuế suất phân biệt cho từng loại nước giải khát. Vì vậy, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước giải khát ở thời điểm hiện tại.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về biến đổi khí hậu của nông dân trồng lúa tỉnh Sóc Trăng

Hồ Thanh Tâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu tìm hiểu nhận thức của nông dân trồng lúa và vai trò của nguồn thông tin trong việc hình thành nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, ở tỉnh Sóc Trăng – một trong những tỉnh ven biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương bởi tình trạng BĐKH và nước biển dâng. Dữ liệu được thu thập thông qua điều tra khảo sát 125 hộ nông dân trồng lúa tại huyện Long Phú và Trần Đề tỉnh Sóc Trăng trong vụ lúa năm 2014 – 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hộ nông dân trồng lúa ở hai huyện này ngày càng có nhận thức cao về BĐKH, đặc biệt là nhận thức rõ rệt về thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và hiện tượng thời tiết cực đoan như tình hình xâm nhập mặn với tỷ lệ chiếm 72,8%, 81,6% và 54,4% trong tổng số hộ được khảo sát. Bằng việc sử dụng mô hình hồi quy logit nhị thức, nghiên cứu chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nhận thức, bao gồm các đặc điểm kinh tế xã hội của nông hộ như trình độ học vấn, kinh nghiệm và vị trí của ruộng lúa. Bên cạnh đó, các nguồn thông tin mà người dân tiếp cận thông qua các phương tiện truyền thông, các chương trình tập huấn khuyến nông của địa phương và công ty vật tư nông nghiệp, và các mối quan hệ xã hội thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức của nông dân về BĐKH cũng như các tác động của nó lên sản xuất lúa ở địa phương.

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của nông dân trong hoạt động sản xuất lúa giống cộng đồng huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang năm 2016

Phạm Ngọc Nhàn, Trần Thị Linka, Hồ Hoàng Chinh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của nông dân trong hoạt động sản xuất lúa giống cộng đồng được thực hiện tại huyện Long Mỹ - tỉnh Hậu Giang năm 2016. Nghiên cứu tập trung vấn đề trọng tâm là đánh giá mức độ tham gia của nông dân vào hoạt động sản xuất lúa giống dựa vào 5 mức độ đánh giá của thang đo Likert được thiết kế từ 1 đến 5. Các nhân tố được đưa vào để đánh giá sự tham gia của nông dân bao gồm: (i) Năng lực cá nhân; (ii) Sự chấp nhận của thị trường và người tiêu dùng; (iii) Chính sách Nhà nước và các hoạt động hỗ trợ; (iv) Lợi ích cá nhân và xã hội; (v) Nhận thức xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tham gia của nông dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố Nhận thức xã hội (ảnh hưởng đến 57,5%), thứ hai là yếu tố Năng lực cá nhân (ảnh hưởng đến 47,2%), kế tiếp là yếu tố Sự chấp nhận của thị trường (ảnh hưởng đến 14,5%). Các yếu tố Lợi ích cá nhân và xã hội, yếu tố Chính sách Nhà nước và các hoạt động hỗ trợ tác động không có ý nghĩa trong mô hình nghiên cứu. Một số giải pháp nâng cao năng lực nông dân qua các khóa tập huấn sản xuất lúa giống tăng cường sự liên kết nông dân trong hệ thống giống cộng đồng được đề nghị nhằm đẩy mạnh sự tham gia của nông dân vào hoạt động sản xuất lúa giống.

So sánh hiệu quả tài chính giữa chăn nuôi sinh thái và chăn nuôi truyền thống: Trường hợp nghiên cứu nông hộ chăn nuôi ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Quốc Nghi, Nguyễn Thị Thúy Oanh, Trần Thị Diễm Cần
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả tài chính giữa hình thức chăn nuôi theo hướng sinh thái và hình thức chăn nuôi theo truyền thống của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Số liệu phục vụ nghiên cứu được thu thập từ 223 nông hộ có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện với hình thức phỏng vấn trực tiếp. Thông qua các phương pháp phân tích như: thống kê mô tả, so sánh tỷ số tài chính, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hình thức chăn nuôi sinh thái mang lại lợi ích cao hơn so với hình thức chăn nuôi truyền thống, cụ thể: các tỷ số phản ảnh khả năng sinh lợi của nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức sinh thái hầu như cao hơn nhóm hộ chăn nuôi theo hình thức truyền thống.

Phân tích các yếu tố của điểm đến du lịch tác động đến ý định trở lại của du khách - Trường hợp du khách đến thành phố Cần Thơ

Huỳnh Nhựt Phương, Nguyễn Thúy An
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là phân tích các yếu tố thuộc điểm đến du lịch tác động đến ý định quay lại của du khách. Dữ liệu được thu thập bằng cách phỏng vấn 150 du khách nội địa và quốc tế đến du lịch ở thành phố Cần Thơ. Qua việc sử dụng các phương pháp phân tích nhân tố khẳng định (CFA), mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) và phương pháp ước lượng bootstrap, nghiên cứu đã chỉ ra được mối quan hệ thuận chiều giữa thái độ của du khách và ý định quay lại của họ, trong khi đó thái độ của du khách bị tác động tiêu cực bởi các tệ nạn liên quan đến giá cả và tệ nạn về an toàn, an ninh tại điểm đến du lịch. Ngoài ra, nghiên cứu có đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần kiểm soát tệ nạn trong du lịch và các hướng nghiên cứu mới tiếp theo, bao gồm mở rộng cỡ mẫu quan sát và mở rộng khảo sát các địa điểm du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có sự so sánh vấn đề nghiên cứu của các vùng với nhau.

Việc ra quyết định các vấn đề của gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mối quan hệ giới

Trần Hạnh Minh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về quyền ra quyết định các vấn đề của gia đình không phải là chủ đề mới trong xã hội học. Các nhà xã hội học thường có khuynh hướng xem “việc ra quyết định các vấn đề của gia đình” (cùng với phân công lao động) là một chỉ báo để đo lường mức độ bình đẳng giữa chồng và vợ trong gia đình. Tuy nhiên, từ cách tiếp cận nhân học, để chỉ báo này phản ánh đúng bản chất của vấn đề bất bình đẳng cần quan tâm đến tính chất của từng sự việc trong gia đình, trình độ học vấn, thu nhập, bối cảnh và sinh kế của từng gia đình. Kết quả nghiên cứu ở bốn xã: Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), Kiến An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) và Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho thấy: ai làm chính công việc nào sẽ là người quyết định cuối cùng công việc ấy.

Đề xuất giải pháp xử lý phần diện tích đất ở dưới mức tối thiểu phát sinh sau khi nhà nước thu hồi đất

Phan Trung Hiền, Nguyễn Hồng Thảo
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, những căn nhà có diện tích dưới diện tích tối thiểu tách thửa (còn gọi là nhà “siêu mỏng”, “siêu nhỏ”) ngày càng gia tăng tại nhiều đô thị ở Việt Nam. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hiệu quả thực thi pháp luật. Việc hình thành các căn nhà dạng này chủ yếu là hệ quả của quá trình mở rộng các tuyến đường trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương cũng như sự thiếu đồng bộ nhất quán giữa các văn bản thi hành Luật đất đai và Luật xây dựng. Mục tiêu của bài viết này là đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế các trường hợp phát sinh những thửa đất căn nhà có diện tích dưới diện tích tối thiểu tách thửa từ quá trình giải phóng mặt bằng.