Ngày xuất bản: 22-07-2019

Đánh giá của cựu sinh viên về chương trình đào tạo ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Võ Thị Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát ý kiến đánh giá của 103 cựu sinh viên ngành Sư phạm Sinh học từ Khóa 27 đến Khóa 40 bằng phiếu điều tra và phỏng vấn về các tiêu chí như (1) mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; (2) cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo; (3) phương pháp tiếp cận trong dạy và học; (4) hoạt động đánh giá kết quả học tập của sinh viên; (5) chất lượng đội ngũ giảng viên và nhân viên; (6) cơ sở vật chất và trang thiết bị và hoạt động hỗ trợ người học; (7) kết quả đầu ra. Cựu sinh viên đã đánh giá mức độ phù hợp/đáp ứng/hài lòng về chương trình đào tạo ngành Sư phạm Sinh học ở mức từ 2,61 đến 4,21 (tương đối tốt đến tốt). Một số kỹ năng cần chú trọng phát triển thêm cho sinh viên gồm kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng ứng xử sư phạm, xử lý bạo lực học đường và kỹ năng tổ chức quản lý và lãnh đạo. Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực của người học, đáp ứng xu thế hội nhập và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo tính hiệu quả đào tạo giáo viên trung học phổ thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam là cần thiết.

Khảo sát tư duy lập trình tính toán của sinh viên trong mô hình giáo dục STEM: Nghiên cứu tại Trường Đại học Cần Thơ

Bùi Anh Tuấn, Lâm Minh Huy, Phạm Vương Đăng Linh, Nguyễn Thị Minh Anh, Trương Quốc Tuấn
Tóm tắt | PDF
Tư duy lập trình tính toán là một trong những tư duy nền tảng. Trong khi, giáo dục STEM cũng đang chứng tỏ là một mô hình hiệu quả trong đào tạo các ngành liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong các trường đại học. Nghiên cứu này xem xét tư duy lập trình tính toán của sinh viên dưới cách tiếp cận của mô hình giáo dục STEM thông qua phần mềm Scratch tại Trường Đại học Cần Thơ. Phân tích thống kê được sử dụng để đánh giá kết quả khảo sát.  

Cách tiếp cận tích hợp trong thiết kế học phần

Nguyễn Thị Hồng Nam
Tóm tắt | PDF
Trường Đại học Cần Thơ đang trong tiến trình điều chỉnh chương trình đào tạo cử nhân. Câu hỏi đặt ra là thiết kế chương trình và cùng với thiết kế học phần như thế nào để có thể hình thành và phát triển năng lực cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của xã hội và nghề nghiệp tương lai? Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày (1) quan niệm về chuẩn đầu ra của ngành đào tạo và mục tiêu học phần hay còn gọi là kết quả đầu ra dự kiến; (2) năng lực; (3) mô hình tích hợp trong thiết kế học phần, gồm 3 thành tố gắn kết với nhau: kết quả đầu ra – đánh giá – hoạt động dạy và học (Biggs and Tang, 2011). Sử dụng mô hình này trong thiết kế học phần sẽ góp phần trả lời câu hỏi đã nêu trong phần trên.

Di sản và vấn đề giáo dục di sản cho học sinh trung học phổ thông

Dương Quỳnh Phương, Đỗ Văn Hảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về di sản và giáo dục di sản trong trường phổ thông, trước hết cần nhận dạng được di sản với 3 nhóm gồm di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản hỗn hợp. Mỗi di sản được phân loại đều có tiêu chí rõ ràng, những di sản được UNESCO công nhận phải có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học, bảo toàn hoặc vẻ đẹp tự nhiên, quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học.Hiện nay, ở các trường phổ thôngviệc đưa di sản vào dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng còn khá nhiều vấn đề. Giáo viên thường giáo dục cho học sinh chủ yếu là ý nghĩa, vai trò và giá trị của di sản, trong khi trên thực tế, các di sản ngày càng xuống cấp, cần được bảo vệ thì việc giáo dục ý thức và trách nhiệm bảo tồn các di sản vẫn chưa được hiệu quả. Việc giáo dục di sản có hiệu quả tùy điều kiện của từng địa phương và đặc thù của từng bậc học, cấp học mà mỗi trường cần có một cách tổ chức phù hợp, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành ở địa phương trong việc lựa chọn các mô hình, chủ đề giáo dục di sản cho học sinh.

Dạy học tác phẩm văn học trung đại Việt Nam ở trung học phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực

Nguyễn Đức Thăng
Tóm tắt | PDF
Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực là dựa vào hệ thống năng lực ở người học; bồi dưỡng, phát triển hệ thống đó một cách phù hợp, tối ưu để từng cá thể có kiến thức, khả năng, kỹ năng sống, làm việc đạt những mục đích cụ thể. Theo hướng này, giảng dạy tác phẩm văn học trung đại Việt Nam cho học sinh trung học phổ thông cần dựa vào hệ thống năng lực (năng lực chung và năng lực cụ thể) của đối tượng; bồi dưỡng, phát huy cao nhất, giúp họ chiếm lĩnh tri thức, nhất là tinh hoa của thành phần văn học này (bao gồm các giá trị thẩm mỹ, nhân văn, ngôn từ); đồng thời chuyển hóa, vận dụng những giá trị đó vào thực tế đời sống, phục vụ công việc hữu ích. Bài viết cho thấy: Nắm vững mục tiêu dạy học tiếp cận năng lực, đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, kết hợp các phương pháp dạy học tích cực sẽ đem lại kết quả thiết thực trong hoạt động giảng dạy - học tập văn học trung đại Việt Nam ở trường trung học phổ thông.

Dạy học địa lí tự nhiên đại cương ở trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên theo hướng tiếp cận năng lực

Lê Thị Nguyệt
Tóm tắt | PDF
Giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học đang là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về dạy học Địa lí tự nhiên đại cương ở trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên theo hướng tiếp cận năng lực, bao gồm: phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực.

Vai trò của biểu diễn toán học trong giải toán có lời văn ở bậc tiểu học

Ngô Trúc Phương
Tóm tắt | PDF
Biểu diễn toán học có vai trò rất quan trọng trong giải toán có lời văn. Sử dụng biểu diễn thành công sẽ giúp học sinh hiểu bài toán hơn và lập luận logic hơn. Bài viết trình bày một số cơ sở lý thuyết về biểu diễn toán học và đi sâu vào 5 hoạt động chuyển đổi giữa các dạng của biểu diễn toán học được vận dụng trong giải toán có lời văn ở tiểu học.

Một số phương pháp tạo ấn tượng thẩm mỹ trong việc dạy học văn chương Tự lực văn đoàn

Hồ Thị Xuân Quỳnh
Tóm tắt | PDF
Đổi mới phương pháp trong việc dạy và học môn Ngữ văn ở các cấp học, bậc học là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Với mong muốn góp thêm tiếng nói trong việc dạy và học văn xuôi Tự lực văn đoàn, bài viết trình bày một số cơ sở lý luận về phương pháp cùng với việc đổi mới cách tiếp cận nội dung và phương pháp giảng dạy phần “Thành tựu văn chương Tự lực văn đoàn” trong chương trình chuyên ngành Ngữ văn ở bậc đại học và cao đẳng nhằm tạo ấn tượng thẩm mỹ cho sinh viên.

Ứng dụng chương trình tính toán dành cho sự phân tích các mô hình hệ thống lượng tử ít chiều

Lương Lê Hải, O. Chuluunbaatar, S. I. Vinitsky, A. A. Gusev, Trần Thị Lụa
Tóm tắt | PDF
Bài viết giới thiệu chương trình có tên “KANTBP 4M – A program for solving boundary problems of the self-adjoint system of ordinary second order differential equations” (Luong et al., 2015) và đưa ra những ứng dụng của chương trình để phân tích các mô hình hệ thống lượng tử ít chiều. Các mô hình vật lý lượng tử ít chiều ban đầu được đưa về các mô hình toán học được đặc trưng bởi bài toán biên có chứa hệ phương trình vi phân thường bậc hai với các điều kiện biên được đơn giản hóa trong miền hữu hạn. Bài toán biên thu được sẽ được phân tích bằng chương trình tính toán KANTBP 4M với code (mã) sơ đồ tính toán dựa trên phương pháp phần tử hữu hạn với đa thức nội suy Hermite. Chương trình KANTBP 4M được viết trên phần mềm Maple để khảo sát các mô hình toán học phức tạp như bài toán trị riêng và bài toán tán xạ đối với phương trình Schrodinger với các hố thế năng một chiều hoặc nhiều chiều; bài toán trị riêng và bài toán tán xạ với các hố thế năng không đổi và liên tục từng phần; và bài toán tán xạ nhiều kênh mô tả sự truyền qua hàng rào thế năng của hệ hai hạt đồng nhất với tương tác dao động,...

Dạy học truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực

Phan Thị Nở
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm vận dụng những phương pháp dạy học tích cực để giảng dạy về truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông hiện hành theo hướng tiếp cận năng lực. Tiến trình dạy học áp dụng gồm chuẩn bị, tổ chức dạy học ở lớp và kiểm tra đánh giá sau học tập. Trong đó, giai đoạn tổ chức dạy học trên lớp cần vận dụng các phương pháp dạy học một cách tích cực, linh hoạt và sáng tạo.

Phát triển năng lực đánh giá sự kiện lịch sử cho học sinh trung học phổ thông qua số liệu

Dương Tấn Giàu, Giang Hoàng Thái
Tóm tắt | PDF
Trên cơ sở trình bày một số khái niệm về năng lực, phát triển năng lực, đánh giá sự kiện, năng lực đánh giá sự kiện, phát triển năng lực đánh giá sự kiện trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông và ưu thế của số liệu, bài viết trình bày phương pháp khai thác số liệu để phát triển năng lực đánh giá sự kiện cho học sinh bậc trung học phổ thông như khai thác số liệu đơn để tạo biểu tượng và khai thác bảng số liệu thông qua một số phép toán đơn giản để rút ra nhận xét.

Tác động của phương pháp dạy viết dựa trên tiến trình đối với sự phát triển năng lực viết văn nghị luận xã hội của học sinh

Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Văn Nở
Tóm tắt | PDF
Phương pháp dạy viết dựa trên tiến trình là phương pháp được nhiều nhà giáo dục trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và đạt được hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, ở các trường trung học phổ thông nước ta hiện nay, vận dụng phương pháp này vào dạy học chưa nhiều. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày cách hướng dẫn học sinh viết dựa trên 4 giai đoạn. Nghiên cứu này của chúng tôi nhằm trả lời 3 câu hỏi: (a) Việc dạy viết dựa trên tiến trình có tác động như thế nào đối với việc phát triển năng lực viết văn nghị luận xã hội của học sinh; (b) việc dạy viết dựa trên tiến trình có góp phần nâng cao năng lực tư duy cho học sinh hay không?; (c) Có thể vận dụng phương pháp này vào dạy Làm văn ở trường phổ thông? Cũng trong bài viết này, chúng tôi trình bày kết quả thử nghiệm của dạy viết dựa trên tiến trình của học sinh lớp 11.

“Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực” thực trạng kiểm tra và đánh giá kết quả học tập theo hướng tiếp cận năng lực trong dạy học các môn khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở

Trần Hùng Minh Phương
Tóm tắt | PDF
Kiểm tra-đánh giá (KT-ĐG) theo hướng tiếp cận năng lực các môn khoa học tự nhiên ở các trường trung học cơ sở là định hướng trong giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đánh giá học sinh là điều cần thiết để đo lường sự tiến bộ và khả năng của từng học sinh, lập kế hoạch các bước tiếp theo để cải thiện việc dạy và học, và chia sẻ thông tin với các bên liên quan. Bài viết trình bày kết quả khảo sát thực trạng KT-ĐG kết quả học tập ở các trường trung học cơ sở Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh gồm nội dung nhận thức và thực hiện hoạt động KT-ĐG theo hướng tiếp cận năng lực của giáo viên (GV) và học sinh (HS).

Kỹ năng tự học của sinh viên trường đại học Kiên Giang trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Hàng Duy Thanh, Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Thanh Sang
Tóm tắt | PDF
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội học tập cho sinh viên các trường Đại học. Bối cảnh mới này đòi hỏi sinh viên phải được trang bị và rèn luyện các kỹ năng tự học cần thiết trong suốt quá trình học ở bậc Đại học. Bài viết trình bày nghiên cứu về khái niệm kỹ năng tự học, thực trạng kỹ năng tự học của sinh viên trường Đại học Kiên Giang và đề xuất một số giải pháp nâng cao kỹ năng tự học của sinh viên để đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phát triển năng lực tạo lập văn bản thuyết minh cho học sinh thông qua phân tích mẫu trong dạy đọc hiểu

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đỗ Thanh An
Tóm tắt | PDF
Để tạo lập được một loại văn bản nào đó, học sinh cần nắm bắt được đặc trưng của loại văn bản ấy. Các đặc trưng này cần được khái quát từ nhiều văn bản mẫu, thông qua quá trình đọc hiểu văn bản. Do đó, sự kết hợp giữa dạy đọc hiểu và dạy tạo lập văn bản là yêu cầu tất yếu và phân tích mẫu là một biện pháp hiệu quả. Việc phân tích những văn bản có sẵn trong sách giáo khoa (hoặc do giáo viên lựa chọn) trong quá trình dạy đọc hiểu và làm mẫu cho việc tạo lập văn bản tương tự đã góp phần phát triển năng lực tạo lập văn bản cho học sinh, nhất là với văn bản thuyết minh, một loại văn bản thông tin mang tính khách quan cao.

Phát triển chương trình nhà trường trong mối liên hệ với dạy học theo chủ đề và nhận thức của giáo viên: Nghiên cứu ở trường chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng

Huỳnh Vũ Lam
Tóm tắt | PDF
Giáo viên các trường phổ thông cần thiết kế dạy học theo chủ đề nhằm phát huy năng lực người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương này gặp nhiều khó khăn do bị vướng trong phân phối chương trình hiện hành. Nhằm khắc phục tình trạng xây dựng chủ đề theo cách ghép cơ học các nội dung dạy học và hỗ trợ giáo viên sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng đã phát triển chương trình nhà trường trong vài năm học gần đây. Thực tế việc xây dựng và ứng dụng chương trình nhà trường không chỉ đáp ứng mục tiêu giáo dục của trường chuyên mà còn làm thay đổi nhận thức của giáo viên.