Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ
Phân tích động lực học của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực có xét đến ảnh hưởng của lực dọc trục
Tóm tắt
|
PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích động lực học của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực. Nghiên cứu trình bày cách xây dựng các ma trận độ cứng động lực của phần tử thanh thẳng chịu lực dọc trục, chịu xoắn và chịu uốn có xét đến ảnh hưởng của lực dọc trong thanh. Từ đó, các ma trận trên được sử dụng để xây dựng ma trận độ cứng động lực cho phần tử thanh chịu lực tổng quát và ứng dụng nó vào việc phân tích động lực học của hệ thanh không gian, bao gồm việc tìm tần số dao động riêng và các dạng dao động riêng, phân tích chuyển vị của kết cấu khi chịu tải trọng động dạng điều hòa. So sánh các kết quả tính toán của phương pháp độ cứng động lực với các kết quả của phương pháp phần tử hữu hạn cho thấy độ chính xác của phương pháp độ cứng động lực.
Phát hiện tương đồng hình ảnh trong bài báo khoa học bằng phương pháp xử lý ảnh kết hợp mạng học sâu ResNet50
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này đề xuất mô hình học sâu ResNet50 để phân loại hình ảnh trong bài báo khoa học, nhằm phát hiện tương đồng và cải thiện tìm kiếm hình ảnh. Mô hình sử dụng ResNet50 đã được huấn luyện trước, kết hợp với tập dữ liệu gồm 12.049 ảnh thuộc 11 lớp, trích xuất từ Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ bằng PyMuPDF. Phương pháp Activation Map Visualization giúp làm nổi bật vùng dữ liệu huấn luyện thông qua sáu kênh đầu tiên của từng lớp khác nhau trên mô hình học sâu. Kết quả cho thấy phương pháp đề xuất đạt độ tin cậy trên 90% trong phát hiện tương đồng hình ảnh, đồng thời xác định được tác giả và năm xuất bản bài báo gốc. Mô hình ResNet50 cũng được so sánh với AlexNet và VGG16, cho thấy khả năng tổng quát hóa vượt trội trong bài toán nhận diện ảnh phức tạp. Nghiên cứu này đặt nền móng cho giải pháp phát hiện tương đồng hình ảnh các ấn phẩm khoa học.
Ứng dụng giải thuật trí tuệ nhân tạo phân loại và dự báo sự phân bố lớp phủ thực vật sử dụng ảnh landsat – vùng nghiên cứu tại đới ven bờ của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Tóm tắt
|
PDF

Việc cập nhật tự động và liên tục cùng với dự báo sự thay đổi lớp phủ thực vật là tiền đề quan trọng giúp xác định các giải pháp quy hoạch, quản lý sử dụng hợp lý tài nguyên. Nghiên cứu này đã thực hiện phân loại tự động các lớp phủ thực vật khác nhau sử dụng ảnh viễn thám Landsat giai đoạn từ 1988 đến 2024 tại đới bờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giải thuật Rừng ngẫu nhiên (Random Forest - RF) trên nền tảng Google Earth Engine (GEE) đã được áp dụng để phân loại các đối tượng thực phủ. Tiếp đến, mô hình Markov ẩn (Hidden Markov Model - HMM) và mạng Bayes (Bayesian network) được sử dụng để dự báo sự phân bố lớp phủ thực vật trong tương lai (đến 2030). Kết quả phân loại và dự báo lớp phủ thực vật với độ chính xác cao (trên 87%) đã cho thấy tính ưu việt của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trích xuất tự động các đối tượng thực phủ, hỗ trợ công tác theo dõi và ra quyết định lập kế hoạch cho các hoạt động quản lí tài nguyên và hệ sinh thái.
Nghiên cứu hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase của cao chiết từ cây sao nhái tím (Cosmos bipinnatus) trồng ở Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát hàm lượng polyphenol và flavonoid, hoạt tính kháng oxy hóa, cùng khả năng ức chế α-glucosidase của hoa, lá và thân cây sao nhái tím (Cosmos bipinnatus) khi sử dụng hai dung môi chiết xuất khác nhau là ethanol 96% và ethanol 50%. Kết quả cho thấy ethanol 50% hiệu quả hơn trong việc chiết xuất polyphenol, trong khi ethanol 96% lại thu được nhiều flavonoid hơn. Trong đó, hoa sao nhái tím có hàm lượng polyphenol và flavonoid cao nhất, tiếp theo là lá và thân. Các chiết xuất từ hoa cũng thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa mạnh nhất, được đánh giá thông qua giá trị IC50 trong các thử nghiệm DPPH (từ 24,78 đến 28,62 µg/mL) và năng lực RP (từ 0,34 đến 0,36 µg/mL). Ngoài ra, hoa và lá cây sao nhái tím còn cho thấy khả năng ức chế hoạt động α-glucosidase tốt hơn so với thân, đặc biệt là chiết xuất từ hoa bằng ethanol 96% (IC50 = 28,92 µg/mL), cao hơn khoảng 1,6 lần so với chiết xuất bằng ethanol 50%. Mối tương quan giữa hàm lượng các hợp chất khảo sát và hoạt tính sinh học đã khẳng định vai trò quan trọng của các chất này trong việc tạo nên hoạt tính sinh học của sao nhái tím (p < 0,01).
Khảo sát hiện trạng sơ chế và chất lượng của sản phẩm ngành ong trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm phân tích, đánh giá quy mô, tình hình tiêu thụ và chất lượng sản phẩm được tạo ra của ngành ong mật tại các huyện trong tỉnh Tiền Giang. Kết quả khảo sát cho thấy: quy mô có 25.105 tổng số đàn nuôi được thống kê từ năm 2018 đến năm 2022, về cơ cấu sản lượng có 448.120 kg mật, 3.000 kg phấn và 16.144 kg sáp ong. Giá trung bình của sản phẩm được mua bởi thương lái lần lượt là 124.000 VNĐ/1kg mật ong, 135.000 VNĐ/1kg phấn ong, 110.000 VNĐ/1kg sáp ong. Các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chất lượng mật ong tại ba huyện Tân Phước, Cái Bè, Tân Phú Đông bao gồm: hàm lượng nước thay đổi từ 19-22%, hàm lượng chất rắn không tan trong nước từ 0,09 ± 0,003 đến 0,158 ± 0,018%, hàm lượng acid tự do từ 30,49 ± 0,49 đến 46,99 ± 2,29 mg đương lượng acid/1000g, hàm lượng hydroxymethylfurfural (HMF) từ 0,038 ± 0,01 đến 0,98 ± 0,02 mg/100g, hoạt lực diastase từ 4,09 ± 0,16 đến 5,303 ± 0,26 shcade, hoạt tính chống oxy hoá 0,47 ± 0,01 đến 12,8 ± 0,8 mg đương lượng acid ascorbic/g chất khô, hàm lượng đường khử tự do từ 60,55 ± 4,6 đến 67 ± 1,5 g/100g.
Xác định tác nhân gây bệnh thối nhũn trên cải bẹ dún và hiệu quả phòng trừ bệnh của chi Bacillus in vitro
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tác nhân gây bệnh thối nhũn trên cải bẹ dún và hiệu quả của chi Bacillus trong phòng trừ bệnh. Bảy chủng vi khuẩn thuộc chi Pectobacterium đã được xác định là tác nhân gây thối nhũn trên cải bẹ dún theo quy tắc Koch và phương pháp sinh hóa. Trong đó, chủng vi khuẩn với kí hiệu AG7 gây hại nặng nhất là do vi khuẩn Pectobacterium carotovorum thông qua giải trình tự gen 16S rDNA so sánh trên ngân hàng gen thế giới kết hợp kiểm tra khả năng sinh trưởng trên môi trường Tween 80. Hiệu quả ba chủng vi khuẩn Bacillus spp. trong phòng trị bệnh thối nhũn cải bẹ dún được xác định với ba biện pháp xử lí (trước khi nhiễm bệnh, sau khi nhiễm bệnh, kết hợp trước và sau khi nhiễm bệnh) trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả đã ghi nhận vi khuẩn Bacillus 41 có chiều dài vết bệnh thấp hơn nghiệm thức đối chứng. Ngoài ra, thời điểm xử lí vi khuẩn Bacillus 41 trước hoặc trước – sau khi nhiễm bệnh cho chiều dài vết bệnh thấp hơn biện pháp xử lý sau khi nhiễm bệnh.
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình Vifish.18 trên tàu cá tỉnh Khánh Hòa
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình (Vessel Monitoring Systems-VMS) Vifish.18 trên tàu cá địa phương Khánh Hòa. Nghiên cứu đã được thực hiện từ 11/2023 đến 4/2024, thông qua khảo sát 84 ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá trang bị Vifish.18. Kết quả cho thấy 81,1% tổng số 650 tàu cá trang bị VMS là Vifish.18. Có 54% người khảo sát cho rằng Vifish.18 được sử dụng rất hiệu quả. Nhận định của ngư dân đối với tính năng liên quan báo cáo vị trí tàu cá, lưu vết hành trình, gửi cảnh báo SOS của Vifish.18 ở mức rất hiệu quả, chiếm tỷ lệ cao nhất lần lượt là 71,4%, 81% và 71,4%. Ở góc độ khác, có tổng cộng 32% ngư dân đánh giá cước phí duy trì hoạt động ở mức cao và rất cao và 15% ngư dân phản ánh các dịch vụ sửa chữa, hỗ trợ khắc phục sự cố Vifish.18 là chậm trễ đến rất chậm trễ. Nghiên cứu đã cung cấp các dữ liệu khoa học quan trọng giúp cho công tác quản lý, kiểm tra và giám sát tàu cá Khánh Hòa hoạt động trên biển được hiệu quả, hỗ trợ tốt vấn đề gỡ Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu thời gian tới.
Nhận thức của sinh viên sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ về vai trò của nhóm các học phần lý luận chính trị trong nhận diện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch
Tóm tắt
|
PDF

Bài viết này trình bày kết quả khảo sát sinh viên (SV) các ngành sư phạm về vai trò của các học phần lý luận chính trị trong việc nhận diện các âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 345 SV các ngành sư phạm thuộc Trường Sư phạm. Kết quả cho thấy SV đánh giá cao vai trò của các học phần này trong việc giúp SV có kiến thức, hiểu biết nhất định để nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời phản ảnh một số khó khăn trong việc học tập các học phần này. Từ kết quả khảo sát, các giải pháp trong việc giảng dạy nhóm học phần lý luận chính trị đã được đề xuất nhằm góp phần nâng cao nhận thức của SV trong việc việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.