Ngày xuất bản: 01-06-2023

Điều kiện đặt chỉnh cho bài toán tối ưu tập thông qua mối quan hệ thứ tự giữa các tập

Phạm Trần Anh Thư, Lâm Thị Vân Khánh, Phạm Thị Yến Nhi
Tóm tắt | PDF
Các bài toán tối ưu được xét với hàm mục tiêu có giá trị tập hợp dựa trên mối quan hệ giữa các tập được cho trong không gian sắp thứ tự theo nón. Trước hết, dãy nghiệm xấp xỉ được đề xuất cho bài toán đang xét và giới thiệu các khái niệm đặt chỉnh tương ứng với dãy nghiệm xấp xỉ vừa được đề xuất. Bằng cách sử dụng các tính chất liên tục và tính chất lồi suy rộng của các hàm và tập, các điều kiện đủ cho các dạng đặt chỉnh đang được xem xét đã được chứng minh. Các ví dụ minh họa cho khả năng áp dụng và tính cốt yếu của các giả thiết cũng được đưa ra trong bài báo này.

Phát triển tư duy phản biện trong dạy học bậc đại học

Trịnh Chí Thâm, Hồ Thị Thu Hồ
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, một số lí luận cơ bản về việc phát triển tư duy phản biện trong dạy học bậc Đại học được phân tích. Thông qua việc nghiên cứu tư liệu, dựa trên kết quả nghiên cứu, phản biện là một năng lực tư duy bậc cao chủ yếu dựa vào những phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan, có bằng chứng. Năng lực tư duy phản biện có những vai trò quan trọng gồm phát triển khả năng đưa ra quyết định, cải thiện năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, tự đánh giá và chiêm nghiệm bản thân, làm nền tảng cho tư duy sáng tạo, nâng cao khả năng đương đầu và vượt qua thách thức, phát triển khả năng học tập suốt đời và hỗ trợ hoàn thiện các kĩ năng khác. Để phản biện hiệu quả, tư duy người học cần trải qua tiến trình bảy bước gồm: 1/ Tiếp nhận thông tin, 2/ Đưa ra lập luận, 3/ Tìm dẫn chứng, lí lẽ, 4/ Khẳng định lập luận, 5/ Thừa nhận, 6/ Hành động và 7/ Kiểm chứng, chiêm nghiệm.

Danh nhân Phan Châu Trinh trong chương trình môn lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay

Đặng Hoàng Sang
Tóm tắt | PDF
Phan Châu Trinh (1872 - 1926) là một nhà yêu nước lớn không chỉ được biết đến với vai trò là nhà văn, nhà thơ, mà còn là một chí sĩ yêu nước tiêu biểu trong lịch sử cận đại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, đây là một nhân vật lịch sử quan trọng cần được tạo biểu tượng sâu sắc về những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp cứu nước, để giáo dục tấm gương sáng chói của nhà cách mạng họ Phan cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Tuy nhiên, trong sách giáo khoa môn Lịch sử hiện hành vẫn còn phổ biến những đánh giá chưa thật sự khách quan, công bằng về vị trí của Phan Châu Trinh trong lịch sử, tác động đến nhận thức chưa toàn diện của giáo viên và học sinh. Theo hướng tiếp cận giáo dục lịch sử, bài viết góp phần đánh giá khách quan hơn về danh nhân Phan Châu Trinh theo tiến trình lịch sử dân tộc, nhằm giúp học sinh nhận thức đầy đủ giá trị tư tưởng của một nhà yêu nước vĩ đại qua các tiết học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay.

Tuyển chọn chủng nấm Monascus purpureus có khả năng sinh sắc tố đỏ, sắc tố vàng cao nhất và khảo sát hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxy hóa của dịch chiết sắc tố

Nguyễn Minh Lý, Lê Thị Mai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn chủng nấm thuộc chi Monascus có khả năng sinh sắc tố từ các mẫu gạo, mẫu đất tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hóa của dịch chiết sắc tố cũng được khảo sát bằng phương pháp đục lỗ thạch và khả năng bắt gốc tự do ABTS+. Kết quả cho thấy đã phân lập được 9 chủng nấm thuộc chi Monascus, trong đó, chủng M4 cho hàm lượng sắc tố đỏ và sắc tố vàng cao nhất lần lượt là 1.271,12±96,58 AU/g và 3.996,3±2,413 AU/g. Chủng M4 đã được định danh thuộc loài Monascus purpureus bằng phương pháp giải trình tự gene ITS. Ngoài ra, dịch chiết sắc tố của chủng M4 có hoạt tính chống oxy hóa khá mạnh (87,86±0,40%) và đồng thời có khả năng kháng Escherichia coli và Samonella typhirinum.

Hoạt động khuyến học của làng xã Việt thế kỷ XVII - XVIII qua tư liệu hương ước chữ Hán

Đỗ Thị Hà Thơ
Tóm tắt | PDF
Việc giáo dục trong xã hội phong kiến truyền thống Việt Nam kết hợp hai hình thức: Giáo dục dân gian và giáo dục nhà nước. Thực tế khảo sát tư liệu hương ước chữ Hán thế kỷ XVII - XVIII của Việt Nam cho thấy, nền giáo dục rất được chú trọng ở cấp làng xã. Làng xã dành nhiều ưu ái và tạo mọi điều kiện để tất cả con em trong làng có thể học hành và đạt thành tựu. Người đỗ đạt không những được dân làng dựng bia vinh danh thiết trí ở nơi văn chỉ mà còn được coi là nguồn nguyên khí làm rạng danh cho cả dòng họ và quê hương. Kết quả nghiên cứu của bài viết cung cấp một cách nhìn toàn diện về hoạt động khuyến học của làng xã Việt Nam vào giai đoạn đầy biến cố trong lịch sử nước nhà, đã đào tạo nên những bậc túc Nho lưu danh cùng sử sách. Những hoạt động khuyến học này giúp người đương đại có cơ sở để “nghiệm cổ suy kim” về vị trí, vai trò của làng xã đối với công cuộc “thụ nhân” thời đại 4.0.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc dạy học ngữ văn 6 theo định hướng phát triển năng lực

Phạm Văn Tính, Huỳnh Thanh Hải
Tóm tắt | PDF
Giáo dục nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình tích cực, hướng đến việc khắc phục tình trạng dạy học truyền thụ một chiều và ghi nhớ máy móc sang chú trọng, tập trung hướng dẫn các hoạt động học, tăng cường tối đa khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào hoạt động thực hành. Từ đó, người học phát triển năng lực và phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện đại. Song, việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực đối với môn Ngữ văn 6 còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và chưa thực sự đồng bộ. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Qua kết quả của 106 giáo viên Trung học cơ sở đã tham gia khảo sát , nhiều yếu tố được đưa ra có ảnh hưởng đến việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực môn Ngữ văn 6, bao gồm các yếu tố liên quan tới phương pháp dạy học, cơ sở vật chất, tâm lí người học,.. Trong bài viết này, một số yếu tố ảnh hưởng đến việc dạy học Ngữ văn 6 theo định hướng phát triển năng lực được trình bày, trên cơ sở đó, các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng được đề xuất.

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh

Hồ Thị Ngọc Nho, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Tóm tắt | PDF
Quan niệm nghệ thuật về con người là sự khám phá về con người bằng nghệ thuật, mang dấu ấn sáng tạo, độc đáo của nhà văn. Là một vị thiền sư, Thích Nhất Hạnh đã bày tỏ tinh thần đề cao Tâm Bồ Đề, sự giác ngộ và tỉnh thức nơi con người qua nhiều sáng tác như: Đường xưa mây trắng, Nẻo về của Ý, Phép lạ của sự tỉnh thức, Am mây ngủ, Giọt nước cành dương,… Các tác phẩm ấy đã truyền đi những thông điệp nhân văn, giàu tính giáo dục và lòng thương yêu, góp phần làm phong phú cho văn học Phật giáo nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Bài viết này được thực hiện nhằm tập trung làm rõ biểu hiện và ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Đường xưa mây trắng, một tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác, đồng thời bộc lộ rõ nét quan niệm nghệ thuật về con người của thiền sư – nhà văn Thích Nhất Hạnh.

Xây dựng kế hoạch bài dạy chủ đề Ngữ văn lớp 10

Châu Kim Vàng
Tóm tắt | PDF
Xây dựng kế hoạch bài dạy chủ đề Ngữ văn lớp 10 theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cần thiết đối với giáo viên. Do đó, các nội dung được trình bày trong bài viết này gồm: quan niệm về chủ đề, xây dựng chủ đề Ngữ văn; đặc điểm chủ đề; các loại chủ đề và việc xây dựng kế hoạch bài dạy chủ đề Ngữ văn lớp 10.

Dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức cho học sinh lớp 10

Châu Kim Vàng
Tóm tắt | PDF
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 đã đưa văn bản đa phương thức vào nội dung dạy học bao gồm cả dạy tiếp nhận và tạo lập văn bản. Dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức sẽ góp phần hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Trong chương trình này, yêu cầu cần đạt về viết, nói văn bản đa phương thức chỉ xuất hiện ở một số lớp, giới hạn ở loại văn bản thông tin và nghị luận. Trong bài viết này, một số biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức cho học sinh lớp 10 sẽ được trình bày. Phương pháp phân tích, tổng hợp lí thuyết và phương pháp thực nghiệm sư phạm được sử dụng để giải quyết vấn đề đặt ra. Kết quả thực nghiệm cho phép đi đến kết luận rằng việc vận dụng các biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức đã được đề xuất là có tính khả thi.

Nghiên cứu cấu trúc điện tử của dãy penta-silicene đơn lớp bằng phương pháp phiếm hàm mật độ dựa trên liên kết mạnh

Lê Thị Thuý My, Hồ Quốc Duy, Ca Nguyễn Anh Khoa, Trương Quốc Tuấn, Trương Anh Quân, Huỳnh Anh Huy
Tóm tắt | PDF
Lý thuyết phiếm hàm mật độ dựa trên liên kết mạnh (DFTB) được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc điện tử của dãy penta-silicene với độ rộng dãy khác nhau. Dãy penta-silicene tạo ra bằng cách cắt từ màng penta-silicene sau khi hồi phục, bốn loại biên thu được gồm: răng cưa (SS), zigzag - zigzag (ZZ), armchair - armchair (AA), zigzag - armchair (ZA). Tuy nhiên, penta–silicene không ổn định. Sự ổn định động học của penta –silicene được khôi phục lại bằng cách gắn Hidro lên bề mặt. Qua kết quả tính toán năng lượng biên, việc hình thành dãy penta-silicene từ màng 2D là khả thi. Thêm vào đó, dựa trên tính toán năng lượng liên kết, dạng biên SS có cấu trúc ổn định nhất. Cấu trúc điện tử của penta –silicene cũng được nghiên cứu, kết quả là tìm thấy được tất cả dạng biên đều tồn tại vùng cấm và khi độ rộng dãy tăng lên thì độ rộng vùng cấm giảm.

Tính liên thông của tập nghiệm hữu hiệu yếu cho bài toán tối ưu tập không lồi

Nguyễn Thái Anh, Phạm Thanh Dược, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết
Tóm tắt | PDF
Bài báo này xem xét một bài toán tối ưu tập không lồi và thảo luận các điều kiện liên thông cho tập nghiệm hữu hiệu yếu của nó. Đầu tiên, các khái niệm khác nhau về tính liên thông cho ánh xạ có giá trị tập được đề xuất. Thứ hai, các điều kiện đủ cho tính liên thông cho một dạng mở rộng của hàm khoảng cách định hướng của Hiriart-Urruty được trình bày. Cuối cùng, tính liên thông của tập nghiệm hữu hiệu yếu cho bài toán trên được nghiên cứu thông qua dạng mở rộng của hàm khoảng cách định hướng của Hiriart-Urruty.

Xây dựng chương trình đào tạo ngành sư phạm khoa học tự nhiên trình độ đại học tại Trường Đại học Cần Thơ

Huỳnh Thị Thúy Diễm, Đinh Minh Quang, Huỳnh Anh Huy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) giáo viên thuộc chuyên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên (SPKHTN) trình độ đại học phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018 và tình hình thực tế tại các trường trung học cơ sở. Kết quả khảo sát cho thấy việc xây dựng CTĐT ngành SPKHTN là cần thiết. CTĐT đã được xây dựng với 141 tín chỉ trong đó có 108 TC bắt buộc và 33 TC tự chọn. CTĐT dự kiến này đã được các bên liên quan đánh giá phù hợp với thực tiễn. Kết quả nghiên cứu này là dẫn liệu cung cấp nhiều thông tin liên quan đến xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo ngành SPKHTN trình độ đại học cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự tồn tại nghiệm của bài toán tối ưu vector thông qua tập co-radiant

Lâm Quốc Anh, Phạm Thanh Dược, Võ Thị Mộng Thúy, Đặng Thị Mỹ Vân
Tóm tắt | PDF
Mô hình bài toán tối ưu vector thông qua tập co-radiant được xem xét và nghiên cứu các điều kiện tồn tại của nghiệm hữu hiệu yếu Benson cho các bài toán này. Trước tiên, các tính chất của tập radiant và tập co-radiant được thảo luận. Sau đó, mô hình bài toán tối ưu vector thông qua tập co-radiant và nghiệm hữu hiệu yếu Benson của chúng được đề xuất. Cuối cùng, bằng cách sử dụng phương pháp vô hướng hóa tuyến tính, các điều kiện đủ cho sự tồn tại của các nghiệm hữu hiệu yếu Benson này được thiết lập.

Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ tốt nghiệp theo chương trình đào tạo của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Lê Văn Nhương, Nguyễn Thanh Tường
Tóm tắt | PDF
Phương pháp tổng hợp tài liệu và phương pháp khảo sát được sử dụng để tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Qua kết quả khảo sát 3.069 sinh viên (SV) được thực hiện vào tháng 01 năm 2023, tỉ lệ SV chậm tiến độ chung của toàn Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) năm 2022 là 18,3%, có Khoa trên 20%. Xét ở góc độ ngành, tỉ lệ chậm tiến độ tốt nghiệp của một số ngành thuộc nhóm kỹ thuật, nông nghiệp và phát triển nông thôn rất cao (trên 50%). Có rất nhiều yếu tố tác động đến tiến độ tốt nghiệp của SV Trường ĐHCT, các yếu tố này có thể chia thành 4 nhóm gồm: nhóm yếu tố cá nhân, nhóm yếu tố nhà trường, nhóm yếu tố gia đình và nhóm yếu tố xã hội. Mỗi nhóm yếu tố sẽ có tác động khác nhau trên từng đối tượng SV, trong đó, nhóm yếu tố nhà trường và xã hội là có ảnh hưởng nhiều nhất. Xét từng yếu tố thì việc đăng ký học phần khó khăn, lựa chọn phương pháp học tập không phù hợp, thiếu các kỹ năng mềm và mối lo tài chính là những yếu tố tác động lớn nhất đến tiến độ tốt nghiệp của SV. Biện pháp cơ bản nhất là sự phối hợp từ nhiều phía để hỗ trợ cho SV...