Lê Văn Chí * Nguyễn Thanh Long

* Tác giả liên hệ (lechibl1979@gmail.com)

Abstract

The study on the fishing activities of inshore trawlers and inshore gill nets was conducted from March to December 2017 in Bac Lieu province. The results showed that the inshore trawlers and inshore gill nets had highest number of fishing boats and yields. Trawlers and gill nets can capture whole year round, and the main fishing season was from November to coming April. The scale of gill net boats was (41.3±14.2 CV), larger than that (36.1±15.1 CV) of trawl boats. The yield and ratio of trash fish of gill nets were (13.5±3.9 tons/year; 16.8%) lower than those (18.7±2.4 tons/year; 41.2%) of trawlers, but profits and benefit ratios of gill nets (429±311 million VND, 1.05±1.03 times, respectively) were higher than those of trawlers (162±162 million VND, 0.68±0.64 times, respectively). Therefore, in the future, government should promote developing gill nets and restrict development of trawlers. For the sustainable development of trawl nets and gill nets, the development and management of fisheries resources should be promoted, supporting fishermen to access low interest rates to invest in production, and training fishermen to use fishing equipment to increase their fishing efficiency.
Keywords: Advantages and disadvantages, Bac Lieu, finance, gill net, trawler, technique

Tóm tắt

Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới kéo ven bờ và lưới rê ven bờ được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12/2017 ở tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai nghề có số lượng tàu và sản lượng nhiều nhất so với các nghề khai thác thủy sản còn lại. Nghề lưới kéo và lưới rê có thể khai thác quanh năm, mùa vụ khai thác thủy sản chính tập trung từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Qui mô tàu lưới rê (41,3±14,2 CV) lớn hơn tàu lưới kéo (36,1±15,1 CV). Sản lượng và tỉ lệ cá tạp của nghề lưới rê (13,5±3,9 tấn/năm; 16,8%) thấp hơn nghề lưới kéo (18,7±2,4 tấn/năm; 41,2%), nhưng lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới rê (429±311 triệu đồng, 1,05±1,03 lần) cao hơn nghề lưới kéo (162±162 triệu đồng, 0,68±0,64 lần). Vì vậy, trong tương lai, cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển nghề lưới rê và hạn chế phát triển nghề lưới kéo. Để nghề khai thác thủy sản ven bờ phát triển ổn định cần đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, và tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác của họ.
Từ khóa: Bạc Liêu, kỹ thuật, lưới kéo, lưới rê, tài chính, thuận lợi và khó khăn

Article Details

Tài liệu tham khảo

Hình 1: Thời gian đóng mới tàu lưới rê và lưới kéo

Nghề khai thác sản ở tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là nghề lưới rê (57,6%) và lưới kéo đơn (22,4%) và lưới kéo đôi (13,0%). Đặc biệt, ở tỉnh Bạc Liêu không có nghề lưới vây như ở Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng vì nghề lưới vây là loại nghề cần có vốn đầu tư lớn và đòi hỏi kỹ thuật khai thác cao (Nguyễn Thanh Long, 2014). Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu còn có các nghề câu mực, câu kiều, nghề te và xiệp, nhưng với số lượng tàu không nhiều (Bảng 2). Đối với nghề lưới rê và lưới kéo, tỉ lệ tàu khai thác ven bờ chiếm tỉ lệ lớn và lần lượt là 78% tổng tàu lưới rê và 64% tổng tàu lưới kéo đơn.

Bảng 2: Số lượng tàu của các nghề khai thác thủy sản ở tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2013-2016 (chiếc)

Ghi chú: CV là mã lực

Nguồn: CCTSBL (2017)

Sản lượng khai thác của tỉnh Bạc Liêu đạt 107 ngàn tấn năm 2016, chủ yếu là sản lượng từ nghề lưới kéo đơn (37,4%), lưới kéo đôi (28,0%) và nghề lưới rê (21,3%).

Bảng 3: Sản lượng khai thác của từng loại nghề trong giai đoạn 2013-2016 (tấn)

(Nguồn: CCTSBL, 2016 )

Độ tuổi trung bình của thuyền trưởng của nghề lưới kéo và lưới rê lần lượt là 45,8 tuổi và 47,8 tuổi, đây là tuổi trung niên có nhiều kinh nghiệm trong khai thác thủy sản, số năm kinh nghiệm trung bình của thuyền trưởng tàu lưới kéo là 23,5 năm và tàu lưới lưới rê là 27,6 năm. Tuy nhiên, trình độ học vấn chỉ tập trung vào tiểu học (48% đối với lưới kéo và 63,2% đối với lưới rê) và trung học cơ sở (30% đối với lưới kéo và 22,1% đối với lưới rê) nên việc tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều khó khăn như tiếp nhận kiến thức hàng hải để khai thác xa bờ hơn, kiến thức sử dụng máy dò cá để khai thác hiệu quả hơn và kiến thức bảo quản sản phẩm khai thác còn hạn chế.

Số lao động trên tàu lưới rê (6,3 người) nhiều hơn số lao động trên tàu lưới kéo (3,2 người) là do tàu lưới rê có chiều dài lớn (8.004 m) nên cần nhiều lao động để kéo lưới. Bên cạnh việc sử dụng lao động trong gia đình cho sản xuất, nghề lưới kéo và lưới rê còn thuê mướn thêm lao động. Trong đó nhu cầu thuê mướn lao động của nghề lưới rê (72%) nhiều hơn tàu lưới kéo (46%). Qua đây cho thấy việc phát triển nghề lưới kéo đơn và lưới rê không những tạo việc làm cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người dân sống vùng ven biển Bạc Liêu. Tuy nhiên, thời gian qua do giá nhiên liệu tăng cao, thu nhập không ổn định và thấp nên nhiều lao động vùng ven biển đã tìm những việc làm khác có thu nhập cao hơn, do đó việc thuê mướn nhân công để khai thác thủy sản hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.

Bảng 4: Tuổi và kinh nghiệm khai thác nghề lưới kéo và lưới rê

Bảng 5: Trình độ học vấn của ngư dân

Bảng 6: Lực lượng lao độngcủa nghề lưới kéo và lưới rê

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Lý do ngư dân ven biển lựa chọn khai thác bằng nghề lưới kéo và lưới rê là do ngư dân không có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nghề ngày mang lại thu nhập cao cho ngư dân ven biển. Hơn nữa người dân vùng này đã quen với nghề biển, cha truyền con nối, có sẵn tàu khai thác cũng như có nhiều kinh nghiệm khai thác và sống gần biển nên thuận tiện cho đánh bắt thủy sản (Bảng 7).

Bảng 7: Lý do hộ chọn thực hiện loại nghề khai thác

Theo kết quả khảo sát, tàu lưới rê phát triển trước nghề lưới kéo và bắt đầu từ năm 1975 đối với nghề lưới rê và năm 1980 đối với nghề lưới kéo. Nghề lưới rê và lưới kéo ven bờ phát triển cao nhất vào giai đoạn 1995-1999, sau đó số tàu lưới rê và lưới kéo đóng mới giảm dần đến nay. Sự giảm dần này là do chính sách ưu tiên phát triển tàu khai thác xa bờ, hạn chế tàu khai thác ven bờ ở địa phương, đồng thời có một lý do quan trọng nữa là sản lượng khai thác ven bờ suy giảm, lợi nhuận không cao nên số lượng tàu khai thác ven bờ đóng mới rất ít ở những năm gần đây.

Tàu lưới kéo ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu có tải trọng (6,5 tấn) và công suất (36,1 CV) nhỏ hơn kết quả khảo sát của Nguyễn Thanh Long (2014) đối với tàu lưới kéo ven bờ ở ĐBSCL có tải trọng và công suất trung bình lần lượt là 8,92 tấn và 51,5 CV. Tàu có tải trọng và công suất càng nhỏ thì có xu hướng khai thác càng gần bờ, khai thác càng gần bờ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sản và nơi trú ẩn của cá con, nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nguồn lợi thủy sản. Tương tự đối với tàu lưới rê ven bờ có tải trọng và công suất trung bình lớn hơn tàu lưới kéo ven bờ lần lượt là 8,6 tấn và 41,3 CV. Kết quả này lớn hơn kết quả khảo sát ở ĐBSCL, có tải trọng và công suất trung bình lần lượt là 6,11 tấn và 39,9 CV (Nguyễn Thanh Long, 2014). Điều này có nghĩa tàu lưới rê ven bờ ở Bạc Liêu có qui mô lớn, có khả năng khai thác xa bờ hơn và giảm áp lực khai thác thác ven bờ làm ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bảng 8: Thông tin chung về tàu của nghề lưới kéo và lưới rê

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Nghề lưới kéo ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu có kích thước mắt lưới trung bình 2a ở cánh và đụt lưới lần lượt là 40,8 mm và 22,0 mm. Theo qui định của Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (Bộ Thủy sản, 2006) thì kích thước mắt lưới tối thiểu ở đụt lưới cho tàu lưới kéo ven bờ là 28 mm. Như vậy phần lớn ngư cụ tàu lưới kéo ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu vi phạm qui định này. Mặt khác, kích thước mắt lưới nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản ở khu vực khai thác. Vì vậy cần tuyên truyền và kiểm tra nghiêm việc thực hiện kích thước mắt lưới theo qui định của nghề lưới kéo ven bờ ở tỉnh Bạc liêu. Lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc liêu có qui mô lớn với chiều dài và chiều cao lưới trung bình lần lượt là 8.044 m và 6,2 m. Lưới rê thì có kích thước mắt lưới lớn (80,6 mm) phù hợp với qui định của Thông tư số 02/2006/TT-BTS.

Bảng 9: Các thông số của ngư cụ

Ngư trường khai thác của nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là vùng biển Đông Nam Bộ. Trung bình một chuyến biển của nghề lưới kéo là 4,52 ngày và lưới rê là 6,55 ngày. Nếu so với kết quả chung của ĐBSCL là 1,24 ngày ngày đối với lưới rê và 6,11 ngày đối với lưới kéo (Nguyễn Thanh Long, 2014) thì thời gian chuyến biển của nghề lưới rê ở Bạc Liêu dài ngày hơn, do qui mô tàu lưới rê ở Bạc Liêu lớn, có thể đi xa hơn và bám ở ngư trường lâu ngày hơn. Qui mô tàu lưới kéo nhỏ, nên thời gian chuyến biển ngắn hơn trung bình ở ĐBSCL (Bảng 10).

Bảng 10: Thời gian khai thác của nghề lưới kéo và lưới rê

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Ngư trường khai thác của nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu tập trung vùng ven biển từ tỉnh Sóc Trăng đến mũi Cà Mau. Vùng biển này tôm cá xuất hiện quanh năm nên nghề lưới kéo và lưới rê có thể khai thác quanh năm, trừ thời gian biển động, tàu không thể ra khơi đánh cá. Trung bình số tháng khai thác trong năm của nghề lưới kéo và nghề lưới rê lần lượt là 8,52 tháng và 8,93 tháng (Bảng 10). Những tháng có số hộ khai thác đạt sản lượng cao ở nghề lưới kéo và lưới rê tập trung từ tháng 11 đến tháng 4 năn sau (Hình 2 và 3).

Sản lượng của nghề lưới kéo cao hơn sản lượng của nghề lưới rê và khác biệt có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Cụ thể, sản lượng trung bình một chuyến của lưới kéo là 850 kg, trong khi sản lượng một chuyến của lưới rê là 590 kg, tương tự sản lượng cả năm của nghề lưới kéo (18,7 tấn/năm), cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nghề lưới rê (13,5 tấn/năm) (P<0,05). Mặc dù, nghề lưới kéo có qui mô nhỏ hơn nghề lưới rê, nhưng do nghề lưới kéo là nghề khai thác không chọn lọc, trong khi nghề lưới rê chỉ được bắt cá có kích thước phù hợp với mắt lưới của nó nên sản lượng của lưới rê thấp hơn lưới kéo và đó cũng là lý do tỉ lệ cá tạp của nghề lưới kéo (41,2%) cao hơn tỉ lệ cá tạp của nghề lưới rê (16,8%). So với kế quả nghiên cứu ở ĐBSCL, sản lượng khai thác cả năm của nghề lưới kéo (25,4 tấn) cao hơn ở Bạc Liêu (18,7 tấn/năm), còn sản lượng lưới rê thì không khác nhau (13,5 tấn/năm) (Nguyễn Thanh Long, 2014). Theo kết quả nghiên cứu của Hồng Văn Thưởng vàctv. (2014), sản lượng lưới kéo và lưới rê ven bờ lần lượt là 33,9 tấn/năm và 1,3 tấn/năm. Điều này cho thấy sản lượng khai thác của nghề lưới kéo đang suy giảm. Kết quả trùng với nhận định của ngư dân, sản lượng khai thác giảm liên tục trong 5 năm qua, trong đó, sản lượng nghề lưới kéo giảm dần nhanh hơn nghề lưới rê (Hình 4). Chính vì vậy, để nghề lưới kéo phát triển ổn định, cần có giải pháp quản lý, giảm thiểu tác động của nghề này đến nguồn lợi thủy sản, góp phần cho các nghề khai thác ven bờ phát triển ổn định.

Bảng 11: Sản lượng và năng suất khai thác của nghề lưới kéo

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Hình 4: Sản lượng khai thác của tàu lưới kéo và lưới rê giai đoạn 2012 -2016

Kết quả khảo sát cho thấy để đầu tư trung bình cho một tàu lưới kéo đơn ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu cần 248 triệu đồng (Bảng 12), trong đó tàu và máy tàu chiếm 86,7%, ngư cụ chiếm 7,13%. Trong khi số vốn đầu tư cho một tàu lưới rê ven bờ trung bình là 447 triệu đồng, trong đó, tàu và máy tàu chỉ chiếm 50,5%, ngư cụ chiếm đến 49,5%. Như đã phân tích ở trên, nghề lưới rê ở Bạc Liêu có qui mô lớn hơn nên chi phí đầu tư một tàu lưới rê cao hơn tàu lưới kéo (P<0,05), hơn nữa, nghề lưới rê tốn nhiều chi phí cho việc trang bị ngư cụ (221 triệu đồng) cao hơn chi phí ngư cụ của tàu lưới kéo (17,7 triệu đồng) (P<0,05). Chi phí khấu hao cho một chuyến biển của nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ lần lượt là 1,62 triệu đồng và 4,65 triệu đồng (Bảng 12).

Chi phí một chuyến biển cho tàu lưới kéo đơn gần bờ trung bình 10,18 triệu đồng/chuyến, chủ yếu là tiền nhiên liệu 49,39%, chi phí cho tiền nhân công chiếm 17,92% (Bảng 12). Đối với tàu lưới rê thì ngược lại, chi phí lớn nhất là tiền nhân công (82,08%) vì tàu lưới rê cần nhiều lao động để kéo lưới, chi phí nhiên liệu thấp hơn (15,69%) và chi phí trung bình cho một chuyến biển là 17,46 triệu đồng/chuyến biển. Tàu lưới rê có qui mô lớn nên chi phí cho một chuyến biển cao hơn có ý nghĩa thống kê so với chi phí một chuyến biển của nghề lưới kéo ven bờ (P<0,05), trong dó nghề lưới kéo tốn nhiều chi phí cho việc mua nhiên liệu thì đối với tàu lưới rê thì tốn nhiều chi phí cho việc chi trả tiền nhân công.

Bảng 12: Các chi phí của tàu lưới kéovà lưới rê

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Đối với tàu lưới kéo đơn ven bờ, trung bình một chuyến biển, chủ tàu thu được 19,03 triệu đồng và có lợi nhuận trung bình một chuyến biển là 7,33 triệu đồng, tỉ suất lợi nhuận là 0,68 lần (Bảng 13).

Bảng 13: Hiệu quả tài chính của nghề lưới kéo và lưới rê

Các giá trị cùng một hàng có cùng chữ cái thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Đối với tàu lưới rê ven bờ trung bình một chuyến chủ tàu thu được 41,99 triệu đồng và lợi nhuận đạt thu được là 19,89 triệu đồng/chuyến, tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới rê ven bờ là 1,05 lần (Bảng 14). Trong khi đó tỉ suất lợi nhuận của nghề lưới rê ven bờ ở tỉnh Sóc Trăng 0,46 lần (Nguyễn Thanh Long, 2012).

Tổng chi phí trung bình của nghề lưới kéo đơn ven bờ (11,7 triệu đồng/chuyến) thấp hơn tổng chi phí trung bình của nghề lưới rê ven bờ (22,1 triệu đồng/chuyến) và có ý nghĩa thống kê (P<0,05), do tàu lưới kéo ven bờ có qui mô nhỏ hơn tàu lưới rê ven bờ. Tương tự, lợi nhuận của nghề lưới kéo ven bờ (162 triệu đồng/năm) cũng thấp hơn có ý nghĩa thống kê với lợi nhuận của tàu lưới rê ven bờ (429 triệu đồng/năm)(P<0,05), điều này chứng tỏ nghề lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu khai thác còn hiệu quả do sản phẩm khai thác có giá trị lớn và có tỉ lệ cá tạp thấp. Mặt khác, xét từ kết quả khảo sát, nghề lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu khai thác hiệu quả hơn tàu lưới kéo ven bờ vì tỉ suất lợi nhuận của tàu lưới rê đạt 1,05 lần, trong khi tàu lưới kéo chỉ đạt 0,68 lần (P<0,05).

Phần lớn sản phẩm khai thác bán chủ yếu cho thương lái (vựa), 98,4% đối với sản phẩm khai thác của lưới kéo và 98,2% đối với sản phẩm khai thác của lưới rê. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trung Vẹn (2012) cũng cho thấy phần lớn hải sản đánh bắt đều được bán sản phẩm khai thác được cho thương lái, nậu vựa (81,6%), chỉ có 4% sản lượng bán cho nhà máy chế biến, số còn lại bán cho tàu thu mua trên biển (9,7%) và tiêu thu nhỏ lẻ khác 4,7%. Việc bán cho thương lái có thuận lợi là bán được số lượng lớn và bán hết một lần. Tuy nhiên, số lượng thương lái có giới hạn nên phần lớn giá bán phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá. Mặt khác, những hộ thiếu vốn sản xuất, thường vay vốn ở thương lái với lãi suất cao, làm cho lợi nhuận của chủ hộ khai thác càng giảm hơn.

Bảng 14: Hình thức tiêu thụ sản phẩm khai thác

Nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ ở tỉnh Bạc Liêu còn tồn tại với nhiều tàu là do hai nghề này còn mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân. Ngư dân có nhiều kinh nghiệm đánh bắt từ hai nghề này nên họ cố giữ nghề, không chuyển đổi sang nghề khác. Lưới rê và lưới kéo khai thác ven bờ nên thời gian một chuyến biển ngắn, chi phí sản xuất thấp nên phù hợp với khả năng đầu tư của ngư dân.

Bảng 15: Những thuận lợi của nghề lưới kéo và lưới rê

Bên cạnh những thuận lợi, nghề lưới kéo và lưới rê ven bờ tỉnh Bạc Liêu cũng gặp không ít khó khăn. Có 74% hộ lưới kéo và 80% hộ lưới rê nhận định là sản lượng suy giảm 5 năm gần đây (Bảng 16 và 17). Thiếu vốn sản xuất là khó khăn thứ hai. Nhiều hộ dân phải vay với lãi suất cao để sản xuất, nên điều này làm giảm lợi nhuận của ngư dân. Thời tiết thất thường ảnh hưởng đến mùa vụ khai thác, sản lượng khai thác không ổn định nên ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân. Bên cạnh đó, việc lấn tuyến khai thác của các nghề khai thác khác, bị ép giá, không có nơi neo đậu tàu và nhân công ngày càng khó thuê mướn cũng là khó khăn của hai nghề này.

Bảng 16: Nhận định về sản lượng khai thác so với 5 năm trước đây của như dân

Bảng 17: Những khó khăn của nghề lưới kéo và lưới rê

Nghề lưới kéo và nghề lưới rê là hai nghề chủ lực, chiếm số lượng tàu và sản lượng cao nhất ờ vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu. Cả hai nghề có thể khai thác quanh năm ở vùng biển Đông Nam Bộ, nhưng mùa vụ khai thác tập trung từ tháng 11 đến tháng 4 năn sau. Tàu lưới rê có qui mô lớn hơn tàu lưới kéo nhưng sản lượng một năm của tàu lưới kéo lại cao hơn so với tàu lưới rê. Do lưới rê là ngư cụ khai thác cá chọn lọc, nên tỉ lệ cá tạp thấp hơn so với lưới kéo. Nghề lưới rê khai thác có hiệu quả, lợi nhuận và tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với nghề lưới kéo. Nhìn chung, ở Bạc Liêu nghề lưới rê khai thác hiệu quả hơn nghề lưới kéo ven bờ.

Để tạo điều kiện cho hai nghề này phát triển ổn định trước tiên là (i) đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản như không phát triển tàu khai thác ven bờ, kiểm tra thường xuyên tàu thuyền khai thác trong khu vực về khai thác đúng tuyến, thực hiện kích thước mắt lưới theo qui định, thực hiện cấm khai thác vào mùa cá sinh sản…, (ii) tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, (iii) tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác như máy dò cá để tìm kiếm ngư trường nhanh chóng, khai thác có hiệu quả trong điều kiện thời tiết và ngư trường không ổn định như hiện nay.

LỜI CẢM TẠ

Nhóm nghiên cứu xin chân thành cảm ơn sự tài trợ của Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ VN14-P6 bằng nguồn vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Thủy sản, 2006. Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản: Hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CPngày 4 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành thủy sản.

CCTSBL, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, 2016. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2015, kế hoạch năm 2016, 11 trang.

CCTSBL, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, 2017. Kết quả thực hiện năm 2016 và giải pháp thực hiện năm 2017, 5 trang.

Hồng Văn Thưởng, Hà Phước Hùng và Hồng Thị Hải Yến, 2014. Hiện trạng khai thác và quản lý nguồn lợi hải sản tỉnh Bạc Liêu. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Phần B: Nông nghiệp, Thủy sản và Công nghệ Sinh học: 30 (2014): 37-44.

Nguyễn Duy Chính, 2008. Tổng quan nguồn lợi thủy sản, chiến lược và chính sách phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam, 23 trang.

Nguyễn Thanh Long, 2012. Nghiên cứu các giải pháp quản lý hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản ven biển tỉnh Sóc Trăng. NXB Nông Nghiệp, 147 trang.

Nguyễn Thanh Long, 2014. Khía cạnh kỹ thuật và tài chính của nghề lưới rê, lưới kéo và lưới vây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. Phần B: Nông nghiệp, Thủy sản và Công nghệ Sinh học: 35: 97-103.

Nguyễn Trung Vẹn, 2012. Phân tích hiệu quả sản xuất trong khai thác hải sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Luận văn tốt nghiệp cao học ngành Quản lý nguồn lợi thủy sản, Đại học Cần Thơ, 105 trang.

Tổng cục Thống kê, 2011. Niên giám thống kê 2010. Nhà Xuất bản Thống kê, 879 trang.

Tổng cục Thống Kê, 2016. Niên giám thống kê 2015. Nhà Xuất bản Thống kê, 947 trang.

Tổng cục Thủy sản, 2016. Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch năm 2016, phương hướng nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch năm 2017, 28 trang.