Nguyễn Thanh Long *

* Tác giả liên hệ (ntlong@ctu.edu.vn)

Abstract

Study on cage traps was conducted from May to December 2014 in two coastal districts of Ca Mau province such as Tran van Thoi and Phu Tan districts. It was interviewed with 40 households conducting cage traps with main contents such as technical and financial aspects, advantages and disadvantages. Results showed that the ship was average capacity of 54.1 CV and tonnage of 25.3 tons/vessel. The average of yield was 12.8 tons/vessel/year. With total cost was 4.78 millions VND/trip, fishermen got net return of 2.03 millions VND/trip and benefit ratio of 1.31. Difficulties of cage traps were bad weather, low price and dereasing aquatic resources. Cage traps were role important for coastal livelihoods, the main source of income for their families, creating jobs for local people.
Keywords: Cage traps, fishing, financial effect

Tóm tắt

Nghiên cứu nghề lưới rập xếp được thực hiện từ tháng 5/2014 đến tháng 12/2014 tại 2 huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau thông qua phỏng vấn trực tiếp 40 hộ làm nghề đánh bắt bằng lưới rập xếp về khía cạnh kỹ thuật, tài chính, những thuận lợi và khó khăn. Kết quả cho thấy Tàu lưới rập xếp có công sất trung bình 54,1 CV và tải trọng trung bình là 3,13 tấn/tàu. Sản lượng trung bình năm khoảng 12,8 tấn/tàu/năm. Tổng chi phí trung bình là 4,78 triệu đồng/chuyến biển và lợi nhuận trung bình là 2,03 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 1,31 lần. Khó khăn hiện nay của nghề lưới rập xếp là thời tiết xấu, giá bán thấp và nguồn lợi suy giảm. Lưới rập xếp đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân ven biển, là nguồn thu nhập chính cho gia đình, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Từ khóa: Lưới rập xếp, khai thác thủy sản, hiệu quả tài chính

Article Details

Tài liệu tham khảo

Hình 3: Ghe lưới rập xếp Hình 4: Lưới rập xếp

Kích thước mắt lưới 2a nhỏ nhất là 15 mm và lớn nhất là 22 mm, chiều dài lưới trung bình là 350 m và chiều cao lưới 0,29 m. Do lưới lồng có mắt lưới khá nhỏ nên khi đặt tại các cửa sông, vùng đầm phá ven biển, hầu như các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị dính lưới, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng kiệt quệ.

Bảng 2: Kích thước mắt lưới của lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Theo qui định kích thước tối thiểu 2a phải lớn hơn hoặc bằng 40 mm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Trước mắt không khuyến khích phát triển loại nghề này, đối với những rập xếp đang sử dụng, kích thước mắt lưới phải tăng lên tối thiểu là 40 mm. Theo kết quả nghiên cứu thì kể cả kích thước mắt lưới 2a lớn nhất vẫn nhỏ hơn so với qui định, đối tượng đánh bắt bao gồm cả những loài thủy sản có kích thước nhỏ, nếu phát triển nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Bảng 3: Lực lượng lao động của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Trung bình tổng số người trong gia đình là 4,68 người, trong đó số lao động gia đình tham gia vào nghề là 2,53 người chiếm 68,8% và số lao động thuê mướn thêm là 1,15 người chiếm 31,2%. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy trong tổng số lao động trên tàu là 3,68 người thì số lao động gia đình là 2,53 chiếm 68,8%, số lao động thuê mướn thêm là 1,15 người chiếm 31,2% và hầu hết lao động ở tại địa phương góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Qua đó cho thấy đa số những hộ tham gia nghề này phần lớn sử dụng lao động gia đình nên không tốn nhiều chi phí thuê mướn thêm nhân công. Tuy nhiên, do tính chất khó khăn của nghề đi biển, thời tiết thất thường và tính không ổn định của nghề đánh bắt ngoài biển nên một số hộ gia đình vẫn gặp khó khăn khi tìm thuê lao động.

Thời gian khai thác trung bình một mẻ lưới là 8,40 giờ, thời gian khai thác 1 mẻ tương đối ngắn giúp đảm bảo độ tươi cho sản phẩm và tốn ít chi phí nước đá, thời gian khai thác một chuyến biển khoảng 1,73 ngày, trung bình một tháng khai thác được khoảng 13,3 chuyến biển và khai thác được khoảng 6,43 tháng trong 1 năm. Một chuyến biển của nghề này nhiều nhất là 3 ngày do những tàu này đánh bắt ở ngư trường xa nên thời gian cho 1 chuyến biển dài hơn. Những hộ lựa chọn loại ngư cụ này đa số vì họ đánh bắt gần ngư trường và thời gian đánh bắt ngắn. Vì tính chất của thời tiết luôn thất thường nên tàu chỉ đánh bắt được 4 đến 5 tháng trong một năm và nhiều nhất là 10 tháng.

Bảng 4: Thời gian khai thác của nghề lưới rập xếp tỉnh Cà Mau

Bảng 5: Sản lượng khai thác của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Sản lượng trung bình một mẻ lưới là 80,7 kg/tàu, một chuyến khoảng 177 kg/tàu và sản lượng trung bình một năm là 12,8 tấn/tàu. Sản lượng khai thác của nghề này thấp hơn rất nhiều so với những nghề khác như kéo đơn ven bờ (theo kết quả nghiên cứu của Lê Xuân Sinh và ctv. (2009) thì sản lượng khai thác của tàu lưới kéo đơn ven bờ là 19,4 tấn/năm) và lưới rê ven bờ (theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Thanh Phương (2010) thì sản lượng lưới rê ven bờ là 15,07 tấn/năm) vì với nghề này người dân đa số chỉ đánh bắt được ở mé bờ (ven bìa rừng ngập mặn) với tàu thuyền nhỏ nên sản lượng thấp, lượng cá tạp nhiều và cá có giá trị kinh tế ít.

Lưới rập xếp khai thác các loài cá có giá trị kinh tế như: cá đuối (11,3%), cá khoai (17,4%), mực (12,2%), ghẹ (8,7%), cá thu (10,6%), tôm (10,2%) và một số loài cá có giá trị kinh tế thấp như cá đù (9,2%), cá lưỡi (7,4%), cá úc (7,2%) và cá tạp 5,8%. Do tính chất của lưới là đánh bắt không chọn lọc kết hợp với kích thước mắt lưới nhỏ nên 1 mẻ khai thác có nhiều loài.

Bảng 6: Sản lượng khai thác theo thành phần loài của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Điều kiện cần thiết để ngư dân thực hiện được mô hình là phải bỏ ra chi phí ban đầu để thực hiện quá trình khai thác gồm: chi phí mua máy tàu, vỏ tàu, lưới và một số chi phí khác chiếm tỷ lệ thấp. Kết quả cho thấy chi phí đầu tư cho nghề này là 91,9 triệu đồng, trong đó lưới có tỷ lệ cao nhất chiếm 40,8% vì thời gian khấu hao của lưới ngắn nên người dân sẽ tốn chi phí rất nhiều cho việc đầu tư mua lưới. Chi phí mua vỏ tàu chiếm 32,7%, máy tàu chiếm 24,8% và còn lại là chi phí khác 1,7%. Thời gian khấu hao của máy tàu và vỏ tàu từ 8-10 năm tùy theo người dân mua cũ hay mới và chi phí khấu hao trung bình cho nghề này 0,45 triệu đồng/chuyến.

Tổng chi phí biến đổi cho một chuyến biển là 3,17 triệu đồng và một năm là 143 triệu đồng. Trong đó, tiền nhân công chiếm tỷ lệ cao nhất 42,5%, qua đó cho thấy nghề này giải quyết được nhiều lao động tại địa phương, tiếp đến là chi phí dầu trung bình khoảng 0,76 triệu đồng/chuyến chiếm 23,9%.

Bảng 7: Chi phí cố định và chi phí khấu hao của tàu lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Hình thức ăn chia giữa chủ tàu và nhân công theo tỷ lệ 8,5:1,5, tức chủ tàu thu nhập được 1 triệu thì nhân công sẽ được 150.000 đồng. Tiền nhân công bình quân cho 1 chuyến là 1,1 triệu đồng và các chi phí khác chiếm tỷ lệ thấp như: nhớt 3,48%, nước đá 5,22%, chi phí sữa chữa là 0,11 triệu đồng/chuyến chiếm 4,78% và một số chi phí khác 3,48%.

Bảng 8: Chi phí biến đổi cho chuyến biển của tàu lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Tổng chi phí cho một chuyến đi là 2,75 triệu đồng, tổng chi phí biến đổi cao hơn tổng chi phí khấu hao, doanh thu 4,77 triệu đồng và lợi nhuận bình quân cho mỗi chuyến đi là 2,03 triệu đồng. Doanh thu thấp nhất cho một chuyến đi là 0,4 triệu đồng và cao nhất là 15 triệu đồng. Lợi nhuận thấp nhất cho một chuyến là 0,16 triệu đồng và cao nhất là 6,79 triệu đồng. Qua đó ta thấy lợi nhuận của nghề lưới rập xếp này tương đối cao vì chuyến biển của nghề này ngắn với thu nhập như vậy là tạm ổn với ngư dân trong diều kiện kinh tế hiện nay. Tỷ suất lợi nhuận của nghề là 1,31 lần, chỉ tiêu này càng lớn thì chứng tỏ với một mức chi phí thấp cũng cho phép mang lại hiệu quả đồng vốn cao cho hoạt động khai thác này.

Bảng 9: Hiệu quả tài chính của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Nghề rập xếp tuy mới được du nhập vào tỉnh Cà Mau nhưng lại ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ven biển, tạo nguồn thu nhập chính cho hộ dân. Những hộ dân xem đây là nghề chính cho gia đình vì họ không có đất canh tác để chăn nuôi hay trồng trọt thêm và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, chỉ có 7/40 hộ có thêm thu nhập từ những nghề khác như cào, câu kiều, chăn nuôi.

Bảng 10: Vai trò của nghề lưới rập xếp đối với người dân tỉnh Cà Mau

Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng ven biển còn nhiều khó khăn. Nguồn thu của ngư dân ven biển chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy hải sản là chính, trong khi năng suất thấp, hiệu quả chưa cao, thiếu ổn định. Nhu cầu giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề của nhân dân và người lao động đang là vấn đề khó khăn chưa được giải quyết thì nghề lưới rập xếp cũng đã đáp ứng được một phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân ven biển.

Bên cạnh đó, nghề này còn giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Theo kết quả nghiên cứu có 8/40 hộ dân thoát nghèo từ nghề lưới này, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với thu nhập trung bình khoảng 2,03 triệu đồng/chuyến, trong khi đó trung bình một chuyến biển khoảng 1,73 ngày thì với thu nhập như vậy cuộc sống của người dân ven biển tương đối ổn định.

Thuận lợi cơ bản nhất đối với nghề này là kỹ thuật đòi hỏi không cao, người dân chỉ cần bỏ ra công sức để thu lời. Cà Mau còn những yếu tố thuận lợi phát triển như: thị trường tiêu thụ rộng lớn, gần ngư trường người dân sẽ tiết kiệm được chi phí về nguyên liệu và một số thuận lợi như chi phí ít, sản phẩm dễ tiêu thụ và lợi nhuận cao người dân sẽ có động lực nhiều hơn để nâng cao thu nhập cho gia đình (Bảng 11). Nghề này còn tận dụng được nguồn lao động sẵn có từ gia đình nên sẽ giảm thiểu được chi phí thuê mướn nhân công.

Bên cạnh đó thì cũng có những khó khăn tồn tại như phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, thời vụ sản xuất, đây là khó khăn đặc trưng của nghề đi biển nên thời gian khai thác được trong năm ít, thị trường tiêu thụ không ổn định giá bán sản phẩm thấp, thiếu nhân công (Bảng 12).

Bảng 11: Những thuận lợi của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Ngày nay tình trạng người dân khai thác quá mức nguồn lợi đang là vấn đề cần quan tâm đến. Để đảm bảo tính bền vững của nguồn lợi người dân cần khai thác nguồn lợi một cách hợp lý, không khai thác quá mức và cạn kiệt nguồn lợi. Nghề này được xem là một nghề đánh bắt gần bờ và với những thông số kỹ thuật trên của lưới ta có thể thấy được tính hủy diệt của lưới vì thế cần xem xét khi khai thác bằng loại ngư cụ này. Bên cạnh đó, tình trạng trộm cắp ngư, lưới cụ diễn ra ngày càng phức tạp với số lượng ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển, làm nhiều ngư dân hoang mang, lo lắng, gây thất thoát rất lớn cho người dân. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả chỉ tăng nhẹ so với sự tăng cao của chi phí đầu tư nên người dân bị ép giá sản phẩm và giảm lợi nhuận do chi phí cao.

Bảng 12: Những khó khăn của nghề lưới rập xếp ở tỉnh Cà Mau

Tàu lưới rập xếp có qui mô nhỏ với công sất trung bình 54,1 CV và tải trọng trung bình là 3,13 tấn/tàu.

Thời gian khai thác của nghề rập xếp trung bình 6,43 tháng/năm và 13,3 chuyến/tháng. Sản lượng trung bình năm khoảng 12,8 tấn/tàu/năm.

Tổng chi phí trung bình cho một chuyến biển là 4,78 triệu đồng/chuyến biển và lợi nhuận trung bình là 2,03 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 1,31 lần. Không có hộ ngư dân làm nghề lưới rập xếp nào bị thua lỗ.

Khó khăn chung hiện nay của nghề lưới rập xếp là thời tiết xấu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá bán thấp và nguồn lợi ngày càng suy giảm.

Lưới rập xếp đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân ven biển, là nguồn thu nhập chính cho gia đình, tạo được công ăn việc làm cho người địa phương và giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Các cơ quan quản lý khai thác thủy sản địa phương cần tổ chức liên kết sản xuất để hỗ trợ nhau trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất, ổn định đầu ra, ổn định giá bán sản phẩm thuỷ sản, bảo quản tốt sản phẩm thủy sản khai thác, tăng lợi nhuận cho ngư dân và nghề khai thác phát triển ổn định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng ngư dân làm nghề khai tác thủy sản tại các địa phương ven biển, từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013. Quy định về quản lý nghề lưới kéo khai thác hải sản tại vùng ven biển Việt Nam. 6 trang.

Chi cục KT&BVNLTS tỉnh Cà Mau, 2013. Báo cáo Tổng kết tình hình khai thác thủy sản năm 2013. 11 trang.

Lê Xuân Sinh, Nguyễn Thanh Long và Đỗ Minh Chung, 2009. Phân tích hiện trạng nghề lưới kéo ven bờ và nhận thức của ngư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyển tập Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh học biển và phát triển bền vững. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ. 275-285.

Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Thanh Phương, 2010. Phân tích khía cạnh kinh tế và kỹ thuật của các nghề khai thác thủy sản chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí khoa học 2010, NXB Đại học Cần Thơ, 12 trang.