Bùi Văn Trịnh * Nguyễn Hữu Tâm

* Tác giả liên hệ (bvtrinh@ctu.edu.vn)

Abstract

With appropriate research methods, this article analyzes the needs and propose solutions basically for the development of cooperation economy in the agricultural production of farming households in Chau Thanh district, Hau Giang Province. In general, 88% of the households are in need of cooperation in the process of agricultural production. This figure for fruit-growing households is 84%. As for rice-growing households, this need is even higher because 92% of them would like to cooperate with others. The reason for cooperation is that the process of rice growing requires many stages that cannot be postponed. In addition, rice growing heavily depends on the weather. There are two short-term and seven long-term solutions to develop cooperation economy in the agricultural sector of Chau Thanh district, Hau Giang province in line with the cooperation need of the farming households.
Keywords: Cooperation, Cooperation need

Tóm tắt

Bằng những phương pháp nghiên cứu thích hợp, bài viết phân tích được một số nhu cầu hợp tác và đề xuất một giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp của nông hộ ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Có đến 88% số nông hộ cho là có nhu cầu hợp tác trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nếu chỉ xét riêng các nông hộ trồng cây ăn trái thì có 84% có nhu cầu hợp tác. Đối với nông hộ trồng lúa thì nhu cầu hợp tác còn cao hơn, có tới 92% số hộ có nhu cầu hợp tác. Lý do nhu cầu hợp tác cao như thế là do trồng lúa đòi hỏi phải qua nhiều giai đoạn mà không thể chậm trễ được và trồng lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Có 7 giải pháp được đưa ra để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phù hợp với nhu cầu hợp tác của nông hộ.
Từ khóa: Hợp tác, nhu cầu hợp tác

Article Details

Tài liệu tham khảo

http://www.haugiang.gov.vn/Portal/OtherNewsView.aspx?pageid=95&

ItemID=115&mid=162&pageindex=6&siteid=1)

Thông tin sơ cấp: Điều tra trực tiếp 100 nông hộ trong địa bàn nghiên cứu thông qua bảng câu hỏi soạn trước, gồm 50 nông hộ trồng cây ăn trái và 50 nông hộ trồng lúa. Ngoài ra còn áp dụng phương pháp PRA để làm rõ thêm vấn đề cần nghiên cứu.

Đối với mục tiêu (1): Sử dụng phương pháp thống kê mô tả và phương pháp so sánh để phân tích thực trạng hợp tác giữa nông hộ trồng cây ăn trái với nông hộ trồng lúa, giữa nông hộ hiện đang hợp tác với hộ chưa hợp tác (Diệp Thanh Tùng, 2007).

Đối với mục tiêu (2): Sử dụng phương pháp thống kê tần số để đánh giá và nhận xét nhu cầu hợp tác của nông hộ vào thời gian tới và hệ số tương quan cặp để kiểm định mối quan hệ giữa các nhu cầu hợp tác với nhau (Trần Quốc Khánh et al., 2005).

Đối với mục tiêu (3): Căn cứ vào cơ sở của các kết quả phân tích ở mục tiêu 1 và 2 để làm căn cứ đề xuất một số giải pháp chủ yếu.

Kết quả nghiên cứu thực tế có đến 88% số nông hộ cho là có nhu cầu hợp tác. Điều đáng nói là trong số 23% số hộ hiện đang hợp tác sản xuất nông nghiệp thì có đến 21% số hộ vẫn còn nhu cầu hợp tác (chiếm 91,3%), điều này chỉ có thể giải thích là do các dịch vụ mà tổ chức hợp tác hiện đang cung cấp chưa phù hợp với nhu cầu của nông hộ hoặc do chất lượng dịch vụ của tổ chức hợp tác là chưa cao.

Nếu chỉ xét riêng các nông hộ trồng cây ăn trái thì có 84% có nhu cầu hợp tác. Còn nếu chỉ xét các nông hộ trồng cây ăn trái nhưng hiện chưa hợp tác thì con số này chỉ là 77,8%. Kết quả trên cho thấy các nông hộ đang hợp tác có nhu cầu hợp tác cao hơn các nông hộ chưa hợp tác, vì họ thấy rõ lợi ích từ việc hợp tác, chỉ có hợp tác mới có thể phát triển mạnh và bền vững.

Đối với nông hộ trồng lúa thì nhu cầu hợp tác còn cao hơn, có tới 92% số hộ có nhu cầu hợp tác. Nhưng đi ngược lại với các nông hộ trồng cây ăn trái, các nông hộ trồng lúa hiện chưa hợp tác có nhu cầu hợp tác chiếm đến 95,1%. Kết quả trên cho thấy các nông hộ trồng lúa hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự hợp tác trong sản xuất. Lý do nhu cầu hợp tác cao như thế này là do trong việc trồng lúa thì có chu kỳ canh tác ngắn hơn so với cây ăn trái, trồng lúa đòi hỏi phải qua nhiều giai đoạn mà không thể chậm trễ được và trồng lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết; Mặt khác trình độ của các hộ trồng lúa thấp hơn hộ trồng cây ăn trái, cụ thể nông hộ trồng lúa có trình độ từ cấp 3 trở lên chỉ chiếm 12%, trong khi con số này ở hộ trồng cây ăn trái là 22%.

- Nhu cầu hợp tác trong các dịch vụ sản xuất:

Đối với nông hộ trồng cây ăn trái thì nhu cầu này chỉ chiếm 10%, nhưng đối với hộ trồng lúa thì nhu cầu này là 30%. Đó là khi nói đến số hộ được phỏng vấn, còn khi chỉ nói riêng các nông hộ chưa hợp tác thì nhu cầu hợp tác của hộ trồng cây ăn trái là 11,1%, nông hộ trồng lúa là 34,1%. Vẫn không có sự chênh lệch gì lớn về nhu cầu hợp tác đối với các nông hộ đã tham gia hợp tác và nông hộ chưa tham gia hợp tác.

- Nhu cầu hợp tác về giống tốt:

Giống là phương tiện sản xuất rất quan trọng trong nông nghiệp. Việc chọn giống thích hợp sẽ giúp: tăng năng suất cây trồng, cải thiện phẩm chất cây trồng, tăng tính chống chịu của giống cây trồng, tăng tính thích nghi của giống đối với điều kiện cơ giới hóa trong sản xuất. Vì vậy, việc hợp tác trong sản xuất giống tốt là cần thiết. Nông hộ trồng cây ăn trái có nhu cầu hợp tác trong sản xuất giống tốt là 14%, nhưng chỉ tính hộ hiện chưa hợp tác thì con số này chỉ là 8,3%. Trong khi ở nông hộ trồng lúa thì con số này lần lượt là 32% và 34,1%. Cũng như nhu cầu hợp tác về dịch vụ sản xuất, nhu cầu hợp tác về giống của hộ trồng lúa vẫn cao hơn nhiều lần so với hộ trồng cây ăn trái.

- Nhu cầu hợp tác trong mua vật tư sản xuất:

Phân bón là một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất của nông hộ. Tuy nhiên, mỗi loại cây trồng khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, gieo trồng trên những loại đất không giống nhau đều có cách bón phân khác nhau. Vì vậy, để cây trồng đạt hiệu quả cao thì cần phải bón đúng lúc và đúng cách đúng liều lượng. Một số loại phân chủ yếu cho cây trồng là: phân đạm, phân lân, phân kali, phân hữu cơ. Ngoài ra, Thuốc bảo vệ thực vật cũng không kém phần quan trọng trong quá trình sản xuất của nông hộ ngày nay. Do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, dịch bệnh... Vì thế cần phải phun đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng là điều cực kỳ quan trọng, có như thế mới góp phần nâng cao thu nhập và giảm thiểu chi phí.

Kết quả điều tra cho thấy có đến 60% số hộ trồng cây ăn trái có nhu cầu hợp tác trong mua vật tư sản xuất, trong khi nhu cầu này ở các hộ trồng lúa chỉ là 44%. Nếu không xét đến các hộ hiện đang hợp tác thì, đối với các hộ trồng cây ăn trái nhu cầu này là 69,4%, đối với hộ trồng lúa thì nhu cầu hợp tác này là 46,3%. Rõ ràng khi không xét đến hộ đã tham gia hợp tác thì nhu cầu hợp tác này tăng lên, điều này cho thấy người dân đã nhận thấy được vai trò quan trọng của vật tư trong sản xuất và đặc biệt là khi giá vật tư ngày càng gia tăng.

- Nhu cầu hợp tác tín dụng (vay vốn):

Vốn là một nguồn lực đầu vào cực kỳ quan trọng, không có vốn thì không thể sản xuất, không vốn thì không thể đầu tư,… Nói tóm lại, không có vốn thì không làm gì được. Vì thế, nhu cầu về vốn trong sản xuất nói chung và trong sản xuất nông nghiệp nói riêng là rất cao và người sản xuất nông nghiệp luôn có nhu cầu về hợp tác trong tín dụng (vay vốn) để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế gia đình, cụ thể nhu cầu hợp tác vay vốn của hộ như sau:

Theo kết quả phân tích, các hộ trồng cây ăn trái thì họ có nhu cầu hợp tác tín dụng là 16%, trong khi đó hộ trồng lúa là 40%. Điều này là đúng với thực tế vì cây ăn trái là loại cây lâu năm, người nông dân chỉ đầu tư nhiều vào lúc đầu và đây là giai đoạn cần vốn của hộ, đến giai đoạn cho thu hoạch thì thu nhập cao, nên nhu cầu vốn cũng không cao; Còn trồng lúa thì liên tục phải đầu tư mới do mùa vụ ngắn nên nhu cầu vốn cũng cao. Đó là xét trên tổng thể, còn khi chỉ xét đến các hộ chưa tham gia tổ chức hợp tác thì kết quả điều tra cho thấy, có 5,6% có nhu cầu về tín dụng đối với hộ trồng cây ăn trái, đối với hộ trồng lúa thì là 39%. Hộ trồng lúa thì nhu cầu hợp tác tín dụng không thay đổi lớn khi xét trên tổng thể và xét trên các hộ chưa tham gia hợp tác; còn đối với các hộ trồng cây ăn trái thì khi xét trên các hộ chưa tham gia hợp tác và trên tổng thể điều tra thì có sự chênh lệch khá lớn, có điều này là do các hộ chưa tham gia hợp tác thì họ có nguồn vốn khá, và vườn cây ăn trái của họ đang đi vào thu hoạch.

- Nhu cầu hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm:

Tiêu thụ sản phẩm là cực kỳ quan trọng, ta có thể xem đó là một khâu của quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tiêu thụ hết và kịp thời những sản phẩm làm ra và với một mức giá hợp lý (mức giá mà ở đó lợi nhuận từ việc hoạt động sản xuất nông nghiệp này đủ để người nông dân tin tưởng và tiếp tục sản xuất ở các vụ sau) là một tín hiệu tốt cho người nông dân. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm không dễ dàng như vậy mà người nông dân luôn bị chèn ép: khi thì bị ép giá, khi thì tiêu thụ khó làm sản phẩm bị hư hao… Xuất phát từ những đòi hỏi thực tế đó, nông hộ có nhu cầu cần phải hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm để giải quyết được phần nào khó khăn.

Theo kết quả điều tra thì nhu cầu hợp tác trong sản phẩm của những nông hộ trồng cây ăn trái chỉ là 54%, nhưng hộ trồng lúa chỉ là 12%. Còn khi không tính các nông hộ đang tham gia hợp tác thì nhu cầu hợp tác của nông hộ trồng cây ăn trái và cây lúa lần lượt là 61,1% và 14,6%. Kết quả này cho thấy nhu cầu hợp tác của hộ trồng cây ăn trái là rất cao, bởi thị trường cây ăn trái không ổn định, giá cả bấp bênh, đồng thời nhu cầu hợp tác trong sản phẩm của hộ chưa tham gia hợp tác cao hơn so với tổng thể cho thấy những nông hộ đang hợp tác có điều kiện thuận lợi hơn về tiêu thụ sản phẩm; Nhu cầu hợp tác của hộ trồng lúa thì thấp kể cả tổng thể và hộ chưa hợp tác, hiện nay do nhu cầu về lúa gạo trong và ngoài nước là rất cao, nên sản phẩm người nông dân làm ra đều được tiêu thụ hết chẳng những thế họ còn bán được với giá cao, vì thế nhu cầu hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm của họ hiện thời thấp là hợp lý.

- Các nhu cầu hợp tác khác:

Đối với nông hộ trồng cây ăn trái, ngoài các nhu cầu hợp tác nói trên thì còn một số nhu cầu hợp tác khác như (hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác để xuống giống đồng loạt …), các nhu cầu hợp tác này chiếm 10%, nhưng đối với hộ trồng lúa thì các nhu cầu này còn thấp hơn chỉ chiếm 8%; Đó là khi nói đến số hộ được phỏng vấn, còn khi chỉ nói riêng các nông hộ chưa hợp tác thì nhu cầu hợp tác của hộ trồng cây ăn trái là 5,6%, của nông hộ trồng lúa là 7,3%. Có sự thay đổi về nhu cầu hợp tác của hộ trồng cây ăn trái, khi không xét đến các hộ đã tham gia hợp tác thì các nhu cầu hợp tác giảm gần một nửa. Các hộ trồng lúa thì không có sự chênh lệch gì lớn về nhu cầu hợp tác đối với các nông hộ đã tham gia hợp tác và nông hộ chưa tham gia hợp tác.

* Tổng hợp các nhu cầu hợp tác:

Hầu hết các nông hộ đều có nhu cầu hợp tác, cho dù hộ đang tham gia tổ chức hợp tác hay hộ chưa tham gia tổ chức hợp tác và nhu cầu hợp tác của hộ được sắp xếp như sau:

Bảng 1: Xếp hạng nhu cầu hợp tác của nông hộ

Nguồn: xử lý từ kết quả điều tra huyện Châu Thành năm 2008

- Qua bảng 1, ta thấy nhu cầu hợp tác trong mua vật tư sản xuất của nông hộ là rất cao, kết quả này đúng với thực tế. Bởi vì, qua phân tích ở trên cả hộ trồng cây ăn trái và hộ trồng lúa đều có chi phí về vật tư rất cao và đồng thời giá cả vật tư trên thị trường vào lúc điều tra cũng như hiện nay là rất cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn vào tháng 2 năm 2007 giá bán 1 bao phân URE (50 kg/bao) trên thị trường chỉ khoảng 275 nghìn đồng, nhưng vào tháng 2 năm 2008 giá bán 1 bao URE trên thị trường ở địa phương này đã lên đến khoảng 450 nghìn đồng [phỏng vấn PRA ngày 28/05/2008], tăng trên 1,6 lần. Việc nông hộ hợp tác được trong mua vật tư sản xuất sẽ giúp nông hộ giảm chi phí sản xuất.

- Sau nhu cầu về vật tư sản xuất là nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm, như đã nói ở trên tiêu thụ sản phẩm là một khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vì thế nông hộ có nhu cầu hợp tác khá cao là chuyện tất nhiên.

- Nhu cầu hợp tác về tín dụng được xếp thứ 3, thiết nghĩ điều này cũng đúng với thực tế vì khi có khó khăn về tín dụng, ngoài việc hợp tác, nông hộ cũng có thể vay mượn từ họ hàng, bà con, vay ngân hàng,…Không những như thế, kết quả này còn đúng với kết quả phỏng vấn PRA (khi hỏi những người tham gia về các khó khăn của mình và lần lược cho họ xếp hạng các khó khăn theo ma trận so sánh cặp thì yếu tố vốn cũng được họ xếp thứ 3).

- Lần lược tiếp theo là các nhu cầu về giống tốt để sản xuất, nhu cầu về dịch vụ sản xuất và cuối cùng là các nhu cầu hợp tác khác.

* Kết quả kiểm định cho ta thấy mối quan hệ giữa các nhu cầu hợp tác

- Đối với nông hộ trồng cây ăn trái, có các mối quan hệ tuyến tính sau: Mối quan hệ tuyến tính giữa nhu cầu hợp tác về giống và nhu cầu hợp tác tín dụng với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,296 (mức ý nghĩa 5%). Mối quan hệ tuyến tính giữa nhu cầu hợp tác trong mua vật tư và nhu cầu hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,393 (mức ý nghĩa 1%). Các biến còn lại đều không có quan hệ tuyến tính với nhau ở mức ý nghĩa 5%.

- Đối với nông hộ trồng lúa, có các mối quan hệ tuyến tính sau: Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong dịch vụ sản xuất và biến nhu cầu hợp tác giống tốt với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,299 (mức ý nghĩa 5%). Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong sản phẩm và biến nhu cầu hợp tác khác với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,345 (mức ý nghĩa 5%). Các biến còn lại đều không có quan hệ tuyến tính với nhau (mức ý nghĩa 5%).

- Xét trên tổng thể 100 mẫu điều tra, mối quan hệ tuyến tính giữa các biến được thể hiện qua bảng 2:

Bảng 2: Mối quan hệ giữa các nhu cầu hợp tác

Nguồn: xử lý từ kết quả điều tra huyện Châu Thành năm 2008

Ghi chú: ** Có ý nghĩa đến 1%. * Có ý nghĩa đến 5%

Nhìn chung có một số biến có mối quan hệ với nhau đặc biệt là các biến hợp tác trong sản phẩm, hợp tác trong giống tốt và hợp tác trong vay tín dụng, đáng chú ý nhất là biến nhu cầu hợp tác khác hoàn toàn không có mối quan hệ tuyến tính với bất kỳ biến nào. Nhưng các biến có mối quan hệ tuyến tính với nhau thì, mối quan hệ tương quan tuyến tính giữa các biến với nhau không chặt chẽ.

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác dịch vụ sản xuất và biến nhu cầu hợp tác giống tốt với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,261 (mức ý nghĩa 1%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong dịch vụ sản xuất và biến nhu cầu hợp tác trong sản phẩm với hệ số tương quan giữa 2 biến là âm 0,298 (mức ý nghĩa 1%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong giống tốt và biến nhu cầu hợp tác mua vật tư với hệ số tương quan giữa 2 biến là âm 0,283 (mức ý nghĩa 1%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong giống tốt và biến nhu cầu hợp tác trong sản phẩm với hệ số tương quan giữa 2 biến là âm 0,232 (mức ý nghĩa 5%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong mua vật tư và biến nhu cầu hợp tác trong tín dụng với hệ số tương quan giữa 2 biến là âm 0,248 (mức ý nghĩa 5%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong mua vật tư và biến nhu cầu hợp tác trong sản phẩm với hệ số tương quan giữa 2 biến là 0,206 (mức ý nghĩa 5%).

+ Mối quan hệ tuyến tính giữa biến nhu cầu hợp tác trong tín dụng và biến nhu cầu hợp tác trong sản phẩm với hệ số tương quan giữa 2 biến là âm 0,201 (mức ý nghĩa 5%).

Qua phân tích, ta có thể kết luận là các nhu cầu hợp tác của nông hộ ít có mối quan hệ với nhau. Tức là, khi giải quyết được nhu cầu hợp tác về vấn đề nào đó của nông hộ, chẳng hạn giải quyết được nhu cầu hợp tác được về vật tư sản xuất, thì các nhu cầu hợp tác khác của nông hộ vẫn giảm không đáng kể.

- Giải quyết các nhu cầu hợp tác thực tế hiện tại của nông hộ để khắc phục các khó khăn trong sản xuất kinh doanh thông qua việc “xây dựng” các tổ chức hợp tác, HTX. Để xây dựng tổ chức hợp tác, HTX phải làm từ đơn mục tiêu đến đa mục tiêu, do đó phải bắt đầu từ một việc, làm tốt một việc sau đó sẽ tiến lên làm nhiều việc. Hơn nữa, muốn cho hợp tác phát triển mạnh hơn, thì thậm chí các HTX cùng làm một việc sẽ phải liên kết lại theo ngành dọc để mở rộng quy mô, từ đó có sức làm các việc lớn hơn. Phải phát triển nhiều hình thức hợp tác khác nhau, từ thấp đến cao để nhân dân các vùng khác nhau có thể lựa chọn hình thức mà họ coi là thích hợp nhất. Do việc xây dựng HTX là một quá trình lâu dài, khó khăn, phải vừa làm, vừa học, nên cần phát triển rộng khắp các tổ hợp tác giản đơn để giúp đỡ, tương trợ nhau phát triển sản xuất. Các tổ hợp tác cũng phải có khung pháp lý để hoạt động. Phải có nhiều hình thức hợp tác vì các ngành sản xuất khác nhau thường có các hình thức hoạt động khác nhau, do đó mỗi ngành sản xuất cần một hình thức hoạt động thích hợp.

- Sớm khảo sát toàn diện các mặt của các Tổ chức hợp tác, HTX, tiến hành phân loại theo các tiêu chí thực tế tại địa phương trên cơ sở tham khảo tiêu chí của Chi cục HTX – Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, chú ý đến quan điểm của thành viên - xã viên để có kết luận cụ thể cho từng Tổ chức hợp tác, HTX. Từ đây, chủ động giải thể những Tổ chức hợp tác, HTX hoạt động kém hiệu quả dựa trên các tiêu chí phân loại như trên, nhằm tránh làm mất lòng tin của người dân.

- Theo kết quả khảo sát thì đa số nông hộ vẫn còn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong nông nghiệp do đó các nông hộ phải hợp tác lại với nhau để cùng sản xuất. Mỗi hộ với một diện tích nhỏ, nhưng khi hợp tác lại sẻ thành diện tích lớn, và lúc này có thể áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ, giảm được chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bán được giá. Ngoài ra, còn có thể khắc phục tình trạng này bằng các chính sách quy tụ đất đai,…

- Tuyên truyền, vận động thuyết phục các nông hộ, làm cho họ thấy được hợp tác sản xuất là điều có lợi, có thể giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất và nâng cao được lợi nhuận. Theo số liệu điều tra cho thấy trình độ sản xuất của nông hộ còn rất thấp. Do đó, đòi hỏi các hội đoàn phải cung cấp nhiều thông tin hơn về tiếp cận thị trường, về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu... để khắc phục tình trạng nông hộ thiếu thông tin dẫn đến không có định hướng sản xuất. Nhấn mạnh đến tính cần thiết phải phát triển truyền thông khuyến nông với mục đích tạo lập, chia sẻ thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn xuất phát từ nhu cầu của nông hộ. Phải chứng minh cho họ thấy vai trò của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất không bị chi phối bởi qui mô sản xuất mà nó bị chi phối bởi chính tâm lý người sản xuất. Khắc phục tình trạng tâm lý quy mô diện tích nhỏ không cần tập huấn kỹ thuật, không cần chuyển giao khoa học công nghệ mà sản xuất theo kinh nghiệm.

Nghiên cứu cho thấy, sản xuất riêng lẻ dẫn đến chất lượng lúa không đồng đều do hình thức, tập quán canh tác khác nhau, mạnh ai nấy bán, và thực tế cho thấy họ không thể tạo được lợi thế để bán giá cao trong quá trình đàm phán với người mua lúa. Nâng cao và thay đổi nhận thức của nông hộ nhằm mục đích áp dụng kỹ thuật mang tính đồng bộ, triệt để và tạo khối lượng lớn hàng hóa nông sản đồng đều về chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh trong tiêu thụ.

- Dù nền kinh tế bước vào hội nhập nhưng các nông hộ vẫn còn thói quen sử dụng giống chưa đảm bảo chất lượng. Họ chỉ chú ý giá giống rẻ mà không chú ý đến nhu cầu của thị trường. Nên họ thường dùng các loại giống nhà để lại sản xuất hoặc trao đổi với những hộ xung quanh. Sản xuất trong cùng một vùng thì lại sử dụng nhiều loại giống khác nhau. Tạo ra nông sản có chất lượng khác nhau. Bên cạnh cũng có những hộ sử dụng nguồn giống của các trung tâm giống nhưng giá bán không có sự khác biệt do số lượng nhỏ bị thương lái ép giá. Điều này không khuyến khích nông hộ có cái nhìn khác về giống đến giá bán nông sản. Để giải quyết vấn đề về chất lượng nông sản thì phải giải quyết vấn đề về nguồn giống sản xuất của nông hộ. Trong công tác này, thì vai trò của các cơ quan chuyên môn cần phải đề cao trách nhiệm của mình từ khâu vận động đến thực hiện, có thể cũng là nơi cung cấp nguồn giống cho nông hộ. Ngày nay, nhận thức của nông hộ ngày cũng được nâng cao thể hiện qua phong trào hưởng ứng không làm lúa vụ 3. Nên việc vận động về công tác giống này nếu được sự giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo thì vấn đề công tác giống sẽ được thực hiện trong thời gian gần đây.

- Do sự khác biệt về khả năng nguồn lực của các nông hộ nên mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật tại các địa phương trong vùng nghiên cứu không đồng bộ, có nghĩa là mức độ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật có sự khác biệt giữa các nông hộ. Điều này dẫn đến hiệu quả áp dụng kỹ thuật còn thấp, cụ thể là một số nông hộ vẫn còn sử dụng giống lúa của các vụ trước để làm giống, hoặc thiếu dụng cụ, phương tiện canh tác nên họ chưa áp dụng kỹ thuật. Hơn nữa, đối với nông hộ áp dụng khoa học kỹ thuật đôi khi cũng áp dụng chưa triệt để theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông do họ ngại phát sinh thêm chi phí, hoặc kéo dài chu kỳ sản xuất như khâu chuẩn bị đất. Cho nên, cán bộ khuyến nông cần thông tin về hiệu quả của những mô hình cải tiến nhằm tăng tính thuyết phục đối với nông hộ giúp họ tự tin và mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc phổ biến và áp dụng kỹ thuật mới, đòi hỏi đối tượng tham gia những khóa tập huấn có trình độ nhất định. Bởi vì, sau khi tập huấn thì họ không những vận dụng vào sản xuất cho chính mình mà họ còn là lực lượng trung gian có thể truyền đạt, phổ biến thông tin, kiến thức cho các nông hộ khác tại địa phương.

- Xây dựng chợ đầu mối là để giúp nông hộ có điều kiện tiêu thụ sản phẩm với giá cao, khắc phục được tình trạng thương lái ép giá. Để góp phần giải quyết tình trạng này đòi hỏi phải tiến hành đầu tư nâng cấp giao thông nông thôn đây là điều kiện cơ bản giúp hàng hóa của nông hộ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn; bởi vì điều kiện lưu thông, vận chuyển khó khăn dẫn đến chi phí lưu thông sẽ tăng cho nên thương lái thường trả giá thấp nhằm bù đắp chi phí vận chuyển. Nhưng vấn đề xây dựng chợ đầu mối xong thì ai là người đứng ra quản lý? Nếu không có quản lý sẽ dễ xảy ra tình trạng “bỏ chợ”; nhưng còn nếu để nhà nước chính quyền địa phương quản lý thì không thể, do họ có rất nhiều việc nên khó có thể có quan tâm đúng mức, còn nếu để một tổ chức hay cá nhân nào đó quản lý thì cũng dễ dẫn đến tình trạng ép giá như các tiểu thương, các thương lái, chỉ có một cách đó là cho HTX quản lý vì HTX xuất phát từ nông hộ nên họ sẽ vì lợi ích của nông hộ.

Sản xuất nông nghiệp của nông hộ huyện Châu Thành được nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất,… Song vẫn còn nhiều khó khăn cần phải hợp tác lại với nhau để cùng sản xuất, vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục các khó khăn, đồng thời có thể bênh vực quyền lợi cho nhau và tăng khả năng mặc cả trên thị trường đồng thời đó cũng là mong muốn của nông hộ, cụ thể: nhu cầu Hợp tác về mua vật tư sản xuất chiếm tới 52%, nhu cầu hợp tác về tiêu thụ sản phẩm 33% và còn nhiều nhu cầu hợp tác khác nữa... Nhưng để việc hợp tác này thật sự có hiệu quả thì mỗi đối tượng phải làm những nhiệm vụ của mình, nông hộ không thể xem Tổ chức hợp tác, HTX là nơi để được sự hỗ trợ của nhà nước; Nhà nước, chính quyền địa phương không thể xem Tổ chức hợp tác, HTX là thành quả quản lý của mình… có như vậy các Tổ chức hợp tác, HTX mới có thể phát huy được vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Diệp Thanh Tùng (2007). Luận văn thạc sỹ Quản trị kinh doanh “Giải pháp phát triển HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở tỉnh Trà Vinh”, khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh trường Đại học Cần Thơ, Trà Vinh.

Trần Quốc Khánh, Hoàng Ngọc Việc, Nguyễn Đình Nam, Ngô Đức Cát, Phạm Văn Khôi, Vũ Thị Minh (2005). Giáo trình quản trị kinh doanh nông nghiệp, nhà xuất bản Lao Động - Xã Hội.

http://www.haugiang.gov.vn/Portal/OtherNewsView.aspx?pageid=95&

ItemID=115&mid=162&pageindex=6&siteid=1