Ngày xuất bản: 04-06-2025
Công nghệ
Xác định nhóm Benzalkonium chloride (BAC/BKC) trên nền mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản và nước nuôi trồng thủy sản bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép hai lần khối phổ (UPLC-MS/MS)
Tóm tắt
|
PDF

Phương pháp xác định hàm lượng nhóm benzalkonium chloride (BAC/BKC), một loại thuốc kháng khuẩn trên các nền mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản và nước nuôi trồng thủy sản được xây dựng trong nghiên cứu. Phương pháp này nhằm mục tiêu giúp các phòng thử nghiệm phân tích BAC trên các đối tượng nghiên cứu đã nêu. Trong nghiên cứu, nhóm BAC trong các nền mẫu tôm nguyên liệu, cá tra, tôm tẩm bột và nước nuôi trồng thủy sản được xử lý mẫu dựa theo kỹ thuật QueChERS (Quick-Easy-Cheap-Effective-Rugged-Safe), sử dụng kỹ thuật sắc ký lỏng siêu cao áp ghép nối đầu dò hai lần khối phổ (UPLC-MS/MS). Giá trị sử dụng phương pháp đã đánh giá các thông số cần quan tâm được xác nhận như độ tuyến tính (R2), giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ nhạy, độ chọn lọc đạt, độ lặp lại, độ tái lập và độ đúng đều đáp ứng theo tiêu chí quy định Sante/11312/2021v2 và EU808/2021 của Châu Âu.
Ứng dụng mô hình học máy dự báo công suất phát điện gió
Tóm tắt
|
PDF

Ngành điện gió được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng và giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, sự biến động nguồn năng lượng gió gây khó khăn cho vận hành và điều phối lưới điện dẫn đến tình trạng phát điện dư thừa hoặc thiếu hụt công suất vào từng thời điểm khác nhau. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm nâng cao độ chính xác trong dự báo công suất phát điện gió, giúp tối ưu hóa vận hành và tích hợp năng lượng gió vào hệ thống điện. Phương pháp được sử dụng là mô hình mạng hồi quy Perceptron đa tầng (MLP Regression) và được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ dự báo công suất phát điện gió. Tập dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm các biến đầu vào như nhiệt độ môi trường, tốc độ và hướng gió; đầu ra là công suất phát của tuabin gió. Toàn bộ quá trình xây dựng và đánh giá mô hình được triển khai bằng ngôn ngữ lập trình Python. Kết quả ghiên cứu cho thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và học máy trong tối ưu hóa vận hành điện gió, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên gió, hỗ trợ điều phối lưới điện hiệu quả và thúc đẩy hệ thống điện bền vững.
Giải pháp hỗ trợ chẩn đoán ung thư đại trực tràng dựa trên dữ liệu vi khuẩn đường ruột được chọn lọc dùng các giải thích phản thực đa dạng
Tóm tắt
|
PDF

Bệnh ung thư đại trực tràng là căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe con người nếu không phát hiện và điều trị sớm. Việc phân tích dữ liệu vi sinh vật trong môi trường đường ruột có thể hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh này. Cách tiếp cận chọn lọc vi sinh vật bằng phương pháp giải thích kết quả của thuật toán trí tuệ nhân tạo bằng các giải thích phản thực đa dạng (Diverse Counterfactual Explanations-DCE) được đề xuất trong bài viết. Kết quả phân lớp với giải thuật máy học cổ điển như Rừng ngẫu nhiên và Gradient Boosting trên dữ liệu chỉ dưới 3% tổng số đặc trưng ban đầu, đã cho kết quả 0,7759, 0,8055, 0,8093 và 0,7923 với độ đo AUC trên các bộ dữ liệu thu thập từ nhóm người Áo, Mỹ, Trung Quốc, và Đức-Pháp. Kết quả này tốt hơn so với trên tập dữ liệu ban đầu với hơn 1900 loài vi sinh vật.
Giải pháp lập kế hoạch di chuyển cho hệ robot tay máy di động kết hợp UAV trong môi trường ngoài trời
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đề xuất giải pháp lập kế hoạch di chuyển cho hệ robot tay máy kết hợp thiết bị bay không người lái (UAV). Bản đồ số được tạo từ hình ảnh của máy ảnh gắn trên UAV, chứa thông tin về chướng ngại vật và các vị trí mục tiêu. Thuật toán Dijkstra được sử dụng để tính toán đường đi ngắn nhất, giúp robot di chuyển đến các vị trí đích và tránh va chạm. Phương pháp đo quãng đường di chuyển (odometry) được áp dụng để xác định vị trí của robot, với dữ liệu được truyền về máy tính điều khiển qua giao thức UDP. Tại mỗi điểm xác định, robot dùng máy ảnh RGB-D để phát hiện mục tiêu và điều khiển tay máy gắp vật khi đủ gần. Kết quả thực nghiệm cho thấy hệ thống hoạt động hiệu quả trong môi trường ngoài trời, đảm bảo khả năng di chuyển, định vị và thao tác chính xác. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng ứng dụng của hệ robot tay máy tự hành trong các nhiệm vụ ngoài trời, đặc biệt ở những khu vực khó tiếp cận.
Công nghệ thông tin
Giải pháp phát hiện xâm nhập mạng sử dụng mô hình học sâu
Tóm tắt
|
PDF

Trong nghiên cứu này, việc phân tích hiệu suất của các mô hình học sâu trong phát hiện xâm nhập mạng dựa trên dữ liệu UNSW-NB15 đã được thực hiện. Các mô hình được triển khai bao gồm MLP, RNN, CNN, LSTM, BiLSTM, GRU, Autoencoder và Transformer. Kết quả cho thấy BiLSTM và GRU đạt độ chính xác cao nhất (98,78%) với thời gian huấn luyện ngắn (656,20 và 497,89 phút), trong khi Transformer cũng đạt độ chính xác cao (98,76%) nhưng yêu cầu thời gian huấn luyện dài nhất (1.010,49 phút). RNN và Autoencoder có thời gian huấn luyện ngắn nhất nhưng độ chính xác thấp hơn. BiLSTM và GRU là lựa chọn tối ưu nhờ sự cân bằng giữa độ chính xác và thời gian huấn luyện, Transformer phù hợp với hệ thống không giới hạn tài nguyên. Trong nghiên cứu, tiềm năng của các mô hình học sâu trong phát hiện các mối xâm nhập mạng hiện đại và khả năng ứng dụng vào các hệ thống an ninh mạng thực tiễn được nhấn mạnh.
Môi trường
So sánh mức phát thải khí nhà kính trong sản xuất rau bắp cải giữa mô hình canh tác thông thường, canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và canh tác hữu cơ ở vùng ngoại thành Hà Nội
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp đánh giá vòng đời sản phẩm để phân tích mức phát thải khí nhà kính (KNK) của ba mô hình canh tác bắp cải: thông thường, VietGap và hữu cơ tại ngoại thành Hà Nội. Kết quả cho thấy mức phát thải KNK trên đơn vị diện tích giữa mô hình thông thường (5.949 kg CO2-eq/ha) và VietGap (5.930 kg CO2-eq/ha) không có sự khác biệt đáng kể, trong khi mô hình hữu cơ phát thải thấp hơn 1,5 lần. Mức phát thải trên khối lượng sản phẩm không khác biệt lớn giữa các mô hình. Tuy nhiên, phát thải KNK trên thu nhập từ sản phẩm của mô hình hữu cơ (5,5 kg CO2-eq/nghìn đồng) thấp hơn gần 3 lần so với mô hình thông thường và VietGap. Phân vô cơ là nguồn phát thải chính trong mô hình thông thường và VietGap, trong khi mô hình hữu cơ chủ yếu phát thải từ phân hữu cơ và sử dụng năng lượng. Các giải pháp sử dụng phân bón và năng lượng hiệu quả có thể giúp giảm phát thải KNK, hướng tới canh tác bền vững ở Việt Nam.
Tự nhiên
Khảo sát tỷ lệ tương tác thuốc và các yếu tố ảnh hưởng ở bệnh nhân điều trị tăng huyết áp ngoại trú tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột năm 2023-2024
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát tỷ lệ tương tác thuốc (TTT) có ý nghĩa lâm sàng ở những bệnh nhân điều trị tăng huyết áp ngoại trú tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột từ năm 2023 đến năm 2024. Nội dung nghiên cứu bao gồm đặc điểm của bệnh nhân và thuốc được kê trên đơn. Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp thống kê mô tả. TTT được tra cứu trên 3 cơ sở dữ liệu là Micromedex,Medscape.com,Drugs.com; yếu tố ảnh hưởng tới khả năng gây TTT được đánh giá bởi phép kiểm chi bình phương và hồi qui logistic. Kết quả thu được cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ trong mẫu nghiên cứu là tương đương nhau (50,48% và 49,52%), đa số bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 50 đến 70, nhóm thuốc được sử dụng nhiều nhất là chẹn beta (61,7%). Tỷ lệ TTT trong đơn là 22,54%, cơ chế gây ra TTT chủ yếu là dược lực học (71,29%). Các yếu tố ảnh hưởng tới nguy cơ xuất hiện TTT là bệnh suy tim (OR = 6,678, p = 0,001),số lượng hoạt chất trong đơn (OR = 3,865, p = 0,001) và sử dụng nhóm ức chế men chuyển (OR = 3,024, p = 0,01).Tuy nhiên,nghiên cứu chỉ được tiến hành trên đơn thuốc ngoại trú, cần thêm những nghiên cứu trong điều trị nội trú để đánh giá TTT đầy đủ hơn.
Phân loại ung thư vú sử dụng kết hợp thuật toán phân tích chùm mờ và mạng học sâu Inception ResNet - V2
Tóm tắt
|
PDF

Phân loại ảnh cộng hưởng từ (MRI) là một trong những ứng dụng thực tiễn đã và đang được quan tâm bởi nhiều nhà khoa học trên thế giới. Trong nghiên cứu, thuật toán phân loại ảnh ung thư vú được đề xuất dựa trên sự kết hợp của thuật toán phân tích chùm mờ và kiến trúc Inception ResNet V2 (FCIR-V2). Đầu tiên, thuật toán phân tích chùm mờ được sử dụng để phân đoạn các ảnh thành các lớp tách biệt. Sau đó, kiến trúc học sâu Inception ResNet V2 được áp dụng để phân loại các ảnh sau phân đoạn. Dựa trên các tham số cải tiến mới được thiết lập từ thuật toán phân tích chùm mờ và kiến trúc Inception ResNet V2, một mô hình phân loại mới hiệu quả cho vấn đề phân loại ảnh được thiết lập. Ngoài ra, mô hình này được ứng dụng cụ thể cho tập dữ liệu ung thư vú (Breast Cancer, 400x). Kết quả cho thấy phương pháp sử dụng thuật toán cho mô hình này hiệu quả hơn các phương pháp khác thông qua các chỉ số ACC và F1-Score.
Nghiên cứu tính chất điện hóa của carbon hoạt tính từ vỏ sầu riêng ứng dụng trong siêu tụ điện hóa
Tóm tắt
|
PDF

Trong nghiên cứu, than hoạt tính được tổng hợp thành công từ vỏ sầu riêng bằng phương pháp nung pha rắn và hoạt hóa bề mặt bằng KOH. Phân tích cấu trúc bằng phương pháp nhiễu xạ tia X cho thấy các mẫu than xuất hiện đỉnh nhiễu xạ rộng giữa 20° và 27°, tập trung ở 23° và một đỉnh ở 43° của carbon vô định hình. Bề mặt vật liệu than hoạt tính hình thành nhiều lỗ rỗng và xốp. Diện tích bề mặt riêng của vật liệu SR400 HH, SR500 HH và SR600 HH lần lượt là 1034, 1591 và 1576 m2/g. Các mẫu than hoạt tính được sử dụng làm vật liệu điện cực cho siêu tụ điện đối xứng. Tính chất điện hóa của điện cực được nghiên cứu bằng phương pháp quét thế vòng tuần hoàn. Kết quả cho thấy điện cực SR500 HH có điện dung riêng cao nhất với 70 F/g ở tốc độ quét 5 mV/s. Phương pháp phóng nạp dòng cố định vật liệu SR500 HH hoạt động ổn định trong 1000 chu kỳ phóng nạp, duy trì 86% điện dung.
Bào chế hệ vi hạt PLGA chứa hoạt chất luteolin-7-O-β-D-glucopyranoside và đánh giá hoạt tính kháng ung thư của chế phẩm
Tóm tắt
|
PDF

Hệ vi hạt PLGA chứa hoạt chất luteolin-7-O-β-D-glucopyranoside (LUT/PLGA-NPs) đã được bào chế thành công và được thử nghiệm đánh giá hoạt tính kháng ung thư. Kết quả cho thấy hệ vi hạt LUT/PLGA-NPs có kích thước trung bình trong khoảng 188 – 224 nm, điện thế zeta từ – 70 mV đến – 43 mV, khả năng giải phóng hoạt chất đạt 27,98 % và 74,80 % trong 72 giờ khảo sát, tương ứng tại pH 7,4 và 5,3. Điều này cho thấy LUT/PLGA-NPs có tính ổn định cao, phóng thích có kiểm soát và phân tán tốt. Hơn thế nữa, khả năng gây độc đối với tế bào ung thư cổ tử cung (HeLa) và giảm thiểu độc tính đối với tế bào phôi thận bình thường của chế phẩm cũng được ghi nhận. Vì vậy, hệ vi hạt LUT/PLGA-NPs hứa hẹn là một liệu pháp điều trị tiềm năng của các hợp chất có nguồn gốc từ thiên nhiên đối với bệnh ung thư từ công nghệ nano.
Nghiên cứu tiềm năng kháng ung thư của cao chiết nắp ấm hoa đôi (Nepenthes mirabilis)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng kháng ung thư của cao chiết Nắp ấm hoa đôi (Nepenthes mirabilis) trên một số dòng tế bào ung thư thử nghiệm. Kết quả cho thấy, cao chiết có khả năng ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư biểu mô cổ tử cung (IC50 = 151,35 và 158,49 µg/mL, chỉ số chọn lọc SI = 1,86 và 1,26, sau 24 và 48 giờ điều trị) và ung thư biểu mô đại trực tràng (IC50 = 141,25 và SI = 1,41 ở 48 giờ điều trị). Ngoài ra, hàm lượng polyphenol và flavonoid toàn phần trong cao chiết Nắp ấm hoa đôi được xác định trong nghiên cứu lần lượt là 538,20 mgGAE/g và 367,08 mgQE/g cao chiết. Những kết quả này không chỉ bổ sung tài liệu khoa học về các loài thực vật ở Việt Nam mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển các liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả hơn từ thảo dược.
Tổng hợp và tính chất quang của bột huỳnh quang đỏ BaMgAl10O17: Cr3+, Mn4+ ứng dụng trong chiếu sáng rắn
Tóm tắt
|
PDF

Bột huỳnh quang BaMgAl₁₀O₁₇: Cr³⁺, Mn⁴⁺ phát xạ đỏ được chế tạo thành công bằng phương pháp đồng kết tủa. Kết quả cho thấy vật liệu hấp thụ mạnh bước sóng 480 nm và phát xạ trong vùng phổ rộng từ 630 nm đến 730 nm ứng với ba đỉnh phát xạ tại 660 nm, 692 nm và 719 nm. Nồng độ pha tạp tối ưu là 0,7% mol Cr3+và 0,8% mol Mn4+, nhiệt độ nung thiêu kết tại 1200℃ trong 4 giờ. Việc pha tạp ion Mn⁴⁺ và Cr³⁺ vào BaMgAl₁₀O₁₇ làm tăng các tâm phát quang giúp phổ phát xạ có cường độ mạnh và vùng phổ mở rộng. Kết quả cho thấy bột huỳnh quang có tiềm năng ứng dụng cho LED chiếu sáng trong nông nghiệp.
Leptogenesis trong mô hình đối xứng S4 modular với cơ chế seesaw tối thiểu
Tóm tắt
|
PDF

Mô hình đối xứng S4 modular được xây dựng với cơ chế seesaw tối thiểu nhằm làm giảm bớt số lượng các tham số tự do cũng như các hạt mới khi mở rộng Mô hình chuẩn. Mô hình nghiên cứu đã thỏa mãn tất cả các dữ liệu thực nghiệm khu vực lepton như khối lượng neutrino, các tham số của ma trận trộn lepton. Trên cơ sở đó, miền giá trị được phép của các tham số của mô hình cũng được xác định. Mô hình cũng giải thích thành công bất đối xứng giữa vật chất và phản vật chất của vũ trụ thông qua quá trình leptogenesis.
Công nghệ sinh học
Chế tạo hạt nano bạc từ dịch chiết lá cây Lòng Mang (Pterospermum heterophyllum) tại Việt Nam và khả năng ức chế tế bào ung thư
Tóm tắt
|
PDF

Nano bạc được tổng hợp từ dung dịch bạc nitrat và dịch chiết lá cây Lòng Mang (Pterospermum heterophyllum) tại Việt Nam. Nó được phân tích bằng UV-Vis cho thấy bước sóng hấp thụ cực đại ở 415 nm, xác nhận sự hình thành hạt nano bạc. Hình ảnh TEM cho thấy hạt có hình dạng cầu, đường kính khoảng 40 - 45 nm và kích thước đồng đều. Phân tích FT-IR chỉ ra sự tham gia của các nhóm chức trong dịch chiết vào quá trình tổng hợp. Nano bạc có khả năng ức chế tế bào ung thư với IC50 lần lượt là 50,40 ± 1,60 µg/ml (MDA-MB-231), 40,88 ± 2,51 µg/ml (HT-29) và 55,32 ± 2,78 µg/ml (K562).
Công nghệ thực phẩm
Ứng dụng phương pháp phân tích thành phần chính trong đánh giá chất lượng bốn giống nhãn được trồng tại đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá chất lượng của bốn giống nhãn được trồng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung nghiên cứu được thực hiện dựa trên bộ dữ liệu về đặc điểm hoá lý, từ đó, tập dữ liệu đa biến được đánh giá thông qua phương pháp phân tích thành phần chính. Kết quả cho thấy, cả bốn giống nhãn có sự khác biệt ý nghĩa về các chỉ tiêu hình thái và hóa lý. Mỗi giống nhãn đều thể hiện các đặc tính đặc trưng nổi bật: giống Idor có tỷ lệ thịt quả cao nhất (69,49% khối lượng), giống Xuồng cơm vàng có độ ngọt vượt trội (23,11°Brix), giống Xuồng tím nổi bật với vỏ có màu đỏ tím (vỏ quả có chỉ số a* cao nhất 32,23) và giống Thanh nhãn có kích thước lớn cùng với thịt quả có màu vàng đặc trưng (đường kính và khối lượng trung bình là 35,05 mm và 19,74 g/quả với chỉ số b* của thịt cao nhất đạt 12,93). Những phát hiện này cung cấp cơ sở khoa học cho việc lựa chọn giống nhãn phù hợp tùy theo mục đích sử dụng nhằm tối ưu hóa chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Ảnh hưởng của albumin và carboxymethyl cellulose đến động học quá trình sấy bọt xốp và hoạt tính sinh học của cao chiết phenolic từ lá ổi Nữ Hoàng (Psidium guajava L.)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm sản xuất bột khô và ổn định hoạt tính sinh học của các hợp chất phenolic từ cao chiết lá ổi Nữ Hoàng. Phương pháp sấy bọt xốp được sử dụng trong nghiên cứu với albumin (2, 5, 10 và 15%) làm chất tạo bọt và carboxymethyl cellulose (CMC) (0,5, 1,0 và 1,5%) làm chất ổn định bọt. Đồng thời, việc áp dụng một số mô hình toán nhằm dự đoán đường cong sấy, tìm ra được nhiệt độ sấy (50, 60 và 70°C) và mô hình sấy thích hợp. Kết quả cho thấy nồng độ albumin 10%, CMC 0,5% và nhiệt độ sấy 60°C là phù hợp. Tổng hàm lượng phenolic thu nhận đạt 2,56±0,03 mg đương lượng gallic acid (GAE)/g căn bản khô (CBK) và hoạt tính chống oxy hóa DPPH đạt 12,42±0,03 mg đương lượng trolox (TE)/g CBK. Mô hình Page là phù hợp để dự đoán quá trình thoát ẩm trong khi sấy với R2 là 0,9996. Bột khô từ lá ổi Nữ Hoàng giàu phenolic và hoạt tính chống oxy hóa có thể sử dụng như phụ gia thực phẩm làm tăng khả năng chống oxy hóa cho thực phẩm và hỗ trợ sức khỏe.
Nông nghiệp
Nghiên cứu các điều kiện tối ưu cho sản xuất chế phẩm probiotic định hướng thay thế kháng sinh trên gia cầm từ các chủng Lactiplantibacillus
Tóm tắt
|
PDF

Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất chế phẩm sinh học từ Lactiplantibacillus bản địa ứng dụng trong chăn nuôi gà được nghiên cứu nhằm thay thế kháng sinh. Số lượng chủng Lactiplantibacillus được phân lập từ phân gà là 68, trong đó có 5 chủng kháng khuẩn tốt nhất chống lại vi khuẩn gây bệnh trên gà (Escherichia coli FG31-1, Salmonella typhimurium FC13827 và Proteus mirabilis MPE4069) đã được lựa chọn và đánh giá về tính an toàn. Bốn chủng (L. plantarum L3, L. plantarum L8, L. acidophilus L18, và L. agilis L27) được nuôi cấy trên các môi trường khác nhau, trong đó môi trường Mgl (chứa glucose) và Mlac (bột sữa gầy) cho sinh trưởng tốt nhất. Thử nghiệm lên men bán công nghiệp với các chủng này xác định tốc độ khuấy tối ưu là 50 vòng/phút, đạt sinh khối 0,6 g/L. Thông tin quan trọng về lựa chọn chủng và tối ưu hóa điều kiện nuôi cấy Lactiplantibacillus bản địa được cung cấp trung nghiên cứu, hướng đến hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà. Tuy nhiên, việc có thêm các nghiên cứu in vivo để đánh giá hiệu quả của sản phẩm này trong điều kiện thực tế là cần thiết.
Tỷ lệ nhiễm và yếu tố nguy cơ của Ancylostoma spp. ở chó được nuôi tại thành phố Huế và đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc ivermectin
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ nhiễm Ancylostoma spp. ở chó tại thành phố Huế và sự mẫn cảm của mầm bệnh với thuốc ivermectin. Mẫu phân chó được thu thập với số lượng 182 mẫu và được xét nghiệm bằng phương pháp phù nổi. Phân tích hồi quy nhị phân đơn biến được thực hiện để xác định tỷ suất chênh OR của các yếu tố có thể liên quan đến ancylostomiasis. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm Ancylostoma spp. là 19,78%. Các yếu tố bao gồm giống, tuổi, tính biệt và phương thức nuôi không ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm mầm bệnh. Trong khi đó, chó được tẩy giun thường xuyên có tỷ lệ nhiễm (12,61%) thấp hơn nhóm chó không được tẩy giun định kỳ (33,33%) (p
Hiệu quả kiểm soát nấm Colletotrichum sp. và Fusarium solani gây bệnh cây trồng của một số dịch trích thực vật ở điều kiện phòng thí nghiệm
Tóm tắt
|
PDF

Nhiều loại dịch trích thực vật như trúc đào, trầu không, thu thảo và tỏi có khả năng ức chế vi sinh gây bệnh cây trồng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn loại dịch trích thực vật có khả năng kiểm soát tốt khuẩn ty và bào tử nấm Colletotrichum sp. và Fusarium solani ở điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 4 loại dịch trích thực vật khảo sát đều có khả năng ức chế tốt nấm Colletotrichum sp. và Fusarium solani với hiệu quả ức chế dao động từ 1,4 đến 100%, trong đó nghiệm thức sử dụng dịch trích tỏi nồng độ 10% với dung môi là ethanol 20o có khả năng ức chế hoàn toàn khuẩn ty nấm trên môi trường PDA, đồng thời ức chế hoàn toàn sự hình thành và phát triển bào tử 2 dòng nấm này trong môi trường PDB sau 9 ngày. Tóm lại, dịch trích tỏi 10% có khả năng ức chế rất tốt sự phát triển hệ sợi và bào tử nấm Colletotrichum sp. và Fusarium solani ở điều kiện phòng thí nghiệm và có tiềm năng cao trong kiểm soát bệnh cây trồng.
Ảnh hưởng của dưỡng chất kali và tần suất tưới đến sinh trưởng và năng suất cây bắp lai (Zea mays l.)
Tóm tắt
|
PDF

Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của dưỡng chất K đến sinh trưởng và năng suất của cây bắp lai ở các tần suất tưới khác nhau. Thí nghiệm được thực hiện tại Trại Nghiên cứu và Thực nghiệm Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 10 năm 2023. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 12 nghiệm thức là 3 mức độ bón K2O (64, 80 và 96 kg/ha) kết hợp 4 tần suất tưới (2, 4, 6 và 8 ngày/lần). Kết quả thí nghiệm cho thấy việc bón 64 kg K2O/ha ở tần suất tưới 2 ngày/lần (ẩm độ đất 70,4 - 72,7%) bắp ngọt lai F1 Honey 10 có sinh trưởng và năng suất cao tương đương với bón 80 và 96 kg K2O/ha. Ở tần suất tưới 4 ngày/lần (ẩm độ đất từ 55,6 đến 59,1%), việc bón 80 và 96 kg K2O/ha có hiệu quả duy trì sinh trưởng và năng suất cây bắp lai. Cây bắp ở tần suất tưới 6 và 8 ngày/lần, bón K2O ở liều lượng 64, 80 và 96 kg/ha có chiều cao cây, chỉ số diệp lục tố, độ dẫn khí khổng, thành phần năng suất và năng suất bắp đều giảm.
Thủy sản
Sự biến đổi chất lượng của phi lê các nhóm màu thịt cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) trong quá trình bảo quản lạnh bằng nước đá
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự biến đổi chất lượng của phi lê cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) có màu sắc khác nhau trong quá trình bảo quản lạnh bằng nước đá. Phi lê cá (màu trắng, hồng, vàng) được thu từ nhà máy chế biến thủy sản, vận chuyển về phòng thí nghiệm, bao gói trong túi PE (Polyethylene) và bảo quản lạnh bằng nước đá. Việc đánh giá chất lượng phi lê cá được thực hiện vào các ngày 0, 4, 8 và 12 thông qua phân tích các chỉ tiêu như đo màu, tổng vi sinh vật hiếu khí (TVC), cảm quan, đo cấu trúc, pH, khả năng giữ nước (WHC), peroxide value (PV) và TBARs. Kết quả cho thấy độ sáng L*, giá trị a* và b* đạt giá trị cao nhất lần lượt ở phi lê cá màu trắng, hồng và vàng. Nghiệm thức phi lê nhóm màu thịt trắng cho kết quả của các chỉ tiêu chất lượng tốt hơn so với nghiệm thức nhóm màu thịt hồng và vàng. Tất cả nghiệm thức đều được duy trì chất lượng về mặt cảm quan và vi sinh (
Đặc điểm sinh học quần đàn cá cơm Thái (Stolephorus dubiosus Wongratana, 1983) ở vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số đặc điểm sinh học quần đàn của loài cá cơm Thái (Stolephorus dubiosus Wongratana, 1983) ở vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021, với 1.834 mẫu được thu thập từ nghề đáy và lưới kéo đáy. Kết quả cho thấy chiều dài khai thác trung bình là 50,4±7,3 mm, tập trung từ 40 đến 50 mm. Phương trình sinh trưởng von Bertalanffy: Lt = 89,3×(1-e -0,99*(t-(-0,13))), tuổi tối đa ước tính tmax = 3,04 năm. Sự tương quan chiều dài và khối lượng: Wcá đực = 1E - 05*L2,93, R² = 0,85; Wcá cái = 2E - 05*L2,86, R² = 0,85. Mùa vụ sinh sản chính từ tháng 1-3 và từ tháng 8 - 10; chiều dài thành thục ban đầu Lm50= 42,6 mm. Quần thể đang được khai thác ở mức cân bằng: Z = 3,82/năm, M = 2,50/năm, F = 1,32/năm, E = 0,35. Quần đàn được bổ sung quanh năm, nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 8. Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho khoa học cho việc quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lợi cá cơm Thái tại địa phương.
Hiệu quả phối hợp phương pháp tiêm và cho ăn vắc xin trong phòng bệnh gan thận mủ (Edwardsiella ictaluri) trên cá tra (Pangasianodon hypothalamus)
Tóm tắt
|
PDF

Trong nghiên cứu, việc đánh giá hiệu quả khi phối hợp tiêm và cho ăn vắc xin phòng bệnh gan thận mủ (Edwardsiella ictaluri) trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng, khả năng bảo hộ (RPS%) và biểu hiện gen miễn dịch đã được thực hiện. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên:(NT1) tiêm vắc xin ở ngày đầu và cho ăn vắc xin ngày thứ 30,(NT2) tiêm vắc xin ở ngày đầu và không cho ăn vắc xin ngày thứ 30, (NT3) không tiêm vắc xin ngày đầu và cho ăn vắc xin ngày thứ 30, và (NT4 - đối chứng) không tiêm vắc xin vào ngày đầu và không cho ăn vắc xin vào ngày thứ 30. Sau 50 ngày, tất cả các nghiệm thức được gây cảm nhiễm với E. ictaluri để đánh giá khả năng bảo hộ của vắc xin. Kết quả cảm nhiễm cho thấy hệ số RPS cao nhất được ghi nhận ở nghiệm thức NT1 (61,9%), tiếp theo là NT2 và NT3 lần lượt là 47,6% và 33,3%. Ngoài ra, sự tăng biểu hiện gen miễn dịch sau khi tiêm hoặc cho ăn vắc xin cho thấy sự kích hoạt hệ miễn dịch cá thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự phối hợp tiêm và cho ăn vắc xin không chỉ nâng cao hiệu quả bảo hộ mà còn là một giải pháp tiềm năng để tăng cường sức đề kháng cho cá tra.
Giáo dục
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên thuộc diện xét tuyển thẳng vào học bổ sung kiến thức tại Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên thuộc diện xét tuyển thẳng vào học bổ sung kiến thức của Trường Đại học Cần Thơ được phân tích trong nghiên cứu. Phương pháp đánh giá độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy Binary Logistic được sử dụng dựa trên cơ sở dữ liệu sơ cấp, thu thập từ 200 sinh viên học bổ sung kiến thức của Trường từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Kết quả nghiên cứu cho thấy 3 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên thuộc diện xét tuyển thẳng vào học bổ sung kiến thức tại Trường Đại học Cần Thơ là (i) Phương pháp học tập, (ii) Cơ sở vật chất và (iii) Phương pháp dạy học. Trên cơ sở đó, các khuyến nghị được đề xuất cho sinh viên, giảng viên và Nhà trường nhằm cải thiện kết quả học tập của sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Nhận thức và mức độ sẵn sàng của sinh viên Y khoa Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ về hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2023
Tóm tắt
|
PDF

Kết quả nghiên cứu nhận thức và mức độ sẵn sàng của sinh viên ngành Y khoa năm thứ năm và năm thứ sáu Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm học 2023 – 2024 về hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2023 được trình bày trong bài viết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Y khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có sự nhận thức rất đa dạng và có mức độ sẵn sàng cao đối với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn không ít sinh viên chưa nhận thức đầy đủ và chưa chủ động đầu tư cho công việc sau khi tốt nghiệp. Nhiều vấn đề được đặt ra cho nhà trường, hoạt động giảng dạy của giảng viên và quan trọng hơn hết là sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân sinh viên để thật sự trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế, phụng sự cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Xây dựng bộ rubrics đánh giá năng lực khoa học tự nhiên của học sinh tiểu học trong các bài học thuộc chủ đề nấm môn Khoa học 4
Tóm tắt
|
PDF

Đánh giá năng lực khoa học tự nhiên ở học sinh tiểu học là điều cần thiết để bồi dưỡng các kỹ năng khoa học cơ bản và phù hợp với các mục tiêu lấy người học làm trung tâm của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nghiên cứu này trình bày căn cứ khoa học, quá trình và 04 rubrics đánh giá năng lực ở học sinh lớp 4 trong chủ đề Nấm (Khoa học 4). Bốn rubrics được xây dựng cho từng bài học trong chủ đề này, mỗi rubric bao gồm 03 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Kết quả khảo sát giáo viên và cán bộ quản lí cho thấy rubrics có cơ sở khoa học và phương pháp luận vững chắc, thiết thực và phù hợp với các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở lí luận và rubrics để đánh giá hiệu quả năng lực khoa học tự nhiên của học sinh trong môn Khoa học 4 nói chung và trong chủ đề Nấm nói riêng.
Khảo sát nhu cầu cần được hỗ trợ trong học tập của sinh viên Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF

Trong nghiên cứu, nhu cầu hỗ trợ học tập của sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Cần Thơ đã được khảo sát nhằm xác định các nhu cầu cụ thể, đánh giá hiệu quả của các dịch vụ hiện có và đề xuất giải pháp phù hợp. Dữ liệu được thu thập thông qua bảng câu hỏi, áp dụng cho sinh viên thuộc nhiều ngành học và năm học khác nhau, sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Kết quả cho thấy sinh viên cần được hỗ trợ trong các lĩnh vực như kỹ năng học tập, sức khỏe tinh thần, định hướng nghề nghiệp và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, những hạn chế trong các dịch vụ hỗ trợ hiện tại và những vấn đề cần được cải thiện cũng đã được chỉ ra trong nghiên cứu. Các phát hiện từ nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng các chiến lược hỗ trợ học tập hiệu quả, nhằm nâng cao sự hài lòng và thành công trong học tập của sinh viên.
Kinh tế xã hội
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến các mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF

Bài viết được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến các loại hình nuôi trồng thuỷ sản của huyện Năm Căn làm cơ sở đề xuất giải pháp giảm thiểu sự tác động, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Với 90 hộ dân và 30 cán bộ quản lý nông nghiệp được khảo sát nhằm tìm hiểu các yếu tố tác động đến ba loại hình nuôi trồng thuỷ sản. Sau đó, 30 chuyên gia được tham vấn để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bằng phương pháp đánh giá đa tiêu chí. Kết quả cho thấy, các yếu tố về thời tiết, lợi nhuận, thổ nhưỡng, nguồn vốn nông hộ, chi phí đầu tư, hiệu quả đồng vốn là những yếu tố ảnh hưởng chính. Qua đó, các giải pháp như: cải tạo đất, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, quản lý chất lượng và giá vật tư, tập huấn khoa học kỹ thuật và chính sách hỗ trợ vay vốn cho nuôi trồng thuỷ sản được đề xuất nhằm khuyến cáo cho người dân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất hợp lý.
Phân tích và dự báo sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát các mô hình dự báo xu thế trong dự báo sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2024 - 2028. Hai mô hình dự báo gồm mô hình xu thế tuyến tính và mô hình xu thế bậc hai đã được thực hiện trên số liệu thống kê sản lượng cao su xuất khẩu trong giai đoạn 2007 - 2023. Các mô hình dự báo được đánh giá bằng sai số tuyệt đối trung bình (MAE), sai số phần trăm tuyệt đối trung bình (MAPE), căn bậc hai sai số bình phương trung bình (RMSE) và hệ số không ngang bằng Theil’s U. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mô hình xu thế bậc hai có sai số thấp nhất và thích hợp nhất cho dự báo sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh tế
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng gạo phát thải thấp của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng gạo phát thải thấp, dựa trên khảo sát 342 đáp viên tại Cần Thơ, An Giang và Vĩnh Long. Mô hình Logit nhị phân được sử dụng để xác định các yếu tố tác động đến hành vi lựa chọn sản phẩm. Kết quả cho thấy người tiêu dùng là nữ giới, có trình độ học vấn cao và hiểu biết về nông nghiệp xanh có xu hướng chọn gạo phát thải thấp cao hơn. Các hộ gia đình có nhiều trẻ em và cư trú tại Cần Thơ cũng có khả năng lựa chọn cao hơn so với các địa phương khác. Kết quả định giá ngẫu nhiên chỉ ra rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả khoảng 35.000 đồng/kg, cao hơn 63% so với giá gạo họ đang tiêu thụ. Kết quả nghiên cứu là cơ sở đề xuất các giải pháp và hàm ý chính sách như nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường truyền thông về sản phẩm thân thiện với môi trường và xây dựng chiến lược giá phù hợp để thúc đẩy tiêu dùng gạo phát thải thấp.